Về mức độ trung thực với chính mình trong sáng tác

Một phần của tài liệu Phản tỉnh và triết luận trong tiểu thuyết Thượng Đế Thì Cười của Nguyễn Khải (Trang 128)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.1. Về mức độ trung thực với chính mình trong sáng tác

Nhà văn là người phản ánh hiện thực theo cách riêng của mình, với ý nghĩa đó Hắn - Nguyễn Khải luôn nhạy cảm với những vấn đề thời sự, bám sát dòng chảy lịch sử nguyện làm “người thư ký trung thành của thời đại” (H. Balzac) để viết nên những tác phẩm giúp người đọc tiếp cận hiện thực bằng những hình tượng độc đáo và sinh động hơn. Dù ở đề tài nào, thể loại nào tác phẩm của Nguyễn Khải cũng luôn tạo được sự hấp dẫn cho độc giả và giới

nghiên cứu bởi sự sắc sảo và tinh tế trong việc phát hiện và tiếp cận vấn đề. Thời chiến tranh Nguyễn Khải sớm ý thức dùng văn học phục vụ cuộc kháng chiến của dân tộc, thời bình nhà văn đi vào khám phá sự thật đời sống với những vấn đề của hôm nay. “Đặc biệt trong thời kì đổi mới, Nguyễn Khải còn thể hiện trong tác phẩm nhiều loại người với cách nghĩ, cách sống và nói chung là thái độ của họ trước những vần đề mới đặt ta trong thời cuộc vốn rất đa dạng và đầy phức tạp. Ở đây tác giả quan tâm tới phương diện đạo đức của con người trước sự biến thiên của các giá trị trong thời buổi kinh tế thị trường” [47, tr.23]. “Ông say mê viết về những kiếp người cùng khổ xiết bao cao cả, tha thiết về một lối sống để được trung thực với chính mình, để nhận ra những mảng sáng còn lấp lánh mãi trong cái bề bộn của cuộc đời” [47, tr.22]. Điều đó chứng minh rằng Nguyễn Khải luôn khao khát khám phá hiện thực một cách trung thực như là những gì mình đã thấy đã nghĩ, xem đó là trách nhiệm là thiên chức của mình. Sau bao nhiêu năm sáng tác liệu nhà văn có thực sự trung thực phản ánh hiện thực như nó vốn có, có thật sự trung thực với chính mình hay không là những điều Hắn trăn trở trong Thượng đế thì cười.

Trong chiến tranh, tất cả mọi nguồn lực từ vật chất đến tinh thần được tập trung cho chiến đấu. Là nhà văn, Hắn không thể đứng ngoài không khí ấy, đi đến đâu Hắn cũng thấy được từng thời khắc, từng con người có thể làm nên lịch sử. Nhưng đôi khi giữa những gì Hắn quan sát và những gì Hắn nghĩ Hắn viết không hoàn toàn đồng nhất. Năm 1952 Hắn có dịp sống trong không khí hồi hộp, căng thẳng của một tỉnh công giáo bị quân đội Pháp chiếm đóng vừa giải phóng ở miền nam Nam Định. Ở đó Hắn lắng nghe và ghi chép tất cả những câu chuyện vừa hay vừa lạ, hàng trăm tình huống đặc sắc với rất nhiều nhân vật khác nhau. Với kho tư liệu ấy Hắn nghĩ “Có thể viết ngàn trang sách về những choáng váng của hắn trước cuộc sống ngổn ngang những trái

ngược, chỉ cần gọt giũa một chút là có hy vọng thành một pho sách để đời rồi. Nếu theo chân mà đóng giày không chừng còn sáng tạo được một loại tiểu thuyết mà cách kết cấu sẽ rất lạ rất mới.” [48, tr.131]. Vậy mà với kiểu viết của một anh nhà báo tuyên huấn, “Rút cuộc thằng viết báo tồi chỉ viết được có mươi mẩu chuyện ngắn, vài ba phóng sự, vật liệu bền vững thì quăng đi và thay vào thứ văn chương học trò và những tưởng tượng hết sức trẻ con” [48, tr.131]. Vì sao lại như vậy? Hắn biết đó chỉ có thể là những mẩu chuyện vặt vãnh, rồi người đọc sẽ quên ngay, nhưng Hắn không thể viết khác, nói đúng hơn là không dám viết đúng sự thật, bộc lộ hết quan điểm của mình. Hắn phải viết theo chủ đề, đề tài, theo sự hướng dẫn của cấp trên và phải biết rằng mục đích của những tác phẩm đó là “tuyên truyền đường lối - phục vụ cách mạng, cổ vũ tinh thần chiến đấu”. Truyện ký Người con gái quang vinh được Hắn viết theo đúng tinh thần đó. Hắn đến với thôn Long Động, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương để tìm thấy mọi dấu vết của một làng thời kháng chiến còn nguyên vẹn, được ngửi cả mùi máu khô và mùi khét của những đám cháy mới tàn, được nghe kể những câu chuyện “còn tươi nguyên, còn sống nguyên, còn cả cái ấm, cái nóng của hơi thở” thế nhưng Hắn chỉ viết được một truyện ký. Điều đó khiến Hắn ân hận, hối tiếc, “văn của mình mà không dám đọc lại, nhìn lại”. Hai lần viết không thành công là vì Hắn chưa thật sự trung thực với ngòi bút của mình. Hắn đã cố gắng biến cái không phải của mình thành của mình nên tất cả trở nên rất nhạt nhẽo, gượng gạo. Và Hắn mãi tiếc rẻ cái thời đã qua, “cái thời lãng mạn”, “Giả thử khôn ngoan hơn bây giờ, ngày ấy cứ chi chép lại những chuyện tai nghe mắt thấy….” [48, tr.285] thì biết đâu Hắn có thể làm nên những kỳ tích bất ngờ. Không hoàn toàn trung thực với chính mình, không phản ánh như đúng những gì mình quan sát thấy là điều dày vò Hắn.

Mỗi nhà văn đều trang bị cho mình những tín điều nghệ thuật riêng và chính nó làm nên phong cách giá trị của nhà văn. Nó không dễ gì bị tác động

bởi những yếu tố bên ngoài. Thực tế là nhà văn trong một xã hội, một tập thể có những lề lối riêng, đôi khi không thể hoàn toàn sống theo ý riêng của mình. Nhà văn có nhiệm vụ viết về những điều quan sát được trong cuộc sống, biến nó thành hình tượng sinh động, gửi gắm vào đó những ý nghĩa mang đến cho con người những giá trị chân - thiện - mĩ. Nhưng không phải chuyện gì cũng có thể đưa vào văn học, nói hết trong văn học, nhất là cái xấu, tuy rằng viết về cái xấu cũng là một cách cải tạo xã hội. Hơn nữa, những cái chưa tốt trong giới quyền lực thì lại càng khó nói, đôi khi là không thể nói, vì nó dính lếu tới hệ tư tưởng của một con người và cả thời đại. Việc không thể làm tròn thiên chức của mình luôn để lại trong Hắn cảm giác day dứt, có lỗi với bạn đọc, có lỗi với chính mình. Trong tác phẩm Tầm nhìn xa Hắn đã cả gan viết về những tiêu cực của một hợp tác xã kiểu mẫu, dính líu đến cả một đảng ủy mua gian bán lận. Ngay tức khắc Hắn bị lên án gay gắt. Cũng do cái số may mắn, Hắn được cấp trên bên vực vì cái Hắn phản ánh chỉ nhằm chống lại sự dối trá và tư tưởng tư hữu của người nông dân. Sau bao nhiêu năm sống và ltồn tại như một người viết bình thường, Hắn lại có cơ hội chen chân vào chốn quyền lực để có dịp quan sát và tìm hiểu kĩ hơn về cái thế giới mới lạ, mong có cơ hội viết những trang văn mới mẻ hơn cho bạn đọc. Quả thật với vai trò là đại biểu quốc hội, Hắn có dịp khám phá ra rất nhiều chuyện bất ngờ, xen lẫn chua xót. Không chỉ phát hiện Quốc hội là nơi thương lượng dễ dàng mà Hắn còn trở thành nhân viên chuyển thư bất đắc dĩ. Tuy nhiên những điều đó Hắn đã không thể phản ánh vào trong sáng tác vì nhiều nguyên nhân. Qua một nhiệm kỳ quốc hội, Hắn không đóng góp được gì cho dân cho nước, nói có một lần lại nói sai và không thực hiện đúng lời hứa với bà con đất thép Củ Chi, nhưng đổi lại Hắn rút ra được những kinh nghiệm sống và viết quý báu. Lúc đó Hắn nghĩ thì ra họp Quốc hội để đóng góp ý kiến dân chủ, hóa ra chỉ là hình thức bề ngoài. Nhiều đại biểu chân chính đã không dám nói, không dám đấu tranh

vì quyền lợi của người dân, tất cả đã biến hóa thành nhiều chiêu thức để bọn tiểu nhân thực hiện ý đồ của mình. Những nhân vật thực tế đó nếu biến hóa một chút sẽ biến thành hình tượng đầy màu sắc trong các trang văn thì còn gì bằng. Hắn sẽ trở thành một hiện tượng trên văn đàn lúc đó, có khi còn nổi tiếng cả thế giới, nhưng Hắn đã không thể. Bằng cái nhìn minh triết từng trải hơn của người già, cũng như những đánh giá về văn học có phần thông thoáng hơn, nên cuối đời Hắn mới có dịp bộc lộ một chút tâm sự của mình trong tiểu thuyết Thượng đế thì cười. Trong tiểu thuyết Hắn đã hé lộ những chi tiết có một không hai về những mặt trái trong kỳ họp Quốc hội do chính Hắn là người chứng kiến, hoặc đó là những câu chuyện của chính Hắn. Đó là những câu chuyện mà chúng tôi vừa trích lược ở trên như Quốc hội là nơi giao dịch, Hắn trở thành nhà văn kiêm đưa thư, kiêm cò pháo… Rồi thêm một chuyện rắc rối nữa, Hắn còn kể luôn chuyện mình đề nghị bổ sung thêm một số điều luật của Luật báo chí nhưng bị bác bỏ và quan trọng hơn, Hắn kể chuyện mình ngủ gật trong lúc họp Quốc hội. Đó là chuyện có thật được viết trong chương 22, của tiểu thuyết Thượng đế thì cười in trên báo Văn nghệ. Nhưng cũng vì nội dung này mà quyển sách bị đình xuất bản một năm. Đến khi Hắn - Nguyễn Khải đồng ý cắt bỏ một trang ở chương 22, có nghĩa là cắt bỏ một đoạn có phần kể chuyện “đại biểu quốc hội ngủ gật” thì quyển sách mới được xuất bản. Quyển sách tạo nhiều ấn tượng trong lòng bạn đọc, như chúng tôi đã khẳng định ở chương một, Thượng đế thì cười - mang giá trị tổng kết một đời văn. Tiểu thuyết không những kể lại những thăng trầm của cuộc đời, hoàn cảnh ra đời của nhiều tác phẩm, tất cả là những tâm sự hết sức trung thực của một con người, một nhà văn có lương tâm. Qua những phân tích trên chúng ta có thể khẳng định là nhà văn trong xã hội, nhất là xã hội còn thiếu dân chủ, có thể hoàn toàn trung thực với chính mình trong sáng tác là việc không dễ dàng, còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện, bản thân nhà văn

không thể tự quyết định. Riêng với Nguyễn Khải, những tác phẩm cuối đời của ông đã thể hiện rõ sự sám hối, nhìn nhận lại những ưu điểm và hạn chế của mình, dù chưa thực sự nói hết những trăn trở nhưng với những gì đã làm, nhà văn sẽ có vị trí xứng đáng trong lòng người đọc.

Một phần của tài liệu Phản tỉnh và triết luận trong tiểu thuyết Thượng Đế Thì Cười của Nguyễn Khải (Trang 128)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(163 trang)
w