Yếu tố huyền ảo và tính bất khả tín của hiện thực

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết tạ duy anh (Trang 50)

7. Bố cục của khóa luận

2.3.3. Yếu tố huyền ảo và tính bất khả tín của hiện thực

Những câu chuyện được kể mang tính chất huyền ảo cũng là một biểu hiện của người kể chuyện không đáng tin. Tác giả đã xây dựng nên những người kể chuyện kể những câu chuyện không đáng tin cậy, lung linh màu sắc hư ảo. Hiện thực được nhắc đến không phải là hiện thực phổ biến, khả tín mà là những giấc mơ, những ám ảnh vô thức… Hiện thực đó không để người ta tin mà để người ta nghi ngờ và ngẫm nghĩ. Trong tiểu thuyết của mình, Tạ Duy Anh thường xuyên tạo ra hiện thực nhòe, hiện thực âm dương lẫn lộn, sự đan xen giữa cái thực và cái ảo… khiến cho câu chuyện trở nên mới lạ và đầy hấp dẫn, đồng thời đem đến cho người đọc nhiều suy ngẫm.

Trong Lão Khổ, người đọc bắt gặp những đoạn văn đan xen giữa thực

và ảo thông qua những giấc mơ, những tưởng tượng đầy ám ảnh của các nhân vật. Hàng loạt các hình ảnh ma quỷ hoang đường được nhà văn sáng tạo ra nhằm dựng nên một thế giới hư ảo, siêu thực: Tư Vọc sống trong ám ảnh với

những giấc mơ hư hư thực thực về “người vào đứng ở cửa than khóc, đòi trả đầu”, “luồng âm khí lạnh buốt” rồi “hình nhân không đầu”… trong chương

IX: Đối mặt với oan hồn hay việc lão Phụng chết vì hoang tưởng có một bầy âm binh đuổi theo khiến lão sa xuống vực trong chương XVII: Địa ngục… Hiện

thực huyền ảo giúp tác giả làm nổi bật tư tưởng ác giả ác báo ở trong tác phẩm.

Yếu tố huyền ảo trong Thiên thần sám hối lại thể hiện thông qua việc tác

giả trao quyền kể chuyện cho nhân vật “bào thai” còn trong bụng mẹ - một nhân vật phi lí: “Hạt nhân hư ảo nằm ở nhân vật xưng tôi song lại là một bào thai, nằm co nghe chuyện xã hội trong phòng phụ sản và ngẫm đời có đáng để sinh ra…”. Câu chuyện có vẻ hoang đường ấy đã được Tạ Duy Anh phản tỉnh với độc giả ngay trong lời tựa: “Câu chuyện khó tin này là của một đứa trẻ còn ở trong bụng mẹ. Nếu đọc xong quý vị vẫn không tin thì cũng không sao. Quan trọng chính là ở chỗ quý vị sẽ còn ám ảnh về chuyện có tin được hay không?” [1, tr.5]

Với Giã biệt bóng tối, yếu tố hoang đường, kì ảo lại càng được gia

tăng. Cùng với những tư liệu thiếu căn cứ rõ ràng thì những câu chuyện được kể trong tác phẩm cũng đầy tính hàm hồ. Đó là đầy rẫy những “lời đồn về một con chuột thành tinh”, rồi huyền thoại về cuốn sách cổ, về sự xuất hiện của con rắn cộc đuôi đều khiến người đọc nghi ngờ. Tính không nguyên vẹn, không thuần nhất, không đáng tin của “hiện thực” trong đây còn thể hiện ở sự trần thuật được thực hiện dựa trên một “bản tin thời sự” đầy rẫy các huyền thoại ngụy tạo về những cái chết kì lạ, về lời nguyền của vua quỷ… Rồi bóng tối là ai, nhà văn cũng không xác quyết, minh định mà nhường cho bạn đọc tự suy cảm.

Sử dụng các yếu tố huyền ảo, Tạ Duy Anh không nhằm mục đích kể những câu chuyện hoang đường để chạy theo sự hiếu kì của độc giả mà thông qua đó, nhà văn phản ánh hiện thực đời sống và thể hiện thái độ trước hiện thực đó: “Căn cốt của tôi vẫn bị ảnh hưởng của hiện thực nhưng tôi muốn đẩy

nó ở mức sâu hơn, đa diện, đa chiều hơn. Nhiều người thắc mắc về việc tôi khai thác đời sống hiện thực phi lí, nhưng một bằng chứng cho thấy trong cuộc sống, khi có quá nhiều cái dị thường sẽ trở thành cái bình thường và người ta đương nhiên chấp nhận nó. Khi viết, tôi luôn tâm niệm mình đang tạo ra một tác phẩm thật sâu sắc, mọi cái phi lý cuối cùng chỉ để phản ánh hiện thực hữu lý mà thôi”.

Như vậy, hình tượng người kể chuyện không đáng tin là điểm độc đáo trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh. Hình tượng đó tạo ra hiệu quả thẩm mĩ cao, qua đó, đối tượng được miêu tả hiện lên không rõ ràng, cụ thể. Muốn hiểu, người đọc phải dụng công, phải tích cực tham gia vào tiến trình tự sự nghệ thuật để chiêm nghiệm, đề xuất cách hiểu của riêng mình. Từ đó, người kể chuyện không đáng tin đề cao vai trò đồng sáng tạo ở bạn đọc.

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết tạ duy anh (Trang 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(73 trang)