Thực trạng của việc rèn luyện cho học sinh các hoạt động trong dạy học môn Toán

Một phần của tài liệu Rèn luyện cho học sinh các hoạt động nhằm phát triển khả năng chiếm lĩnh tri thức trong dạy học hình học không gian ở cấp Trung Học Phổ Thông (Trang 37)

dạy học môn Toán

Qua thực tiễn giảng dạy của bản thân, qua dự giờ thăm lớp, trò chuyện và trao đổi với các giáo viên có kinh nghiệm về việc vận dụng lý thuyết hoạt động vào việc dạy học hình học ở trường phổ thông cho thấy: “Việc triển khai lý thuyết hoạt độngvào việc dạy học Toán ở trường trung học phổ thông còn chưa thật sự được quan tâm và triển khai đầy đủ”.

Hầu hết chúng ta thấy được hiệu quả của việc vận dụng lý thuyết hoạt động vào giảng dạy Toán mang lại nhiều hiệu quả cho hoạt động học tập của học sinh là điều không thể phủ nhận. Vì sao biết được tác dụng tích cực của lý thuyết hoạt động mà việc triển khai nó vẫn chưa được quan tâm thích đáng? Qua tìm hiểu và trao đổi với các giáo viên có kinh nghiệm đang giảng dạy tại trường trung học phổ thông, chúng tôi rút ra một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất: Một số giáo viên giảng dạy lâu năm đã quen thuộc với phương pháp dạy học cũ, nên khó thay đổi phương pháp dạy học theo hướng hoạt động.

Thứ hai: Theo ý kiến của các giáo viên, việc triển khai lý thuyết hoạt động có những vướng mắc về sức ỳ của học sinh, do họ đã được rèn thói quen kiểu: nghe – chép – học thuộc. Hơn nữa, là do học sinh hổng kiến thức ở lớp dưới nên

việc sử dụng lý thuyết hoạt động đối với những học sinh này tỏ ra ít có hiệu quả (?).

Thứ ba: Cũng theo ý kiến của các giáo viên, việc triển khai lý thuyết hoạt động tiêu tốn nhiều thời gian nên thời lượng quy định dành cho giảng dạy phần kiến thức nào đó nhiều khi không đủ để truyền đạt kịp.

Lý thuyết hoạt động trong dạy học Toán được triển khai ở trường trung học phổ thông chưa được thường xuyên và đầu tư thích đáng thể hiện trong việc chưa khai thác hết các tiềm năng của các thành tố cơ sở của phương pháp dạy học, thường chỉ sử dụng một ít trong số các khía cạnh của các thành tố cơ sở. Việc sử dụng thành tố gợi động cơ cho các hoạt động học tập cũng không là ngoại lệ trong tình trạng chung đó.

Gợi động cơ là một việc làm không dễ dàng, đặc biệt là đối với một số kiến thức trừu tượng. Qua một số tiết dự giờ môn Toán và qua trò chuyện với giáo viên toán ở trường THPT tôi được biết rằng việc gợi động cơ để hình thành khái niệm, phát hiện định lý, công thức, tìm hướng giải bài tập chưa được quan tâm và đưa vào thực tiễn dạy học. Nếu có thì mới chỉ dừng lại ở gợi động cơ xuất phát từ nội bộ toán học.

Theo các thầy cô thì khó khăn để thực hiện việc gợi động cơ:

- Về phía giáo viên là: Nhiều khi đối với những khái niệm trừu tượng, ít quan hệ với những kiến thức đã biết thì khó tạo động cơ (khó đặt ra những vấn đề, những câu hỏi thích hợp) để dẫn dắt học sinh tự hình thành khái niệm, phát hiện định lý. Hơn nữa, việc gợi động cơ cho học sinh hình thành khái niệm, phát hiện định lý thường tiêu tốn nhiều thời gian hơn thời gian quy định trong chương trình.

- Về phía học sinh là: khả năng phát hiện vấn đề, tương tự, khái quát hóa,... của học sinh còn yếu, nên việc tìm tòi xây dựng khái niệm, định lý, phát hiện mâu thuẫn nội tại Toán hoặc thực tiễn để hình thành thói quen tư duy phát triển rất chậm. Hơn nữa, đa số học sinh hổng kiến thức và kỹ năng cơ bản, nên việc gợi ý hướng dẫn hình thành khái niệm mới, phát hiện định lý hiệu quả thấp.

Từ một số khó khăn gặp phải ở trên, dẫn đến thực trạng dạy học Toán hiện nay ở trường trung học phổ thông (qua dự giờ thăm lớp):

* Về lý thuyết:

- Cách dạy một khái niệm thường là nêu khái niệm, sau đó cho một ví dụ minh họa khái niệm mà không có quá trình dẫn dắt học sinh lĩnh hội khái niệm đó. Như vậy, với cách dạy học này học sinh sẽ không thể nhớ lâu khái niệm được. Ngược lại, nếu giáo viên vận dụng cách dạy gợi động cơ từ khái niệm đã biết dẫn đến khái niệm mới không những giúp các em nắm vững khái niệm hơn mà còn cho các em thấy được ý nghĩa của khái niệm và mối liên hệ giữa các khái niệm.

- Với các định lý cách thông thường giáo viên chỉ nêu định lý và trình bày chứng minh, thậm chí có một số giáo viên còn không chứng minh vì cho rằng mất nhiều thời gian và cho rằng các em chỉ cần biết và vận dụng là được rồi. Với cách này học sinh rơi vào thế bị động, khó lòng lĩnh hội một kiến thức trọn vẹn được. Nhưng nếu giáo viên gợi động cơ dẫn dắt học sinh tìm ra định lý thì hiệu quả bài học sẽ cao hơn. Học sinh biết được cách suy nghĩ, nhìn nhận khi đứng trước một vấn đề, biết vận dụng các kiến thức cũ để tìm ra điều mới mẻ. Như vậy, bước đầu hình thành cho các em tính sáng tạo, tự mình giải quyết được vấn đề đặt ra.

*Về dạy bài tập:

Đa số giáo viên chỉ mới giải bài tập mà chưa thể hiện được việc dạy giải bài tập, chưa hình thành cho học sinh cách nghĩ khi đứng trước một bài toán, chưa cho học sinh thấy được tại sao với bài tập này lại giải như thế. Và như vậy, bây giờ nếu yêu cầu học sinh giải bài tập cùng dạng thì học sinh vẫn có cảm giác đây là bài toán mới gặp, chưa quen thuộc. Nhưng, nếu giáo viên thực hiện tốt việc gợi động cơ, làm cho học sinh thấy rõ tại sao lại nghĩ đến cách này thì chỉ cần giải một bài tập, rồi đưa nhiều bài tập cùng dạng thì học sinh sẽ giải quyết được, bởi vì các em đã có cách nghĩ, cách thực hiện khi đứng trước dạng bài tập này. Qua trao đổi với giáo viên, ý kiến chung là nếu dạy theo hướng gợi động cơ

thì không đủ thời gian để cho học sinh giải bài tập khác. Thực tế trên đã chứng tỏ việc học sinh được học nhiều mà hiệu quả thấp.

Một phần của tài liệu Rèn luyện cho học sinh các hoạt động nhằm phát triển khả năng chiếm lĩnh tri thức trong dạy học hình học không gian ở cấp Trung Học Phổ Thông (Trang 37)