Vị trí, vai trò của môn Toán ở trường Tiểu học

Một phần của tài liệu Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học môn toán ở trường tiểu học tam đồng huyện mê linh thành phố hà nội nhằm đáp ứng yêu cầu đối mới giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay (Trang 25)

8. Cấu trúc của đề tài

1.3.1.Vị trí, vai trò của môn Toán ở trường Tiểu học

Trong hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục Tiểu học là cấp học giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và các kĩ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học lên các bậc học trên. Mục đích của quá trình dạy học ở bậc Tiểu học là nhằm cung cấp tới học sinh những kiến thức cơ bản, toàn thể về tự nhiên và xã hội. Nhằm giúp HS từng bước hình thành nhân cách, từ đó trang bị cho học sinh các phương pháp ban đầu về hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn. Mục tiêu đó được thực hiện thông qua việc dạy học các môn và thực hiện theo định hướng yêu cầu giáo dục, nhằm trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng cần thiết để trẻ tiếp tục học ở bậc Trung học hay cho công việc lao động của trẻ sau này. Môn toán ở cấp Tiểu học là một môn học chiếm một vị trí rất quan trọng và then chốt trong nội dung chương trình các môn học cấp Tiểu học. Mục tiêu dạy học môn Toán Tiểu học nhằm giúp học sinh:

- Có những kiến thức cơ bản ban đầu về số học các số tự nhiên, phân số, số thập phân; các đại lượng thông dụng; một số yếu tố hình học và thống kê đơn giản.

- Hình thành các kỹ năng thực hành tính, đo lường, giải bài toán có nhiều ứng dụng thiết thực trong đời sống.

- Góp phần bước đầu phát triển năng lực tư duy, khả năng suy luận hợp lí và diễn đạt chúng (nói và viết) cách phát hiện và cách giải quyết những vấn đề đơn giản, gần gũi trong cuộc sống; kích thích trí tưởng tượng; gây hứng thú học tập Toán; góp phần hình thành bước đầu phương pháp tự học và làm việc có kế hoạch khoa học, chủ động, linh hoạt, sáng tạo.

Các kiến thức kĩ năng của môn Toán ở Tiểu học có nhiều ứng dụng trong đời sống, chúng rất cần cho người lao động, rất cần thiết để học các môn học khác ở Tiểu học và các lớp trên. Môn Toán giúp học sinh nhận biết các mối quan hệ về số lượng và hình dạng không gian của thế giới hiện thực. Nhờ đó mà học sinh có nhận thức cơ bản về thế giới xung quanh và biết cách hoạt động có hiệu quả trong đời sống. Môn Toán góp phần rất quan trọng trong việc rèn luyện phương pháp suy nghĩ, phương pháp suy luận, phương pháp giải quyết vấn đề. Nó góp phần phát triển trí thông minh, cách suy nghĩ độc lập, linh hoạt, sáng tạo, nó đóng góp vào việc hình thành các phẩm chất cần thiết và quan trọng của người lao động như: Cần cù, cẩn thận, có ý chí vượt khó khăn, làm việc có kế hoạch, có nề nếp và tác phong khoa học. Môn Toán ở Tiểu học sẽ mở đường cho trẻ em đi vào thế giới kỳ diệu của Toán học để rồi mai đây các em lớn nên nhiều em trở thành vĩ nhân, trở thành anh hùng, nhà giáo, nhà khoa học, nhà thơ trở thành những người lao động sáng tạo trên mọi lĩnh vực sản xuất và đời sống. Trên tay có máy tính sách tay trong túi có máy tính bỏ túi nhưng không bao giờ các em quên được những ngày đầu tiên đến trường học đếm và tập viết các số 1, 2, 3 học các phép tính cộng, trừ. Vì những con số những phép tính đơn giản ấy cần thiết cho suốt cả đời người…

Có thể nói, trong chín môn học ở Tiểu học môn Toán đóng vai trò quan trọng nhất, nó cung cấp những kiến thức cơ bản về số học, các yếu tố hình học, đo đại lượng, giải toán, môn Toán Tiểu học thống nhất không chia thành môn khác. Bên cạnh đó khả năng giáo dục của môn Toán rất phong phú còn giúp học sinh phát triển tư duy, khả năng suy luận, trau dồi trí nhớ, giải quyết vấn đề có căn cứ khoa học, chính xác. Nó còn giúp học sinh phát triển trí thông minh, tư duy độc lập sáng tạo, kích thích óc tò mò, tự khám phá và rèn luyện một phong cách làm việc khoa học. Yêu cầu đó rất cần thiết cho mọi

người, góp phần giáo dục ý chí, đức tính tốt chịu khó, nhẫn nại, cần cù trong học tập... Chính vì vậy, môn Toán có vị trí hết sức quan trọng, bởi lẽ:

- Các kiến thức, kĩ năng của môn Toán ở Tiểu học có nhiều ứng dụng trong đời sống; chúng rất cần thiết cho người lao động, rất cần thiết để học tốt các môn học khác ở Tiểu học và chuẩn bị cho việc học tốt môn Toán ở cấp Trung học.

- Môn Toán giúp HS nhận biết những mối quan hệ về số lượng và hình dạng không gian của thế giới hiện thực. Nhờ đó mà học sinh có phương pháp

nhận thức một số mặt của thế giới xung quanh và biết cách hoạt động có hiệu quả trong đời sống. Đối tượng nghiên cứu của Toán học với quan hệ về số lượng và hình dạng là thế giới của hiện thực vì thế ở Tiểu học cho dù là những kiến thức đơn giản nhất cũng là những thể hiện của các mối quan hệ về số lượng và hình dáng không gian. Chằng hạn, các mối quan hệ về số lượng bao gồm các quan hệ cộng, trừ, nhân, chia, lớn hơn, nhỏ hơn, bằng trên các tập hợp N, Q hoặc những quan hệ giữa những đại lượng (ví dụ : quãng đường, thời gian, vận tốc; diện tích với chiều dài, chiều rộng hoặc với cạnh đáy, chiều cao… Các hình dáng không gian bao gồm: các biểu tượng hình học: hình tròn, hình chữ nhật, hình vuông…)

- Môn Toán góp phần rất quan trọng trong việc rèn luyện phương pháp suy nghĩ và cách thức giải quyết vấn đề. Nó góp phần phát triển trí thông minh, cách suy nghĩ độc lập, linh hoạt, sáng tạo, nó đóng góp vào việc hình thành các phẩm chất cần thiết và quan trọng của người lao động như: cần cù, cẩn thận, có ý chí vượt khó khăn, làm việc có kế hoạch, có nề nếp và tác phong khoa học. Những thao tác tư duy có thể rèn luyện cho học sinh qua môn Toán bao gồm phân tích tổng hợp, so sánh, khái quát hóa, trừu tượng hóa, cụ thể hoá và đặc biệt hóa. Các phẩm chất trí tuệ có thể rèn luyện cho

học sinh bao gồm: Tính độc lập, tính linh hoạt, tính nhuần nhuyễn, tính sáng tạo…

Qua nghiên cứu chương trình dạy học môn Toán ở trường Tiểu học tôi nhận thấy: Giải Toán ở cấp Tiểu học là hoạt động quan trọng trong quá trình dạy học Toán, nó chiếm khoảng thời gian tương đối lớn trong nhiều tiết học cũng như toàn bộ chương trình môn Toán. Việc dạy và học Toán ở cấp Tiểu học nhằm giúp HS biết cách vận dụng những kiến thức về Toán, được rèn kỹ năng thực hành với những yêu cầu được thực hiện một cách đa dạng phong phú. Thông qua việc giải Toán giúp học sinh ôn tập, hệ thống hoá, củng cố các kiến thức và kỹ năng đã học. Học sinh Tiểu học, nhất là học sinh lớp 1,2,3 chưa có đủ khả năng lĩnh hội kiến thức qua lý thuyết thuần tuý. Hầu hết các em phải đi qua các bài toán, sơ đồ trực quan. Từ đó mới dễ dàng rút ra kết luận, các khái niệm và nội dung kiến thức cơ bản. Các kiến thức đó khi hình thành lại được cũng cố, áp dụng vào bài tập với mức độ nâng dần từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Thông qua hoạt động học Toán rèn luyện cho học sinh tư duy logic, diễn đạt và trình bày một vấn đề Toán học nói riêng trong đời sống. Ở bậc Tiểu học nói chung, do đặc điểm nhận thức ở lứa tuổi này các em hay làm việc mình thích, những việc nhanh lấy kết quả. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy Toán người giáo viên phải biết đưa ra mâu thuẫn, tình huống đặc biệt để khơi gợi trí tò mò của học sinh, khéo léo để các em phát huy tối đa năng lực sáng tạo độc lập, tự giải quyết các vấn đề mà các em thấy tự tin, phấn khởi. Từ đó các em tự hình thành khái niệm bằng chính sự tư duy của mình.

Một phần của tài liệu Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học môn toán ở trường tiểu học tam đồng huyện mê linh thành phố hà nội nhằm đáp ứng yêu cầu đối mới giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay (Trang 25)