Về thực chất của vị trí nhà văn trong xã hội và trong một cơ chế

Một phần của tài liệu Phản tỉnh và triết luận trong tiểu thuyết Thượng Đế Thì Cười của Nguyễn Khải (Trang 123)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.3. Về thực chất của vị trí nhà văn trong xã hội và trong một cơ chế

chế nhiều ràng buộc

Nhà văn là người nắm giữ trọng trách lớn lao trước cuộc đời, họ có nhiệm vụ phản ánh hiện thực cuộc sống theo cách của họ và cái họ cần chính là sự đánh giá khách quan, sự trân trọng sức lao động từ những người thưởng thức. Ở nước ta trong thời kỳ phong kiến nhà văn, nhà thơ chưa thật sự có vị trí quan trọng trong đời sống, họ thường là những người bất đắc chí, bất lực trước thời cuộc nên gửi gắm tâm sự vào văn chương hay dùng văn chương để chúc tụng nhau, hầu như họ chưa thấy được tác dụng cải tạo to lớn của văn chương cũng như vai trò của người nghệ sĩ. Giới văn nhân và thơ văn lúc đó giống như một vật trang trí trong các gia đình quyền quý, không ai coi văn chương là một nghề và dám sống chết với nó. Đến đầu thế kỉ XX, có lẽ Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu) là nhà thơ đầu tiên dám lấy văn chương làm nghiệp của mình, việc làm đó thật không đơn giản, nó thể hiện ý thức sự tự hào của một người làm nghệ thuật. Tuy vậy Tản Đà cũng có rất nhiều nỗi lo, văn chương bị ế “Văn chương hạ giới rẻ như bèo” nên phải tìm lên đến tận trời để mong tìm được người thưởng thức. Còn Xuân Diệu thì lại lo lắng “cơm áo không đùa với khách thơ”, hay như Hộ trong Đời thừa

(Nam Cao) không nuôi nổi vợ con, khát vọng lớn lao nhưng bị nỗi lo cơm áo gạo tiền ghì sát đất... Nói chung các nhà văn nhà thơ thường phải sống cảnh nghèo hèn không được xã hội coi trọng. Đến thời kỳ cách mạng, vị trí nhà văn bắt đầu được xem trọng hơn, họ trở thành lực lượng quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh của dân tộc, lấy ngòi bút làm vũ khí đắc lực để phục vụ cho cuộc đấu tranh. Một lớp nhà văn - chiến sĩ hình thành, rất mực đông đảo với những người Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Khải, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật... Những tác phẩm của họ một thời đã làm tròn sứ mệnh lịch sử, đáp ứng được yêu cầu phản ánh hiện thực đời sống trong quá trình vận động và phát triển của cách

mạng Việt Nam. Nhưng thực chất họ có được xem trọng, có được sáng tác theo tình cảm mách bảo hay phải gò ép mình để biến những tác phẩm văn học trở thành thuốc súng bắn vào kẻ thù và trở thành phương thuốc tinh thần kì diệu đem lại niềm tin vào tương lai cho cả dân tộc Việt Nam? Họ trở thành “công cụ”, sáng tác trong sự dè chừng và cảnh giác, bởi nếu không may viết tác phẩm rơi vào “vùng cấm” thì ngay lấp tức sẽ mất tất cả. Hắn từng nhắc đến hai minh chứng đó là Vũ Bão và Trần Kim Trắc trong

Thượng đế thì cười. Còn Hữu Loan phải điêu đứng một đời vì bài thơ hay

Màu tím hoa sim, Quang Dũng cũng lao đao một thời gian với Tây Tiến. Xem ra văn chương cũng không khác gì đao kiếm, rất vô tình, không tha một ai trong trò chơi ngôn ngữ. Trong tùy bút Đi tìm cái tôi đã mất, Nguyễn Khải từng tâm sự để nói lên thân phận của mình: “…những chiến sĩ theo cách mạng từ thuở mới lập nước là đám văn nghệ sỹ chúng tôi cũng “sống không dễ” trong sự viết lách. Viết đúng luật lệ thì chỉ có hai chủ đề: căm thù và hy sinh. Cũng chỉ có ba loại người được tôn vinh: công, nông, binh. Cái thế giới mênh mông, nhiều màu sắc ngày một thu hẹp và chỉ có hai màu: đỏ là quân ta, đen là quân địch. Văn chương cách mạng thoạt đầu cũng lạ so với văn chương thời trước nên được bạn đọc trẻ hoan nghênh. Nhưng cứ phải đọc mãi một vài đề tài quen thuộc, một vài loại người quen thuộc và những tâm trạng rất quen thuộc ngay những bạn đọc trung thành cũng phải chán.” [46]. Khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, nhiệm vụ văn chương đã thay đổi, vì thế cách tiếp cận và đánh giá của văn nghệ sĩ cũng phải thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Người nghệ sĩ lại tiếp tục là những chiến sĩ trên hành trình tìm lại mình, khám phá văn chương đích thực, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trong thời đại mới.

Nhìn chung trên lý thuyết, nhà văn có vị trí không thể thiếu trong xã hội và họ cũng rất được xem trọng được tạo điều kiện để sống và viết, được ghi nhận về những đóng góp có ích cho xã hội. Viết văn cũng là nghề có thể

nuôi sống bản thân và nếu nổi tiếng sẽ có cơ hội trở nên giàu có, xã hội còn rất ưu ái cho giới văn nghệ sĩ như lập ra tổ chức nghiệp đoàn hay Hội Nhà văn để bảo vệ quyền lợi cho những người trong Hội. Họ còn được ứng cử vào cơ quan quyền lực cao nhất nước là Quốc hội để góp tiếng nói của mình cho công cuộc xây dựng đất nước. Hàng năm còn có các giải thưởng cho các tác giả có tác phẩm xuất sắc. Ngoài ra người ta còn trao tặng giải thưởng cao quý - giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật - cho những tác giả có đóng góp lớn đối với nền văn học nước nhà. Những điều đó phải chăng đã làm những nhà văn cảm thấy tự hào, hãnh diện khi đã chọn văn chương là nghiệp của mình. Hắn - Nguyễn Khải từng nhận được nhiều giải thưởng văn học trong nước như Giải thưởng văn học Lê Thanh Nghị (Liên khu Ba, 1951), giải thưởng văn học Việt Nam 1951 - 1952 với tác phẩm Xây dựng, giải thưởng Hội Nhà văn 1982 với tác phẩm Gặp gỡ cuối năm, giải thưởng Hội Nhà văn 1988 với tập Truyện ngắn và tản văn và vinh dự nhất là giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Tất cả những giải thưởng ấy đủ để tự hào cho cả đời văn, nhưng thực tế Hắn không tự hào mà ngược lại, thầm tủi hổ. Truyện ngắn Xây dựng được giải khuyến khích của Hội Văn nghệ Việt Nam chẳng qua là vì đề tài chứ như Hắn nói, văn chương của Hắn lúc đó nhạt như nước ốc: “Chả từng trải tí nào, chiêm nghiệm nào trong kháng chiến ẩn hiện trên các trang sách, chữ nghĩa cứ bạc phếch, trống hoác như văn của thằng học trò sống trong Thành, nghe chuyện của kháng chiến ngồi viết lại” [48, tr.284- 285]. Đến khi nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 2 năm 70 tuổi, Hắn nói: “Mừng thì rất mừng nhưng tôi đã nhận ra ngay đây là tấm bia mộ sang trọng cắm lên một đời văn đã tới hồi phải kết thúc. Thế là lại buồn, ra vào ngẩn ngơ cả tháng” [46]. Sao lại không tự hào mà lại buồn, thật là một sự mỉa mai. Hắn ân hận vì mình chưa xứng đáng với giải thưởng hay vì chưa xứng đáng với niềm tin của bạn đọc?

Là một nhà văn lớn với quân hàm đại tá, được bạn bè đồng nghiệp nể trọng, có thể nói là có chút danh tiếng thế nhưng vào đất Sài Gòn, Hắn mới thấy được không riêng gì mình mà cả giới văn nhân chẳng có giá trị gì. Thời buổi kinh tế thị trường, quyền lực tiền tài quyết định tất cả, nhiều người lãnh đạo và cả đám doanh nhân trẻ mới nổi xem thường văn nghệ sĩ, họ đôi khi còn trở thành “món nhắm lúc tiệc tùng”. Như chuyện Hắn kể trong Thượng đế thì cười, nhà văn Trần Công Tấn muốn mời nhà thơ Chế Lan Viên về cơ quan ăn bữa cơm trưa thật đàng hoàng phải nghĩ ra một mẹo, “rằng có nhà thơ Chế Lan Viên là đại biểu quốc hội nhiều khóa” chứ nếu chỉ nói là nhà thơ thì làm sao được tiếp đãi trang trọng. Thế mới thấy giá trị của nhà văn trong thời buổi kinh tế thị trường. Hay như chuyện của chính Hắn mang quân hàm đại tá nhưng chẳng có chức vụ gì, lại được giới thiệu trong danh sách các ứng cử viên đại biểu quốc hội của thành phố, khiến mọi người rất ngạc nhiên còn nhìn hắn với cái nhìn giễu cợt “một anh chân trắng lại được bầu là đại biểu quốc hội, có nhầm không đấy?” [48, tr.265]. May mắn Hắn lại đậu với số phiếu cao nhất, sau này mới biết là vì bà con Củ Chi tưởng nhầm hắn với phó thủ tướng Phan Văn Khải, thế có chua chát không chứ! Trong lần đầu tiên đi họp Đoàn đại biểu Quốc hội của thành phố mà đi bằng xe đạp, hắn bị ông thường trực ngăn lại không cho vào, “Thì ra hắn có một bản mặt rất là dân, không trộn lẫn với quan được” [48, tr.265]. Với bản lĩnh của một anh nhà văn, bầu đến lần thứ hai Hắn mới được trúng cử vào chức danh ủy viên Ban chấp hành với số phiếu thấp, chỉ quá bán một tí: “Thế là hắn đành chấp nhận cái ghế ngồi ghé, nói leo, tất nhiên cũng có bẽ bàng một chút, nghĩ rằng “hạ sơn” để làm vương làm tướng gì, hóa ra.” [48, tr.267]. Cái không may về hoạn lộ lại được đền bù bằng quyển sách được bạn đọc đánh giá cao, Một cõi nhân gian bé tí - cuốn sách viết về những người thất bại. Hắn tự rút ra kết luận: “Trong mọi thất bại của con người ta chỉ có thất bại về hoạn lộ là

không nên biết và cũng không nên viết vì nó nhơ bẩn và buồn cười” [48, tr.266]. Hắn không buồn mà chỉ tiếc, tiếc vì quyền lực không phù hợp với tạng người như hắn, biết vậy mà vẫn lao đầu vào, cuối cùng chỉ nhận lấy bẽ bàng và chua chát. Vào đất Sài thành Hắn mới thấy giá trị của đồng tiền. Nhớ lại hồi sống ở Hà Nội hắn chưa bao giờ phải lo đến tiền tiêu, còn có khi cho hàng xóm vay mượn, bây giờ “những người có tiền, có quyền coi thường hắn, khinh rẻ hắn, dầu hắn là một đại tá nhà văn” [48, tr.353]. Nhìn cái cách sống và ứng xử của Hắn mới thấy được thân phận của nhà văn trong lúc đó, không đáng giá một xu, nhận đồ bố thí từ họ hàng, “các chị cho gì đều nhận, toàn thứ tập tàng” người giàu không dùng nhưng nhà nghèo vẫn phải dùng, cho nên đành “lấy cái vợ con mừng làm nước rửa đi cái nhục”. Nhờ vả mãi thằng con trai lớn mới xin được công việc chạy bàn cho một khách sạn nhà nước, nghe con kể được ăn những thức ăn thừa của những bữa tiệc cũng đủ làm cả nhà sung sướng. Thế mới thấy được cái khổ của người nghèo mà lại là nhà văn nghèo. Con trai hắn lại không may bị đổi đi làm việc nơi khác lương ít hơn, Hắn lại phải chạy vạy năn nỉ cho con mong làm được ở chỗ cũ. Một đại tá nhà văn lại phải khúm núm khổ sở, “Hắn ngồi ở hành lang, hai tay thu vào lòng, điệu bộ lo lắng, khúm núm” [48, tr.354] trong khi đó tên giám đốc tỏ ra rất lạnh lùng và hình như không để ý gì đến thái độ rất chân thành của Hắn. Cuối cùng Hắn cũng không xin được cho con. Bản thân Hắn cũng thất nghiệp. Nhà thơ Trần Nhật Thu có sáng kiến tổ chức quán ăn cho các văn nghệ sĩ kiếm thêm thu nhập nhưng rút cuộc cũng không thành, . Có người hứa mời Hắn làm bảo vệ cho một nhà hàng lương tháng khoảng vài trăm Hắn cũng nhận lời, nhưng chờ mãi chẳng thấy ai gọi đi làm. Hắn trở thành một nhà văn nghèo phải chạy vạy kiếm sống giữa thành phố Sài Gòn hoa lệ. Cũng có nhiều cách viết để có thể kiếm tiền như viết thuê cho một số vị giám đốc muốn nâng mình lên, viết truyện trinh thám, truyện gián điệp… nhưng Hắn nhất quyết

giữ vững quan điểm tư tưởng và sự trong sáng trong ngòi bút của mình. Hắn cho rằng viết về chuyện săn người, bắt người chỉ là cái vỏ bề ngoài của sự việc, cái Hắn cần là phải khám phá cái bản chất bên trong, những giá trị có ý nghĩa với nhiều thời đại, và Hắn có thể tự hào: “Đói thế, túng thế mà vẫn viết được năm cuốn sách tiếp tục một phong cách, tiếp tục một dòng tư tưởng, chính hắn cũng phải tự khen sống thế là được, viết thế cũng là được, có thể chưa hay nhưng không làm tổn hại đến nhân cách của một cây bút” [48, tr.355]. Năm cuốn tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm - thời gian của người - Điều tra về một cái chết - Vòng sóng đến vô cùng - Một cõi nhân gian bé tý ra đời trong bối cảnh như thế. Qua những việc làm, những suy nghĩ của Hắn, chúng ta có thể thấy rằng để giữ được nhân cách tư do của mình trong xã hội, nhất là xã hội được điều hành bởi cơ chế quan liêu bao cấp là việc không dễ dàng. Điều đó đòi hỏi nhà văn phải có bản lĩnh, có lương tâm và nhất là phải luôn trung thành với niềm tin mình lựa chọn, nếu không chính mình sẽ tự tiêu diệt mình trong lòng bạn đọc. Ý thức được điều đó Hắn - Nguyễn Khải chưa bao giờ bằng lòng với chính mình, chưa bao giờ tự tin rằng mình luôn đúng. Nhà văn luôn trăn trở suy nghĩ về những gì mình đã viết, đang viết và sẽ viết để xứng đáng với vị trí của mình “nhà văn là nhà tư tưởng”.

Một phần của tài liệu Phản tỉnh và triết luận trong tiểu thuyết Thượng Đế Thì Cười của Nguyễn Khải (Trang 123)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(163 trang)
w