Nguyên nhân từ phía cơ quan quản lý Nhà nước về công tác lưu trữ

Một phần của tài liệu Tổ chức, quản lý công tác lưu trữ tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (Trang 87)

Tài liệu hình thành trong hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không chỉ có giá trị đối với doanh nghiệp mà còn có giá trị về nhiều mặt đối với nền kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đặc biệt trong thời kỳ đổi mới như hiện nay, các doanh nghiệp đã và đang có vai trò ngày càng lớn trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam. Đối với công tác lưu trữ, trong nhiều năm qua chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi và phát triển mạnh mẽ cả về mặt lý luận, thực tiễn và hành lang pháp lý. Tuy

nhiên, cho đến hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật về lưu trữ kể cả Luật Lưu trữ cũng còn thiếu những quy định cụ thể về tổ chức, quản lý công tác lưu trữ của các doanh nghiệp. Bàn về vấn đề này TS. Hồ Văn Quýnh cho rằng: “Chưa có văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước quy định toàn diện cho công tác văn thư, lưu trữ của các doanh nghiệp. Vì thế công việc này còn nan giải. Tùy theo từng doanh nghiệp có tầm cỡ to nhỏ khác nhau mà họ tổ chức công tác văn thư, lưu trữ một cách thích hợp. Mục đích cuối cùng của công tác văn thư, lưu trữ ở các doanh nghiệp là phục vụ kinh doanh có hiệu quả. Công ty nào thấy đầu tư vào đây để sinh ra lợi nhuận thì họ tăng cường

và ngược lại”[32; tr.191]. Có thể khẳng định rằng, hiện nay chúng ta đang

thiếu hành lang pháp lý để hướng dẫn nghiệp vụ, thực hiện việc quản lý, thu thập, trưng mua, mua và nhận chuyển nhượng tài liệu từ doanh nghiệp.

Pháp luật lưu trữ Việt Nam chỉ dừng lại xem doanh nghiệp như một tổ chức kinh tế tức là xem công tác lưu trữ ở trong doanh nghiệp Nhà nước (thuộc sở hữu công) và cũng như các cơ quan hành chính nhà nước. Vì thế các quy định của luật pháp chưa áp dụng được trong các doanh nghiệp. Hơn nữa, pháp luật lưu trữ Việt Nam chỉ mới dừng lại thừa nhận quyền sở hữu tài liệu của cá nhân, gia đình, dòng họ mà chưa đề cập đến quyền sở hữu tài liệu của doanh nghiệp. Vì thế, trong thời gian qua, hầu như các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác lưu trữ chưa quản lý được khối tài liệu của các doanh nghiệp. Với quan điểm cho rằng: tài liệu của doanh nghiệp là tài liệu bất khả xâm phạm thuộc sở hữu hoàn toàn của doanh nghiệp cho nên các cơ quan quản lý lưu trữ các cấp hầu như chưa có những nghiên cứu về mặt lý luận và thực tiễn để xây dựng các chính sách quản lý phù hợp đối với công tác lưu trữ của các doanh nghiệp. Vì vậy pháp luật lưu trữ Việt Nam chưa có cơ sở để quy định cụ thể về chế độ quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ một cách phù hợp đối với công tác lưu trữ trong doanh nghiệp.

Từ những phân tích đó, cho thấy thực tiễn công tác lưu trữ trong doanh nghiệp còn nhiều hạn chế cũng xuất phát từ việc thiếu những quy định cần thiết, cụ thể và phù hợp để điều chỉnh công tác lưu trữ của các doanh nghiệp nói chung tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nói riêng. Đồng thời pháp luật lưu trữ Việt Nam chưa có các chế tài cần thiết trong việc xử lý các vi phạm về việc tự ý tiêu hủy, mua bán, chuyển nhượng, xuất khẩu tài liệu trái pháp luật nên chưa có cơ sở pháp lý vững chắc để quản lý tài liệu lưu trữ trong doanh nghiệp.

Mặc dù luật lưu trữ không quy định nhưng trong một số văn bản khác của Nhà nước lại quy định chế độ lưu trữ của doanh nghiệp nói chung như điều 12, Luật doanh nghiệp và chế độ lưu trữ tài liệu kế toán,… Tuy nhiên những văn bản này chưa quy định toàn diện về tổ chức, quản lý công tác lưu trữ doanh nghiệp. Hơn nữa, năng lực quản lý cũng như nhận thức về vai trò, vị trí của công tác lưu trữ trong doanh nghiệp của các cán bộ, cơ quan quản lý lưu trữ các cấp còn nhiều vấn đề bất cập nên chưa có một cơ quan nào quan tâm đến các khối tài liệu này. Minh chứng cụ thể cho vấn đề này, là trong đợt tuyên truyền triển khai Luật lưu trữ số 01/2011/QH13 ban hành ngày 11/11/2011 tới toàn thể nhân dân thì chưa có một Chi cục văn thư, lưu trữ hay địa phương nào tổ chức tuyên tuyền và triển khai tới các doanh nghiệp nói chung Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nói riêng. Khi mà các cơ quan quản lý Nhà nước về lưu trữ cũng như các cán bộ làm công tác lưu trữ còn chưa biết, chưa hiểu về thực tiễn lưu trữ, thiếu nhận thức đúng đắn và đầy đủ về giá trị của khối tài liệu này đối với nền kinh tế - xã hội của Quốc gia thì không thể có những cơ sở vững chắc để điều chỉnh pháp luật lưu trữ nhằm thực hiện việc quản lý có hiệu quả công tác lưu trữ trong các doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Tổ chức, quản lý công tác lưu trữ tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (Trang 87)