5. Kết cấu đề tài
2.3.1. Hợp đồng được hoàn thành đúng thời hạn
Thời hạn thực hiện công việc trong hợp đồng dịch vụ là một thời gian cụ thể được ấn định trước trên cơ sở thỏa thuận của các chủ thể tham gia. Để khẳng định điều này vấn đề về thời hạn thực hiện công việc được ghi nhận một cách cụ thể trong Bộ luật Dân sự 2005. Đến thời hạn và công việc đã hoàn thành các bên không có tranh chấp thì coi như hợp đồng đã được mặc định chấm dứt. Quyền và nghĩa vụ của các bên không còn ràng buộc nhau nữa. Tuy nhiên, trong hợp đồng dịch vụ cũng giống như hợp đồng dân sự đôi khi bên có quyền miễn thực hiện nghĩa vụ cho bên có nghĩa vụ thì
hợp đồng dịch vụ cũng đương nhiên được chấm dứt theo ý chí chủ quan của bên có quyền.
Vấn đề là khi đến hết thời hạn mà công việc vẫn chưa hoàn thành thì hợp đồng sẽ không bị chấm dứt. Lúc này bên cung ứng vẫn tiếp tục thực hiện công việc của mình nếu bên thuê dịch vụ đồng ý. Trường hợp nữa là bên cung ứng hoàn thành công việc trước thời hạn vấn đề này dường như có vẻ rất dễ dàng với các bên. Lúc này bên thuê dịch vụ có nghĩa vụ tiếp nhận hoặc không và thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Thông thường theo ý chí của bên thuê là muốn bên cung ứng dịch vụ hoàn thành công việc đúng thời hạn hoặc sớm hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng công việc. Và suy đoán ngược lại nếu công việc hoàn thành đúng thời hạn nhưng bên thuê không đảm bảo nghĩa vụ trả tiền thì hợp đồng cũng không thể chấm dứt bởi bên thuê chưa thực hiện xong nghĩa vụ của mình. Lúc này bên cung ứng có quyền yêu cầu bên thuê trả tiền công và thậm chí là có thể nhờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp này.
Suy cho cùng hợp đồng hoàn thành đúng thời hạn, đối tượng của hợp đồng được thực hiện và các bên đã thực hiện hết những trách nhiệm, nghĩa vụ đối với nhau mà theo đó có thể đem lại lợi ích nhất định cho các bên là điều kiện cần thiết để hợp đồng dịch vụ chấm dứt. Đây là điều mà các bên chủ thể luôn mong muốn trong việc giao kết hợp đồng dân sự nói chung và trong hợp đồng dịch vụ nói riêng.
2.3.2. Bên giao kết hợp đồng chết
Theo nguyên tắc khi bên thuê trong hợp đồng chết thì không có tác dụng làm cho hợp đồng chấm dứt. Kết quả công việc được tạo ra hay trách nhiệm pháp lý, quyền và nghĩa vụ của bên thuê sẽ được chuyển cho người thừa kế của họ. Có nghĩa là người thừa kế sẽ đứng ra thực hiện cho xong phần giao dịch còn lại với bên đối tác thay cho bên thuê.
Tuy nhiên, trong hợp đồng dịch vụ thì hoàn toàn không phải như vậy. Đối với hợp đồng dịch vụ thực hiện trên cơ thể của người thuê dịch vụ hay công việc được thực hiện khi có sự tồn tại của người thuê thì đòi hỏi phải có mặt người thuê dịch vụ thì hợp đồng mới có giá trị và thực hiện được. Vì thế trong trường hợp này người thuê dịch vụ chết đối tượng của hợp đồng không còn nữa thì hợp đồng dịch vụ tất nhiên cũng phải chấm dứt theo. Các quyền và nghĩa vụ không thể trao cho một người thừa kế như trong phần thừa kế di sản. Chẳng hạn như hợp đồng chăm sóc sắc đẹp cho một khách hàng theo định kỳ hàng tháng thì khi người này chết đi hợp đồng dịch vụ tất yếu sẽ chấm dứt không thể chuyển trách nhiệm đó cho một người khác. Như vậy, những công việc thực hiện gắn liền với nhân thân của họ thì khi người đó chết thì hợp đồng dịch vụ cũng đương nhiên chấm dứt.
Và khi người làm dịch vụ chết đi cũng vậy. Người làm dịch vụ là người có trình độ chuyên môn, hoạt động chuyên nghiệp và năng lực chuyên môn của một người không thể chuyển lại cho người khác được nên việc người cung ứng dich vụ chết thì hợp đồng dịch vụ cũng phải chấm dứt. Tuy nhiên, người cung ứng dịch vụ chết cũng có thể chuyển giao cho một người khác (người thừa kế của người này hoặc cộng sự hay nhân viên của họ) thực hiện, nhưng khi đó, hợp đồng được tiếp tục sau khi người làm dịch vụ chết theo thỏa thuận trước giữa các bên liên quan, chứ không phải theo luật.
Trong trường hợp người làm dịch vụ là một pháp nhân và pháp nhân đó chấm dứt do giải thể hay tuyên bố phá sản thì hợp đồng dịch vụ tất nhiên phải chấm dứt. Tuy nhiên, trong trường hợp pháp nhân chỉ định một người nào đó trong pháp nhân thực hiện công việc khi người đó chết đi thì pháp nhân sẽ chỉ định một người khác trong pháp nhân thực hiện thay công việc chứ hợp đồng không thể chấm dứt. Đối với pháp nhân hợp nhất, sáp nhập thì theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 94 và 95 Bộ luật Dân sự thì sau khi sáp nhập, hợp nhất các pháp nhân cũ chấm dứt; các quyền, nghĩa vụ dân sự của các pháp nhân cũ được chuyển giao cho pháp nhân mới. Như vậy, công việc mà bên cung ứng dịch vụ là pháp nhân bị hợp nhất, sáp nhập thì lúc này công việc sẽ chuyển cho pháp nhân mới được thành lập thực hiện. Còn một trường hợp là khi pháp nhân bị chia, tách thì theo quy định của pháp luật quyền và nghĩa vụ của pháp nhân bị chia, tách được chuyển giao cho các pháp nhân mới. Khi đó, bên cung ứng dịch vụ là một pháp nhân bị chia, tách thì công việc đương nhiên được chuyển cho pháp nhân mới nếu mục đích hoạt động cho phép pháp nhân mới nhận lãnh hợp đồng dịch vụ liên quan.