GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DỊCHVỤ KẾ TOÁN TẠI CÁC DOANH NGHIỆP DỊCH VỤ KẾ TOÁN
3.2.4. Về phía khách hàng kế toán– đối tượng sử dụng dịchvụ
Một thực tế hiện nay là đại đa số các doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức tới công cụ quản lý kế toán. Vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp tổ chức công tác kế toán rất lỏng lẻo và hời hợt. Chính vì vậy mà hầu hết các thông tin báo cáo cho các cơ quản quản lý là những thông tin “ảo”, gây nghi ngờ cho các nhà đầu tư. Đây là rào cản lớn đối với doanh nghiệp khi muốn tiền xa hơn với những dự định và kế hoạch dài hơi hơn. Vì doanh nghiệp sẽ có những đối tác lớn, báo cáo tài chính sẽ là nguồn cung cấp thông tin để đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp, không chỉ năm hiện tại mà từ khi doanh nghiệp mới thành lập, đối tác sẽ có quyết định hợp tác hay không. Chẳng hạn, ngân hàng sẽ có quyết định giải ngân vốn vay, nhà cung cấp sẽ quyết định thời gian và khối lượng tín dụng thương mai,…. Chương 1 đã chỉ ra vai trò quan trọng của thông tin tài chính và “nguyên vật liệu” đối với kế toán cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến chất lượng báo cáo tài chính hay chất lượng dịch vụ kế toán. Do vậy, các doanh nghiệp cần nhận thức được điều này và hiểu rõ rằng, dù ai là người làm ra báo cáo tài chính thì cuối cùng, giám đốc doanh nghiệp và người đứng tên kế toán trưởng doanh nghiệp vẫn là người đầu tiên chịu trách nhiệm nặng nề đối với tính đúng đắn trên báo cáo tài chính. Hơn thế nữa, trong tương lai, một cơ chế mới về công khai thông tin sẽ
đòi hỏi các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn tới việc xây dựng một bộ máy quản lý trong sạch, vững mạnh, hướng đến các thông tin kế toán đáng tin cậy hơn. Do đó, các doanh nghiệp cần có định hướng xây dựng bộ máy kế toán ổn định, có trình độ để giúp việc cho doanh nghiệp đối với những đối tượng bên ngoài doanh nghiệp. Trong những năm đầu thành lập, chưa có đủ nguồn lực tài chính và hiểu biết để tổ chức được bộ máy kế toán, doanh nghiệp nên tìm đến các dịch vụ kế toán vì những lợi ích mà loại hình dịch vụ này đem lại cho doanh nghiệp là không hề nhỏ. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần cân nhắc chọn doanh nghiệp dịch vụ đã có đăng kí kinh doanh và cam kết chất lượng rõ ràng để đảm bảo chất lượng báo cáo tài chính của đơn vị mình, không vì giá phí rẻ mà bất chấp lựa chọn những dịch vụ “chui”, không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến những năm tài chính sau này và hình ảnh của doanh nghiệp tại cơ quan thuế. Nếu các doanh nghiệp làm được điều này sẽ tạo nên sự cạnh tranh lớn cho các doanh nghiệp dịch vụ kế toán trong việc khẳng định uy tín, thương hiệu và cam kết chất lượng. Nó có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển về chiều sâu của thị trường dịch vụ này.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần ý thức được vai trò của mình trong sự phát triển của dịch vụ kế toán nói chung. Doanh nghiệp mất chi phí cần được nhận về những dịch vụ có chất lượng. Bởi vậy, doanh nghiệp cần chủ động yêu cầu tham gia đánh giá chất lượng dịch vụ, yêu cầu và đề nghị với doanh nghiệp những dịch vụ gia tăng hoặc góp ý những điểm còn yếu, chưa được trong quá trình cung cấp dịch vụ kế toán. Những ý kiến này có tác dụng lớn trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ nói chung trên thị trường dịch vụ kế toán.
Tóm tắt chương 3
Chương 3 khóa luận đã nêu ra những ý kiến đóng góp dựa trên những hạn chế đã đề ra ở chương 2 và định hướng phát triển thị trường dịch vụ kế toán theo Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030
nhằm phát triển thị trường dịch vụ kế toán và nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán. Trong đó, khóa luận tập trung vào những hành động thiết thực và quyết liệt từ phía các cơ quan quản lý – giám sát và từ phía nhà cung cấp dịch vụ. Trọng tâm của các nhóm giải pháp tập trung vào hoàn thiện quy trình kiểm soát chất lượng dịch vụ, hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động dịch vụ kế toán và nâng cao nhận thức đối với dịch vụ kế toán và chất lượng dịch vụ kế toán. Tin tưởng rằng, việc triển khai được các nhóm giải pháp này sẽ góp phần đáng kể thúc đẩy thị trường dịch vụ kế toán phát triển không chỉ về số lượng mà còn đảm bảo chất lượng đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế.
KẾT LUẬN
Việc nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế là nhu cầu tất yếu của tất cả các doanh nghiệp nói chung và các tổ chức cung ứng dịch vụ kế toán nói riêng. Trải qua gần 25 năm hình thành và phát triển, thị trường dịch vụ kế toán Việt Nam đã đạt được những tăng trưởng đáng tự hào trên cả hai phương diện chất và lượng. Tuy nhiên, xu hướng hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới đòi hỏi các công ty làm dịch vụ kế toán cần có biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ của mình, đó cũng là một trong những điều kiện để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển được trong nền kinh tế mở với nhiều thành phần và sức cạnh tranh ngày càng lớn.
Khóa luận: “Chất lượng dịch vụ kế toán tại các tổ chức hành nghề kế toán– Thực trạng và giải pháp” đề ra mục tiêu nghiên cứu về chất lượng hoạt động quản lý, giám sát chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp dịch vụ kế toán qua khảo sát một số đơn vị khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ. Bằng phương pháp nghiên cứu khảo sát, thống kê, phân tích, tổng hợp khoa học, khóa luận đã tập trung nghiên cứu và đưa ra những kết luận, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận cơ bản về hoạt động dịch vụ kế toán và chất lượng dịch vụ kế toán cũng như kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán.
Khóa luận đã đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá thực trạng về cất lượng dịch vụ kế toán hiện nay thông qua kết quả kiểm tra của Chi hội kế toán hành nghề Việt Nam (VICA) và kết quả khảo sát thực tiễn của cá nhân từ 2 phía khách hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ. Từ những số liệu thống kê và tính toán minh họa cho thực trạng tình hình chất lượng và kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán, khóa luận chỉ ra những điểm còn tồn tại, bất cập đối với nhiệm vụ kiểm soát và nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán hiện nay.
Dựa vào tình hình thực tiễn và căn cứ vào những hạn chế cần khắc phục trong việc kiểm soát và nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, khóa luận đã đề
ra những giải pháp chú trọng vào 3 đối tượng là cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức cung ứng dịch vụ và khách hàng kế toán. Những giải pháp này mang tính đồng bộ và đều có thể thực hiện được nếu đạt được sự thống nhất từ cấp lãnh đạo đến bản thân khách hàng kế toán.
Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, khóa luận còn nhiều điểm hạn chế như:
- Quy mô khảo sát còn nhỏ, chưa mang tính tổng quát cho cả thị trường, điều này có nguyên nhân từ hạn chế về mặt thời gian và do sinh viên chưa đủ uy tín để được các đơn vị tin tưởng cho tiến hành lấy ý kiến khảo sát và phỏng vấn;
- Những lý luận đưa ra còn chưa đầy đủ và sâu sắc để làm căn cứ vững chắc cho những phân tích và nhận định;
- Do hạn chế về hiểu biết nên khóa luận chưa đề cập được đến công tác kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán và quản lý thị trường dịch vụ kế toán ở một số nước trên thế giới để lấy làm bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Tuy nhiên, khóa luận cũng đã đạt được những kết quả nhất định trong việc góp phần thúc đẩy nhận thức đầy đủ hơn về tầm quan trọng và góp phần chỉ ra những “chỗ trống” còn bỏ ngỏ, chưa được quan tâm đúng mức đối với vấn đề này. Khóa luận cũng đã mở ra hướng nghiên cứu mới về thị trường dịch vụ kế toán và hoàn thiện quy trình kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán, hướng đến một thị trường dịch vụ kế toán trong tương lai phát triển và chuyên nghiệp như kiểm toán hành nghề hiện nay đã làm.