Nghĩa vụ của bên thuê dịch vụ

Một phần của tài liệu hợp đồng dịch vụ theo quy định của pháp luật việt nam – lý luận và thực tiễn (Trang 35)

5. Kết cấu đề tài

2.2.2.1.Nghĩa vụ của bên thuê dịch vụ

Khi đã xác định được đối tượng cũng như điều kiện về nội dung của hợp đồng dịch vụ thì quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng cũng được xác lập một cách tương tự như những gì mà các bên đã có sự thống nhất ý chí và thể hiện sự tự nguyện trong hợp đồng. Với các chức năng điều chỉnh riêng biệt, hình thái về quyền và nghĩa vụ được xem là nền tảng cho sự quyết định thực hiện những gì đã cam kết thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình dựa trên những cơ sở đã thỏa thuận. Theo nguyên tắc, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng có sự đối xứng và tương đồng với nhau. Có nghĩa là quyền và nghĩa vụ của bên này sẽ tương ứng với nghĩa vụ và quyền của bên kia. Hợp đồng dịch vụ với những điều khoản cụ thể đã quy định một cách khá rõ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong hợp đồng dịch vụ.

Bên thuê dịch vụ với tư cách là chủ thể thuê người cung ứng thực hiện công việc theo yêu cầu của mình nên có nghĩa vụ tiếp nhận công việc. Song song với việc tiếp nhận công việc bên thuê phải “trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ theo thỏa thuận”(27) theo khoản 2 Điều 520 Bộ luật Dân sự 2005. Thông thường tiền công sẽ được trả khi công việc đã hoàn thành. Theo quy định thì người cung ứng dịch vụ không được giao công việc của mình cho một người khác làm thay công việc nếu không có sự đồng ý của bên thuê dịch vụ. Nhưng dù cho có thể giao cho người khác làm thay công việc thì bên thuê vẫn phải trả tiền công cho bên cung ứng dịch vụ như đã thỏa thuận trước đó và sau đó bên cung ứng dịch vụ sẽ thanh toán cho người cung ứng dịch vụ sau này. Trong trường hợp bên cung ứng dịch vụ không thanh toán tiền công cho bên làm thay công việc thì bên này cũng không có quyền đòi tiền công trực tiếp bên thuê dịch vụ. Bởi lẽ, mọi yêu cầu đều do hai bên (bên thuê và bên cung ứng đầu tiên) thỏa thuận với nhau lúc này đã phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên không có một điều khoản nào quy định liên quan đến người làm thay công việc trong trường hợp này. Theo quy định tại khoản 3 Điều 524 Bộ luật Dân sự 2005 thì “Bên thuê dịch vụ sẽ trả tiền công tại địa điểm thực hiện công việc khi hoàn thành dịch vụ, nếu không có thỏa thuận khác”. Tuy nhiên, có một số công việc được thực hiện tiếp liền nhau hoặc những công việc có tính chất phức tạp, lâu dài thì trong trường hợp này các bên có thể chọn hình thức trả tiền theo hạng mục hoặc theo kiểu khoán như đã phân tích ở phần thù lao dịch vụ.

Còn một vấn đề được đề cập trong phần tiền công nữa đó là bên thuê dịch vụ không chỉ là không có khả năng trả tiền công mà còn có thể xảy ra trường hợp bên thuê có khả năng thanh toán mà không muốn thực hiện nghĩa vụ đó của mình hoặc giảm tiền công xuống. Bên thuê dịch vụ không trả tiền công dù có khả năng với lý do công việc không đạt chất lượng, thậm chí không có một lý do nào cả thì lúc này bên cung ứng không được pháp luật bảo vệ bằng những quy định riêng cụ thể mà được giải quyết theo luật chung về phần bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Tức là trong trường hợp này bên cung ứng không có quyền giữ thành phẩm mà mình làm ra theo yêu cầu của bên thuê cũng như là giữ các phương tiện, tài liệu mà bên thuê cung cấp để gây sức ép cho bên thuê dịch vụ mà tiền công đó phải được trích ra từ một phần tài sản của bên thuê. Lúc này bên cung ứng đóng vai trò là chủ nợ không có bảo đảm của người thuê có yêu cầu kê biên bất kỳ tài sản nào của người thuê để thanh toán nợ.

Hợp tác luôn là một yếu tố quan trọng trong tất cả các hợp đồng. Và càng quan trọng hơn đối với hợp đồng dịch vụ, sự hợp tác của người thuê dịch vụ là một trong những điều kiện cần thiết cho công việc của người làm dịch vụ. Theo khoản 1 Điều

520 Bộ luật Dân sự 2005 thì bên thuê dịch vụ có nghĩa vụ “cung cấp cho bên cung ứng dịch vụ thông tin, tài liệu và các phương tiện cần thiết để thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc việc thực hiện công việc đòi hỏi”.(28) Điều này hoàn toàn phù hợp và cần thiết tạo điều kiện cho công việc của người cung ứng dịch vụ hoàn thành công việc một cách nhanh chóng và tốt nhất. Người luật sư không thể biện minh, giải tội cho thân chủ của mình nếu như thân chủ của họ không cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu để chứng minh cho họ. Thế nhưng trong trường hợp bên thuê cung cấp những tài liệu, thông tin sai lệch, phương tiện không đảm bảo yêu cầu nên không đáp ứng làm tốt công việc làm cho sản phẩm tạo ra hoặc công việc thực hiện không đạt chất lượng như mong muốn. Điều này không phải là lỗi của bên cung ứng dịch vụ mà do lỗi của bên thuê đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Và chính điều này người thuê dịch vụ không có quyền giảm tiền công của người cung ứng dịch vụ. Tuy nhiên, bên cung ứng dịch vụ phải báo trước cho bên thuê biết về tình trạng phương tiện, tài liệu, thông tin mà họ cung cấp không đạt yêu cầu để bên thuê cung cấp bổ sung hoặc thay đổi phương tiện khác. Nếu như bên thuê vẫn giữ nguyên không thay đổi hoặc không cung cấp bổ sung thì bên cung ứng vẫn cứ thực hiện công việc của mình theo yêu cầu của bên thuê mọi thiệt hại bên thuê sẽ chịu trách nhiệm. Trong điều luật này có hai trường hợp xảy ra đó là việc cung cấp thông tin, tài liệu, phương tiện do thỏa thuận giữa các bên công việc thực hiện không cần đến việc cung cấp những thứ đó mà vẫn thực hiện được công việc theo yêu cầu của bên thuê. Và một trường hợp nữa là do tính chất của công việc mà bên cung ứng dịch vụ đòi hỏi cần những phương tiện, thông tin tài liệu mà bên thuê dịch vụ phải cung cấp. Vậy là căn cứ vào tính chất, từng loại công việc mà có thể phân định nghĩa vụ của bên thuê dịch vụ hay quyền của bên cung ứng dịch vụ.

Một phần của tài liệu hợp đồng dịch vụ theo quy định của pháp luật việt nam – lý luận và thực tiễn (Trang 35)