Điểm nhìn của người kể chuyện

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết tạ duy anh (Trang 33)

7. Bố cục của khóa luận

2.2.Điểm nhìn của người kể chuyện

Vấn đề điểm nhìn trong tiểu thuyết được nhà văn Anna Barbauld nêu từ đầu thế kỉ XIX. Đến cuối thế kỉ XIX, vấn đề được Herry James và F.Schlegel trình bày cụ thể hơn. Kể từ đó, vấn đề điểm nhìn được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm chú ý.

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, điểm nhìn là vị trí từ đó người trần

thuật nhìn ra và miêu tả sự việc trong tác phẩm. Không thể có nghệ thuật nếu không có điểm nhìn bởi nó thể hiện sự chú ý, quan tâm và đặc điểm của chủ thể trong việc tạo ra cái nhìn nghệ thuật [14, tr.113].

Pospelov khẳng định vai trò quan trọng của điểm nhìn trần thuật trong tác phẩm tự sự: “Trong tác phẩm tự sự, điều quan trọng là tương quan giữa các nhân vật với chủ thể trần thuật, hay, nói cách khác, điểm nhìn của người trần thuật đối với những gì mà anh ta miêu tả” [dẫn theo 6].

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử coi điểm nhìn như một chiếc camera dẫn dắt người cầm bút khám phá hiện thực và đưa người đọc đi vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Điểm nhìn nghệ thuật sẽ cung cấp một phương diện để người đọc nhìn sâu vào cấu tạo nghệ thuật và nhận ra đặc điểm phong cách ở trong đó.

Tựu trung lại có thể hiểu điểm nhìn là phương thức phát ngôn, trình bày, miêu tả phù hợp với cách nhìn, cách cảm thụ thế giới của tác giả. Nó là vị trí dùng để quan sát, cảm nhận, đánh giá.

Có nhiều loại điểm nhìn tồn tại trong tác phẩm văn học: Điểm nhìn của người trần thuật, tác giả hay của nhân vật trữ tình và của nhân vật; điểm nhìn không gian, thời gian; điểm nhìn bên trong, bên ngoài; điểm nhìn đánh giá tư tưởng cảm xúc; điểm nhìn ngôn từ, quán ngữ.

Điểm nhìn trần thuật gắn bó mật thiết với ngôi kể, nhưng rộng hơn ngôi kể. Tiểu thuyết của Tạ Duy Anh được kể theo ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba, do đó tạo thành hai điểm nhìn chính là điểm nhìn bên trong và điểm nhìn bên ngoài.

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết tạ duy anh (Trang 33)