Lợi ích kinh doanh (BB) của doanh nghiệp

Một phần của tài liệu nghiên cứu mối quan hệ giữa trách nghiệm xã hội, hiệu quả tài chính và lợi ích kinh doanh của doanh nghiệp ở thành phố cần thơ (Trang 36)

Theo Bách khoa toàn thư về phương pháp và thuật ngữ kinh doanh, lợi ích kinh doanh là kết quả của một hành động hay quyết định góp phần hướng tới đáp ứng một hoặc nhiều mục tiêu kinh doanh. Việc tìm kiếm lợi ích kinh doanh bắt đầu với một sự hiểu biết về các mục tiêu kinh doanh và giải quyết bằng hành động. Lợi ích kinh doanh có thể xuất hiện dưới hình thức tiến trình hướng tới mục tiêu cao hoặc thấp. Những lợi ích kinh doanh có giá trị tích cực cho DN như sự hài lòng của KH, cải thiện hình ảnh thương hiệu, cải tiến chất lượng sản phẩm dịch vụ, giảm rủi ro, tăng doanh thu, lợi nhuận, giảm chi phí,... Lợi ích kinh doanh bao gồm lợi ích tài chính và lợi ích phi tài chính.

Mục tiêu lớn nhất của các DN là tạo ra lợi nhuận. Bất kỳ kết quả của một hành động được cho là góp phần vào mục tiêu lợi nhuận (như tăng doanh thu bán hàng hoặc tiết kiệm chi phí) đều có thể được coi là một lợi ích kinh doanh. Lợi ích kinh doanh có thể dễ dàng được chấp nhận là hợp pháp nếu đáp ứng các tiêu chí sau đây: Lợi ích có khả năng, lợi ích hữu hình và đo lường được, lợi ích góp phần hướng tới đạt mục tiêu kinh doanh.

Những lợi ích kinh doanh được đề xuất trong các tài liệu bao gồm: hình ảnh và uy tín được nâng cao; tăng doanh số bán hàng và lòng trung thành của KH; tăng khả năng thu hút, động viên và giữ lại NV; tăng cường tiếp cận vốn và các nhà đầu tư, giảm chi phí vận hành…

Trong phạm vi nghiên cứu, những lợi ích kinh doanh được xem xét bao gồm: danh tiếng của DN; thu hút, giữ chân KH; thu hút, giữ chân NV và tiếp cận vốn.

2.1.5.1 Danh tiếng của doanh nghiệp

Deephouse (2000) định nghĩa danh tiếng là sự đánh giá về một DN của các bên liên quan theo sự ảnh hưởng, sự quí trọng và kiến thức của họ. Danh tiếng là một nguồn lực dẫn đến lợi thế cạnh tranh, làm tín hiệu cho các bên liên quan về sự hấp dẫn của DN, từ đó họ có thể sẵn sàng ký hợp đồng với DN. Khi DN thực hiện tốt các hoạt động TNXH, DN có thể nâng cao giá trị thương hiệu của họ thông qua việc tăng cường sự tin cậy của các bên liên quan, tạo dựng danh tiếng tốt trong cộng đồng, từ đó DN có thể đồng thời duy trì lượng KH hiện tại và gia tăng lượng KH mới. Điều này sẽ có tác động tích cực đến hiệu quả tài chính của DN.

Neville và cộng sự (2005) xác định danh tiếng là một biến trung gian giữa CSR và hiệu quả tài chính. Danh tiếng rất quan trọng cho sự thành công của DN (Roberts và cộng sự, 2002; Jayne và Skerratt, 2003), và là một tài sản có giá trị lớn (Caminiti và Reese, 1992), đặc biệt là trong thị trường cạnh tranh ngày nay (Martin, 2009). Quan điểm dựa trên nguồn lực của DN cho rằng danh tiếng là một nguồn lực dẫn đến một lợi thế cạnh tranh, thông báo đến các bên liên quan về sự hấp dẫn của DN, từ đó các bên có liên quan sẵn sàng ký hợp đồng với DN (Deephouse, 2000). Brammer và Millington (2005) báo cáo một mối quan hệ tích cực giữa danh tiếng một DN và hiệu quả tài chính. Theo Roberts (2003), danh tiếng tốt nâng cao giá trị của tất cả mọi thứ một tổ chức làm và phát ngôn. Một danh tiếng xấu sẽ giảm giá trị của sản phẩm và dịch vụ. Nhiều DN lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực tiêu dùng, thành công lâu dài của họ phụ thuộc nhiều vào danh tiếng (Murray, 2003). Theo Curran (2005), TNXH là một thành phần quan trọng của danh tiếng một DN. Một DN thực hiện TNXH có thể được hưởng lợi từ việc nâng cao danh tiếng với công chúng, cũng như trong cộng đồng DN, tăng khả năng của để thu hút vốn và các đối tác kinh doanh (Schiebel và Pochtrager, 2003). Nghiên cứu của Pfau và cộng sự (2008) cũng cho thấy rằng các chiến dịch TNXH tăng cường nhận thức về hình ảnh và danh tiếng của công ty. Mittal và cộng sự (2008) trích dẫn nâng cao danh tiếng như là một động lực thúc đẩy chính đằng sau TNXH.

Bằng cách thông báo cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, danh tiếng có thể cho phép các DN bán sản phẩm với giá cao (Fombrun và Shanley, 1990). Ngoài ra, cũng có lập luận cho rằng các nhà cung cấp ít quan tâm đến các mối nguy hiểm khi ký hợp đồng với các DN có danh tiếng cao (Roberts và Dowling, 2002). Danh tiếng giúp thu hút người lao động (Schnietz và Epstein, 2005) và có thể nâng cao khả năng tiếp cận thị trường vốn và thu hút các nhà đầu tư (Fombrum và Shanley, 1990; Schnietz và Epstein, 2005). Trong một

thế giới đầy những sản phẩm tiêu dùng, có thể thấy rằng danh tiếng có được do hành vi có trách nhiệm với xã hội có thể là một cách để phân biệt một DN với đối thủ cạnh tranh (McWilliams, 2001). Tương tự, Roberts và Dowling (2002); Fombrun và cộng sự (2000); Porter và Van Der Linde (1995) và Spicer (1978), cho rằng các sáng kiến CSR có thể dẫn đến những lợi thế về danh tiếng như cải thiện sự tín nhiệm đầu tư, cơ hội thị trường mới và phản ứng tích cực của thị trường vốn sẽ nâng cao hiệu quả tài chính của tổ chức (Uadiale và Fagbemi, 2012).

2.1.5.2 Thu hút, giữ chân khách hàng

Khách hàng/ người tiêu dùng đại diện cho một trong những nhóm quan trọng nhất của các bên liên quan (Rugimbana và cộng sự, 2008). Sự thu hút KH và lòng trung thành của họ là nền tảng cho bất kỳ DN nào. Pivato và cộng sự (2008) nhận thấy người tiêu dùng có nhận thức về một DN có liên quan đến TNXH và tin tưởng cao hơn đối với DN đó và các sản phẩm của nó. Điều này dẫn đến doanh thu và lòng trung thành của KH tăng lên (Sweeney, 2009). Cùng với các yếu tố truyền thống quan trọng đối với người tiêu dùng như chất lượng, giá trị đồng tiền và hiệu quả tài chính, người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm đến hành vi xã hội của một DN (Dawkins và Lewis, 2003 và Knowles và Hill, 2001; Schiebel và Pochtrager, 2003; Hopkins, 2003; Vogel, 2005). Thật vậy, KH ngày nay không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm họ tiêu dùng mà họ còn quan tâm đến quá trình tạo ra chúng, đặc biệt là sự tác động đến môi trường, chính sách NV và KH,… do đó, một DN thực hiện tốt CSR có thể gây hấp dẫn người tiêu dùng, hơn nữa còn giúp DN tận dụng được kênh truyền miệng một cách tích cực. Đồng thời, việc thực hiện tốt CSR tạo niềm tin vững chắc và sự yêu quý nơi người tiêu dùng về cả sản phẩm và DN sản xuất ra chúng, vì vậy lòng trung thành của họ đối với DN sẽ được nâng cao.

Một nghiên cứu của 130.000 người trả lời khảo sát trực tuyến phát hiện ra rằng 53% người sẵn sàng trả nhiều hơn cho các sản phẩm chịu trách nhiệm xã hội (Williams, 2005). Người tiêu dùng cũng đang trừng phạt các DN vô trách nhiệm bằng cách tẩy chay các sản phẩm của họ hoặc đòi hỏi các sản phẩm được bán với chi phí thấp hơn (Creyer và Ross, 1997). Environics International Poll (2002) báo cáo rằng 1/3 người tiêu dùng tích cực khen thưởng và trừng phạt các DN trên cơ sở TNXH. Ruf và cộng sự (1998) tìm thấy một mối quan hệ tích cực giữa sự thay đổi trong TNXH và doanh số bán hàng. Một nghiên cứu Tây Ban Nha bởi Prado-Lorenzo và cộng sự (2008) chỉ ra rằng các DN có tiết lộ một khối lượng thông tin lớn về TNXH có doanh số bán hàng tăng trưởng tốt hơn so với những tổ chức có không tiết lộ thông tin

công khai. Tập trung vào thị trường Anh, Roberts và cộng sự (2002) phát hiện ra rằng 44% công chúng tin TNXH là một vấn đề rất quan trọng để xem xét khi đưa ra quyết định mua. Trong báo chí tài chính, báo cáo đã chỉ ra rằng hơn 70% người tiêu dùng Ailen tranh luận vấn đề môi trường ảnh hưởng đến sức mua của họ ở mức độ nào; 86% đồng ý rằng khi giá cả và chất lượng bằng nhau, họ có nhiều khả năng mua sản phẩm từ một DN có thực hiện TNXH (Brennan, 2002).

Becker-Olsen và cộng sự (2006) thấy rằng tiêu chí nhất định phải được thực hiện để ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng. Thứ nhất, người tiêu dùng phải tin DN đang thúc đẩy thực hiện CSR vì lợi ích của xã hội và không chỉ đơn thuần là để nâng cao lợi nhuận, tức là CSR không nên được xem như là một công cụ để PR. Thứ hai, CSR phải được xem như là công cụ chủ động và cuối cùng, là phải có một liên kết hợp lý giữa các DN và các tổ chức từ thiện mà họ đang hỗ trợ.

2.1.5.3 Thu hút, giữ chân nhân viên

Quan điểm DN dựa vào nguồn lực cho thấy rằng lợi thế cạnh tranh bền vững được dựa trên sự tích lũy, thu hút và duy trì các nguồn lực khó thay thế và khó bắt chước (Prahalad và Hamel, 1990), NV được xem như một tài sản thiết yếu trong bất kỳ DN nào. Backhaus và cộng sự (2002) chứng minh rằng CSR làm tăng tính hấp dẫn của một DN với các NV tiềm năng, các lĩnh vực có ảnh hưởng nhất của CSR bao gồm các vấn đề môi trường, quan hệ cộng đồng và chính sách đa dạng. Koh và Boo (2001) đã báo cáo một mối quan hệ tích cực giữa đạo đức tổ chức và sự hài lòng của NV. Hơn nữa, những NV gắn bó chặt chẽ với tổ chức thể hiện thái độ ủng hộ tích cực đối với tổ chức và có động lực làm việc nhiều hơn và ở lại lâu hơn với tổ chức. Mittal và cộng sự (2008) cho rằng CSR có một tác động tích cực đến năng suất của NV. Tương tự, Chatman (1991) cho thấy những NV mới có những tiêu chuẩn phù hợp nhất với các giá trị DN cảm thấy hài lòng, có ý định và đã thực sự ở lại với DN lâu dài.

Khả năng thu hút và giữ nhân tài của DN là rất quan trọng (Hopkins, 2003). Turban và Grenning (2000) sau đó đã tiến hành một nghiên cứu tương tự và một lần nữa tìm thấy các DN có xếp hạng CSR cao được coi là sử dụng lao động hấp dẫn hơn so với các DN có xếp hạng thấp. Đồng thời các tác giả trên cũng ghi nhận rằng CSR có thể đặc biệt hữu ích trong việc thu hút lao động chất lượng cao - những người có yêu cầu lựa chọn việc làm cao. Smith (2004) lập luận rằng giá trị xã hội và môi trường của DN đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp mới.

Một DN có danh tiếng bị hư hại có thể phải đối mặt tiêu cực đến vấn đề tuyển dụng. Khi một DN dầu mỏ lớn bị thiệt hại đến danh tiếng của mình, DN cho biết sinh viên trẻ đã không còn thu hút sự quan tâm đến DN (Roberts và Dowling, 2002). Một nghiên cứu McKinsey (1991), 403 giám đốc điều hành cấp cao của trên toàn thế giới cho thấy 68% trong số họ đồng ý rằng các tổ chức với các hành động gây hư hại đến môi trường sẽ ngày càng khó khăn khi tuyển dụng và giữ lại nhân viên có năng lực cao (Dechant và Altman, 1994). Pharoah (2003) báo cáo một nghiên cứu của hơn 800 CEO và các nhà kinh doanh cấp cao số liệu từ 7 quốc gia trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ phát hiện ra rằng CSR giúp thực hiện mục tiêu kinh doanh quan trọng là "tăng doanh số bán hàng", tiếp đến là mục tiêu quan trọng thứ hai " tuyển dụng và giữ chân NV".

Backhaus và cộng sự (2002) cho rằng người lao động yêu cầu thông tin đầy đủ và chính xác về nhà tuyển dụng trước khi chấp nhận một hợp đồng lao động, trong trường hợp không có sẵn thông tin này, người lao động sẽ nhìn vào các đặc điểm của các DN và sự nâng cao những nỗ lực của họ để quyết định hợp lý.

Theo Hopkins (2003), một trong những lợi ích vô hình rõ ràng nhất của việc tham gia trong CSR là tăng tinh thần, lòng trung thành và sự hài lòng của NV. Peterson (2004), Schiebel và Pochtrager (2003) lập luận rằng có một mối quan hệ tích cực giữa nhận thức CSR của một DN trên NV và cam kết của họ đối với tổ chức đó.

2.1.5.4 Tiếp cận vốn

CSR đang là một yếu tố quan trọng trong việc giúp DN tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt trong thời kỳ khó khăn như hiện nay. Bởi khi DN cam kết có trách nhiệm với xã hội, nhà đầu tư hay chủ nợ cũng có các lợi ích liên quan, hơn nữa danh tiếng của DN cũng được tạo dựng trong cộng đồng, do đó gây được thiện cảm và lòng tin ở các nhà đầu tư, tổ chức cho vay, giúp việc tiếp cận vốn từ các đối tượng này sẽ dễ dàng hơn. Waddock và Graves (1997) cũng cho rằng các nhà đầu tư nghiêng về phía DN có hiệu quả xã hội cao hơn. Tài chính dài hạn (nợ và vốn chủ sở hữu) cung cấp cho các DN các quỹ cần thiết để hoạt động và phát triển. Như vậy, khả năng tiếp cận vốn quan trọng đối với tất cả các tổ chức và có ảnh hưởng lớn đến sự thành công của tổ chức (Sweeney, 2009).

Roberts và cộng sự (2002) đã cho rằng TNXH của DN là chìa khóa để tiếp cận nguồn vốn. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư đang lựa chọn để đầu tư kinh phí của họ trong các tổ chức thể hiện tốt TNXH (Baron, 2008). 2/3 các

nhà đầu tư hiện nay tin một DN nhấn mạnh hiệu quả của nó trong hoạt động CSR sẽ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư hơn (Roberts và cộng sự , 2002).

Một phần của tài liệu nghiên cứu mối quan hệ giữa trách nghiệm xã hội, hiệu quả tài chính và lợi ích kinh doanh của doanh nghiệp ở thành phố cần thơ (Trang 36)