Triết luận và triết luận dựa trên nền tảng phản tỉnh

Một phần của tài liệu Phản tỉnh và triết luận trong tiểu thuyết Thượng Đế Thì Cười của Nguyễn Khải (Trang 58)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.2. Triết luận và triết luận dựa trên nền tảng phản tỉnh

Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Khải được xem là công cuộc khám phá đời sống - con người qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và công cuộc xây dựng đất nước. Ngay từ khi mới bước chân vào văn đàn Nguyễn Khải đã kiên trì khai phá những vấn đề thời sự xã hội với phong cách chính luận và về sau nhà văn lại quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề xã hội, nhân sinh những giá trị mang tính bền vững qua giọng văn đậm chất suy ngẫm và triết luận. Vì thế “chất triết luận” là đặc trưng quan trọng trong các sáng tác của Nguyễn Khải. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Long trong bài Nhìn lại một chặng đường tiểu thuyết phát hiện Nguyễn Khải chính là người mở ra khuynh hướng mới - khuynh hướng tiểu thuyết triết luận.

Có thể thấy thuật ngữ triết luận được ghép bởi hai yếu tố “triết” và “luận”. “Triết” là sự triết lí về những vấn đề nhân sinh xã hội, còn “luận” là bàn luận của nhà văn về những vấn đề nhân sinh, xã hội ấy. Từ cách hiểu thuật ngữ triết luận như vậy chúng ta có thể hiểu khái niệm “triết luận” rộng

và sâu hơn khái niệm “triết lí”. Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh trong bài viết

Khuynh hướng triết luận trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 về đề tài chiến tranh cho rằng: Cảm hứng triết luận là cái nhìn mang tính triết lí, thể hiện bằng nhiệt tình tranh biện, bàn luận của nhà văn về những vấn đề nhân sinh, xã hội nhằm hướng tới các quy luật phổ quát. Khi triết luận trở thành cảm hứng chủ đạo, nhiệt tình tranh biện và tính triết lí sẽ xuyên suốt tác phẩm, gắn liền với một tư tưởng và một sự đánh giá nhất định. Khi đó, nhà văn tài năng có thể kéo người đọc cùng tham gia đối thoại, bàn luận. Với một sáng tác mang tính triết luận, việc xếp đặt nhân vật và sự kiện vào các phạm trù rành mạch tốt - xấu, chính diện - phản diện sẽ là bất cập. Nó đòi hỏi và cho phép sự đánh giá đa chiều. Nhân vật trong tác phẩm triết luận chủ yếu là nhân vật tư tưởng, hoặc số phận - tư tưởng, ít khi là nhân vật tính cách. Và cách hiểu của chúng tôi cũng có điểm tương đồng với cách hiểu này.

Bên cạnh đó theo chúng tôi triết luận trong những tác phẩm của Nguyễn Khải không chỉ là cảm hứng mà còn là một nét phong cách, một đặc điểm sáng tác của nhà văn. Phong cách triết luận ấy biểu lộ qua việc lựa chọn ngôn từ, xây dựng hình tượng với những nhân vật thích tranh biện, lắm chữ nghĩa. Họ thường luận về những vấn đề bức thiết của đời sống, xã hội với nhiều mối tương quan, qua những lời phát ngôn trực tiếp. Những phát ngôn có khi giản dị và thiết thực như lời của Cha Thư trong tác phẩm Cha và Con và…: “Có thực mới vực được đạo… Không có lương ăn lấy gì nuôi xác thịt? Không có xác thịt thì đạo chúa rao giảng cho ai?” [36]. Đôi khi nó chứa đựng những bài học nhân sinh sâu sắc, chân thành: “Tình thương luôn luôn đem lại sự mầu nhiệm mà tài năng chỉ có thể ao ước” hay “không có niềm vui nào hoàn toàn, cũng chẳng có nỗi buồn nào hoàn toàn” [38]… Những nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Khải thường phải đối mặt với thử thách hay những cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt. Việc tranh luận với người khác và

tranh luận với chính mình trở nên cần thiết để tìm ra hướng giải quyết hợp lý. Cái hay của nhà văn là dù xây dựng nhân vật chính diện hay phản diện, tất cả đều nhiệt tình tranh biện, vì thế khi khám phá tác phẩm người đọc hoàn toàn bị thuyết phục cảm thấy như mình được đối thoại, nhìn ngắm, giải quyết những mâu thuẩn cùng với nhân vật. Đoàn Trọng Huy trong bài Vài đặc điểm phong cách nghệ thuật Nguyễn Khải nhận định: “Nhân vật của Nguyễn Khải thường hay tranh cãi, lý sự. Nó suy đoán, phán xét, bình phẩm, biện luận và triết lí. Nhiều khi người độc thoại trầm ngâm, suy ngẫm về thế sự, băn khoăn với những tiếc nuối, day dứt với những hồi tưởng để tự phán xét, tranh luận với chính mình…”. Và thông qua thế giới nhân vật đó, Nguyễn Khải từng bước nêu lên những quan điểm triết lý nhân sinh của mình về mọi mặt của đời sống xã hội nhất là những vấn đề bức thiết, những “cái hôm nay”. Nhà văn lí giải chúng bằng bản lĩnh và sự trải nghiệm cuộc sống của chính bản thân mình bằng giọng văn đậm chất triết luận, triết lý. Vì thế “triết luận” trong sáng tác của Nguyễn Khải mang một chất lượng mới, tất cả những gì ông thể hiện trên trang viết được chính bản thân kinh qua và đúc rút thành những kinh nghiệm xương máu. Nói như Nguyễn Thị Kỳ: “Trong văn chương viết về cái hôm nay là bình thường. Chuyện tệ nạn xã hội, tham ô, chạy án, buôn lậu… dẫu một số cây bút nào đó phóng tay bôi lên trang sách be bét máu me, nhúng ướt nước mắt, nêm cho nó sặc mùi tiền, rồi hơ cho nó nóng lên bằng sex… Thì công bằng mà nói họ cũng chăm chăm vào cái hôm nay ngổn ngang bề bộn cả thôi. Cái khác của Nguyễn Khải là “cái hôm nay” của ông được trình bày theo hướng triết lý.” [51, tr.105]. Ấy vậy mà mỗi tác phẩm, mỗi nhân vật của Nguyễn Khải lại có sự hấp dẫn và tồn tại lâu dài trong lòng độc giả.

Có lẽ sự phản tỉnh - sự nhận thức lại, nhìn nhận lại, đôi khi còn là sự sám hối của tác giả đã đem đến một chất lượng mới cho “triết luận”, làm cho

triết luận ngày càng thấm thía, sâu sắc hơn, từ đó tạo thành sức lan tỏa mạnh mẽ làm lay động lòng người. Triết luận trong văn chương Nguyễn Khải không khô khan, máy móc, giáo điều. Tất cả được tạo nên từ óc quan sát tinh tế, khả năng lắng nghe, đặt mình vào vị trí của nhân vật để cảm thông, thấu hiểu, để bày tỏ và giải quyết những sự việc như của chính bản thân. Cũng như “tảng băng trôi” của nhà văn Hemingway, chất triết luận trong tác phẩm của Nguyễn Khải mang đến những ý nghĩa thời đại lớn lao so với những gì được phản ánh trong văn bản. Càng trải nghiệm nhiều lẽ đời thì suy nghĩ và cách đánh giá của con người về đời sống càng chín chắn, sâu sắc hơn, cũng như chính bản thân người tiếp nhận họ cũng cần có vốn sống, vốn kinh nghiệm để lĩnh hội được những “triết luận” trong văn bản. “Triết luận” trong các tác phẩm của Nguyễn Khải không chỉ là chuyện của một vài cá nhân mà đó là những luận bàn mang tính chất khái quát về đời sống, mang ý nghĩa xã hội rộng lớn. Tất cả thể hiện một cái nhìn toàn diện sâu sắc, tài năng và cả cái tâm của Nguyễn Khải đối với nghề nghiệp và bạn đọc.

Một phần của tài liệu Phản tỉnh và triết luận trong tiểu thuyết Thượng Đế Thì Cười của Nguyễn Khải (Trang 58)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(163 trang)
w