7. Cấu trúc của luận văn
1.2.3. Những khó khăn trong việc xuất bản Thượng đế thì cười
Như đã nói ở trên, Văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới đã đạt được những thành tựu đáng kể. Từ nội dung đến hình thức thể hiện, các nhà văn, nhà thơ luôn tìm tòi, sáng tạo những tác phẩm đích thực, mang dấu ấn cá nhân. Và
tưởng chừng kể từ năm 1986, các văn nghệ sĩ đã có thể tự do sáng tác, tạo ra những đứa con tinh thần xuất phát từ con tim, bằng lương tâm nghề nghiệp. Những tác phẩm được chắc lọc từ tâm huyết cả đời người sẽ được tôn trọng và tôn vinh. Đến với Thượng đế thì cười của Nguyễn Khải là trường hợp hết sức đặc biệt. Lúc đầu tác phẩm tưởng chừng không thể xuất bản được. Trong bài báo Kỷ niệm nhỏ về việc xuất bản lần đầu cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Nhà văn Nguyễn Khải: Thượng đế thì cười (hadinhcan.vnweblogs.com), nhà văn Hà Đình Cẩn lúc đó đang công tác ở tạp chí Nhà văn có kể lại rằng: “Thượng đế thì cười là cái truyện dài 159 trang tự đánh máy chữ nhỏ được Nguyễn Khải hoàn thành ở tuổi 73. Tác phẩm viết xong ngày 4 tháng 9 năm 2002, thì đến ngày 5 tháng 10 năm 2002, Nguyễn Khải đã gửi hẳn bản gốc cho tôi, kèm theo lá thư chưa mấy dòng: Dạo này tay tôi hơi run, viết không đọc rõ, ông chịu khó đoán viết vậy.” Trong bức thư Nguyễn Khải gửi có đoạn: “Tôi viết cũng cẩn thận, kín kẽ lắm, nhưng Cẩn đọc thấy đoạn nào hơi gờn gợn thì ông bảo tôi sẽ cắt đi, hoặc có cách sửa. Vì ta phải nghĩ tới cả cuốn sách sẽ được in sau đó. Theo tôi, đây là một cuốn sách viết về nghề văn, những chuyện của nghề, không phải là các giai thoại vặt về ông này và ông kia, mà là những chuyện cốt tử khác, có chỗ hơi khó nghe, nhưng không thể bắt lỗi tôi được, vì sự thật là thế, người khác nói thì ngại, nhưng tôi, tôi nghĩ nếu tôi nói thì sẽ không có sự hiểu nhầm… ấy viết thì tự cho là như thế, nếu Cẩn đọc lại thấy dở, chưa được thế, lại là chuyện khác, và sẽ phải theo ý của Cẩn thôi. Đọc xong Cẩn gọi điện thoại cho mình nhé. Và cuối thư, anh dặn thêm: Ông phải tỉnh táo đấy. Tôi sợ ông yêu tôi quá sẽ mất tính khách quan. Đoạn nào in, đoạn nào để lại tuỳ Tổng biên tập”… Được sự góp ý của Tổng biên tập Hà Đình Cẩn, trang bản thảo viết về nhân vật Kim Ngọc - Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú được cắt đi 7 dòng như sau: “Nói rằng chế độ khoán là sai, là xét lại chủ nghĩa Mác thì phải bịt tai trước những tiếng kêu cứu khẩn thiết của người
nông dân. Còn bảo làm thế là đúng thì lại phạm tới sự kiên định của một hệ tư tưởng. Phải bảo vệ sự trong sáng của hệ tư tưởng đang chi phối mọi hoạt động của xã hội, chống lại mọi biểu hiện theo đuôi quần chúng là chuyện đương nhiên phải xẩy ra. Và số phận người chiến sĩ đi tiên phong trong sự nghiệp đổi mới đã được định đoạt như mọi người đều biết”. Chuyện bản thảo đã ổn, chỉ còn việc đưa tác phẩm ra in, thì hai ngày sau đó Nguyễn Khải tiếp tục gửi hai trang bản thảo mà lần này tác giả tự cắt bớt đi hai đoạn nữa. Nói như Nguyễn Khải thì làm thế để đảm bảo tính hệ thống của vấn đề. Hai đoạn đó như sau: Đoạn một, “Tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 3, cụ Đặng Thai Mai có dẫn hắn tới gặp đồng chí Trường Chinh trong giờ giải lao của một phiên họp toàn thể vì hắn là một cây bút trẻ có nhiều triển vọng. Nhà lãnh đạo nổi tiếng của Đảng vốn rất am hiểu lãnh vực văn hoá nghệ thuật, lại hay quan tâm tới công việc của văn nghệ sĩ, quen biết nhiều người trong bọn họ từ những năm trước cách mạng, có khuyên hắn phải tiếp tục rèn luyện, không được kiêu ngạo, khi thâm nhập thực tế để viết cần tôn trọng sự thật, không nên viết theo sự đánh giá chủ quan. Trong vài lần gặp gỡ khác với giới viết văn, đồng chí Trường Chinh còn nói, các nhà văn nên viết giản dị, dễ hiểu, tránh viết theo lối đa nghĩa, và bao giờ đồng chí cũng nói kèm theo một từ tiếng Pháp, sens equivoque.”. Đoạn hai, “Hắn nói ương bướng: Có nhiều cái khác, nhưng cũng có nhiều cái không thể khác, như cách ăn ở, cách cư xử trong gia đình của các bà vợ, bà mẹ của Việt Nam. Thằng con vẫn cười: Có những giá trị nghĩ là vĩnh cửu mà vẫn phải đổi khác. Ví như anh hùng thời xưa rất khác thời nay. Bố về Thanh Hoá có kể chuyện ông Đề Điếm, mới đánh Tây có một trận đã bị bắn xổ ruột rồi chết, chả có công tích gì mà dân làng còn lập miếu thờ. Vậy những anh bộ đội đánh Pháp, đánh Mỹ thì sao? Họ đã từng đánh cả trăm trận về xã còn bị các ông xã làm hành, làm tỏi, nói gì đến lập miếu thờ. Hắn ngồi im”… Đó là những chi tiết đầu tiên hé lộ về số
phận của tiểu thuyết Thượng đế thì cười. Tác phẩm được in trọn bộ, liên tiếp ba kỳ, mỗi kỳ trên sáu mươi trang ở tạp chí Nhà văn được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Sau đó Thượng đế thì cười được Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản thành sách. Đến đây tưởng chừng quyển sách có thể “xuôi chèo mát mái” đến với tay bạn đọc. Không ngờ phải trải qua một sự cố nữa. Khi quyển sách được in xong, vào đầu năm 2003, quyển sách bị cấm phát hành, vì trong tác phẩm có một đoạn ở chương 22, Nguyễn Khải đã kể cụ thể chuyện đại biểu quốc hội ngủ gật: “Trong suốt một nhiệm kỳ Quốc hội khoá 8 hắn chỉ phát biểu có một lần về những điều bổ sung cho Luật Báo chí. Hắn đề nghị Quốc hội xem xét cho ra báo tư nhân và nhà xuất bản tư nhân để đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản của một xã hội văn minh. Hắn vừa ngồi xuống thì bà T. cũng là đại biểu của thành phố Hồ Chí Minh, nguyên là một nữ luật sư danh tiếng của Sài Gòn trước đây, một thượng nghị sĩ trong phe đối lập với chính quyền Thiệu, đứng lên phản đối liền. Bà nói, đại ý, rằng hắn chưa từng sống trong xã hội tư bản nên mới ngộ nhận là ở đó có tự do báo chí! Không có đâu! Danh nghĩa là báo của tư nhân nhưng nguồn tài trợ thường xuyên để nuôi sống nó luôn luôn là của các tổ chức chính trị, tôn giáo, nghề nghiệp đầy quyền lực… Bà vừa dứt lời tiếng vỗ tay đã vỡ ra vang dội và kéo dài khắp hội trường. Ông chủ quyền lực bắt đầu ghét hắn từ ngày ấy, đã muốn đuổi hắn ra khỏi cơ quan quyền lực từ ngày ấy. Rồi hắn lại ngủ gật nữa. Trong những phiên họp tranh cãi sôi nổi về một từ, một câu trong những điều luật bổ sung của Bộ luật Hình sự, thì hắn ngủ gục, đầu vẫn ngay, lưng vẫn thẳng nhưng đầu óc đã trống rỗng, mờ mịt, người ngồi cạnh phải hích nhẹ hắn mới bừng tỉnh. Một ông nghị gật như các báo vẫn chế giễu các ông nghị bản xứ thời Pháp thuộc…”. Sau một năm bị xếp trong kho, cấp trên mới tạo điều kiện, sách nếu muốn được xuất bản thì phải cắt bỏ đoạn “Đại biểu quốc hội ngủ gật”. Nguyễn Khải ngay lập tức đồng ý cắt bớt một vài
đoạn trong tác phẩm và sau đó tác phẩm được xuất bản. Qua sự kiện này có nhiều người cho rằng Nguyễn Khải quá nhân nhượng, thích sự “dàn hòa” (Thượng đế thì cười), nhưng không phải thế, Nguyễn Khải từng tâm sự: “Một đời của tôi chỉ có những trang viết là thành công, còn bỏ viết để làm việc khác cho nó sang là hỏng hết, là thân bại danh liệt ngay, kể cả là đại biểu Quốc hội. Ngồi họp mà ngủ gật là chuyện có thật chứ không phải bịa. Ai lại tự bêu xấu mình bằng một chuyện bịa! Khi cuốn sách bị trục trặc trong việc cho phát hành, tôi cũng muốn các cơ quan quản lý có thời gian nghĩ lại. Nhưng sau một năm NXB vẫn khuyên tôi nên cắt bỏ một vài trang, vì sách đã lỡ in rồi. Tôi thấy đoạn kể chuyện ngủ gật ở Quốc hội cũng chỉ là chuyện nói vui, còn nhiều chuyện khác có ý nghĩa hơn, chỉ vì đoạn này mà cuốn sách không thể tới được tay bạn đọc thì cũng tiếc nên tôi đồng ý cắt một trang. Anh em bảo thế là không hay, cái ông Khải này lúc nào cũng nhân nhượng. Thật sự tôi thấy điều ấy cũng không phải là quan trọng nhất, cắt bỏ đi cũng chả ảnh hưởng gì đến quyển sách”. Trong bài báo Tôi không có gan đứng một mình, có câu hỏi cho rằng sự nhượng bộ ấy của Nguyễn Khải là có vấn đề, lúc đó nhà văn lại thành thật chia sẻ: “Đúng, đấy là vấn đề của tôi. Tôi không muốn gây phiền hà cho người khác. Độc giả đánh giá tôi đầu hàng, nhân nhượng thì cũng đành chịu. Tôi không thích gây sự. Mình chẳng là gì để gây sự. Trong suốt thời gian cuốn sách bị ách lại, tôi cũng không phát biểu để bày tỏ điều này điều nọ. Tôi im lặng. Cũng không phải lần đầu tôi im lặng như thế. Sách của tôi in ra cũng hay có chuyện, nhưng bao giờ tôi cũng im lặng. Không cãi. Có lúc một đảng bộ địa phương còn cho tôi là hậu "Nhân văn giai phẩm", tôi cũng im lặng. Một số bài báo của tôi viết năm 1974 cũng bị xem là xỏ xiên tiêu cực, tôi cũng không lên tiếng. Mọi chuyện cứ để thời gian trả lời. Nhà văn là người sống trực tiếp với cái bình thường, cái mỗi ngày nên dễ nhạy cảm nhiều vấn đề quan trọng của xã hội mà nhà quản lý
chưa quan tâm, hoặc quan tâm không đúng mức. Họ cho rằng nhà văn đã viết không đúng và ngăn cấm. Đấy là một khoảng cách không bao giờ rút ngắn được giữa nhà văn và nhà quản lý.” Đây có thể xem là một nét tính cách của Nguyễn Khải. Đối với nhà văn không có chuyện gì quan trọng bằng được viết, được sống với nhân vật, với tác phẩm của mình.
Vậy là cuối cùng những khó khăn đã qua, cuốn sách đã đến tay bạn đọc. Sách là một tập truyện gồm nhiều truyện ngắn, tạp văn và hơn 250 trang cuối là tiểu thuyết Thượng đế thì cười, ngoài ra còn có hai bài viết của Nguyên Ngọc. Tác phẩm có phần giống như một hồi ký, tự sự, nhìn lại cuộc đời hơn là một tiểu thuyết. Tác giả kể từ xa đến gần, tự xưng mình là "hắn". Đến nay quyển sách đã được tái bản nhiều lần và luôn được sự quan tâm của dư luận. Đây có thể xem là tác phẩm rất đặc biệt của Nguyễn Khải, bởi nó mang giá trị tổng kết cho một đời văn, đời người.