Về nhận thức của chính bản thân đối với tôn giáo

Một phần của tài liệu Phản tỉnh và triết luận trong tiểu thuyết Thượng Đế Thì Cười của Nguyễn Khải (Trang 104)

7. Cấu trúc của luận văn

2.4.3. Về nhận thức của chính bản thân đối với tôn giáo

Là một nhà văn quân đội, bản thân thấm nhuần lí tưởng cộng sản, Hắn - Nguyễn Khải nhận thức rõ những quan điểm đúng đắn của chủ nghĩa duy vật biện chứng và những giá trị tốt đẹp mà chủ nghĩa xã hội sẽ mang lại cho dân tộc, cho đất nước. Nhưng Hắn cũng là một nhà văn, mà nhà văn thì luôn khát khao khám phá hiện thực cuộc sống, khám phá những vấn đề tư tưởng và cả thế giới tâm linh đầy huyền bí. Đối với Hắn, thế giới tâm linh của tôn giáo còn là nơi an ủi cho thân phận không may mắn mà Hắn thường nghĩ đến mỗi khi vấp phải khó khăn hay đau khổ: “Từ nhỏ hắn đã có thiên hướng về cái thiêng liêng, cái thế giới bên kia để tìm một chỗ ẩn náu cho cái thân phận bấp bênh của mẹ con hắn, và cũng là nơi giải tỏa nhiều ẩn ức của một tuổi thơ có quá nhiều nỗi buồn” [48, tr.205]. Đơn giản tuổi thơ Hắn chỉ nghĩ về tôn giáo như một thế giới thiêng liêng thuộc về niềm tin của con người, giúp con người chạy trốn hiện thực, tự an ủi mình, nhưng càng đi sâu vào thế giới tôn giáo nhà văn càng phát hiện bản chất tốt đẹp mà tôn giáo mang lại cho cuộc sống nếu như con người biết xây dựng cho mình đức tin và lẽ sống đúng đắn. Vì vậy Hắn - Nguyễn Khải là người đầu tiên và cũng là người dành nhiều trang văn cho đề tài này với bốn quyển tiểu thuyết trong các thời kỳ sáng tác khác nhau đem đến cho người đọc cái nhìn sâu sắc hơn về tôn giáo. Như nhận xét của Tuyết Nga trong chuyên luận Phong

cách văn xuôi Nguyễn Khải: “Khám phá con người tôn giáo từ phương diện đời sống tâm linh để đi đến một quan niệm mới linh hoạt, đầy đủ hơn về con người là đóng góp mới độc đáo của Nguyễn Khải” [63, tr.147].

Sau nhiều lần viết những đề tài khác, Hắn có dịp đi tìm hiểu thực tế ở một vùng gốc đạo ở Nam Định, lắng nghe những tâm tư và nguyện vọng của những người trong giáo hội. Hắn đã nhận ra và thông cảm ngay với những ước nguyện của họ “muốn dâng hiến đời mình cho thiên chúa và giáo hội vì tự xem có ơn thiên triệu”, “Số phận của em đã được định đoạt từ trên làm sao em dám thay đổi, mà em cũng không buồn thay đổi” [48, tr.205]. Các tu sĩ đó rất hồn nhiên trong niềm tin của mình, họ là những người có trí tuệ, có học vấn, dâng trọn đời cho chúa, không muốn thay đổi vì một nỗi sợ hãi mơ hồ. Họ chỉ mong ước “có một chỗ đứng xứng đáng trong lòng dân tộc” [48, tr.205], tức là mong muốn được thừa nhận cái thế giới tinh thần của họ, không bị ràng buộc hay ngăn cấm bởi một thế lực nào. Cái đáng thương của họ là ngay khi đất nước mới hòa bình, cái cũ cái mới, cái tốt cái xấu đan xen nhau nên việc lựa chọn một hệ tư tưởng đúng đắn là không dễ dàng, đáng tiếc là một số người lại lựa chọn ý thức hệ nếu không phản tiến bộ thì cũng có những điều cần phải điều chỉnh vì đi ngược lại với lợi ích và hòa hợp dân tộc. Họ phát hiện những tệ hại, những mặt trái của giáo hội nhưng không biết làm gì để thay đổi để điều chỉnh cho tốt hơn, nên đành cam chịu để cuối cùng phải rơi vào bi kịch không lối thoát, đôi khi đổ vỡ niềm tin, thậm chí chịu mất mát hi sinh khi lí tưởng không thành. Đó là bi kịch đen tối một thời của giáo hội kể từ lúc mới lập đạo cho đến khi chiến tranh kết thúc, những người đi trước có khát vọng lớn lao nhưng vì những lí do chủ quan và khách quan họ đã không xây dựng được nền tảng vững chắc để hướng con chiên đến với chân, thiện, mĩ. Điều này đã được Tư Tốn phơi bày trong một lúc phẫn nộ của mình: “Nhưng một nửa cái đầu của bọn con đâu có được tự do, các chú đâu

có giúp gì để con cháu được suy nghĩ một cách tự do. Rồi chú coi, cha sẽ chon con ông sẽ chon cháu, người già sẽ phải cầm mai chôn hết đám trẻ vì chúng đã là cái tội cái nợ của hội thánh.” [48, tr.212]. Dẫu biết là sai vẫn không dám thay đổi, sợ thay đổi hoặc nếu muốn thay đổi thì lại không có phương thức thích hợp nên cuối cùng vẫn rơi vào bế tắc, nó như một thuộc tính cố hữu của người nông dân. Cái chết của nhân vật Tư Tốn là cái chết của sự mù quáng về niềm tin, chịu nô lệ cho những tư tưởng lạc hậu, phản tiến bộ. Ông Hai Gáo cũng vậy là người trưởng thành từ thời kì lập đạo, là người khôn ngoan tháo vát có học thức, hiểu biết sâu sắc từ ngoài vào trong giáo hội cả chuyện tốt lẫn xấu. Sau khi đất nước thống nhất, ông rời xa giáo hội sống cuộc đời bình dị cố quên đi quá khứ, nhưng vẫn giữ lấy niềm tin tốt đẹp về lí tưởng của mình để dạy con cháu: “Cái đạo ấy chẳng đem lại lợi lộc gì cho ông nhưng nhờ nó ông đã dạy bảo được con cái. Giáo tổ đã lẫm liệt thế ắt cha mình không đến nỗi hèn. Làm con ông già là một kiêu hãnh, ông đã nói là nên nghe, vì lời nói ấy có thời đã được hội thánh nể trọng. Nó nghe ông, kính ông vì cái vầng hào quang giả, dẫu là giả vẫn cứ hơn là không có” [48, tr.213]. Chính cái cách sống với “hào quang giả”, niềm tin giả đã khiến ông phải gánh chịu đau khổ cuối đời, con ông đã phạm tội với chính quyền cách mạng chỉ vì nó muốn hoàn thành nguyện vọng sâu xa của cha, để cha được bằng lòng và hãnh diện. Chúng đâu có biết rằng mình đã bị lừa. Giữa mộng tưởng và đời thường có khoảng cách rất xa. Kết thúc đau buồn là tất yếu vì cuộc đời vốn rất thực tế, chứa đựng nhiều bất trắc, phiền muộn nếu không có điểm tựa về tinh thần để nuôi dưỡng đức tin và danh dự thì làm sao sống được.

Ở tiểu thuyết Xung đột (tập 1), Hắn - Nguyễn Khải khai thác khía cạnh xung đột gay gắt giữa lực lượng cách mạng và phản cách mạng đội lốt tôn giáo đang diễn ra trong từng con người, trong từng gia đình, cái mới hình

thành bên cạnh cái cũ, người tốt và người xấu song song cùng tồn tại. Nhưng Hắn chưa tìm được con đường giải quyết thỏa đáng để có thể giải phóng tinh thần con người, giúp họ nhận ra ánh sáng của chân lý và vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Ở những tác phẩm sau này, Hắn đã có cái nhìn khác hơn về tôn giáo, về giáo dân và mạnh dạn đưa ra những cách nghĩ cách giải quyết của mình. Và kể từ lúc đó Hắn - Nguyễn Khải bắt đầu nhìn nhận ra vấn đề: tôn giáo không đứng ngoài chính trị nhưng không phải ai đến với tôn giáo cũng vì mục đích chính trị và làm chính trị dưới chiếc áo tôn giáo. Tất cả chúng ta dù là giáo dân hay người bình thường đều là công dân của một nước, vì thế mỗi người luôn phải có trách nhiệm tự rèn luyện bản thân trở thành người có ích. Phần hồn của giáo dân thuộc về chúa, nhưng xác thịt của con người là thuộc về đời, không thể có giáo dân nào làm những việc tốt đẹp theo ý Chúa mà lại đi ngược lại với lợi ích dân tộc, cho nên làm sao biết dung hòa trách nhiệm của một giáo dân và một công dân là việc có ý nghĩa rất lớn. Càng về sau Hắn không những chỉ phản ánh những vấn đề mang tính thời sự mà còn phản ánh những vần đề mang tầm khái quát cao và chiều sâu tư tưởng có ý nghĩa triết học về mối quan hệ giữa thần quyền và thế quyền, thực tiễn và đức tin, tâm linh và trí tuệ. Cho nên tiểu thuyết Cha và con và… được viết để tiếp tục thể hiện những vấn đề mà nhà văn còn trăn trở hoặc chưa giải quyết được ở các tác phẩm trước đó. Cha Thư - nhân vật trung tâm của tác phẩm - là người được Nguyễn Khải đặt trong thử thách làm sao dung hòa được giữa luật lệ của chúa với những lề thói của cuộc đời. Là người được trang bị đầy đủ niềm tin với những hình ảnh tốt đẹp về nước chúa trong tâm tưởng, cha Thư nguyện sống và cống hiến để làm “rạng danh đất Chúa”, nhưng lại vấp phải thực tế nan giải. Ông phải làm việc với một cha già quản hạt là đối thủ về tinh thần với tòa giám, với các ông chánh trương, trùm trưởng lọc lõi khôn ngoan, với một ông linh mục mất hết niềm tin và cả một xứ đạo nửa chính nửa tà, tất cả

đều trần tục và trơ tráo. Họ còn thêu dệt thêm một mối thù cho rằng cộng sản đã giết hại người thân khiến cha rơi vào khủng hoảng sâu sắc. Như một câu hỏi khó giải đáp “… một người rất thánh thiện, muốn làm một giáo sĩ dân chủ tiến bộ, lấy việc phụng sự nước Chúa và bầy chiên của Chúa làm lẽ sống một đời của mình. Có làm được không? Có được xứ đạo ủng hộ không? Có được chính quyền địa phương tin tưởng không?” [48, tr.208]. Trước những thử thách như vậy liệu nhân vật có vượt qua được không? Bằng khả năng tự ý thức cùng ý chí mạnh mẽ, họ đã biết gạt bỏ những suy nghĩ ngây thơ, những sai lầm, những lề thói để đi đúng hướng: “Ông linh mục lẩn thẩn, sống đau đớn trong sự đối đầu giữa các chức phận” trở thành “một ông linh mục thánh thiện đã tìm ra cách hòa giải giữa các trách nhiệm, cái gốc của sự điều hòa ấy là lấy giáo dân làm chúa của mình, làm Người chỉ bảo mình” [48, tr.208] vì một mục tiêu “tốt đời, đẹp đạo”, như lời của cha Thư “Đi với giáo hữu, tuân theo ý muốn của giáo hữu sẽ là hòa hợp được tất cả, vì giáo hữu là nền tảng, là cội nguồn. Cách mạng cũng từ đấy mà có, không có gì là trái ngược” [44, tr.746]. Với nhân vật cha Thư, Nguyễn Khải muốn gửi gắm đến giáo dân, tu sĩ và những người có trách nhiệm với niềm tin của mình: hãy biết “xếp lại quá khứ, hướng tới tương lai”, với lời mô truyền “Nhân danh Cha và Con và Giáo hữu xứ Nhất… Amen” [48, tr.209]. Và càng ngày Hắn càng nhận thức khác hơn về tôn giáo qua lời tâm sự của một linh mục: “Bảo rằng tôn giáo sinh ra do bạc nhược và ngu dốt, chỉ đúng có một phần, tôn giáo cũng sẽ sinh ra khi con người đã tự ý thức như một chúa tể” [48, tr.207]. Ngày xưa Hắn cũng đã từng nghĩ đến tôn giáo để an ủi tâm hồn nhỏ bé của mình, nhưng đó không phải là tất cả. Nó còn mang đến cho đời những điều tốt đẹp hơn đó là niềm tin giúp con người tự ý thức tìm ra chính mình và làm sao con người hiểu được điều đó để không rơi vào bi kịch của sự mê muội. Cũng như cha Thư, mỗi người điều phải gánh vác trên vai mình nhiều trách nhiệm làm sao

có thể điều hòa các trách nhiệm này mà không phải day dứt. Hắn tự nhận mình “là người ngây ngô trong hành động, cả tin, dễ bị lừa, cũng có nhiều mộng tưởng, cũng muốn được sống, được hành động như những nhân vật anh hùng của hắn, và nhất là điều hòa mọi trách nhiệm mà hắn đang gánh vác” [48, tr.210]. Nhưng để được tự do, được viết văn Hắn luôn né tránh để khỏi có sự va chạm giữa chức năng nhà văn và trách nhiệm của một Đảng viên, nên đôi khi nhân vật của Hắn không đi đến tận cùng niềm tin, đó là điều ân hận mãi trong suốt cuộc đời của Hắn. Những gì chưa làm được ngoài đời thật thì Hắn - Nguyễn Khải đã dốc hết tâm tư xây dựng nên nhân vật thể hiện tư tưởng của mình. Cha Vĩnh trong tiểu thuyết Thời gian của người là một trí thức mới ý thức một cách sâu sắc lí tưởng, đức tin tôn thờ và con đường mình lựa chọn, là minh chứng tiêu biểu cho con đường tươi sáng để tôn giáo đến gần hơn với hiện thực cuộc sống, không còn xa rời kinh viện nữa. Với một tính cách tự chủ và mạnh mẽ, thiên hướng nhân đạo cao cả, cha Vĩnh dành mọi tình cảm của mình cho những người lao động bình thường đang đối mặt với muôn vàn khó khăn để tìm cuộc sống tốt đẹp. Vì thế Cha đã tình nguyện gắn bó với cách mạng, đóng góp công sức của mình nhằm mục đích hòa hợp giữa tôn giáo và nhà nước cách mạng. So với những nhân vật trước đó cha Vĩnh có nhiều tiến bộ trong tư tưởng cũng như hành động của mình, là người tiên phong thì vấp phải khó khăn gian khổ là chuyện đương nhiên, nên họ cần xây dựng được đức tin trong sáng và dũng cảm bước đi trên con đường mình đã chọn. Qua đó có thể khẳng định rằng những gì Hắn - Nguyễn Khải phản ánh trong Cha và con và…, Thời gian của người là những hiện thực mới mẻ, thể hiện sức sáng tạo bền bỉ và khả năng phát hiện tinh tế.

Tôn giáo và văn học có điểm tương đồng là cùng quan tâm đến thế giới tinh thần của con người với những biến hóa phức tạp của nó. Trong

vật không bao giờ tự hạn chế mình trong một cơ cấu sinh lý. Luôn luôn nó muốn vươn tới cái tuyệt đối, cái vô biên, cái vĩnh cửu là những mục tiêu mãi mãi con người không thể đạt tới. Vì không thể đạt tới nên nó mới gầm thét và than thở qua thi ca, qua nghệ thuật và qua cả tôn giáo” [48, tr.207]. Cũng như nhà văn, các giáo sĩ quan tâm nuôi dưỡng tinh thần của con người, an ủi xoa dịu nỗi đau tinh thần của những con chiên, cho họ niềm tin và hi vọng nên con người tự tìm đến với tôn giáo chứ không thể ép buộc. Văn học cũng không thể gượng ép, người đọc tự tìm đến với văn học vì cảm thấy say mê yêu thích đồng cảm, họ tìm thấy mình trong đó. Tất cả mọi sự ép buộc sẽ biến thế giới tinh thần cao quý này trở thành nỗi ám ảnh thiêu rụi tâm hồn con người. Linh mục hay nhà văn điều là những nghệ sĩ và “Tôn giáo sẽ biểu hiện như một thăng hoa chứ không còn là một công cụ của đe dọa và áp bức. Nó sẽ thuộc phạm trù văn hóa chứ không thuộc phạm trù quyền lực như hiện tại. Linh mục sẽ chăm sóc linh hồn con người như một nghệ sĩ chứ không phải như một anh lính cảnh sát.” [48, tr.207]. Và khi đã được tôn trọng, họ sẽ tự nguyện sống, cống hiến cho đức tin của mình: “Tôi không bao giờ rời khỏi xứ đạo, tôi là người trước hết phải thuộc về một tập thể nào đó, hằng ngày được nghe họ nói cười, tham gia vào đời sống của họ như một khuyến khích, một an ủi, một cảm thông, nâng đỡ họ để chính mình cũng tìm thấy sức mạnh tự nâng mình lên...” [48, tr.207]. Đó là những suy nghĩ rất đỗi chân thành, xuất phát từ một con người đã biết đặt mình vào vị trí của các giáo dân để cảm, để nghĩ và để hành động đúng đắn hơn.

Hắn nhận thấy nhiều người tự nguyện đến với tôn giáo và nhất quyết không chịu từ bỏ niềm tin ban đầu của mình, dù biết rằng con đường tu đạo đó rất gian nan. Họ ôm ấp những mong ước lớn lao là đem đến cho đời một hình ảnh mới về thế giới của Đạo trong cuộc sống. Hắn đã dành nhiều tâm huyết của mình khi xây dựng nhân vật Tư Tốn trong tiểu thuyết Điều tra về

một cái chết là “một người có niềm tin trong sáng quyết liệt, dám ôm cái mộng lớn: cải tạo lại hệ thống giáo lý và quản lý của các cơ quan quyền lực cao nhất của đạo” [48, tr.207]. Vì một niềm tin tốt đẹp, một khát vọng lớn lao

Một phần của tài liệu Phản tỉnh và triết luận trong tiểu thuyết Thượng Đế Thì Cười của Nguyễn Khải (Trang 104)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(163 trang)
w