Nếu tổ chức hành nghề kế toán xây dựng được một bộ các thước đo đánh giá chất lượng dịch vụ kế toán hay nói cách khác là kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán thì người được lợi đầu tiên chính là bản thân đơn vị cung ứng dịch vụ kế
toán.
Thứ nhất, việc ban hành được bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng dịch vụ chính là lời cam kết “giấy trắng mực đen” với đơn vị với khách hàng về chất lượng sản phẩm của đơn vị mình; đồng thời cung cấp được những gói dịch vụ có chất lượng đạt chuẩn, đáp ứng mong đợi của khách hàng. Qua đó làm tăng thêm sự tin cậy của khách hàng vào dịch vụ do đơn vị cung cấp, thúc đẩy hoạt động bán hàng và tìm kiếm khách hàng thuận lợi hơn.
Mặt khác, với quy trình kiểm soát chất lượng, nhà quản lý sẽ được giải phóng khỏi các công việc sự vụ; tiến độ và chất lượng công việc được cải thiện hơn. Việc đánh giá nhân viên để thưởng phạt cũng dễ dàng và minh bạch hơn nhiều bởi nhờ hệ thống hồ sơ, văn bản được tiêu chuẩn hoá, làm cho các quy định, quy tắc, quyền hạn, trách nhiệm trong khi thực hiện công việc được quy định rõ ràng, mạch lạc. Vì vậy hiệu quả công việc của tất cả các bộ phận cũng như các thành viên được nâng cao. Mặt khác cũng tránh được sự lẫn lộn, tranh chấp, cũng như sự đổ lỗi lẫn nhau khi có vấn đề xảy ra. Có thể thấy, công tác điều hành nội bộ và triển khai công việc nhờ đó cũng sẽ mau lẹ, chính xác hơn, tiết kiệm được nhiều chi phí do phải làm đi làm lại, sửa chữa những chỗ sai hỏng, thiếu sót và giảm được sự khiếu nại của khách hàng.
Thứ hai, nếu đơn vị thực hiện tốt quy trình quản lý chất lượng dịch vụ kế toán, khách hàng và bên thứ ba sử dụng thông tin kế toán cũng sẽ có thêm căn cứ để tin tưởng vào những con số mà kế toán dịch vụ cung cấp như khi họ tin tưởng vào kế toán tư (private accounting), từ đó đưa ra những quyết định đầu tư, điều hành hợp lý, có hiệu quả.