Về chính sách đối với tôn giáo

Một phần của tài liệu Phản tỉnh và triết luận trong tiểu thuyết Thượng Đế Thì Cười của Nguyễn Khải (Trang 99)

7. Cấu trúc của luận văn

2.4.1. Về chính sách đối với tôn giáo

Tôn giáo xuất hiện rất sớm và có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội loài người. Đó là hệ thống những quan niệm tín ngưỡng, sùng bái một hay nhiều vị thần linh và những hình thức lễ nghi thể hiện sự sùng bái ấy. Chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng, về bản chất, tôn giáo chỉ là một hình thái ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội. Trong tác phẩm Chống Đuyrinh, Ph. Ăng ghen viết: Tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo - vào trong đầu con người - của lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế. Tôn giáo còn có nguồn gốc tâm lý những sợ hãi trước sức mạnh của tự nhiên và xã hội, những bất trắc, chết chóc, nghèo đói... khiến con người cần có một nơi để an ủi, xoa dịu nỗi đau tinh thần vì thế tôn giáo hình thành và phát triển.

Nghiên cứu toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Khải, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự quan tâm đặc biệt của nhà văn về đề tài tôn giáo. Rõ ràng ông có nhu cầu được bày giải được chia sẻ những trăn trở về một thế giới thiêng liêng, nhạy cảm và thầm kín trong nội tâm của con người. Đó là mảng hiện thực khá phức tạp đặt con người trước thử thách phải lựa chọn giữa tôn giáo hay chủ nghĩa xã hội, giữa đức tin hay lẽ sống, làm sao đánh thức được vẻ đẹp hướng thiện trong mỗi con người và hướng họ đến những giá trị chân, thiện, mĩ. Bắt đầu bằng truyện ngắn Nằm vạ (1956), tiếp đến là tiểu thuyết Xung đột tập 1 (1959) và tập 2 (1961), viết về vùng nông thôn theo đạo Thiên chúa giúp Hắn bước chân vào làng văn và đề tài này còn được tác giả tiếp tục với truyện Một chặng đường (1962), tiểu thuyết Thời gian của người (1985) và đặc biệt là tiểu thuyết Cha và con và... mang đến cho độc giả những cảm nhận vừa sâu sắc vừa mới mẻ về tôn giáo.

Ngay ở giai đoạn đầu của quá trình sáng tác, Hắn đã nhận thấy sức hấp dẫn của đề tài này. Cuối năm 1956 khi Đảng ta tiến hành sửa sai trong cải cách ruộng đất và bắt đầu cuộc vận động phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, với nhãn quan chính trị nhạy bén và lối văn phân tích sắc sảo, Hắn đã phản ánh cuộc đấu tranh quyết liệt của cán bộ, bộ đội, nhân dân ta với bọn phản động nổi lên chống phá cách mạng trong tiểu thuyết Xung đột. Những mâu thuẫn xung đột xem ra khó có thể hòa giải được, và theo sự đánh giá của Hắn, nguyên nhân xuất phát từ quan điểm đánh giá khác nhau của những cán bộ quản lý đối với tôn giáo và ngược lại. Trong kháng chiến chống Pháp, địa phận Bái của giáo hội Thiên chúa đã gây nhiều tội lỗi: “giáo sĩ thành sĩ quan, tòa giám thành văn phòng của một tỉnh tự trị, các nhà thờ thành đồn bốt, kẻ xâm lược và giáo hội trộn lẫn vào nhau, cùng nhau làm những việc mà một dân tộc đang kháng chiến không thể tha thứ” [48, tr.205]. Những tội lỗi quá lớn trong quá khứ đã khiến những người của ta có cái nhìn hoài nghi về họ, phần thì căm thù, phần thì đề phòng, sợ lại có những kẻ phản động tiếp tục lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng, phá hoại thành quả mà cả dân tộc vừa đạt được. Tuy từ năm 1955 nhà nước ta đã ban hành các chính sách, sắc lệnh đảm bảo quyền tự do, tín ngưỡng và tôn giáo, nhưng giữa những người thực thi công lý và giáo dân vẫn còn một khoảng cách vô hình thể hiện rất rõ qua cách nhìn và cách nghĩ rất phiếm diện về những tu sĩ trẻ nhiệt tâm: “Đám linh mục trẻ bây giờ rất lợi hại, họ tranh thủ quần chúng rất có nghệ thuật, còn anh em mình thì...” [48, tr.206]. Còn câu chuyện về lời dạy của vị cha già quản hạt ở một xứ đạo mới thật gần gủi, chân tình làm sao: “Nhà chị ngu, sinh mấy đứa con mà còn ngu, bữa nắng ấm không đến lại nhè đúng ngày mưa gió ẵm con đến, không sợ đứa trẻ bị nhiễm lạnh sưng phổi à? Ngày mai thì sao, ngày mốt thì sao, tôi còn đi được đâu nữa mà sợ tôi không có ở nhà” [48, tr.206]. Hắn đặt ra câu hỏi để người đọc tự suy nghĩ: “Đó là lòng thương

yêu con chiên chân thật của một đấng chăn chiên đã ở quá lâu một xứ đạo hay chỉ là thủ đoạn, là phép thuật lấy lòng người?” [48, tr.206]. Còn những giáo dân cũng nhìn cách mạng với cái nhìn sợ sệt và đề phòng, vì hình như họ cũng chưa hiểu gì về cách mạng, biết đâu cải cách rồi, thay đổi rồi, họ không còn được tự do sống theo niềm tin của mình, lúc nào cũng bị giám sát, dòm ngó… Nhìn cái cách bà địa chủ Tịnh khép nép, sợ sệt “bẩm, thưa” trước Hắn, lúc Hắn làm công tác cải cách ruộng đất ở Quảng Yên năm 1956, cũng đủ biết đối nỗi sợ hãi của giáo dân trước những người cách mạng. Họ vẫn lo không biết sắp tới sẽ bị đối xử như thế nào? Đây là lời nói của một Linh mục trẻ: “Tôi là người làm một nghề có tính tiêu cực theo như đánh giá của các ông, nhưng vì tôi là giáo sĩ của một nước đã độc lập, là người của thời này nên cũng nhiễm được ít nhiều cái gan góc, cái kiên cường của những người cùng thời, bởi vậy các ông lẫn tòa giám đều có sự hiểu nhầm” [48, tr.222]. Đó là một thực tế tồn tại rất lâu, cách mạng không tin tưởng giáo dân và ngược lại, còn tình trạng nhiều tu sĩ trở nên mất niềm tin ở chính đạo, lợi dụng giáo hội để trục lợi khiến tình hình ngày càng tệ hại hơn, giáo hội càng ngày càng làm mất lòng tin, gây đau đớn cho nhiều người có tâm với đạo. Những tu sĩ chân chính thì muốn tìm cách thay đổi tình trạng bế tắc lúc đó, nguyện vọng tha thiết của họ là có một chỗ đứng xứng đáng trong lòng dân tộc, nhưng đây không phải là chuyện mà chỉ một vài cá nhân có thể thay đổi được. Và chính nhà văn cũng chưa biết lý giải như thế nào để thuyết phục cả “nhà nước và giáo hội”.

Như một tất yếu, chỉ có thể là hòa hợp dân tộc, từng bước định hướng làm sao để sự phát triển của tôn giáo thống nhất với đường lối phát triển chung của đất nước. Với những tác phẩm viết về tôn giáo từ những năm 1978 về sau, Hắn - Nguyễn Khải đã phản ánh rất rõ những quan điểm của nhà nước của ta, với những chủ trương khuyến khích tôn giáo phát triển đồng hành với

dân tộc, “tốt đời, đẹp đạo”, “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”. Cha Thư trong

Cha và Con và…, cha Vĩnh trong Thời gian của người sẽ là những con người mới tích cực đấu tranh cho sự nghiệp này. Cha Thư chọn con đường đi với giáo hữu để tự mình hòa giải các bổn phận, còn cha Vĩnh chủ động tìm đến với cách mạng trở thành người hành động vì hạnh phúc cộng đồng. Và điều kiện tiên quyết để đi đến thắng lợi trong sự nghiệp này chính là vai trò của nhà nước trong việc ban hành các chính sách về tôn giáo, làm sao phát huy được “khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, dù biết rằng đó sẽ là một hành trình vô cùng gian nan nhưng với quyết tâm, lòng hướng thiện và tinh thần yêu nước không gì là không thể.

Một phần của tài liệu Phản tỉnh và triết luận trong tiểu thuyết Thượng Đế Thì Cười của Nguyễn Khải (Trang 99)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(161 trang)
w