Khái niệm chiếm lĩnh tri thức

Một phần của tài liệu Rèn luyện cho học sinh các hoạt động nhằm phát triển khả năng chiếm lĩnh tri thức trong dạy học hình học không gian ở cấp Trung Học Phổ Thông (Trang 35)

Theo Từ điển tiếng Việt “Chiếm lĩnh là chiếm giữ để giành quyền làm chủ” [42]. Như vậy, có thể hiểu chiếm lĩnh là một động từ chỉ hành động của một cá nhân hoặc tập thể tiến hành chiếm giữ một cái gì đó theo mục tiêu để giành quyền làm chủ cho mình.

Chiếm lĩnh tri thức được nhìn nhận dưới ba góc độ sau:

Dưới góc độ tư duy: Là quá trình phản ánh tri thức, hiểu mối quan hệ cấu thành tri thức đó, giải thích được các mối quan hệ trong thành tố cấu thành tri thức đó, chẳng hạn, các mối quan hệ nguyên nhân và kết quả, mối quan hệ cái chung và cái riêng, nội dung và hình thức;

Dưới góc độ của Lý thuyết hoạt động: Là quá trình chủ thể hiểu đối tượng hoạt động, giải thích được đối tượng, biến đối tượng thành sản phẩm của hoạt động. Trong hoạt động đối tượng được bộc lộ theo hoạt động của chủ thể và thông qua hoạt động chủ thể thâm nhập vào đối tượng;

Dưới góc độ của phương pháp dạy học: Là quá trình chủ thể nhận thức được vấn đề, thâm nhập vào vấn đề, hiểu vấn đề và chủ thể giải quyết được vấn đề.

Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích các tài liệu liên quan đến các phương pháp dạy học tích cực, luận văn đề xuất quan niệm về nội hàm khái niệm chiếm lĩnh tri thức theo tinh thần đáp ứng yêu cầu tích cực hoá hoạt động học tập của học sinh như sau:

Chiếm lĩnh tri thức là quá trình chủ động suy nghĩ, nỗ lực hành động, sử dụng các khả năng trí tuệ (quan sát, so sánh, phân tích, tổng hợp,... ) cùng với phẩm chất cá nhân như khát vọng học tập, ý chí kiên trì, nhẫn nại hướng tới vấn đề cần giải quyết mà chưa biết cụ thể, để nắm bắt làm chủ vấn đề đó, bổ sung vào vốn hiểu biết riêng đã có của mình [18].

Những thể hiện của chiếm lĩnh tri thức trong dạy học Toán:

- Người học tự chủ, tìm tòi vấn đề đặt ra; được trao đổi, tranh luận nhằm xây dựng và bảo vệ tri thức vừa tìm được;

- Chiếm lĩnh tri thức được thực hiện qua hàng loạt hoạt động, trong đó giáo viên khéo léo đặt học sinh vào vị trí người phát hiện những tri thức thông qua những câu hỏi hoặc những yêu cầu hành động, mà khi học sinh giải đáp hoặc thực hiện được thì sẽ dần xuất hiện con đường dẫn đến tri thức;

- Chiếm lĩnh tri thức không chỉ làm cho học sinh có được những tri thức sâu sắc, vững chắc, vận dụng được mà quan trọng hơn là trang bị cho họ những thủ pháp suy nghĩ, những cách thức phát hiện và giải quyết vấn đề một cách độc lập, tự chủ, sáng tạo;

- Chủ động vận dụng linh hoạt những kiến thức, kỹ năng đã học để nhận thức và giải quyết các vấn đề mới. [18]

Một phần của tài liệu Rèn luyện cho học sinh các hoạt động nhằm phát triển khả năng chiếm lĩnh tri thức trong dạy học hình học không gian ở cấp Trung Học Phổ Thông (Trang 35)