Điểm nhìn đánh giá tư tưởng, cảm xúc

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết tạ duy anh (Trang 43)

7. Bố cục của khóa luận

2.2.4. Điểm nhìn đánh giá tư tưởng, cảm xúc

Điểm nhìn đánh giá tư tưởng, cảm xúc là “hệ thống quan điểm cảm nhận thế giới khác với điểm nhìn bên ngoài chỉ ghi nhận đặc điểm nhân vật, đồ vật, điểm nhìn đánh giá xuất phát từ trung tâm giá trị, thường là nhân vật

chính, người trần thuật. Quan điểm đánh giá thể hiện ở thái độ của chủ thể lời nói đối với khách thể, được bộc lộ qua các tính từ đánh giá, cách nhấn mạnh (…) Bản thân việc lựa chọn người trần thuật mang tư cách, tâm lí xã hội như thế nào đã là thể hiện quan điểm này” [26, tr.184 – 185].

Trong Lão Khổ, thông qua người kể chuyện ngôi thứ ba, Tạ Duy Anh

không chỉ miêu tả, tạo dựng bối cảnh không khí làng quê Việt Nam giai đoạn thế kỉ XX mà còn soi chiếu vào số phận, thân phận của người nông dân trong cơn lốc kinh hoàng của những biến cố lịch sử thời kì này. Thông qua điểm nhìn đánh giá của người kể chuyện – cái nhìn hoài nghi về lịch sử, Tạ Duy Anh đã đề xuất khuynh hướng nhận thức lại lịch sử, đặc biệt là vấn đề hiện thực nông thôn trong quá khứ. Tác giả đã thể hiện thái độ không bằng lòng với hiện thực được lí tưởng hóa một chiều, từ đó hướng người đọc nhìn nhận lại một cách toàn diện, đa chiều hơn về lịch sử.

Trong Thiên thần sám hối, kênh giao tiếp duy nhất của bào thai với cuộc

đời là “lắng nghe”. Từ sự lắng nghe này, cuộc đời đầy nghiệt ngã, vô lương, tàn nhẫn hiện ra. Tạ Duy Anh đã lựa chọn người kể chuyện là hài nhi để từ điểm nhìn trong trẻo đó, cuộc đời với đầy rẫy cái ác, cái xấu hiện lên càng tàn khốc, riết róng. Bào thai kinh hãi trước hiện thực mà nó nghe được, băn khoăn có nên tồn tại trong cái thế giới như một lò sát sinh với tất cả những hành động độc ác của con người hay không? Với cương vị là một thiên sứ nhỏ đến từ thiên đường, nó đánh giá, phán xét về mảnh đất nó sẽ sống: “Ái chà, xem ra cái cuộc đời ngoài kia cũng bất trắc và nguy hiểm lắm nhỉ. Có biết bao tai vạ khó lường mình còn chưa cắt nghĩa được bằng từ ngữ” [1, tr.11].

Cứ qua mỗi câu chuyện bào thai nghe được, nó lại trăn trở xem cuộc đời liệu có đáng để sinh ra. Cuối cùng, hài nhi vẫn quyết định đến với cuộc sống như chấp nhận dấn thân vào cuộc thách đấu với bóng tối, cái ác và cái chết.

Trong Giã biệt bóng tối có rất nhiều điểm nhìn thay nhau chiếu rọi, tuy

nhiên có hai điểm nhìn quan trọng nhất mà qua đó bộc lộ quan điểm cảm nhận thế giới đó là điểm nhìn của thằng bé Thượng và điểm nhìn của tên Quỷ - kẻ ẩn mình trong bóng tối.

Bằng điểm nhìn của nhân vật Quỷ, thế giới hiện ra đầy những xấu xa, tiêu cực. Đối với “tao”, cuộc đời “y như một sân khấu của những thằng hề”. Tất cả mọi thứ trong mắt lão đều như một trò đùa, là sự nhố nhăng, nhặng xị. Nhân vật “tao” đánh giá tất cả mọi người, không trừ một tầng lớp nào, đẳng cấp nào bằng cái nhìn đầy mỉa mai, chế giễu: “Hỏi như giáo sư tiến sĩ ấy nhỉ. Gà sống thiến sót chứ là cái quái gì mà tinh tướng. Lại còn tham gia ban bệ này, hội đồng nọ, cố vấn cố viếc nữa chứ” [3, tr.77]; “Đừng dơ dáng như cái đám trí thức nửa mùa thèm tiền, thèm quyền chết cha nhưng lại ra cái vẻ khí khái. Tao chỉ cần ném ra một đồng xu kêu leng keng là các hèn đại nhân hiện nguyên hình ngay. Tất cả đâm nhô bổ nhào như bầy vịt” [3, tr.143 – 144]…

Tất tật dưới mắt lão, từ những nhà khoa học mang danh giáo sư, tiến sĩ đến các nhà báo, nhà văn; từ “bọn học gạo chạy bằng cấp” đến bọn “xin nhà, xin chức vụ, xin lương bổng, xin đề tài ma, xin dự án cọp”; từ bọn thanh niên choai choai con nhà giàu ăn chơi trác táng đến mấy ông Ủy ban nhân dân… thảy đều bệnh hoạn, đểu cáng.

Mặc dù điểm nhìn đánh giá của người kể chuyện là nhân vật “tao” mang nhiều tính chất tiêu cực song thông qua đó, người kể chuyện có điều kiện thay mặt nhà văn nêu lên cách nhìn về con người cũng như xã hội Việt Nam thời hiện đại.

Bên cạnh điểm nhìn của nhân vật “tao” thì điểm nhìn của thằng bé Thượng cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong tác phẩm. Mặc dù thằng bé phải sống cuộc đời đầy bất hạnh, bị người đời đối xử tàn nhẫn… nhưng nó vẫn dành cho cuộc đời thái độ khoan dung và tha thứ. Thằng bé nuốt vào mọi

nỗi đau đớn, oan trái khi bị người khác hành hạ để quyết tâm không bán linh hồn cho quỷ dữ. Trong con người thằng bé diễn ra cuộc giao tranh khốc liệt giữa ánh sáng và bóng tối, giữa cái thiện và cái ác. Cuối cùng ánh sáng đã chiến thắng, chiến thắng bằng sự khoan dung, độ lượng và nhân hậu trong tâm hồn thằng bé. Qua điểm nhìn đánh giá tư tưởng, cảm xúc của thằng bé Thượng, Tạ Duy Anh muốn khẳng định sức mạnh của sự tha thứ và lòng khoan dung.

Điểm nhìn đánh giá tư tưởng, cảm xúc được tạo ra giúp người kể chuyện thay mặt nhà văn nêu lên cách nhìn nhận về nhiều vấn đề khác nhau trong đời sống, từ đó làm nổi bật lên chủ đề của tác phẩm.

Khảo sát ba tiểu thuyết trên của Tạ Duy Anh, chúng tôi nhận thấy nhà văn đã kết hợp các điểm nhìn với nhau: điểm nhìn bên trong; điểm nhìn bên ngoài; điểm nhìn không gian, thời gian; điểm nhìn đánh giá tư tưởng, cảm xúc. Chính ngôi kể và điểm nhìn đã góp phần lớn làm nên sự độc đáo của người kể chuyện trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh.

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết tạ duy anh (Trang 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(73 trang)