Điểm nhìn bên trong

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết tạ duy anh (Trang 34)

7. Bố cục của khóa luận

2.2.1. Điểm nhìn bên trong

Điểm nhìn bên trong là kể xuyên qua cảm nhận của nhân vật. Nó được biểu hiện bằng hình thức tự quan sát của nhân vật “tôi”, bằng tự thú nhận hoặc bằng hình thức người trần thuật tựa vào giác quan, tâm hồn nhân vật để biểu hiện cảm nhận về thế giới.

Mặc dù Lão Khổ được viết dưới hình thức kể chuyện theo ngôi thứ ba,

người kể chuyện đứng ngoài chuyện song thuật lại câu chuyện không bằng cái nhìn khách quan, lạnh lùng mà như hóa thân vào nhân vật để nhìn nhận, đánh giá các hiện tượng đời sống đang diễn ra.

Phải nhìn cuộc sống thông qua cái nhìn của nhân vật bằng điểm nhìn bên trong, người kể chuyện mới có thể diễn tả rõ nét cảm xúc, tâm trạng day dứt, đau đớn trong tâm hồn lão Khổ như: “Đời đáng ngán thật. Ví thử ngọn đèn kia nổ tung cho đêm tối ập xuống. Đằng này chiếc điếu bát bỗng dưng hôm nay cứ nổ tanh tách, kéo hơi nào say tít hơi ấy. Mà khi say thuốc lào, sướng tê đi, ai dở hơi lại nghĩ đến chuyện chết? A! Cái chí “dọc ngang” của lão đã tàn lụi rồi ư? Còn nhan nhản bọn cóc nhái ở cái làng này, chỉ chờ lão đổ là nhảy lên bàn thờ. Dù sao có lão lũ ấy cũng phải gờm! “Trạng chết chúa

băng hà” lão phải làm một cái gì kinh thiên động địa rồi chết mới mát gan mát ruột” [2, tr.12]; hay: “Đấy là lúc lão nghĩ đến đứa con tinh quái của lão. Những lời nó nói, ức muốn vỡ tim mà chết, nhưng rốt cuộc lão đều thấy hiển nhiên. Hóa ra kiếp người không là chó gì” [2, tr.138].

Có lúc, người kể chuyện hiểu thấu tâm trạng của Tư Vọc trên đường trở về làng Đồng: “Cuộc đời kỳ thú thật. Cuộc đời hay tiểu thuyết. Sự gặp gỡ giữa ông và anh chàng vô danh tiểu tốt này, phải chăng là sự giàn xếp của số phận? Mà sao anh ta ngủ dễ thế? Cái kiểu ngủ kia chỉ có được ở những người thanh thản, an nhiên trước mọi biến đổi của thời cuộc. Sao cái đất này người ta sống khổ thế, đến giấc ngủ cũng quá ư đơn giản” [2, tr.25] hay những suy nghĩ thầm kín đầy nhục cảm của bà Ba: “Chỉ phải cái bà hay buồn quá, hay buồn quá! Tâm hồn bà cũng phiêu diêu theo những đám mây ngũ sắc lúc chiều xuống. Và hình ảnh anh cận vệ - trời ơi – cứ ám ảnh bà như hiện thân của số kiếp tai ngược. Ôi anh Tư! Làm sao anh đẹp thế? Ví thử được ngủ với anh một lần, được chết lịm trong tay anh một lần… cô gái nào lại không nhớ suốt đời” [2, tr.109].

Với điểm nhìn bên trong, tâm lí và những suy nghĩ của nhân vật được bộc lộ chân thực và hết sức tự nhiên. Người kể chuyện không chỉ tái hiện lại các sự kiện diễn ra trong cuộc đời nhân vật mà còn tập trung đi sâu vào thế giới nội tâm của họ, qua đó nhân vật hiện ra có chiều sâu, đó là những con người luôn luôn trăn trở, suy tư trước cuộc đời, luôn tự nhận thức về mình.

Khác với Lão Khổ, trong Thiên thần sám hối, câu chuyện chủ yếu được

kể theo ngôi thứ nhất, người kể chuyện đồng thời là một nhân vật trong tác phẩm. Lựa chọn điểm nhìn dị biệt, đó là điểm nhìn của một hài nhi trong bụng mẹ, từ đó, hiện thực hiện ra đầy tàn nhẫn, nghiệt ngã, vượt quá sức tưởng tượng của con người.

Thoạt đầu hài nhi “khao khát chờ đến cái ngày vĩ đại ấy” – ngày cậu được chào đời. Nhưng trong khoảng thời gian chỉ còn 72 giờ nữa đó, cậu lại “ngẫm nghĩ về những điều lạ lùng nói ra từ miệng người đàn bà có giọng khàn khàn. Có quá nhiều điều không thể nào hiểu nổi (…) Ái chà! Xem ra cái cuộc đời ngoài kia cũng bất trắc và nguy hiểm lắm nhỉ?” [1, tr.10 - 11]. Cứ thế, toàn bộ câu chuyện được kể từ điểm nhìn bên trong của hài nhi và người đọc có dịp chứng kiến sự tha hóa đáng sợ của con người qua những câu chuyện nghe được.

Đó là câu chuyện về những người đàn ông đầy dục vọng song lại đểu giả, vô trách nhiệm, những người đàn bà do chung đụng với nhiều người cùng một lúc mà không biết đứa bé mình đang mang trong bụng là của ai. Chính sự vụ lợi, thói thực dụng, vật dục, sự ích kỉ, vô trách nhiệm, độc ác của người lớn chính là nguyên nhân dẫn đến bao cái chết của những đứa trẻ chưa được thành người.

Bào thai kinh sợ hiện thực quá tàn khốc, nấn ná không muốn chào đời, phân vân giữa việc trở thành người hay quay về làm thiên thần vĩnh viễn. Ở trong bụng mẹ, hài nhi “lắng nghe” thế giới, phán xét mảnh đất mà nó sẽ sống, nó làm phép thử cho những bậc sinh thành, xem họ có xứng đáng với tên gọi là “cha”, “mẹ” hay không. Nó trăn trở với câu hỏi lớn: Cuộc sống có đáng sống hay không? Để rồi, “khi chỉ còn ba tiếng đồng hồ nữa là hạn chót mà tự tôi phải đưa ra quyết định có nên làm người hay quay trở về nơi từ đó tôi đến” [1, tr.121], hài nhi nghe thấy lời thiên thần vang vọng, nghe thấy lời mẹ gọi trong “sự ăn năn và hi vọng lớn lao”; “cuộc sống là ân sủng lớn nhất” mà nó quyết định chào đời: “Tôi cần phải đến, thay vì bỏ đi” [1, tr.131]. Hài nhi quyết định đến với cuộc đời như chấp nhận một cuộc thách đấu với cái ác, cái xấu.

Thông qua điểm nhìn bên trong nhân vật bào thai, hiện thực hiện ra vô cùng chân thực, chân thực đến khốc liệt. Tính hiệu quả của việc lựa chọn

điểm nhìn bên trong mà Tạ Duy Anh sử dụng trong Thiên thần sám hối là ở

chỗ, nhà văn không cần giải thích gì thêm mà tự cái cuộc sống tội lỗi kia cứ hiện lên rõ ràng như những thước phim tư liệu hết sức khách quan. Qua hiện thực đầy ám ảnh đó, Tạ Duy Anh đã thẳng thắn lên án cái xã hội đang bị cơ chế thị trường biến thành tàn nhẫn, nhân cách con người đang dần bị hủy hoại, xói mòn.

Với Giã biệt bóng tối, Tạ Duy Anh đã tạo ra hệ thống điểm nhìn hết sức

đa dạng. Tuy nhiên, tác giả rất thành công khi sử dụng điểm nhìn bên trong để diễn tả những suy nghĩ, tâm trạng thầm kín của người kể chuyện, đặc biệt khi người kể chuyện là hai nhân vật dưới đáy xã hội: thằng bé mồ côi và cô ả cave.

Thằng bé Thượng là nhân vật được tác giả xây dựng để gửi gắm niềm thương cảm trước những số phận bất hạnh trong cuộc đời. Trải qua cuộc sống với quá nhiều mất mát, thiếu thốn, thằng bé luôn mang trong mình mặc cảm tủi nhục. Bị dòng đời xô dạt nay đây mai đó, không nơi nương tựa, không người chở che, nó luôn phải sống trong nỗi buồn tủi, cô độc: “Tôi luôn sợ hãi bị dòng người cuốn đi mất” [3, tr.46], “Tôi cắm mặt im lặng, cốt để được yên thân. Kinh nghiệm cho tôi biết sẽ chẳng có ai bênh vực tôi” [3, tr.46]. Những suy nghĩ của thằng bé rất nhiều lần khiến người đọc ngậm ngùi thương cảm: “Không có tiền dự trữ, cuộc sống xung quanh tôi càng đầy rẫy bất trắc. Tôi đâm ra sợ bất cứ thứ gì (…) Xảy ra cơ sự gì tôi sẽ chẳng biết bám víu vào đâu. Nỗi sợ lớn nhất của tôi là bóng đêm. Có cảm giác đêm tối mênh mông hơn, nhiều tai họa đang ẩn nấp hơn” [3, tr.126 – 127].

Cũng nhờ vào điểm nhìn bên trong, người đọc có thể hiểu được những giằng xé nội tâm của của thằng bé giữa lằn ranh thiện, ác để không bị khuất phục trước bóng tối: “Thế là tôi chỉ còn cách âm thầm chịu đựng trước sự hành hạ của ai đó để không thốt lên những tiếng kêu than (…) Tôi luôn bào chữa cho lí do mà họ cay nghiệt. Tôi tự nhủ mình là chính vì những người đó

sinh ra đã bị nguyền rủa, chịu nhiều thiệt thòi nên họ phải trút bỏ nỗi ấm ức lên đầu ai đó và tôi chỉ là kẻ có số phận không may mà thôi” [3, tr.142 – 143].

Hay khi tác giả trao quyền kể chuyện cho nhân vật ả cave trong phần

“Trích tự truyện của một cave”, điểm nhìn bên trong cũng hỗ trợ đắc lực giúp

cô bộc lộ những suy nghĩ, tâm trạng thầm kín của một con người đã từng bị sa xuống vũng lầy lội muốn hoàn lương để được quay về sống cuộc sống bình thường, thanh thản. Đó là những suy nghĩ đầy xót xa, cay đắng khi vẫn sống cảnh nhơ nhuốc: “Tôi biết họ coi tôi là con điếm nhưng không vì thế mà tôi phật ý. Bởi vì khi vuốt ve họ lòng tôi cũng ngùn ngụt sự khinh bỉ và niềm căm thù” [3, tr.227]. Thế rồi khi gặp thằng bé, khi bỗng nhìn thấy “ánh mắt của kẻ sắp tắt hết mọi hi vọng” nơi nó, trong con người cô đã có những đổi thay ghê gớm: từ “mềm lòng”, “dằn vặt” đến “thèm khát một cuộc sống khác” rồi “Kì lạ thay, vì lo cho thằng bé mà sau bao nhiêu năm lăn lóc trong ê chề, đó là lần đầu tiên tôi nghĩ đến tương lai” [3, tr.231]… Sau đó, câu chuyện được kể là quãng thời gian cô bị bắt vào trại phục hồi nhân phẩm, là thái độ câm lặng, nhẫn nhịn đối với mọi sự hành hạ, vu oan của mọi người. Cô đáp lại tất cả bằng sự khoan dung, cô “tìm thấy sự thanh thản, khoái lạc trong sự khổ đau, trong nhẫn nhục gánh tội thay, trong sự xả thân [3, tr.239] mong sớm được ra khỏi trại giáo dưỡng để đi tìm thằng bé – “thần hộ mệnh” của cô, “lí do sống tiếp” của cô.

Có thể nói, Tạ Duy Anh là nhà văn luôn có những tìm tòi, cách tân trong nghệ thuật trần thuật, đặc biệt là nghệ thuật tổ chức điểm nhìn. Mặc dù các tiểu thuyết của ông được viết với nhiều hình thức ngôi kể khác nhau, song tác giả rất khéo léo khi đã khai thác triệt để vai trò bộc lộ đời sống tâm lí của nhân vật người kể chuyện. Tạo ra điểm nhìn bên trong của người kể chuyện, để người kể chuyện tự cảm nhận về thế giới là một thành công của Tạ Duy

Anh. Qua đó, bạn đọc có thể khám phá được cấu trúc nội tại của tác phẩm cũng như hiểu được thái độ tư tưởng mà nhà văn muốn gửi gắm.

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết tạ duy anh (Trang 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(73 trang)