Hiện đại hoá đất nước
Trong thời đại ngày nay, khi cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang thay đổi nhanh chóng đời sống kinh tế - xã hội thì khoảng cách giữa các nước chậm phát triển với các nước phát triển ngày càng trở thành hố sâu dài ngăn cách. Vì vậy thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa được coi là một phương thức cơ bản, một con đường tất yếu để cải biến một xã hội nông nghiệp lạc hậu thành một xã hội công nghiệp văn minh, tạo điều kiện để các nước kém phát triển từng bước theo kịp các nước phát triển. Đồng thời, nó là nền tảng đảm bảo cho đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân ngày càng đầy đủ và hiện đại hơn.
Thực trạng CNH, HĐH đất nước đòi hỏi phải có nguồn nhân lực, vốn và tài nguyên. Đối với Việt Nam, cả hai nguồn lực tài chính và tài nguyên thiên nhiên còn hạn chế, nên nguồn lực con người đương nhiên đóng vai trò quyết định. So với các nước láng giềng chúng ta có lợi thế đông dân, tuy nhiên nếu không được qua đào tạo thì dân đông sẽ là gánh nặng dân số, còn nếu được qua đào tạo chu đáo thì đó sẽ là nguồn nhân lực lành nghề, có tác động trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Một đội ngũ nhân lực lao động lành nghề và đồng bộ cũng tạo nên sức hấp dẫn to lớn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Thực tế cho thấy, sự phát triển kinh tế - xã hội phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhiều điều kiện, nhưng chủ yếu nhất vẫn là phụ thuộc vào con người. Điều khẳng định trên lại càng đúng với hoàn cảnh nước ta trong thời kỳ phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, và cùng với xu thế hội nhập. So sánh các nguồn lực với tư cách là điều kiện tiền đề phát triển đất nước và tiến hành CNH, HĐH đất nước thì nguồn nhân lực có vai trò quyết định. Do vậy hơn bất cứ nguồn lực nào khác, nguồn nhân lực phải chiếm vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta. Đây là nguồn lực của mọi nguồn lực, là nhân tố quan trọng bậc nhất để đưa nước ta nhanh chóng trở thành một nước vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để thực hiện được mục tiêu này cần CNH, HĐH rút ngắn bằng cách CNH gắn với HĐH, chứ không thể lặp đi tuần tự như chủ nghĩa tư bản đã làm. Như vậy, chỉ tính từ Đại hội Đảng lần thứ VIII (1996) đến Đại hội Đảng lần thứ XI (2011), quan niệm về tầm quan trọng của nguồn nhân lực và phát triển nguồn nhân lực trong CNH, HĐH của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng có tính khoa học cao, tính mục tiêu và nhân văn cụ thể, sâu sắc; tạo cơ sở để xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực nói chung, phát triển con người Việt Nam toàn diện nói riêng trong sự nghiệp CNH, HĐH. Muốn công cuộc đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp CNH - HĐH ở Việt Nam thành công (đến năm 2020 và đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại) thì vai trò của nguồn nhân lực và phát triển nguồn nhân lực là rất lớn. Thế giới và Việt Nam đang chuyển sang nền kinh tế tri thức - nền kinh tế dựa trên động lực là sáng tạo cái mới về tri thức và sáng tạo cái mới về khoa học kỹ thuật. Như vậy, sự phát triển của xã hội chủ yếu dựa trên nền tảng văn minh về trí tuệ của con người. Nền kinh tế tri thức được hình thành trên nền tảng phát triển các ngành nghề mới như công nghệ sinh học, công nghệ năng lượng mới, công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tinv.v...Điều này đòi hỏi phải đào tạo, phát triển và nâng cao trình độ nhân lực cho các ngành nghề này.
Phát triển nguồn lực con người trong quá trình CNH, HĐH là xu hướng phát triển của các nước trên thế giới. Đó cũng là con đường phát triển tất yếu của Việt Nam để thực hiện mục tiêu xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. CNH, HĐH không chỉ là xây dựng kinh tế, mà còn là quá trình biến đổi cách mạng sâu sắc các lĩnh vực của đời sống xã hội làm cho xã hội phát triển lên một trạng thái mới về chất. Sự thành công của CNH, HĐH đòi hỏi ngoài môi trường chính trị ổn định, phải có những nguồn lực cần thiết như nguồn lực con người, vốn tài nguyên thiên nhiên, cơ sở vật chất kỹ thuật... Các nguồn lực này quan hệ chặt chẽ với nhau, cùng tham gia vào sự nghiệp CNH, HĐH ở những mức độ khác nhau đối với toàn bộ quá trình; trong đó nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất nên phải đủ về số lượng, mạnh về chất lượng. Nói cách khác nguồn lực con người phải trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, là cơ sở tất yếu khách quan cho sự nghiệp CNH, HĐH.