7. Cấu trúc của luận văn
3.3.1. Về việc cần thiết phải có bút pháp riêng
Tác phẩm văn học có giá trị đích thực chỉ khi nội dung và hình thức thống nhất hài hòa. Còn giá trị, sự độc đáo của cá nhân nhà văn lại được thể hiện qua bút pháp: “Trong văn học, bút pháp là cách hành văn dùng chữ, bố cục, cách sử dụng các phương tiện biểu hiện để tạo thành một hình thức nghệ thuật nào đó. Ở đây bút pháp cũng tức là cách viết, lối viết” [28, tr.29], “bút pháp có phần tương đồng với phong cách, thường chỉ yếu tố của phong cách” [28, tr.30]. Là một nhà văn Hắn hiểu rằng muốn để lại dấu ấn sâu sắc lâu bền trong lòng người đọc cần phải có một bút pháp độc đáo và tự cảm thấy rằng bao nhiêu năm qua mình sáng tác rất nhiều tác phẩm mà hình như chưa tạo được dấu ấn riêng trong lòng độc giả.
Nói về bút pháp, Hắn thường so sánh mình với Vũ Trọng Phụng, với Nam Cao v.v. Hắn nghĩ mãi mà không có lý luận và cách giải thích nào thỏa đáng làm sao Vũ Trọng Phụng lại có thể dựng lên một điển hình bất hủ của xã hội “tư sản nửa mùa” như Xuân Tóc đỏ, còn Nam Cao tạo nên một chân dung độc đáo của xã hội nửa phong kiến - nửa thực dân như Chí Phèo? Hắn ngưỡng mộ Vũ Trọng Phụng và nghĩ rằng để có thể sáng tác được quyển tiểu thuyết hoạt kê Số đỏ, tác giả của nó phải có được nguồn tài liệu vừa phong phú vừa thực tế: “Chắc hẳn cái ông Vũ Trọng Phụng cũng được nghe vô ối chuyện buồn cười của cái thời ông ở.... Xuân Tóc đó, bà phó Đoan, cụ cố Hồng và cả một lũ lĩ người ngợm của một thời nhố nhăng chắc đã lần lượt xuất hiện trong những câu chuyện phiếm quanh những ngọn đèn dầu lạc của
dân nghiện cả. Chính là cán bạn hút vô danh và vô danh đã cung cấp cho Vũ Trọng Phụng những mẩu chuyện quý giá, những điển hình quý giá...” [48, tr.317], kết hợp với bút pháp trào phúng độc đáo chỉ có ở Vũ Trọng Phụng mới tạo thành tác phẩm “vô tiền khoáng hậu” như thế. Thành công ở bút pháp trào phúng, đầu tiên phải kể đến tài năng xây dựng những bức chân dung hí họa, thông qua thủ pháp phóng đại, châm biếm, đả kích và tạo tình huống mâu thuẫn. Thông qua những nhân vật đó, độc giả tự cảm nhận và lên án mạnh mẽ bộ mặt của xã hội đương thời, cũng như có dịp tự trào thoải mái. Cả một xã hội thực dân phong kiến nhố nhăng, đểu cán, gian ác, hoang dâm với những nhân vật quen thuộc như Xuân Tóc đỏ, Văn Minh, bà Phó Đoan, ông phán mọc sừng trong Số đỏ, như Nghị Hách trong Giông tố... là những con người chúng ta dễ dàng bắt gặp trong đời sống dưới những bộ mặt trơ tráo, trở thành rào cản cho sự phát triển xã hội mà thời nào cũng có. Cũng như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao là nhà văn hiện thực phê phán xuất sắc. Nhà văn không đi vào khai thác bộ mặt lố bịch của xã hội đương thời mà dành trọn tình yêu thương cho những con người cùng khổ, bị khinh bỉ, chà đạp. Khi xuất hiện nhân vật chị Dậu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố và nhân vật anh Pha trong
Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan, độc giả cảm thấy rằng không ai khổ hơn họ. “Nhưng khi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ những trang sách của Nam Cao thì người ta liền nhận ra rằng, đây mới là hiện thực đầy đủ những gì gọi là khốn khổ, tủi nhục nhất của người dân cùng ở một nước thuộc địa: bị dày đạp, bị cào xé, bị hủy hoại từ nhân tính đến nhân hình. Chị Dậu bán con, bán chó, bán sữa... nhưng chị còn được gọi là người. Chí Phèo phải bán cả diện mạo và linh hồn của mình để trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại” [60, tr, 239]. Tuy vậy, đến lúc cần thiết, bản chất con người của Chí Phèo trỗi dậy, Nam Cao đã nhìn thấy giá trị cao quý này tiềm ẩn trong mỗi người dân lương thiện. Sự độc đáo, sự sâu sắc mới mẻ trong bút pháp miêu tả
thế giới hiện thực góp phần quan trọng khẳng định giá trị của Nam Cao và Vũ Trọng Phụng. Hai nhà văn xứng đáng là đỉnh cao của nền văn học hiện thực phê phán.
Việc so sánh mình với các bậc tiền bối đủ chứng minh rằng Hắn là nhà văn ý thức cao về việc sáng tác phải có bút pháp riêng. Nếu so sánh với Vũ Trọng Phụng và Nam Cao thì Hắn chưa xây dựng được những điển hình bất hủ, nhưng trên hành trình sáng tác của Hắn, người đọc nhận thấy một bút pháp ổn định không thay đổi, là luôn suy tư, trăn trở tìm ra lối viết riêng cho mình. Luôn cảm thấy là mình chưa làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ của một nhà văn, chưa xứng đáng với những giải thưởng và niềm tin của bạn đọc. Nghiên cứu tác phẩm của Hắn - Nguyễn Khải, người đọc rất khó nhớ tên nhân vật, cũng như hoàn cảnh và tâm trạng. Nhưng thông qua mỗi tác phẩm, người đọc sẽ nhận ra vấn đề tác giả phản ánh để cùng bàn luận, cùng triết lí, từ đó rút ra những giá trị sâu sắc. Ở mỗi tác phẩm Hắn luôn có nhu cầu muốn trao đổi, nhiệt tình tranh biện với nhân vật để tìm ra vấn đề, về cuối đời lại có nhu cầu sám hối tìm hiểu chính bản thân mình trong cuộc sống lẫn văn chương để tìm ra những giá trị đích thực là bút pháp mà Hắn kiên trì theo đuổi. Cả đời cống hiến cho sự nghiệp văn chương, Hắn chưa bao giờ mãn nguyện tự hào, vì tác phẩm thì nhiều nhưng không có gì độc đáo: “... những đứa con tinh thần lại yếu đuối, còi cọc, đi mới nửa cuốn sách đã chân nọ đá chân kia, mặt mũi méo mó, ăn nói chẳng đâu vào đâu, không còn ra cái giống người, cái ngữ ấy chết non chết yểu cũng là đáng!” [48, tr.373], tất cả là do chưa có một bút pháp riêng, điều đó luôn làm Hắn trăn trở. Hắn ước ao được thỏa sức sáng tạo như những nhà văn trước Cách mạng tháng Tám, vì chữ nghĩa của họ hồn nhiên, nghĩ gì viết nấy, muốn chửi cứ chửi, không cần gò bó, sợ hãi đó mới chính là môi trường cho văn chương bay bổng. Còn Hắn loay hoay mãi cũng không tìm được lối đi riêng cho mình, là do bất tài hay vì thời cuộc sẽ do
người đọc đánh giá. Điều quan trọng là Hắn ý thức rõ: xây dựng tác phẩm văn chương từ tư liệu bề bộn của hiện thực cuộc sống là việc làm không dễ dàng, nhà văn nào muốn lưu giữ dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả thì không thể không tìm cho mình một bút pháp độc đáo.