Tính tự thuật của Thượng đế thì cười

Một phần của tài liệu Phản tỉnh và triết luận trong tiểu thuyết Thượng Đế Thì Cười của Nguyễn Khải (Trang 39)

7. Cấu trúc của luận văn

1.3.2. Tính tự thuật của Thượng đế thì cười

Như đã nói, Thượng đế thì cười mang dáng dấp một hồi ký về cuộc đời viết văn của Nguyễn Khải. Ta bắt gặp ở đây câu chuyện về gia đình, về hoạt động văn học của nhân vật “Hắn” khi bước vào tuổi 70. Đáng lẽ đã được nhàn

tâm, nhàn thân, thế mà nhân vật “Hắn” phải đối mặt với nghịch lý: “... Chồng bảy chục, vợ sáu mươi lăm, thời trẻ sống với nhau chả ai phải nghi ngờ lòng chung thủy của ai, bây giờ sắp chết lại giở trò ghen tuông bóng gió! Cứ như một chuyện hài, một trò hề, không dè lại có ngày là chuyện đau đầu của chính hắn!..” [48, tr.122]. Đó là khởi nguồn, là tiền đề cho câu chuyện, một câu chuyện mà người viết thoạt đầu không cố tình tự giễu mình, tự phơi bày chính mình. Nhưng tự bản thân tác phẩm dần dần bộc lộ cuộc đời, bản chất của nhân vật. Tác phẩm được triển khai theo hình thức tiểu thuyết, có điều tất cả các nhân vật đều là người có thật. Độc giả khi đến với tác phẩm hầu như đều nhận ra “Hắn” chính là Nguyễn Khải với sự pha trộn của những điều trái ngược nhau. Nếu đối với gia đình, “Hắn” - Nguyễn Khải là một đứa con thêm bị bỏ rơi, bị sỉ nhục thì đối với cách mạng, “Hắn” - Nguyễn Khải lại là đứa con yêu. Những năm kháng chiến chống Pháp, gian khổ hy sinh là nỗi ám ảnh của nhiều người, nhưng với riêng “Hắn” - Nguyễn Khải lại là những ngày vui nhất: được gia nhập quân đội, giống như con chim sổ lồng, vùng vẫy thỏa thích giữa bầu trời tự do, bởi thế có lúc mới tự dưng “chạy như thằng rồ” [48, tr.143], đơn giản chỉ vì “tự nhiên thấy vui thì chạy, vừa chạy vừa nhảy” [48, tr.143] mà thôi. Trong kháng chiến chống Mỹ, khi không nhà nào không có mất mát thì “Hắn” - Nguyễn Khải lại được sống trong cảnh vợ chồng “suốt bốn mươi lăm năm chưa một lần ăn tết lẻ loi”. Đôi lúc “Hắn” phải tự thấy ngượng, tự thấy mình có lỗi vì sự quá may mắn của mình. Không chỉ thế, từ một đứa bé trước mắt ông bố chỉ là “một thằng mán tiền”, “Hắn” - Nguyễn Khải lại trở thành một sĩ quan cao cấp, một nhà văn danh tiếng.

Trong một bài phỏng vấn, Nguyễn Khải từng thừa nhận: trong tiểu thuyết Thượng đế thì cười, “Hắn kỳ thực cũng là tôi, mà cũng có thể có chút gì đó khác tôi”. Cho nên có thể nói chất liệu chính tạo nên tác phẩm là cuộc đời và những sáng tác của Nguyễn Khải, nhưng đó không phải là duy nhất bởi nghệ thuật xây dựng tiểu thuyết là nghệ thuật của hư cấu và tưởng tượng. Đến

với tiểu thuyết, độc giả không chỉ bị cuốn hút bởi những triết lý, cảm nhận và đánh giá, mà còn hình dung ra cả cuộc đời Nguyễn Khải với những thăng trầm, có lúc vinh quang, có lúc đau đớn. Tất cả như một trò đùa nghiệt ngã của số phận. Nguyễn Khải đến với văn chương như một định mệnh. Thời trẻ ông không hề tranh giành, nhưng lại may mắn có được sự nghiệp văn học lẫn gia đình. Rồi đến lúc tưởng chừng đã mãn nguyện lại bị chính những thành công đó làm đau đớn. Người vợ chung sống từ thời trẻ đến khi trở thành một nhúm thịt nhăn nheo lại nghi ngờ lòng chung thủy của ông. Những tác phẩm đã từng là niềm tự hào của ông nay lại gieo nỗi hoài nghi về giá trị thật của chúng. Đọc Thượng đế thì cười, người đọc dễ dàng nhận thấy gương mặt, tâm tư của Nguyễn Khải bộc lộ trong từng trang viết. Đầu tiên là câu chuyện về gia đình của “Hắn”. Nơi “Hắn” sinh sống là ngôi nhà cổ ở phố Hàng Nâu, Nam Định. Tuổi thơ không may mắn, bị những người thân trong nhà khinh khi miệt thị, từng bị vu cho là kẻ ăn cắp đến hai lần. Rồi “Hắn” cũng nhận ra đây không phải là lỗi của mình: “Hắn nhận ra tội của hắn không phải tội ăn cắp, mà là cái tội khó nói hơn, cái tội của con thêm con thừa, đứa con không mong đợi của một ông bố trót say mê thêm một người đàn bà mà có thêm đứa con này...” [48, tr.128]. Điều đó trở thành nỗi ám ảnh trong tâm hồn trẻ thơ của “Hắn” mãi đến sau này: “...Nỗi kinh hoàng bị vỡ ra, bị tan ra thành những mảng băng nhỏ trong những giây đầu của một con người lương thiện bỗng dưng bị vu là phạm tội mãi mãi hằn sâu trong tiềm thức thức của hắn, mãi mãi hắn hãi sợ yếu tố cấu thành tội phạm. Hắn sợ đã vô tình đắc tội với Đảng, với Nhà Nước, với cả bạn bè...” [48, tr.129]. Ám ảnh đó thôi thúc và là tiền đề để Nguyễn Khải viết tác phẩm Một cõi nhân gian bé tí. Sau này Nguyễn Khải cũng xây dựng cho mình một gia đình với một người vợ đảm đang hết lòng tận tụy vì chồng, vì sự nghiệp của chồng, họ đi về có đôi không bao giờ xa nhau dù có chiến tranh khắc nghiệt. “Hắn” cũng vậy, vợ chồng

“Hắn” chưa bao giờ biết đến nỗi đau của sự chia lìa. “Hắn” không lấy làm hãnh diện, lại thấy đó là điều ân hận vì mình quá may mắn, quá thuận lợi, quá hạnh phúc trong mọi việc. “Vợ chồng hắn suốt bốn mươi lăm năm chưa bao giờ ăn tết lẻ loi.... nhìn bà con trong xóm cũng ngượng” [48, tr.121]. Nhưng về già “Hắn” phải đối mặt với những câu hỏi vô lý, không thể giải quyết một cách thỏa đáng: “Trong cái trò ghen tuông lạc điệu nếu một người bật cười phẩy tay đứng lên thì trò chơi lập tức chấm dứt... Nhưng hắn đã không bật cười, không phẩy tay đứng lên mà lại tự trói mình bằng những lời thanh minh dài dòng, càng nói càng mất bình tĩnh, càng giống một người có tội đang cố gắng biện hộ...” [48, tr.125].

Nhưng Thượng đế thì cười không đơn giản chỉ là những nét vẽ về gia đình mà còn là câu chuyện về hoạt động văn chương của “Hắn” - Nguyễn Khải. “Hắn” đến với cách mạng như một tất yếu, một con đường giải phóng mình thoát khỏi thân phận tủi nhục. Đang tham gia đội quân tự vệ ở thị xã Hưng Yên, vào đầu năm 1947, “Hắn” được trung đoàn cử đi học một lớp nghiên cứu văn nghệ ngắn hạn do hai chi hội Việt Nam liên khu 3 và 4 tổ chức ở Thanh Hóa, năm 1951. Ở đó “Hắn” được tiếp xúc với các thần tượng văn học của mình như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu... Từ đây “Hắn” có những truyện ngắn đăng báo đầu tiên như Ra trận, Nằm vạ... Đến năm 1955, “Hắn” đến công tác ở tạp chí Văn nghệ Quân đội, cùng làm việc với nhiều bậc đàn anh có tiếng tâm như Thanh Tịnh, Phùng Quán, Chính Hữu, Nguyên Ngọc, Nguyễn Thi... Kể từ đây “Hắn” được bước chân vào thế giới các nhà văn, thế giới mà trước đây “Hắn” chưa bao giờ nghĩ đến. “Hắn” được đánh giá là cây bút trẻ có nhiều triển vọng. “Hắn” rất ý thức điều đó và không ngừng lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm từ những cây đại thụ văn học thời bấy giờ. Tài năng của “Hắn” đã được chứng minh qua tác phẩm Xung đột (1957) phần 1.

phán sắc sảo những mưu đồ phản cách mạng, tất cả được xây dựng bằng những chi tiết, sự kiện vừa chân thực vừa sinh động. Đọc Thượng đế thì cười,

người đọc nhìn thấy sự trùng khít gần như hoàn toàn giữa hoạt động văn chương của “Hắn” và Nguyễn Khải. Ý thức được sứ mệnh của nhà văn trên mặt trận văn hóa, “Hắn” - Nguyễn Khải luôn hăm hở, xông xáo tìm tới những nơi chiến tranh đang diễn ra ác liệt nhằm nắm bắt kịp thời những vấn đề tư tưởng, số phận cá nhân để phản ánh, để tham dự vào cuộc đấu tranh của xã hội. Có những tác phẩm được bạn đọc đón nhận và đánh giá cao như Xung đột (phần I), Mùa lạc, Tầm nhìn xa, Người trở về, Hãy đi xa hơn nữa, Chiến sĩ, Thời gian của người,... Tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm (1982) giúp “Hắn” - Nguyễn Khải nhận được giải thưởng Hội Nhà văn. Nhưng cũng có những tác phẩm khi mới ra đời không được người đọc đón nhận như mong muốn. Đó là

Một chặng đường, Vòng sóng đến vô cùng.... Có thể nói cả cuộc đời hoạt động văn học của “Hắn” - Nguyễn Khải là quá trình không ngừng rèn luyện, tự học tập, tự vấn để những đứa con tinh thần của mình ngày càng hoàn thiện hơn. Đã đến lúc những vui buồn, vinh quang thăng trầm diễn ra trong mấy chục năm của một đời người cần được nhà văn nhìn ngắm lại với con mắt từng trải, không còn sự háo thắng, non nớt của tuổi trẻ. Nguyễn Khải tuy luôn biết sống chừng mực, thích “nhân nhượng”, “dàn hòa”, vậy mà đã vô tình đắc tội với nhiều người, trở thành “tên sát thủ, một dũng sĩ diệt đồng đội” [48, tr.167]. Trong giới văn nghệ sĩ có ai ngờ rằng sau 42 năm lại có cuộc chạm trán giữa Nguyễn Khải và Vũ Bão. Mấy chục năm trước Nguyễn Khải đã từng viết một bài phê bình về tiểu thuyết Sắp cưới của Vũ Bão với lời kết tội quyết liệt “Thôi im đi, đồ giả dối” và quyển tiểu thuyết đã bị đánh “tơi bời”. Kể từ đó Vũ Bão vắng mặt trên văn đàn. Nguyễn Khải hầu như không còn nhớ nhưng sau 42 năm nỗi đau của bạn vẫn còn đó, lần gặp lại những tưởng đây là cuộc chạm trán nảy lửa sẽ có khối chuyện để bàn, phải lập một tòa án

để giải quyết, nhưng không, với con mắt của người già, mọi chuyện đã trở nên rất nhẹ nhàng, giống như suy nghĩ của “Hắn”: “nếu hắn còn ở tuổi 40 có lẽ hắn sẽ phản ứng khác, nhưng hắn đã bước sang tuổi 70, đang sống mấy năm cuối của một đời người, một đời viết văn, những ganh đua con trẻ, hiếu thắng con trẻ và cách tự tỏa sáng cũng rất trẻ con đã tàn lụi theo năm tháng” [48, tr.167]. Sự chân thành, phục thiện của hắn đã hóa giải những ân oán. Những tâm sự đó đã được “Hắn” bộc bạch: “Là người biết nghĩ thì đã làm việc lầm lỗi phải biết xin lỗi, phải biết xin những người bị hàm oan mở lòng tha thứ và sẵn sàng chịu những lời mắng mỏ, chửi rủa không chút oán giận” [48, tr.168]. Như một lời sám hối, cảm giác biết ơn, biết ơn cách mạng, biết ơn đến cả những người đã tàn nhẫn với chính mình, cảm giác hối lỗi, hối lỗi với người thân với những sáng tạo nghệ thuật của mình, chính là nỗi trăn trở day dứt của Nguyễn Khải thông qua suy nghĩ của nhân vật “Hắn”: “những thứ bà giúp tôi đều là những giá trị thật, mãi mãi không thay đổi, còn những gì tôi cống hiến cho đời như tôi thường nghĩ, đến lúc này tôi lại phân vân không rõ nó có là giá trị thật như những gì bà đã cho mấy bố con tôi không?” [48, tr 383]. Qua những ví dụ trên, có thể khẳng định tính tự thuật là đặc điểm quan trọng của Thượng đế thì cười, vì thế có nhiều nhà nghiên cứu từng gọi nó là hồi ký hay tự truyện.

Một phần của tài liệu Phản tỉnh và triết luận trong tiểu thuyết Thượng Đế Thì Cười của Nguyễn Khải (Trang 39)