Về những phi lý của thể chế, cơ chế

Một phần của tài liệu Phản tỉnh và triết luận trong tiểu thuyết Thượng Đế Thì Cười của Nguyễn Khải (Trang 74)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.3. Về những phi lý của thể chế, cơ chế

Để đáp ứng tình hình mới, Đảng và Nhà nước ta tập trung mọi nguồn lực nhất là việc xây dựng những chính sách quản lý về kinh tế và mọi mặt của đời sống, nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất. Tất cả phục vụ cho mục tiêu

chung của dân tộc là thống nhất nước nhà, tiến tới một xã hội công bằng bình đẳng tự do, không có người bóc lột người. Mọi chuyện lại xuất phát từ phương thức quản lý con người với quá nhiều quy tắc, khiến con người trở nên thiếu tự tin, thiếu sự sáng tạo, thậm chí còn sợ sệt trong nhiều lĩnh vực, trong đó có “nghệ thuật”. Văn học trở thành công cụ phục vụ cho mục đích chính trị, không còn là môn nghệ thuật thuần túy, văn nghệ sĩ trở thành những tình nguyện viên tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng bằng hình tượng và cảm xúc. Cái đáng ca ngợi là giới văn nghệ sĩ lúc đó đã thể hiện được trách nhiệm của mình, góp tiếng nói chung ca ngợi, biểu dương, khích lệ tinh thần đấu tranh của nhân dân ta. Nhưng cũng chính điều đó khiến họ không thể nói hết những tâm tư, tình cảm những góc khuất trong tâm hồn mình. Đã đến hồi gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh để chúng ta nhìn lại cái thời mình đã trải qua với cái nhìn tỉnh táo hơn: “Đến thời hoà bình thì chỉ còn dân chúng đối mặt với chính quyền, quyền lợi khác nhau, nguyện vọng khác nhau, có trăm ngàn thứ khác nhau trong một cộng đồng: dân tộc, tôn giáo, văn hoá, điều kiện sống… trong một thời gian dài tạm quên đi, tạm gác lại để lo việc lớn, lúc này nhất loạt trỗi dậy, đòi hỏi và mỗi cá nhân đều thấy cái mình đòi là quan trọng nhất, bức thiết nhất. Độc lập có rồi, tự do có rồi, vậy cái hạnh phúc của mỗi chúng tôi nhà nước định quên sao?” [46]. Cái hạnh phúc mà Nguyễn Khải nói đến phải chăng là điều mà các văn nghệ sĩ mong muốn là được sống và được viết theo tiếng gọi của con tim của tình cảm mãnh liệt không phải chịu ràng buộc bởi bất cứ giáo điều nào? Trong bút ký Đi tìm cái tôi đã mất, Nguyễn Khải từng nói về bản thân mình và giới văn nhân: “Chính chúng tôi cũng tự chán mình. Tài đã kém lại bị bó chặt từ đầu tới chân, xoay tới xoay lui cũng chỉ có một vòng quay, ú ớ một cách nói, càng viết càng nhảm cũng là phải. Một nền văn nghệ phải phục vụ chính trị là đã mất một nửa tự do rồi, lại phải phục chính trị theo nghĩa các chủ trương, chính sách

của từng thời kỳ thì còn gì là tự do nữa. Ấy là chưa nói mỗi cấp cầm quyền lại có những yêu cầu riêng, những cách đối xử riêng, lúc nhu lúc cương, cái thằng nghệ sĩ chả còn biết lối nào mà lần.” [46]. Đây chính là một thực tế, văn nghệ sĩ lúc đó phải viết theo chủ trương, đường lối và ngay cả lời khuyên miệng của cấp trên, phải biết sợ “quyền vua phép nước” và sống “an phận thủ thường” nếu không cả nhu cầu được viết cũng không có. Cho nên để có thể toàn tâm, toàn ý và yên tâm để viết hắn đã khôn ngoan chọn cho mình một cách sống: “hắn luôn tỉnh táo, biết tự kiềm chế trong cái chừng mực, câu chữ dùng chặt chẽ, đắn đo theo kiểu tuyên huấn” [48, tr.139]. “Hắn” vẫn biết là nhà văn là nghệ sĩ thì phải sống trọn với niềm tin của mình “là một nghệ sĩ đích thực thì còn phải mê muội trong niềm tin của mình, biết đi tới cùng cái yêu và cái ghét” [48, tr.140] thế nhưng chưa bao giờ “Hắn” dám đi đến cùng niềm tin của mình. Vì cách mạng rất ưu ái “Hắn”, cho “Hắn” tự do và cả cái nghề sang trọng, hơn nữa hắn còn là một Đảng viên. Cho nên hắn không thể sống với cái tôi cá nhân, sống với ý riêng của mình, đi ngược lại luật lệ hay lợi ích tập thể. Rất nhiều cơ quan tổ chức được lập nên như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh và tất nhiên không thể thiếu Hội nhà văn nhằm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và đôn đốc những thành viên trong hội hoàn thành những chủ trương, nhiệm vụ chung tay góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Hắn được rèn luyện ngay từ ban đầu nên trở thành người của luật lệ hồi nào không hay và còn trở thành một hội viên tích cực luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Không những viết theo chủ trương chỉ thị, hàng năm các nhà văn còn phải tham dự những cuộc “chỉnh huấn văn nghệ”, tham dự các “trại sáng tác”… và sau mỗi đợt học tập sẽ có rất nhiều tác phẩm ra đời theo đúng như những gì các anh đã được học tập. Còn thực tế “Qua mỗi cuộc chỉnh huấn tầm vóc của mấy anh càng như nhỏ lại, mờ nhạt hơn, mất dần những vẻ riêng, cái phần độc đáo riêng để nhập vào cái dòng

chảy chung, vào cách nghĩ cách sống của một tập thể bao bọc quanh mình. Đại để cái riêng của mỗi chúng tôi đã bị cái chung nuốt dần như thế” [46]. Đó là cách giải thích vì sao có nhiều tác phẩm viết về cùng một đề tài, một kiểu kết thúc bởi vì các ông đang sáng tác theo một khuôn mẫu có sẵn, muốn sáng tạo cũng phải trong chừng mực có thể. Còn Hắn sống trong Hội lâu ngày cũng dần quen “hắn thì càng già hắn càng biết cách nhường nhịn, biết ngưỡng mộ những ý định đẹp, những hành động đẹp, biết làm lành với những người vốn ghét mình, biết nhận lỗi và sửa lỗi, biết nghe một cách thản nhiên những mọi lời chế giễu hoặc đúng hoặc sai, không giận đã đành mà cũng không thấy cần thiết phải nói lại, cứ như một tu sĩ sắp bước vào cõi “ngộ”

[48, tr.274], sẵn sàng nhận lỗi và biết hối lỗi là cái cách hắn vượt qua mọi sự rắc rối. Tại sao Hội Nhà văn lại có quyền năng mãnh liệt như thế có thể thuần hóa và biến các nghệ sĩ tự do thành người của luật lệ dễ đến vậy, vì họ được vinh dự trao “thanh gươm lệnh” với sứ mệnh quan trọng là bảo vệ vững chắc lí tưởng và để làm được điều đó họ sẵn sàng hy sinh những kẻ non nớt chưa vững vàng bản lĩnh chính trị. Trong Thượng đế thì cười, Hắn - Nguyễn Khải đã nhắc đến Vũ Bão và Trần Kim Trắc - hai nhà văn không may mắn phải chịu sự trừng phạt của tổ chức vì đã thể hiện quan điểm chính trị không rõ ràng. Cũng là chuyện văn chương, nhà văn Vũ Bão một cái tên mới được biết trên văn đàn, gây chút “mưa gió” trong lòng bạn đọc bằng tiểu thuyết Sắp cưới (1957) đã bị đánh tơi bời bởi dư luận, nhất là bài phê bình của Hắn - Nguyễn Khải. Vũ Bão lập tức bị kiểm điểm, bị cho đi “lao động cải tạo dài hạn” và bổ sung vào đội hình đi B vào chiến trường B5. Vậy thử hỏi ông còn tâm trí và tinh thần đâu để sáng tác cống hiến tâm sức cho văn học dù sau đó ông có tiếp tục viết. Đó không chỉ là nỗi đau mà còn là vết thương kéo dài hơn 42 năm đến khi nhận được lời xin lỗi của Nguyễn Khải thì nỗi đau của Vũ Bão mới có phần được nguôi ngoai. Còn đối với nhà văn Trần Kim Trắc

cũng là một cây bút có triển vọng, nhưng chỉ vì một lầm lỗi nhỏ trong sinh hoạt vậy mà trong cuộc họp mọi người lại nói buộc vào một câu “chuyện lúc đầu thì nhỏ, dần dần hóa ra to, hóa ra nghiêm trọng” [48, tr.165], cuối cùng nhà văn phải nhận lãnh một bản án nặng nề. Kể từ đó cánh cửa văn chương hầu như đóng chặt với Trần Kim Trắc. Ông vẫn sống, sống trong nghèo khổ và vì mưu sinh, vì cơm áo gạo tiền nhà văn phải làm nhiều nghề không còn tâm tư đâu mà viết. Sau năm 1975 ông bắt đầu sáng tác lại và những trang viết của nhà văn vẫn rất mộc mạc, giản dị, hiền hòa như con người Nam Bộ, nhưng có lẽ nhà văn đã đánh mất đi khoảng thời gian quý báu để có thể cống hiến nhiều hơn cho văn học. Trong khi những kẻ gây lỗi vẫn đường hoàng sống và viết nhiều, gặp lại bạn cũ “Hắn” càng ân hận và xấu hổ khi nghe những lời tâm sự đầy mỉa mai và chua xót: “Mình rất biết ơn chín năm làm anh bộ đội cụ Hồ thời đánh Pháp. Không có cốt cách của một thằng lính thì khó mà chống đỡ những sóng gió của cuộc đời. Đời rất dài ai mà tránh mãi được những chuyện không may” [48, tr.166]. Sau bao nhiêu năm nhìn lại “Những người “chân chính” như hơi gượng, cười gượng, nói gượng, còn kẻ đã “phạm tội”, đã nhiều chục năm sống khốn khổ, khốn nạn thì cười nói nhỏ nhẻ, nhún nhường” [48, tr.194]. Phải chăng bao biến cố thăng trầm của cuộc đời đã cho họ một bản lĩnh sống, khiến họ luôn kiên cường trước mọi hoàn cảnh, bởi vậy, họ tỏ lòng biết ơn: “biết ơn cuộc đời đã rất tàn nhẫn với chính mình, biết ơn bạn bè đã từng gây nhiều khó khăn cho mình, như người đã vượt khỏi sông Mê, đi đến bến bờ của sự Giác Ngộ” [48, tr.194] - giác ngộ để hiểu rằng cuộc đời muôn vàn bất trắc mà con người không lường trước được, phải biết buông bỏ để tâm hồn được thanh thản lúc cuối đời. Chính cái cách cư xử hà khắc, máy móc của một thời đã gây cho bao nhiêu người những đau khổ và oan ức mà sau mấy mươi năm thời gian cũng không thể xóa nhòa những vết thương đó. Có thể nói cái chính vẫn là do con người, do sự đánh

giá, quy chụp nặng về chính trị nhẹ về văn chương đã khiến cho nhiều cây bút có triển vọng không thể tiếp tục nghề viết không thể sống hết mình với niềm tin của mình, mai một tài năng theo năm tháng: “Kém tài là chính nhưng cũng còn có những quan niệm chưa chuẩn xác về các chức năng của nghệ thuật một thời; về sự thiếu niềm tin của bạn đọc vào lòng yêu nước, khuynh hướng cách mạng bẩm sinh của các văn nghệ sĩ nên hay nghi ngờ hay bắt bẻ; về tính ganh ghét giữa các tài năng nhỏ với các tài năng lớn nên hay bày ra những chuyện ngoài nghệ thuật để hại nhau; có cả sự thiếu bao dung của những người làm công tác quản lý nghệ thuật với những cá tính bất tuân, ngang tàng của một vài tên tuổi lớn...” [48, tr.374]. Trong môi trường như thế thử hỏi làm sao giới văn nghệ sĩ có thể sống và viết hết mình cho được? Giá như thời đó trước khi làm một việc gì con người chúng ta biết đặt mình vào vị trí người khác, biết bao dung một chút có lẽ cuộc đời này không có ai phải bất hạnh. Vậy nếu phải nhắc lại quá khứ thì lỗi này thuộc về ai, cá nhân hay cơ chế của một thời và ai sẽ là người bù đắp cho những mất mát tổn thương mà họ đã phải gánh chịu, ai sẽ bù đắp cho những khoảng trống của văn chương một thời? Với giọng điệu hóm hỉnh, “Hắn” cho rằng lỗi này “nhà nước chịu một nửa, các nghệ sĩ chịu một nửa” [48, tr.374].

“Hắn” nhận ra như một quy luật tất yếu của cuộc đời, tất cả là vì miếng ăn. Người cầm quyền mong muốn đem lại lợi ích cho cả tập thể, thỏa mãn nhu cầu vật chất lẫn tinh thần của con người, không có người bóc lột người và điều này các nhà lãnh đạo giai cấp vô sản luôn mơ ước. Hắn cũng thích điều đó, “Hắn” luôn thù ghét sự xa hoa, đầy đủ của tầng lớp quý tộc và tư sản, “Hắn” đã từng say sưa trước sự thay đổi của đất nước khi chiến tranh kết thúc, hát khúc khải hoàn tiến lên xây dựng xã hội mới. Nhưng về sau “Hắn” hiểu rằng “ở các xã hội trước, giai cấp vô sản là tầng lớp nghèo khổ nhất nên không làm chủ được vận mệnh của mình, tất cả đều tùy thuộc vào sự may rủi

[48, tr.322]. Đó là một sự phi lý, giữa nói và làm có sự mâu thuẫn, ca ngợi tự do, công bằng, dân chủ, thực chất mỗi con người đều ở trong giới hạn cho phép với những nguyên tắc mà dù muốn hay không con người phải tuân theo. Hắn là một nhà văn nhưng không thể nói hết những khát vọng cá nhân thì làm sao thực hiện đúng thiên chức của nhà văn: “Trí thức và dân nghèo, già cũng như trẻ đã phải bưng bát cơm ăn nhờ trong ngôi nhà mình đang sống nhờ đều có một gương mặt giống hệt nhau: nhẫn nhục, hãi sợ và thèm thuồng. Chính là cái nhìn thèm thuồng mà mặt người biến dạng” [48, tr.143]. Tất cả là vì miếng ăn, chỉ có thần tiên sống bằng khí trời thì không cần phải lo chứ còn con người thì không thể không lo. Nhà văn cũng cần ăn, cần mặc, nuôi gia đình cho nên phải biết tự giới hạn mình trong điều kiện cho phép, làm sao vẫn giữ được thiên lương và nhân cách của mình là chuyện không đơn giản.

Một phần của tài liệu Phản tỉnh và triết luận trong tiểu thuyết Thượng Đế Thì Cười của Nguyễn Khải (Trang 74)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(163 trang)
w