Tham gia liên minh từ động lực tri thức

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN TIẾN SĨ THU NHẬN TRI THỨC TIẾP THỊ ĐỂ ĐỔI MỚI MỘT NGHIÊN CỨU TỪ CÁC CÔNG TY LIÊN DOANH QUỐC TẾ (IJVs) Ở VIỆT NAM (Trang 59)

Một động lực quan trọng nằm phía sau việc hình thành các liên minh chiến lược là truy cập vào các nguồn lực có giá trị của đối tác. Tri thức là một trong những nguồn lực quan trọng mà các doanh nghiệp luôn tìm kiếm (Grant, 1996). Lý thuyết về sự phụ

thuộc nguồn lực cho thấy rằng, nếu một doanh nghiệp thiếu hụt một loại hình tri thức nào đó và việc sở hữu loại tri thức này rất quan trọng cho việc tìm kiếm và duy trì lợi thế cạnh tranh thì doanh nghiệp sẽ thực hiện những hành động để có được tri thức cần thiết đó, và điều này thúc đẩy việc hình thành liên minh (Eisenhardt & Schoonhoven, 1996). Reid, & ctg (2001) dẫn lời Dierickx & Cool (1989) rằng các doanh nghiệp dựa trên nền tảng tri thức được khuyến khích để tăng cường kho tri thức của mình ở mức nhanh chóng có thể với mục đích nâng cấp lợi thế cạnh tranh. Sự hợp tác giữa các bên có kỹ năng và nền tảng tri thức khác nhau, tạo cơ hội cho các bên có thể truy cập hay học tập tri thức của nhau (Inkpen, 1998). Tuy nhiên, theo Inkpen, việc học thông qua liên doanh rất khó, hay dễ thất bại.

Đối với các công ty từ các nước phát triển và các nước đang phát triển, thường có khoảng cách rất lớn về công nghệ giữa các đối tác. Do vậy, mục tiêu của các bên là khác nhau. Trong một nghiên cứu thực địa ở Trung Quốc, Tsang (1999) nhận thấy rằng các công ty từ các nước đang phát triển, thường học các kỹ năng, công nghệ, tri thức cũng như hệ thống quản lý của đối tác. Trong khi đó đối tác từ nước ngoài học về các kinh nghiệm hoạt động kinh doanh, cách triển khai các loại công nghệ kỹ thuật mới và việc hoạt động kinh doanh ở môi trường mới.

60

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN TIẾN SĨ THU NHẬN TRI THỨC TIẾP THỊ ĐỂ ĐỔI MỚI MỘT NGHIÊN CỨU TỪ CÁC CÔNG TY LIÊN DOANH QUỐC TẾ (IJVs) Ở VIỆT NAM (Trang 59)