Khó khăn cho Chính phủ là trong bối cảnh cần phải thu hút đầu tư nước ngoài, nếu đặt nặng các mục tiêu về môi trường và xã hội thì các DN khó có thể thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nếu không quan tâm vấn đề TNXH thì những hậu quả về môi trường và xã hội sẽ không thể bù đắp được bằng các kết quả của sự tăng trưởng kinh tế. Do vậy, Chính phủ cần xây dựng một hành lang pháp lý bắt buộc các DN phải thực thi TNXH một cách đầy đủ và nghiêm túc, không phân biệt DN nước ngoài hay DN trong nước. Hành lang pháp lý này bao gồm những qui định cụ thể về môi trường lao động, các cơ hội đào tạo, bảo hiểm y tế, thời gian làm việc, hệ thống xử lý chất thải, an toàn vệ sinh thực phẩm,…. Khung pháp lý chính là biện pháp có hiệu lực nhất đối với việc thực hiện TNXH của DN; đồng thời, là giải pháp hỗ trợ đắc lực cho giải pháp về đạo đức, làm cho các động cơ đạo đức thường xuyên được củng cố và ngày càng có hiệu lực trên thực tế. Khung pháp lý cần phải rõ ràng, cách thức hoạt động cụ thể, có sự liên kết từ trung ương đến địa phương. Nhưng trước khi áp dụng khung pháp lý cho các DN, Chính phủ nên áp dụng TNXH ngay chính khu vực công, những DN thuộc sở hữu của mình, làm gương cho các DN noi theo.
Khi khung pháp lý đã được thiết lập, phải đi đôi với việc tổ chức một bộ phận quản lý TNXH ở Việt Nam. Bộ phận này có nhiệm vụ tuyên truyền thông tin, đánh giá công tác thực hiện TNXH của các DN, kiểm tra những vi phạm trong hoạt động TNXH, tiếp nhận những giải quyết khiếu nại của các bên có liên quan, tổ chức các hoạt động quy mô lớn và toàn diện để tạo sự ủng hộ của cộng đồng và xã hội đối với TNXH,…
Ngoài bộ phận quản lý TNXH, Chính phủ nên phối hợp với các ban ngành trung ương và địa phương tổ chức các cuộc thanh tra thường xuyên để
ngăn chặn ngay những hoạt động vi phạm và có các biện pháp xử lý kịp thời. Cần qui định rõ những hình phạt khi DN không thực hiện đúng qui định. Mức phạt cần phải cao, thậm chí nếu vi phạm quá nghiêm trọng, có thể tạm ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh. Các DN vi phạm nhiều lần sẽ bị công bố trên các trang thông tin đại chúng để răn đe các DN khác và thông tin KH, và thể hiện hành động quyết tâm của Chính phủ trong công tác TNXH.
Bên cạnh đó, Chính phủ nên tỏ rõ thái độ khuyến khích các tổ chức phi Chính phủ đầu tư vào việc thúc đẩy thực hiện TNXH. Tuyên bố của Chính phủ cần khẳng định khoảng thời gian dài hạn, nội dung qui định cụ thể nhằm tạo lòng tin cho các tổ chức đầu tư vào Việt Nam, tránh trường hợp các tổ chức chỉ đầu tư cầm chừng do lo sợ các qui định của Chính phủ sẽ thay đổi trong ngắn hạn như những qui định trong các lĩnh vực khác vừa qua. Ngoài ra, Chính phủ công bố rộng rãi các chính sách ưu đãi các DNNN hay DN tư nhân hợp tác trong đầu tư xây dựng các nguồn năng lượng sạch để sử dụng trong tương lai, thiết lập và phân bổ nguồn ngân sách hợp lý để nghiên cứu cách thức ứng dụng các nguồn năng lượng phù hợp với từng địa phương. Chính phủ cũng cần phối hợp với các hiệp hội, tổ chức phi chính phủ, VCCI trao giải thưởng tôn vinh các DN thực hiện tốt TNXH nhằm khuyến khích, động viên và tạo sức lan tỏa trong cộng đồng các DN.