Về trách nhiệm hiển nhiên đối với những thiếu sót trong sáng tác

Một phần của tài liệu Phản tỉnh và triết luận trong tiểu thuyết Thượng Đế Thì Cười của Nguyễn Khải (Trang 133)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.2.Về trách nhiệm hiển nhiên đối với những thiếu sót trong sáng tác

Như ở phần giới thuyết chúng tôi đã trình bày, xu hướng sám hối, nhận thức lại quá khứ trở thành một nhu cầu chính đáng của các nhà văn nhà thơ, họ mong muốn được bày tỏ, được cảm thông chia sẻ những băn khoăn về những giá trị họ đã tạo dựng. Điều đó đồng nghĩa với việc nhà văn lúc nào cũng phải đối diện với chính mình, luôn luôn đặt những câu hỏi cho mình, về mình. Chế Lan Viên, nhà thơ lớn của dân tộc, cũng có ý thức phản tỉnh cao độ, lúc nào cũng day dứt khôn nguôi về sự tồn tại của bản thân. Ông từng đặt cho mình hai câu hỏi: “Ta là ai? Ta vì ai?”, có khi lại ví mình như “Tháp Bayon, bốn mặt dấu đi ba” đó chính là cảm hứng sám hối. Tác giả Hoàng Hưng thì cho rằng văn nghệ sĩ bất cứ lúc nào cũng là “người đi tìm mặt”. Họ không thôi đặt ra những câu hỏi trong tư tưởng và phơi bày chúng, giải quyết chúng thông qua thế giới hình tượng đa dạng. Ngay như Hắn - Nguyễn Khải của chúng ta cũng luôn suy ngẫm về những gì mình cống hiến đến cuối đời có phải là giá trị thật không? Điều đó thể hiện trách nhiệm to lớn của người cầm bút ý thức cao về thiên chức của mình. Không ai có thể tự hào là mình không thiếu sót, quan trọng là nhìn nhận những thiếu sót đó như thế nào? Đối với Hắn - Nguyễn Khải, chấp nhận thiếu sót trong sáng tác là cách để nhà văn tìm lại chính mình và khẳng định vị trí trong lòng bạn đọc.

Nguyễn Khải từng đánh giá “Tôi chỉ là người của một thời”, có lẽ nhà văn cảm thán về dòng chảy thời gian và tự thừa nhận những thiếu sót trong các tác phẩm của mình trước đó. Rồi đây lớp bụi thời gian sẽ xóa mờ ký ức về ông trong lòng bạn đọc và điều đó thật khủng khiếp đối với một nhà văn.

Trong Thượng đế thì cười, Hắn - Nguyễn Khải luôn cảm thấy mặc cảm và ân hận khi không thực hiện hết trách nhiệm của mình, đã không phản ánh đúng hiện thực, viết sai hiện thực bản thân tác giả không thể vô can. Ngay với truyện ký Người con gái quang vinh, ở luận điểm này chúng ta cũng có thể thấy Hắn đã mạnh dạn thừa nhận thiếu sót của mình. Khi đã không phản ánh đúng hiện thực như nó vốn có mà cố gắng biến hiện thực theo khuôn mẫu có sẵn, mang tính chất minh họa, dù không cố tình, Hắn đã biến nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi thành một nhân vật thiếu sức sống. Ở tiểu thuyết Cha và Con … Hắn đã xây dựng thành công nhân vật lí tưởng là một con người như Cha Thư. Tác phẩm được bạn đọc và giới phê bình yêu thích, bởi nó đáp ứng tiêu chuẩn mĩ học của một thời là kết thúc có hậu. Vậy mà chính Hắn thừa nhận đã từng nhân nhượng trong việc xây dựng tác phẩm: “Nhưng ở Cha và Con và… lại có sự nhân nhượng, sự giải hòa vì cha Thư đã tìm cách chung sống giữa các bổn phận, lấy giáo dân làm chúa của mình. Nhưng trong thực tế đã hoặc sẽ có một linh mục nào ở nước ta dám làm một cuộc cách mạng triệt để như thế không? [48, tr.234]. Hắn đã tin tưởng, đã hi vọng về một viễn cảnh tốt đẹp trong tương lai là “hòa hợp dân tộc”, nhưng xem ra điều đó không thể thực hiện trong một thời gian ngắn, không phải do tự cá nhân ý thức mà cần có những điều kiện thích hợp. Khi viết về An, vị chủ tịch xã trẻ tuổi có tài lãnh đạo trong tiểu thuyết Chủ tịch huyện, ngay lần đầu tiên gặp gỡ Hắn đã bị hấp dẫn và nghĩ rằng mình đã tìm được một nguyên mẫu hoàn hảo. Nhưng qua nhiều lần tiếp xúc, Hắn đã lờ mờ nhận ra những biểu hiện tiêu cực của một con người, nếu tiếp tục được dung túng và nuông chiều như bấy giờ không sớm thì muộn sẽ trở thành kẻ hãnh tiến, không từ mọi thủ đoạn để đạt được mục đích. Nếu tiếp tục khai thác hiện thực, biết đâu Hắn sẽ tạo nên một hình tượng văn học có một không hai. Nhưng Hắn đã dừng lại bằng một kết thúc mang tính chất “lãng mạn”. Nhân vật của Hắn đã thức tỉnh nhận ra lầm

lỗi và tự nguyện bước vào cuộc chiến đấu của dân tộc. Còn trong thực tế thì nhân vật của Hắn đã thực sự biến thành tên ác bá, đầy thủ đoạn, lộng quyền đúng như Hắn từng dự cảm. Thậm chí, y còn trở thành kẻ lừa đảo bị truy nã. Giá như ba mươi sáu năm về trước Hắn thẳng thắn viết về những tiêu cực, những thói xấu khi mới bắt đầu manh nha để nhân vật và người đọc có đủ nhận thức thì có lẽ thực tế đã không tàn nhẫn đến thế. Hắn phải chua chát thừa nhận thiếu sót của mình trong bài bút ký Mất toi một cuốn sách. Đó quả là một câu chuyện buồn và đáng xấu hổ mãi ám ảnh Hắn trong suốt cuộc đời sáng tác và là minh chứng để Hắn giữ sự ngay thẳng trong ngòi bút của mình. Tuy vậy trong việc phản ánh về con đường hoạn lộ của mình và thế giới quyền lực, Hắn đã thực sự không dám phơi bày mặt trái của nó, vì bản thân Hắn là kẻ thất bại và vì rất nhiều lí do khác nữa: “Trong mọi thất bại của con người ta chỉ có cái thất bại về hoạn lộ là không nên biết và không nên viết vì nó nhơ bẩn và buồn cười” [48, tr.266].

Cả đời Hắn sợ nhất là nói oan và viết oan cho người khác. Thế nhưng trong bài phê bình Trách nhiệm của người viết qua cuốn Sắp cưới của Vũ Bão đăng trên báo Văn nghệ số ra tháng 7 năm 1958, hắn đã dùng lời lẽ vô cùng sắc bén để quy kết đồng nghiêp: “..Bây giờ đứng về phía người viết với nhau mà nhận định truyện Sắp cưới thì phải nói tác giả cuốn sách đó là một người viết không có lý tưởng cách mạng, không thấy được cái nghiêm trang trong công việc mình làm, viết ra dưới sự xúi giục của những kẻ phá hoại trong nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm. Tài liệu, sự việc, cho đến nhân vật, cách bố cục đều phục vụ cho những ý định độc ác của tác giả một cách tùy tiện..”, “Càng đọc càng thấy tác giả lộ rõ mặt là một tên hề khả ố, bỡn cợt cả những công việc nghiêm trang nhất của quần chúng, của cách mạng, khiến khó ai có thể nén nổi sự căm phẫn. Đến nỗi có một vài đoạn Vũ Bão cố ý viết cho đứng đắn, như đoạn suy nghĩ của Viên về Đảng (trang 90) thì người đọc lại càng

tức giận thêm, muốn quát to một tiếng: "Thôi đi, đồ giả dối!". Sự thật chính bài báo này đã góp phần làm mai một đi một tài năng mới xuất hiện trên văn đàn. Thời gian trôi đi Hắn hoàn toàn không nhớ, sau đó bốn mươi hai năm Vũ Bão đến tìm gặp Hắn đòi lại món nợ cũ. Ở tuổi 70 Hắn đã có cách xử sự rất đúng đắn, nhân dịp này nghiêm túc thừa nhận và công khai xin lỗi những thiếu sót của mình với Vũ Bão cũng như tất cả các bạn văn khác mà Hắn đã vô tình xúc phạm niềm tin về nghệ thuật của họ, mong họ thông cảm và bỏ qua vì đó chỉ là sự háo thắng của một thời. Hắn đã tâm sự với Xuân Ba trong bài viết Cuộc "làm lành" sau 42 năm của hai nhà văn Vũ Bão và Nguyễn Khải: Rằng cái hồi ấy, cái năm 1958 và nhiều năm sau nữa ấy mà, mình hăng lắm, oách lắm, oai lắm, còn hướng dẫn cả nhà thơ Thế Lữ viết kiểm điểm, cãi tay đôi với Đặng Thai Mai. Bây giờ có chợt ngẫm lại còn thấy nóng tai! Một lần mình ngồi với Chế Lan Viên ở ghế đá vườn trụ sở Hội Nhà văn, bà Hằng Phương vợ nhà văn Vũ Ngọc Phan đợi Chế Lan Viên đi rồi lừ lừ nhìn tôi buông thõng: "Định đánh thằng nào thì cứ nói ra đi". Chao ôi, cái thời đó… có trong nghề lâu mới thấy thấm. Có thể phải nói thế này cậu ạ, mình xin lỗi không phải chỉ riêng trường hợp của ông Vũ Bão mà còn đối với một số anh em khác nữa kia… Mình có linh cảm là được dự Đại hội lần này có lẽ là lần cuối nên mình cũng thực lòng vậy. Các cậu còn trẻ nếu có nhận xét gì, hạ chữ gì về ai cố gắng phải đôi hồi đắn đo lắm lắm v.v và v.v…”. Với cái nhìn hiền mình của người già Hắn đã ngộ ra rất nhiều giá trị, tất cả những cái phù phiếm, những ganh đua con trẻ, hiếu thắng con trẻ và cách tự tỏa sáng cũng rất trẻ con đã tàn lụi theo năm tháng, phần những lầm lỗi, những lời nói bài viết kiêu ngạo, độc đoán một thời, áp đặt một cách nghĩ cho người khác sẽ là những ám ảnh lúc về già. Nói gì thì nói những thiếu sót trong quá khứ có một phần là của chính Hắn, cho nên “Là người biết nghĩ thì đã làm việc lầm lỗi phải biết nói lời xin lỗi, phải biết xin những người bị hàm oan mở lòng tha

thứ và sẵn sàng chịu nhận những lời mắng mỏ, chửi rủa không chút oán giận” [48, tr.168. Có thể nói tất cả đã qua nhưng dư ba của nó còn trong lòng nhiều người, phải biết quên, phải biết yêu thương và biết hối lỗi để tâm hồn nhẹ nhàng hơn. Nhìn nhận lại những thiếu sót trong sáng tác, cũng như trong đời sống để tự điều chỉnh mình, là điều cần thiết đối với mỗi chúng ta, chứ không riêng gì Nguyễn Khải.

Một phần của tài liệu Phản tỉnh và triết luận trong tiểu thuyết Thượng Đế Thì Cười của Nguyễn Khải (Trang 133)