Biện pháp 4:Tổ chức, chỉ đạo hiệu quả kế hoạch giáo dục đạo đức

Một phần của tài liệu Biện pháp quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh trường trung học phổ thông nguyễn trãi, huyện vũ thư, tỉnh thái bình (Trang 90)

3.2.4.1. Mục đích của biện pháp:

- Làm cho CBQL, các tổ chức trong nhà trường, GVCN, giáo viên bộ môn nắm được và hiểu rõ các phương pháp, hình thức tổ chức GD để tổ chức các hoạt động GD đạo đức học sinh một cách phù hợp, sáng tạo, có hiệu quả.

- Làm cho cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội biết cách tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh trong phạm vi trách nhiệm của mình. Liên kết 3 môi trường giáo dục Gia đình – Nhà trường –Xã hội để giáo dục đạo đức học sinh

80

- Chuyển hoá các nội dung của kế hoạch giáo dục đạo đức thành những hoạt động cụ thể để thực hiện mục tiêu giáo dục.

3.2.4.2. Nội dung của biện pháp:

Xác định nhiệm vụ thực hiện kế hoạch cho từng bộ phận, từng thành viên. Qui định rõ trách nhiệm và quyền hạn của từng bộ phận, từng cá nhân

Bồi dưỡng năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục cho cán bộ giáo viên nhà trường

Tạo điều kiện về CSVC và các nguồn lực để các bộ phận, cá nhân thực hiện nhiệm vụ giáo dục đạo đức.

Hiệu trưởng tổ chức, chỉ đạo đồng thời các lực lượng giáo dục trong nhà trường thực hiện kế hoạch giáo dục đạo đức

Hiệu trưởng phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường

3.2.4.3. Cách thực hiện

Để tổ chức, chỉ đạo hiệu quả kế hoạch giáo dục đạo đức trong và ngoài nhà trường, hiệu trưởng cần phải xác định rõ công việc của từng lực lượng tham gia, tránh chồng chéo. Tuỳ vào thời gian học tập và sinh hoạt của học sinh mà phân chia nhiệm vụ, có thể phân chia theo thời gian:

Thời gian học sinh ở trường thì nhà trường chịu trách nhiệm quản lý và giáo dục Hết thời gian học tập, sinh hoạt ở trường và thời gian nghỉ hè thì gia đình và xã hội (Chính quyền địa phương, các đoàn thể XH, công an…) chịu trách nhiệm quản lý và giáo dục.

Khi thực hiện quản lý và giáo dục học sinh cần phải có sự phối hợp, trao đổi thông tin, giúp đỡ lẫn nhau của giữa Gia đình- Nhà trường -Xã hội.

* Giáo dục trong nhà trường:

Hiệu trưởng lựa chọn giáo viên, cán bộ để giao nhiệm vụ sao cho “đúng người đúng việc”. Vì vậy người hiệu trưởng cần biết rõ năng lực chuyên môn, điểm mạnh, điểm yếu của từng người mà phân công nhiệm vụ.

Hiệu trưởng cần tổ chức bồi dưỡng kỹ năng sư phạm, nghiệp vụ chủ nhiệm cho đội ngũ giáo viên, bồi dưỡng cách thức tổ chức giáo dục đạo đức cho học sinh, trang bị những hiểu biết xã hội cho giáo viên để họ có thể làm tốt công tác giáo dục đạo đức.

Tuỳ theo đặc điểm từng trường (BGH có 1 hiệu trưởng, 02 phó hiệu trưởng) mà người hiệu trưởng có thể trực tiếp chỉ đạo công tác giáo dục đạo đức hoặc phân cấp

81

cho 01 phó hiệu trưởng (có thể làm trưởng hoặc phó thường trực Ban đức dục) chỉ đạo thực hiện kế hoạch.

+ Hiệu trưởng chỉ đạo phó hiệu trưởng chuyên môn:

Phó hiệu trưởng chuyên môn ngoài việc giúp hiệu trưởng quản lý chất lượng văn hoá còn phải giúp hiệu trưởng chỉ đạo công tác giáo dục đạo đức thông qua các môn học văn hoá như : Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân….Tức là thông qua dạy chữ để dạy người:

Phó hiệu trưởng chuyên môn cần chỉ đạo giáo viên bộ môn ngay từ khâu soạn giáo án phải nêu bật được trọng tâm kiến thức và tính tư tưởng, thông qua bài dạy thì giáo dục cho học sinh phẩm chất nào? đức tính gì? …

Đưa tiêu chí đánh giá giáo dục đạo đức học sinh trong bài dạy văn hoá vào việc đánh giá xếp loại giờ dạy của giáo viên.

+ Hiệu trưởng chỉ đạo phó hiệu trưởng phụ trách GD đạo đức( Trưởng hoặc phó trưởng ban thường trực Ban đức dục)

Cụ thể hoá kế hoạch giáo dục đạo đức của nhà trường thành kế hoạch hoạt động trong từng tuần, từng tháng, từng kỳ. Phân công trách nhiệm, kiểm tra tiến độ việc thực hiện.

Phó hiệu trưởng phụ trách giáo dục đạo đức phải xem xét toàn bộ kế hoạch thực hiện, nội dung, hình thức tổ chức giáo dục ... của Đoàn thanh niên, của giáo viên chủ nhiệm, của giáo viên bộ môn..., căn cứ vào các kế hoạch này để phân định thời gian, đề xuất việc phân bổ nguồn lực ( nhân lực, tài chính, các hệ điều kiện để thực hiện...) cho các hoạt động này. BGH với vai trò vừa là người tổ chức, lãnh đạo, vừa là đầu mối để tập trung và gắn kết các lực luợng giáo dục trong nhà trường.

Phân chia các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; các hoạt động thực tế; các hoạt động tham quan du lịch...theo những khoảng thời gian hợp lý trong năm. Một số hoạt động cần nguồn kính phí lớn như tổ chức tham quan du lịch cho học sinh thì nhà trường cần bàn bạc, thảo luận với cha mẹ học sinh từng lớp ngay từ đầu năm học

Thực hiện toàn trường sinh hoạt chào cờ sáng thứ hai đầu tuần định kỳ (2 tuần/1 lần), trong giờ sinh hoạt cần lồng ghép và thay đổi nội dung sinh hoạt, tránh tình trạng lặp di lặp lại điệp khúc: "Hát quốc ca- sơ kết thi đua- nhắc nhở thực hiện nội qui" sẽ gây nhàm chán.

82

Phân công việc trực nhật, vệ sinh, lao động, chăm sóc cây xanh trong trường cho từng lớp. Cử 01 giáo viên giúp việc phó hiệu trưởng theo dõi công tác này, cuối tháng, cuối kỳ, cuối năm có đánh giá xếp loại và đưa vào đánh giá xếp loại thi đua các lớp cuối kỳ, cuối năm.

Bàn giao CSVC phòng học đầu năm học cho các lớp, cuối kỳ cuối năm tổ chức kiểm tra việc bảo quản giữ gìn CSVC phòng học của từng lớp, xếp loại CSVC lớp học, đưa vào đánh giá xếp loại thi đua các lớp cuối kỳ, cuối năm.

BGH duyệt kế hoạch chủ nhiệm từng lớp, trong đó có kế hoạch giáo dục đạo đức. Để công tác giáo dục đạo đức của GVCN đạt kết quả, hiệu trưởng nhà trường cần tập trung vào một số công việc như sau:

- Bồi dưỡng và hướng dẫn giáo viên nghiệp vụ công tác chủ nhiệm như: Tìm hiểu đối tượng giáo dục, phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục, cách xây dựng kế hoạch chủ nhiệm, phương pháp giao tiếp với học sinh, phụ huynh học sinh; cách thức phối hợp giữa chủ nhiệm và các lực lượng giáo dục, quyền hạn và trách nhiệm của chủ nhiệm….

- Hỗ trợ, giúp đỡ GVCN trong quá trình giáo dục học sinh, nhất là học sinh cá biệt. GVCN báo cáo thường xuyên tình hình lớp với BGH, đây là yêu cầu bắt buộc với GVCN, bởi vì BGH phải nắm chắc tình hình học sinh, nhất là học sinh cá biệt.

- Hướng dẫn và chỉ đạo GVCN xây dựng tập thể lớp tự quản nhằm biến quá trình giáo dục thành tự giáo dục. Tổ chức đối thoại, trao đổi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng, ý kiến của học sinh để có nội dung, hình thức tổ chức… giáo dục phù hợp.

- Hướng dẫn GVCN cách đánh giá xếp loại hạnh kiểm học sinh.

- Mỗi tháng Hiệu trưởng kiểm tra Sổ liên lạc học sinh để nắm tình hình học tập và rèn luyện của học sinh trong tháng đồng thời BGH còn kiểm tra nghiệp vụ của GVCN

-Mỗi học kỳ, nhà trường tổ chức họp GVCN để đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác chủ nhiệm trong học kỳ. Qua cuộc họp này BGH cũng kịp thời điều chỉnh, uốn nắn những hạn chế của công tác chủ nhiệm.

- Đầu các năm học, nhà trường tổ chức Hội nghị chủ nhiệm để tổng kết công tác chủ nhiệm năm trước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác chủ nhiệm trong năm học mới.

83

Hiệu trưởng thông qua Chi bộ chỉ đạo Đoàn thanh niên xây dựng kế hoạch hoạt động. Đầu năm học họp liên tịch giữa Ban Chi ủy và BGH để duyệt kế hoạch hoạt động của Đoàn thanh niên đồng thời chỉ đạo để Đoàn TN nhà trường tổ chức đại hội vào đầu năm học nhằm kiện toàn về mặt tổ chức và triển khai kế hoạch công tác Đoàn. Ban chi ủy và BGH khi duyệt kế hoạch của Đoàn có thể bổ sung kinh phí, phân công lực lượng hỗ trợ khi cần thiết để Đoàn TN hoạt động

Đoàn TN phải tổ chức các hoạt động trong từng tháng, từng tuần theo chủ điểm các ngày lễ, ngày kỷ niệm để thu hút, tập hợp và giáo dục đạo đức cho học sinh, cho đoàn viên, cho thanh niên

Có thể xây dựng kế hoạch theo chủ đề như sau:

Tháng 9: Giáo dục truyền thống nhà trường nhân dịp khai giảng

Tháng 10: Giáo dục ý thức học tập và tu dưỡng đạo đức để trở thành con ngoan trò giỏi nhân ngày Bác Hồ gửi thư cho ngành giáo dục 15/10.

Tháng 11: Giáo dục truyền thống: Tôn sư trọng đạo nhân, uống nước nhớ nguồn nhân kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11

Tháng 12: Giáo dục truyền thống QĐND Việt Nam. Học tập rèn luyện theo gương anh bộ đội cụ Hồ nhân kỷ niệm ngày thành lập QĐND Việt Nam 22/12

Tháng 01: Giáo dục ý thức và trách nhiệm của học sinh đối với bản thân, gia đình và đất nước nhân kỷ niệm ngày học sinh sinh viên 9/01.

Tháng 02: Tuyên truyền về lịch sử Đảng và giáo dục lòng tự hào, biết ơn Đảng nhân kỷ niệm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam 3/2

Tháng 3: Giáo dục truyền thống phụ nữ Việt Nam nhân kỷ niệm ngày quốc tế phụ nữ 8/3 và truyền thống Đoàn thanh niên nhân dịp ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3

Tháng 4: Giáo dục lòng tự hào về đấu tranh bảo vệ tổ quốc, thống nhất đất nước của dân tộc ta nhân kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam 30/4

Tháng 5: Giáo dục lòng kính trọng biết ơn công lao của Bác đối với đất nước, và dân tộc Việt Nam. Đẩy mạnh tháng học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác nhân kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ 19/5

Tháng 6: Giáo dục ý thức trách nhiệm của thanh niên đối với thiếu niên nhi đồng. Thanh niên tham gia tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu niên nhi đồng nơi cư trú

84

Tháng 7: Giáo dục lòng biết ơn thương bệnh binh, liệt sỹ. Tình nguyện chăm sóc, giúp đỡ gia đình thương bệnh binh, liệt sỹ.

Tháng 8: Giáo dục ý thức vệ sinh môi trường. Giúp bạn đến trường.

Đoàn TN phải xây dựng biểu điểm đánh giá thi đua các chi đoàn lớp học - tổ chức theo dõi thi đua chéo giữa các lớp- chủ trì họp xếp loại thi đua, xếp loại nền nếp và tổng hợp kết quả xếp loại từng lớp theo biểu điểm.

Đoàn TN tổ chức cho đội thanh niên kiểm tra, thanh niên tình nguyện thường xuyên trực nền nếp, theo dõi, chấm điểm việc thực hiện nội qui nhà trường của từng chi đoàn, từng đoàn viên thanh niên.

* Giáo dục ngoài nhà trường

Khoảng thời gian các em về sinh hoạt tại gia đình và tham gia các hoạt động ở ngoài xã hội là khoảng thời gian dễ hư hỏng nhất bởi hầu như tất cả các hiện tượng vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật của học sinh đều xảy ra trong khoảng thời gian này.

Để quản lý giáo dục đạo đức học sinh một cách chặt chẽ, đồng bộ, hiệu trưởng nhà trường cũng không nên phó mặc các em cho gia đình và xã hội. Hiệu trưởng nhà trường phổ biến kế hoạch giáo dục của nhà trường cho cha mẹ học sinh trong cuộc họp đầu năm, thông báo cụ thể chi tiết về mặt thời gian như: Thời gian có mặt tại trường, thời gian kết thúc buổi học ( Học sáng, học chiều) để phụ huynh quản lý thời gian đi học- về học của học sinh; thống nhất với phụ huynh cách thức trong quản lý và giáo dục học sinh.

Như vậy, hiệu trưởng không chỉ có trách nhiệm giáo dục học sinh bên trong nhà trường mà còn hướng dẫn, phối hợp với cha mẹ học sinh để giáo dục học sinh bên ngoài nhà trường.

Đối với các lực lượng xã hội, hiệu trưởng cần tạo mối quan hệ giữa nhà trường và các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành đoàn thể và tổ chức xã hội liên quan để quản lý và giáo dục học sinh, đặc biệt là chính quyền địa phương và thôn, xóm nơi học sinh cư trú chẳng hạn: những dịp học sinh nghỉ hè, hiệu trưởng giao cho Đoàn TN nhà trường bàn giao học sinh về sinh hoạt tại nơi cư trú, hiệu trưởng mời chủ tịch UBND và Bí thư xã Đoàn có học sinh học tập tại trường để nhận bàn giao; những dịp nghỉ lễ, tết phải ra công văn thông báo để địa phương biết và phối hợp với gia đình quản lý học sinh. Thiết lập thông tin giữa nhà trường và các lực lượng xã hội để nắm bắt và xử lý kịp thời các vấn đề về giáo dục đạo đức học sinh.

85

Cấp uỷ, chính quyền địa phương phối hợp với nhà trường trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cho học sinh như: Tổ chức lao động XHCN nạo vét kênh mương nội đồng hàng năm, tổ chức lao động vệ sinh môi trường, tổ chức cho học sinh THPT gặt lúa giúp gia đình thương binh, tổ chức cắm trại truyền thống nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập chi bộ Thư Vũ, tổ chức các hoạt động văn nghệ thể dục thể thao của Huyện, tổ chức các hoạt động tình nguyện, các hoạt động từ thiện nhân đạo do Huyện và Tỉnh chỉ đạo...

Nói tóm lại, hiệu trưởng nhà trường là người chủ động liên kết các lực lượng xã hội cùng thực hiện công tác quản lý giáo dục đạo đức học sinh.

Một phần của tài liệu Biện pháp quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh trường trung học phổ thông nguyễn trãi, huyện vũ thư, tỉnh thái bình (Trang 90)