Tình hình văn học

Một phần của tài liệu Phản tỉnh và triết luận trong tiểu thuyết Thượng Đế Thì Cười của Nguyễn Khải (Trang 30)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2.2. Tình hình văn học

Ngay sau năm 1975, theo quán tính, văn học Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển theo những quy luật và cảm hứng chủ đạo của thời kỳ 1945 - 1975. Đề tài chiến tranh và khuynh hướng sử thi vẫn nổi trội. Tuy vậy quá trình đổi mới văn học đã manh nha, một số cây bút nhạy cảm với những vấn đề của cuộc sống đã sớm bộc lộ ý thức muốn đổi mới cách tiếp cận đời sống như Nguyễn Trọng Oánh với Đất trắng, Thái Bá Lợi với Hai người trở lại trung đoàn. Đến đầu những năm 80, đời sống xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn chồng chất. Sáng tác văn học chững lại, nhưng cũng chính trong thời gian này, văn học lại diễn ra sự vận động ở chiều sâu với những tìm tòi thầm lặng và sự ý thức trách nhiệm cao về nghề nghiệp của mình của một số nhà văn đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho văn học Việt Nam. Tiêu biểu là Nguyễn Minh Châu - “người mở đường tinh anh và tài năng” với hàng loạt các tác phẩm về vấn đề đạo đức - thế sự như Bến quê, Chiếc thuyền ngoài xa,

Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Mảnh đất tình yêu.… Nguyễn Khải vẫn thống nhất và biến hóa trong ngòi bút triết luận tỉnh táo, với cách viết đặt ra nhiều vấn đề, với nghệ thuật kể chuyện tự nhiên, cũng có đóng góp không nhỏ với các tiểu thuyết Cha và con và, Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người. Trong Gặp gỡ cuối năm (1983) Nguyễn Khải đã dựng lên cuộc đối thoại của nhiều luồng tư tưởng, nhiều quan niệm giá trị, ở đó chân lý cách mạng được thể hiện dưới sự phán xét của những người “phía bên kia”. Thời gian của người (1985) kể chuyện một ông linh mục, một ông giám đốc nông trường cao su, một chiến sĩ tình báo, một nữ chiến sĩ biệt động năm xưa hôm nay là bí thư huyện uỷ. Họ có hoàn cảnh xuất thân khác nhau, con đường đi

của họ không giống nhau, nhưng họ lại gặp nhau ở chỗ đều có tính cách mạnh mẽ, đều tôn thờ một cách sống: sống say mê, “sống hết mình” cho một niềm tin tốt đẹp dù trải qua năm tháng gian truân. Ngoài ra còn có Nguyễn Mạnh Tuấn với Đứng trước biểnCù lao Tràm... Kịch cũng phát triển khá mạnh mẽ: Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ; Mùa hè ở biển của Xuân Trình là những minh chứng. Lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học cũng bắt đầu phát triển, giá trị nhân văn, ý nghĩa nhân bản và chức năng thẩm mĩ của văn học được đặc biệt chú ý.

Tuy vậy văn học Việt Nam chỉ thật sự đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc từ 1986, nhờ vào công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng. Quá trình đổi mới này diễn ra trên cả bề rộng và bề sâu, ở cả phương diện thể loại và hướng tiếp cận đời sống. Có sự phong phú về đội ngũ tác giả, sự đa dạng về tác phẩm và sự bùng nổ cá tính sáng tạo. Môi trường sáng tác thuận lợi đã mở ra những khả năng lớn cho hoạt động sáng tạo của văn học nghệ thuật. Phát triển trong thời bình và không khí dân chủ, văn học Việt Nam sau 1986 đem đến một cách nhìn mới, một quan niệm mới về hiện thực. Thay vì cảm hứng sử thi của giai đoạn trước, các nhà văn tìm tòi những nguồn cảm hứng đời tư - thế sự; thay vì xu hướng ngợi ca, văn học đặc trưng bởi thái độ phê phán trực diện những tồn đọng của cuộc sống xã hội, phản ánh kịp thời và tương đối trọn vẹn những tâm tư của con người cá nhân. Tiểu thuyết thời kỳ này nở rộ với hàng loạt tác phẩm có giá trị. Thời xa vắng của Lê Lựu ra đời năm 1986, được xem là tác phẩm khơi dòng. Ngay khi Thời xa vắng ra đời, nhiều nhà nghiên cứu đã quan tâm đến khuynh hướng nhận thức lại hiện thực trong tác phẩm. Lê Lựu đã nhìn nhận hiện thực đời sống xã hội một cách tỉnh táo và khách quan. Thông qua nhân vật Giang Minh Sài, nhà văn đi sâu phân tích đời sống tinh thần con người, chỉ ra những tồn tại trong ý thức hệ tư tưởng, cái thời mà với lối tư duy bảo thủ và thói vị kỷ, những kẻ nhân danh

gia đình, đoàn thể có thể áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác, khiến biết bao con người phải rơi vào bi kịch không lối thoát “sống mà không phải là mình, không thể sống thật với chính mình thì còn khổ hơn cái chết”. Chưa có thời kỳ nào nói nhiều đến nỗi buồn chiến tranh, đời sống riêng tư, tình cảm cá nhân và bản năng con người như thời kỳ này. Đến với Bến không chồng của Dương Hướng hay Nỗi buồn chiến tranh củaBảo Ninh, chúng ta sẽ thấy được sự khắc nghiệt, sức ám ảnh ghê rợn của chiến tranh và nỗi đau tinh thần đó khó có thể chữa lành. Cựu chiến binh Nguyễn Vạn trở về sau chiến tranh trong hình ảnh một anh hùng, với những tấm huân chương lấp lánh trên ngực. Nhưng trở về cuộc sống đời thường với muôn vàn sự phức tạp, Vạn trở nên lạc lõng và trở thành nỗi “khiếp sợ” đối với dân làng. Dương Hướng đã nhìn sâu vào tâm tư của Vạn để nhận ra bi kịch trong con người khốn khổ này đó là sự mâu thuẫn, giằng co giữa lý trí và tình cảm, giữa lý tưởng và bản năng, giữa hành động và suy nghĩ, cũng như giữa ý thức giai cấp và tình người. Còn với Nỗi buồn chiến tranh là câu chuyện bi thảm về tình yêu trong chiến tranh và những chiêm nghiệm về thời chiến. Khác với những tác phẩm trước đó mang tính sử thi, miêu tả chiến tranh từ góc độ cộng đồng, ý chí chiến đấu của người lính trên mặt trận vì vận mệnh đất nước, Bảo Ninh lại miêu tả chiến tranh từ góc độ cá nhân, thân phận con người, đi sâu vào những nỗi niềm cá nhân thầm kín mà trước đó chưa nhà văn nào khai thác... Bức tranh hiện thực đời sống cùng những mảng tối, sáng, tốt, xấu được hiện lên đầy đủ diện mạo trong sáng tác của Ma Văn Kháng với Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ, Côi cút giữa cảnh đời; của Nguyễn Khắc Trường với

Mảnh đất lắm người nhiều ma; của Dương Thu Hương với Bên kia bờ ảo vọng; của Phạm Thị Hoài với Thiên sứ; của Hữu Mai với Ông cố vấn - hồ sơ một điệp viên; của Chu Văn với Sao đổi ngôi; của Xuân Cang với Những ngày thường đã cháy lên; của Ngô Ngọc Bội với Ác mộng; của Nguyễn Trí

Huân với Chim én bay; của Đoàn Lê với Cuốn gia phả để lại; của Chu Lai với Phố, Ăn mày dĩ vãng; của Khôi Vũ với Lời nguyền hai trăm năm; của Hồ Anh Tháivới Người và xe chạy dưới ánh trăng; của Võ Văn Trực với Chuyện làng ngày ấy; của Khuất Quang Thuỵ với Không phải trò đùa, Góc tăm tối cuối cùng; của Nguyễn Quang Lập với Những mảnh đời đen trắng; của Phùng Khắc Bắc với Ngày thường; của Nguyễn Xuân Khánh với Hồ Quý Ly; của Nguyễn Việt Hà với Cơ hội của chúa; của Vũ Thư Hiên với Miền thơ ấu, của Phùng Quán với Tuổi thơ dữ dội

Từ giữa những năm 90 trở về sau, kinh tế - xã hội nước ta dần dần đi vào ổn định, tất cả trở về với quy luật phát triển bình thường trong đó có văn học. Các tác giả và tác phẩm đi vào phản ánh những vấn đề của đời sống thường nhật và vĩnh hằng, đồng thời có nhu cầu tự đổi mới về cả hình thức nghệ thuật, phương thức thể hiện xem đó như một nhu cầu. Giai đoạn này có rất ít tác giả cũng như tác phẩm gây tiếng vang trong dư luận. Nguyên nhân có thể kể đến là lớp nhà văn cách mạng có người đã lớn tuổi, có người đã ra đi, còn lớp văn nghệ sĩ trẻ thì chưa có những tác phẩm thật sự đáp ứng thị hiếu cuả độc giả. Trong bối cảnh đó Nguyễn Khải ở tuổi 73 đã cho ra đời tiểu thuyết Thượng đế thì cười như một minh chứng cho sức sống, sự sáng tạo dồi dào của mình. Và cũng như những tác phẩm trước đó, ngay khi mới ra đời,

Thượng đế thì cười đã rất được sự chú ý từ phía dư luận. Thượng đế thì cười

mang đến một cái nhìn mới cho người đọc về những giá trị của một thời đã qua. Đã đến lúc văn học phải nhìn lại, tổng kết lại một chặng đường phát triển của mình với nhiều biến động.

Một phần của tài liệu Phản tỉnh và triết luận trong tiểu thuyết Thượng Đế Thì Cười của Nguyễn Khải (Trang 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(163 trang)
w