7. Kết cấu của luận văn
2.1.2. Tài nguyên du lịch Khánh Hòa
2.1.2.1. Tài nguyên du lịch tự nhiên
40
Khánh Hòa là tỉnh có thế mạnh nổi bật về du lịch biển đảo với hơn 200 đảo lớn nhỏ ven bờ và trên 100 đảo, bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa. Do có các mạch núi ăn lan ra biển, nên từ phía Bắc xuống phía Nam, có các bán đảo và các đảo ven bờ chắn gió, tạo nên các vũng vịnh như: Vịnh Vân Phong (Vạn Ninh), Đầm Nha Phu(Ninh Hòa); Vịnh Nha Trang và Vịnh Cam Ranh.
Vịnh Nha Trang được xem là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, có nhiều bãi tắm đẹp và hệ sinh thái đa dạng, trong đó nổi trội là các rạn san hô; vịnh Cam Ranh với diện tích gần 200km2, có núi ngăn cách, được coi là 1 trong 3 hải cảng thiên nhiên tốt nhất thế giới; hay vịnh Vân Phong được định hướng trở thành khu kinh tế tổng hợp với trọng tâm phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ và nuôi trồng hải sản.
+ Suối nước khoáng: Khánh Hoà có 5 nguồn suối khoáng: Tu Bông, Vạn Giã, Ninh Hoà, Đảnh Thạch, Cam Ranh. Với tài nguyên tự nhiên suối nước khoáng dồi dào này, Khánh Hoà có thể xây dựng trại điều dưỡng, góp phần làm phong phú thêm loại nghỉ dưỡng của tỉnh.
+ Tài nguyên sinh vật: là một tỉnh có rừng che phủ, các loại động thực vật ở tỉnh Khánh Hoà khá phong phú và đa dạng. Thảm thực vật Khánh Hoà được phát triển trên những đới khí hậu khác nhau từ nhiệt đới ẩm tới cận nhiệt đới, và có cả phần ôn đới núi cao nên tàng trữ về cây và chim thú quí hiếm.
- Động vật: động vật biển Khánh Hoà rất giàu hải sản quý và hiếm với trữ lượng hải sản ước khoảng 150 nghìn tấn, trong đó chủ yếu là cá nổi (70%). Ngoài các hải sản như cá, mực và các loại ốc, biển Khánh Hòa còn là nơi trú ngụ của chim yến, hàng năm cho phép khai thác khoảng 2.000 kg yến sào. Đây là một đặc sản quý không chỉ góp phần cho xuất khẩu mang lại nguồn ngoại tệ lớn và ổn định cho tỉnh mà còn là nguồn nguyên liệu quý cho công nghiệp chế biến dược liệu bổ dưỡng cao cấp.
Ngoài ra, Khánh Hoà còn có nhiều động vật các loại chim thú như: Voi, Hổ, Báo, Bò Rừng, Nai, Khỉ, Thỏ vằn, Sơn Dương, Công Trĩ, Gà Lôi… tập trung trên những vùng núi cao ở các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh.
41
- Thực vật: Có thể nói, hệ sinh thái ở Khánh Hòa rất đa dạng, theo số liệu của Viện Điều tra quy hoạch (1996), cả tỉnh có 1.035 loài thực vật thuộc 559 chi và 161 họ. Riêng Hòn Bà có 595 loài xếp trong 401 chi và 120 họ chiếm tới 57% số lượng loài thực vật của cả tỉnh. Khánh Hòa còn đặc biệt được biết đến với sự đa dạng về nguồn gen, nổi bật trong đó là cây Dó bầu (Aquilaria crassna), loài cung cấp các sản phẩm trầm kỳ nổi tiếng trong và ngoài nước.
2.1.2.2. Tài nguyên du lịch nhân văn
Bên cạnh tài nguyên du lịch tự nhiên, với lịch sử lâu đời, vùng đất Khánh Hòa còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật tiêu biểu của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là tiền đề vững chắc nhằm thu hút khách du lịch cho hoạt động du lịch nói chung và cho phát triển DLCĐ vùng ven biển và hải đảo nói riêng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
+ Các di tích lịch sử - văn hóa
Theo số liệu thống kê năm 2012 của TTQLDT và DLTC tỉnh có 1.104 di tích, trong đó có 142 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 13 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia.
Di tích khảo cổ: thời gian qua, nhiều di chỉ khảo cổ có giá trị cao đã được các nhà khảo cổ học đã phát hiện tại các đảo ven biển Khánh Hòa như: tại Cam Ranh có di chỉ Xóm Cồn (3500-3000 năm TCN); di chỉ Hòa Diêm (thế kỷ III TCN - thế kỷ II-III SCN); Hay tại huyện Vạn Ninh có di chỉ làng cổ Vĩnh Yên (niên đại cách đây 2000-2500 năm)…. Việc phát hiện những di chỉ kể trên đã phản ánh sự gắn liền với biển của cư dân nơi đây, biển không chỉ mang lại nguồn lợi thủy sản mà còn giúp cư dân giao lưu với các khu vực khác trong và ngoài nước. [44]
Các di tích lịch sử như: khu tưởng niệm bác sĩ Alexandre Yersin, thành cổ Diên Khánh, lầu Bảo Đại, miếu thờ Trịnh Phong, đền thờ Trần Quý Cáp… Đây là những di tích gắn liền với những nhân vật và các giai đoạn lịch sử của vùng đất Khánh Hòa.
Các di tích kiến trúc - nghệ thuật: có nhiều di tích có sức hút lớn đối với du khách như: quần thể tháp Chăm Nha Trang (Tháp bà Ponagar) là một trong những
42
quần thể nổi tiếng có quy mô và từng là khu đền thờ uy nghiêm nhất của tộc người Chăm; Viện Hải Dương Học là nơi lưu giữ hiện vật biển lớn nhất ở Việt Nam với khoảng 23.000 mẫu vật của hơn 5.000 loài (thuộc các nhóm: thực vật biển, Hải miên, Ruột khoang, Thân mềm, Giáp xác, Da dai, Cá, Bò sát, Thú biển), thông qua những hiện vật du khách có thể hình dung được quá trình chinh phục và khai thác biển của người Việt Nam nói chung và cư dân Khánh Hòa nói riêng từ xưa đến nay. Ngoài ra còn có các di tích văn hóa khác như: văn miếu Diên Khánh, lăng Bà Vú, đình Phú Cang, Am Chúa, Chùa Long Sơn, các ngôi đình làng biển,… đã góp phần làm phong phú thêm hệ thống tài nguyên nhân văn của vùng ven biển đảo tỉnh Khánh Hòa.
+ Các lễ hội tiêu biểu
Theo thống kê của Sở văn hóa - Thể thao và Du lịch Khánh Hoà, tính đến năm 2010, Khánh Hòa có 494 di sản lễ hội lớn, nhỏ của người Kinh. Trong đó, lễ hội đình làng: 237; lễ hội miếu, lăng: 121; lễ hội chùa: 136. Trong đó có một số lễ hội tiêu biểu hấp dẫn du khách như: Lễ hội Tháp Bà; lễ Cầu Ngư; lễ hội Festival Biển; lễ hội Yến Sào
+ Các làng nghề truyền thống
Các làng duyên hải Khánh Hòa nổi tiếng với các làng nghề truyền thống như: Làng nghề dệt chiếu ở Mỹ Trạch, Ninh Hà, Ninh Hòa; nghề sản xuất lò gốm Lư Cấm, phường Ngọc Hiệp, Tp.Nha Trang; Nghề khai thác, nuôi trồng và chế biến yến sào; Nghề đánh bắt hải sản của cộng đồng cư dân làng chài như: nghề Lưới đăng, Lưới rê, Cản ba lường, Lưới chuồn, Lưới tôm, nghề Cấn, Mành đèn. Ngoài ra còn một số làng nghề khác cũng đóng góp vào sự đa dạng cho văn hóa địa phương như: làng nghề dệt chiếu cói Ngọc Hội, làng làm bánh tráng, nem chua, làm muối, nước mắm … với các thương hiệu nổi tiếng như nước mắm Cửa Bé, nem Ninh Hòa.
+ Các tín ngưỡng, văn hóa khác
Về tín ngưỡng, cư dân Khánh Hòa hầu hết theo đạo thờ cúng ông bà, tổ tiên. Bên cạnh đó, trên các làng chài ven biển đảo việc thờ cúng các vị thần hữu hình và vô hình của biển cả, nhất là việc thờ cúng cá voi (còn gọi là Ông Nam Hải) rất được
43
coi trọng. Ngoài ra, Khánh Hòa còn có các loại hình dân ca phong phú như: hát bài chòi (bài chòi đất, bài chòi trải chiếu), hát xà, hát mộc, hò kéo lưới, hò đẩy thuyền, hát giao duyên, huê tình; những phong tục tập quán, phong cách sinh hoạt, ăn uống và lối sống của cộng đồng cư dân biển đảo cũng gây tò mò, rất hấp dẫn những du khách trong và ngoài nước.
Khánh Hòa cũng là nơi có sự đa dạng văn hóa các cộng đồng dân cư. Ngoài người Kinh chiếm đa số, còn có người Chăm, Raglai, Hoa, Cơ Ho, Ê đê, Tày, Nùng, T’ring, Mường, Thái, Mông, Chu Ru, Stiêng, Ba Na,... Do sinh sống trong những điều kiện môi trường sinh thái khác nhau, hơn 30 dân tộc sống trong tỉnh đều mang trong mình những đặc trưng văn hóa riêng. Một trong những dân tộc thiểu số tiêu biểu là người Raglai sống chủ yếu ở hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh. Dân tộc Raglai cũng là chủ nhân của bộ đàn đá Khánh Sơn nổi tiếng.
Tóm lại, Khánh Hòa có lợi thế rất lớn cho phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển đảo với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên độc đáo của: KBT Biển Hòn Mun, KBVHST Biển Rạn Trào. Các hệ sinh thái điển hình đa dạng về chủng loại, những vùng vịnh kín gió tạo ra những bờ cát trắng, vùng nước biển trong xanh tuyệt đẹp. Bên cạnh đó về tài nguyên nhân văn, Khánh Hòa cũng sở hữu một nguồn tài nguyên văn hóa đất liền kết hợp với văn hóa biển đảo tạo nên những giá trị riêng biệt có sức hấp dẫn cao cho phát triển du lịch. Hiện nay, Khánh Hòa đang đặt trọng tâm cho phát triển du lịch biển, đảo song việc tổ chức khai thác tài nguyên còn mang tính tự phát, manh mún và bất cập. Như vậy, một chính sách phát triển du lịch hợp lý, kết hợp nhiều loại hình du lịch mang tính bền vững sẽ giúp Khánh Hòa khai thác tốt nhất những giá trị tài nguyên hiện có, mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao.
44