Về việc đổi mới bút pháp

Một phần của tài liệu Phản tỉnh và triết luận trong tiểu thuyết Thượng Đế Thì Cười của Nguyễn Khải (Trang 145)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.2.Về việc đổi mới bút pháp

Xu hướng đổi mới bút pháp thực sự nở rộ kể từ sau năm 1986, khi đường lối văn nghệ của ta có nhiều thay đổi. Sau bao năm ngủ yên, đã đến lúc văn nghệ phải phát triển theo đúng quỹ đạo của nó. Với tâm lý “là người thư ký trung thành của thời đại”, với trách nhiệm người cầm bút thời đổi mới, nhà văn không chỉ phản ánh lại hiện thực một cách đơn giản công thức. Hiện thực cần được soi chiếu dưới nhiều góc độ khác nhau trong tính phức tạp, đa chiều như nó vốn có. Mọi vấn đề đều có thể phản ánh, không có đề tài cấm kỵ. Nhà văn còn có thể thẳng thắn nói lên quan điểm của mình trong sáng tác, số phận con người cá nhân trong mối quan hệ với tập thể, tình yêu hạnh phúc bắt đầu được quan tâm hơn trong các sáng tác như Thời xa vắng, Chuyện làng Cuội

của Lê Lựu, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Bến không chồng của Dương Hướng… Đến với những tác phẩm như Thiên sứ của Phạm Thị Hoài, Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh, Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái, Giàn thiêu của Võ Thị Hảo... người đọc lại tìm thấy bút pháp phúng dụ huyền thoại và tượng trưng vừa độc đáo vừa mới mẻ, mang đến một thế giới hình tượng đầy màu sắc, phát huy tối đa trí tưởng tượng của độc giả. Ngoài ra bút pháp trào lộng giễu nhại mang màu sắc hiện đại cũng được nhiều tác giả quan tâm thể nghiệm.

Về phần mình, với trái tim nhạy cảm, ngay từ sau 1975 Hắn - Nguyễn Khải đã thể hiện rõ sự chuyển hướng văn chương của mình. Trong chiến tranh, với ý thức dùng văn chương phục vụ chính trị, bằng bút pháp chính luận, Hắn đã đưa người đọc đến những vấn đề thời sự chính trị có ý nghĩa

sống còn của dân tộc với những trang viết đầy trách nhiệm và một giọng văn rất riêng vừa khôn ngoan vừa tinh tế. Tuy vậy khi nhìn nhận lại quá khứ, Hắn cảm thấy thất vọng về những sáng tác của thời đó, nó quá công thức, máy móc luôn nhân danh tập thể mà phán xét mọi thứ. Hắn còn tự nhận mình chỉ là người của một thời, thời hết thì bạn đọc cũng hết: “Lắm ngày ngồi đọc lại hay nghĩ lại về những tác phẩm của mình đã viết trong mấy chục năm qua, nhiều trang viết vẫn còn làm tôi hãnh diện và có nhiều trang viết đã làm tôi xấu hổ và rất buồn. Những trang viết chủ quan, kiêu ngạo chỉ khẳng định có một niềm tin, một lẽ sống, rồi dạy dỗ, rồi lên án, rồi chế giễu tất cả những gì khác biệt với mình, đọc lại thật đáng sợ. Thế giới như nhỏ lại, nhạt đi, căng thẳng” [47, tr.396]. Bước sang thời kì đất nước hòa bình và phát triển, đứng trước những thách thức của thời đại mới, xã hội mới, bạn đọc mới, cho nên muốn được bạn đọc chấp nhận, bút pháp của Hắn nhất thiết phải thay đổi. Hắn tự nghĩ từ lúc này trở đi, bạn đọc của mình sẽ là những ai, rồi mình sẽ viết như thế nào khi những chuyện về nông thôn và chuyện bộ đội đã không còn phù hợp trong một cơ cấu xã hội mới. Và Hắn ý thức: “Vậy thì hãy để sự từng trải mới của hắn sẽ chỉ vẽ cho hắn phải viết cái gì, viết như thế nào để những người trẻ tuổi hôm nay vẫn là bạn đọc của hắn, vẫn mong chờ hắn, vẫn tìm được cái họ cần trong trang văn của hắn” [48, tr.333]. Độc giả rất dễ nhận ra một giọng văn hoàn toàn mới mang đậm chất triết luận. Hắn nhanh chóng từ giã “cái thời lãng mạn”, đơn giản, dễ dãi để viết những tác phẩm thể hiện rõ quan điểm cá nhân, hướng ngòi bút đến những sự thật đời thường, những giá trị có tính chất bền vững thể hiện chiều sâu tư tưởng và sự nghiền ngẫm hiện thực của nhà văn. Theo Hắn những tác phẩm như Gặp gỡ cuối năm, Cha và con và…, Thời gian của người… là những tác phẩm có giá trị bởi vì chúng có “giọng kể riêng”. Hắn xem đó như một thành công trong việc đổi mới bút pháp: “Thông thường câu chuyện là của đời, giọng kể là của hắn,

hắn đến với bạn đọc chủ yếu là nhờ vào giọng kể, nó là từng trải, là nỗi niềm, là tâm sự, là cả cái vui và nhiều cả cái buồn trong suốt cuộc đời của hắn. Giọng kể chính là cái hồn của hắn đã nhập vào chữ nghĩa, nhịp điệu để được đi sóng đôi với bạn đọc cho đến trang cuối cùng của cuốn sách.” [48, tr.350]. Hắn còn nhận ra những vẻ đẹp bình dị của đời thường với những mảnh đời, những số phận nhỏ bé cần sự quan tâm sẻ chia… mà từ lâu rồi Hắn lãng quên. Họ tồn tại hằng ngày hằng giờ trong một cộng đồng người với nhiều gương mặt khác nhau, quan trọng là người viết có tìm thấy họ không để biến họ thành hình tượng văn học sinh động chuyên chở những triết lý nhân sinh. Hàng loạt truyện ngắn như Nếp nhà, Người của ngày xưa, Một người Hà Nội, Đời khổ, Mẹ và các con, Một thời gió bụi, Sư già chùa Thắm và ông đại tá về hưu…, mỗi tác phẩm là mỗi câu chuyện, mỗi số phận hoàn cảnh trở nên rất gần gũi và quen thuộc. Giai đoạn này rất nhiều nhà văn chọn những vấn đề đời thường để viết, nhưng khi đọc tác phẩm của Hắn người đọc dễ dàng nhận ra, giọng người kể chuyện vẫn thông minh, lôi cuốn như trước đây, nhưng mỗi ngày một mềm mại, uyển chuyển hơn, không còn phản ánh một chiều, bên cạnh sự tự tin đã có cái tự chế giễu mình, cuộc sống đã được nhìn từ nhiều phía khác nhau. Nhân vật trong các tác phẩm giai đoạn này của Hắn -Nguyễn Khải hầu hết đều là những người đang sống. Qua việc kể lại một cảnh ngộ, một đời người như chị Vách, ông đại tá về hưu, bà Hiền… những đổi thay ở một phố, một làng, Hắn giúp người đọc nhận ra những biến chuyển đang diễn ra trong xã hội, hướng đi của nó. Bản thân lời kể chuyện không nặng nề chất chính luận mà giàu chất suy tư hơn, trong cái nghĩ đã thấm đượm nỗi buồn của người nhận ra ý nghĩa của thời gian và quy luật của đời sống. Từ những năm 30 tuổi Hắn đã nhận ra vẻ đẹp nên thơ, trong ánh sáng bình minh ở Mùa lạcHãy đi xa hơn nữa, nhưng đến 50 tuổi Hắn mới nhận ra vẻ đẹp của sự thất bại, của vất vả, của trầm luân trong cái quầng sáng vàng

úa của hoàng hôn khi viết Hai ông già ở Đồng Tháp Mười. Mỗi thời mỗi khác, không thể có chuẩn giá trị cho mọi thời. Vẻ đẹp nhân danh tập thể cộng đồng đến lúc phải nhường chỗ cho vẻ đẹp đời thường.

Không chỉ phản ánh hiện thực cuộc sống đời thường, Hắn còn biến cuộc đời và công việc sáng tác của mình thành đối tượng phản ánh. Bằng bút pháp tả thực mới mẻ và bút pháp trào lộng giễu nhại độc đáo mang màu sắc cá nhân, Hắn - Nguyễn Khải thực sự đã thành công trong việc thể hiện ý đồ nghệ thuật. Với giọng điệu giễu nhại sắc sảo và màu sắc tự trào thông qua cách xưng hô “Hắn”, “lão Khải”, “anh Khải”, “thằng Khải” kết hợp với những chi tiết vừa hài hước, vừa hóm hỉnh về chính gia đình và cuộc đời viết văn của mình, Hắn đã giúp người đọc hiểu hơn về “thời quá khứ” và đây mới là những giá trị thực sự trong cuộc đời. Hắn không thể ngờ vợ Hắn, một người phụ nữ tự nguyện suốt đời hy sinh vì chồng, chấp nhận ăn phần xương để chồng ăn phần thịt, sinh con và nuôi con một mình để chồng an tâm trong viết lách, cả đời phục tùng chồng đến cuối đời lại lên án Hắn cho rằng Hắn ngoại tình. Là người đàn ông có trách nhiệm, ông chủ đầy quyền lực trong gia đình nhưng Hắn lại không thể giải quyết được tình huống trên. Trong vai trò một nhà văn đại tá quân đội hết lòng trung thành với lí tưởng đến cuối đời Hắn lại nghi ngờ những gì mình cống hiến, không biêt đó có phải là những giá trị thật hay không? Từng là đại biểu Quốc hội vậy mà Hắn cho rằng chỗ của mình chỉ là bến phà, quán trọ, sân phơi hợp tác xã… Tất cả đều là những câu hỏi khó trả lời, như trò chơi đầy may rủi của thượng đế. Tuy vậy thông qua cách viết nửa đùa nửa thật, nửa buồn nửa vui, vừa tự giễu mình vừa như giễu sự đời, Hắn đã thật sự đem đến những triết luận có ý nghĩa sâu sắc, với nhiều cách hiểu khác nhau, để giúp con người tự ý thức sống tốt hơn trong cuộc sống, qua đó còn góp phần to lớn cho quá trình đổi mới và dân chủ hóa văn học dân tộc.

Một phần của tài liệu Phản tỉnh và triết luận trong tiểu thuyết Thượng Đế Thì Cười của Nguyễn Khải (Trang 145)