8. Cấu trúc của đề tài
3.2.1. Nhóm biện pháp quản lý (về phía nhà trường)
3.2.1.1. Chỉ đạo quyết liệt việc đổi mới phương pháp dạy học
Đổi mới PPDH không phải là hoạt động đơn lập từ phía thầy - trò mà hiệu quả của nó phụ thuộc rất nhiều vào tư duy, năng lực lãnh đạo của người quản lý trường học. Người Hiệu trưởng có vai trò quan trọng trong việc lập kế hoạch, triển khai thực thi, kiểm tra đánh giá chất lượng hoạt động đổi mới PPDH trong nhà trường. Những hoạt động chỉ đạo của Hiệu trưởng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đổi mới PPDH trong nhà trường như: Hoạt động dạy học của GV và HS, viết sáng kiến kinh nghiệm, sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học, các hội giảng, thi GV giỏi, HS giỏi,… Như vậy, Hiệu trưởng thường xuyên tác động đến hầu hết các mặt của hoạt động đổi mới PPDH, và sự tác động ấy không rời rạc, không thụ động mà cần chặt chẽ, chủ động, bao quát, trọng tâm vào mối quan hệ giữa các chủ thể dạy học.
Nội dung việc chỉ đạo quyết liệt đổi mới phương pháp dạy học: Làm cho giáo viên và cán bộ trong trường nhận thức rõ:
+ Tính cấp thiết của đổi mới PPDH: một mặt, làm cho tập thể sư phạm cần thống nhất nhận thức: đây là yêu cầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục, là hạt nhân của việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, là điều kiện trực tiếp để nâng cao chất lượng giáo dục; mặt khác, cần coi đây là thách thức
mà đội ngũ cần phải đáp ứng, nhưng cũng là cơ hội phát triển của mỗi giáo viên và của mỗi nhà trường.
+ Những định hướng cơ bản của đổi mới PPDH hiện nay: - Phát huy tính tích cực tự giác, chủ động sáng tạo của học sinh; - Bồi dưỡng phương pháp tự học;
- Rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn;
- Tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho HS. + Những đặc trưng cơ bản của phương pháp tích cực:
- Dạy học thông qua tổ chức các hoạt động của HS;
- Dạy học chú trọng rèn luyện phương pháp tự học cho HS;
- Tăng cường tổ chức các hoạt động học tập cá thể, phối hợp với hoạt động học tập hợp tác
- Kết hợp đánh giá của thầy với tự đánh giá của trò.
Chất lượng giáo dục được quyết định bởi người GV đang dạy học. Vì vậy BDGV phải được coi là một công tác trọng điểm. Để có thể tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác BDGV về ĐMPPDH cần chú ý một số biện pháp sau:
+ Nội dung bồi dưỡng phải bám sát những yêu cầu về đổi mới PPDH, tập trung vào việc bồi dưỡng cho GV:
- Kĩ năng tổ chức các hoạt động học tập theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của HS như: quan sát, thử nghiệm, so sánh, đối chiếu, thu thập, phân tích, xử lí thông tin, tổng hợp, khái quát, phát hiện.
- Kĩ năng tổ chức các hình thức học tập đa dạng cho HS như: học tập cá nhân, học tập theo nhóm nhỏ; vận dụng kiến thức vào thực tiễn; ứng dụng CNTT vào dạy học, tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp....
- Kĩ năng sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học theo hướng tổ chức các hoạt động học tập khám phá, phát hiện của HS, không đơn thuần sử dụng thiết
bị chỉ như một công cụ giải thích, chứng minh. Cần làm cho GV có nhận thức sâu sắc về ích lợi của việc sử dụng đồ dùng dạy học là tạo cơ hội để rèn luyện khả năng tự học, tự phát hiện cho HS, tránh thói quen học thụ động do chỉ đơn thuần “nghe - ghi nhớ và làm theo mẫu”.
Hiện nay nhà trường đã được chú ý tăng cường trang bị các TBDH, tuy nhiên các TBDH tự làm của GV luôn có ý nghĩa quan trọng và cần được phát huy. Mặt khác, trong dạy học hiện đại, đa phương tiện và CNTT có nhiều khả năng ứng dụng to lớn. Vì vậy cần yêu cầu GV tăng cường sử dụng các phương tiện dạy học có sẵn hoặc tự làm và tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy học.
- Quán triệt quan điểm: kế thừa, phát huy ưu điểm của các PPDH
truyền thống đồng thời vận dụng các PPDH và kĩ thuật dạy học hiện đại trong
quá trình dạy học.
Nhiều GV còn có khuynh hướng phủ nhận hoàn toàn những ưu điểm của PPDH truyền thống hoặc đề cao một PPDH tích cực nào đó. Ví dụ: hiểu ĐMPPDH là phải có hoạt động nhóm. Hoặc ĐMPPDH là nhất thiết phải có sử dụng TBDH hiện đại (máy tính hay máy chiếu đa năng). Việc “đổi mới PPDH” một cách hình thức này không mang lại hiệu quả trong dạy học, thậm chí phản tác dụng.
Đổi mới phương pháp không có nghĩa là loại bỏ các PPDH truyền thống quen thuộc mà cần phát huy ưu điểm, nâng cao hiệu quả và hạn chế nhược điểm của chúng. Để nâng cao hiệu quả của các PPDH này cần BDGV nắm vững yêu cầu và kĩ năng sử dụng thành thạo các kĩ thuật của chúng, ví dụ: kĩ thuật trình bày, giải thích khi thuyết trình; kĩ thuật đặt câu hỏi và xử lí câu trả lời trong PP vấn đáp – gợi mở; kĩ thuật làm mẫu trong thực hành – luyện tập. Tuy nhiên các PPDH truyền thống có những hạn chế và nhược
điểm vì thế cần kết hợp đa dạng các PPDH, đặc biệt các PP và kĩ thuật dạy học phát huy tính tích cực, độc lập, sáng tạo của HS.
Trong thực tiễn dạy học, nhiều GV đã linh hoạt vận dụng phối hợp các PPDH khác nhau nhằm tích cực hóa các hoạt động học tập của HS, chẳng hạn, kết hợp thuyết trình của GV với hình thức làm việc theo nhóm, hoặc kết hợp vấn đáp – gợi mở, thực hành – luyện tập với việc vận dụng dạy học Giải quyết vấn đề, dạy học kiến tạo, dạy học khám phá, dạy học theo tình huống... dưới nhiều hình thức với những mức độ tự lực khác nhau của HS.
+ Xây dựng nội dung bồi dưỡng phải dựa trên nhu cầu của GV về đổi mới PPDH.
Nội dung bồi dưỡng phải thiết thực phục vụ yêu cầu nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ của GV. Việc xác định nội dung bồi dưỡng thông qua các yêu cầu từ GV, từ địa phương hoặc đề xuất của các chuyên gia (tác giả biên soạn chương trình và sách giáo khoa, các cán bộ chỉ đạo...).
Trọng tâm bồi dưỡng: rèn luyện kĩ năng ĐMPPDH; cách dạy các kiểu bài, nhóm bài quan trọng hoặc bài mới, bài khó trong chương trình và SGK mới; cách sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy học mới; đổi mới kiểm tra, đánh giá.
ĐMPPDH đòi hỏi phải thiết kế bài học theo hướng tổ chức các hoạt động học tập của HS, vì vậy nhiều GV có nhu cầu được tập huấn, hướng dẫn chi tiết về kĩ thuật thiết kế một bài học (thông qua các bài soạn mẫu) hoặc có tài liệu tham khảo thiết thực phục vụ nhu cầu nói trên.
Tài liệu bồi dưỡng cần đổi mới đồng bộ với đổi mới về phương pháp và cách thức tập huấn, kết hợp cả tài liệu in, tài liệu băng hình và băng tiếng. Tài liệu in và băng hình cần được biên soạn theo hướng chỉ ra từng hoạt động cụ thể của người học. Hiện nay tài liệu BDGV thường được biên soạn theo kiểu mô - đun nhằm giúp GV tự học, tự nghiên cứu, bảo đảm tính phân hóa và linh hoạt trong quá trình bồi dưỡng.
Cần có chỉ đạo thống nhất danh mục tài liệu bồi dưỡng, tránh tình trạng có quá nhiều tài liệu chồng chéo nhau, không phục vụ thiết thực cho nhu cầu học hỏi, bồi dưỡng về PPDH của GV, thậm chí gây khó khăn, cản trở không đáng có cho GV.
Thống nhất tên gọi các PPDH giữa các bộ môn khác nhau, trên cơ sở bản chất và nội hàm của PP đó.
+ Các hình thức bồi dưỡng phải linh hoạt và mềm dẻo nhằm bảo đảm tính thiết thực và hiệu quả của công tác BDGV về đổi mới PPDH.
Có nhiều loại hình bồi dưỡng như: bồi dưỡng chuẩn hóa ; bồi dưỡng thường xuyên theo chu kì; bồi dưỡng “thay sách”. Các loại hình bồi dưỡng nói trên được thực hiện qua các hình thức bồi dưỡng như: bồi dưỡng tập trung, bồi dưỡng tại chỗ, trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng, quyết định của hình thức bồi dưỡng tại chỗ (hay bồi dưỡng trên cơ sở nhà trường).
Ngoài ra còn có hình thức bồi dưỡng “từ xa” – là hình thức bồi dưỡng
được thực hiện thông qua việc hướng dẫn bằng các văn bản, hoặc thông qua các phương tiện nghe nhìn như băng hình, băng tiếng, phát thanh, truyền hình... giúp người học hiểu được những nội dung cần thiết của tài liệu bồi dưỡng. Tất cả các hình thức bồi dưỡng nói trên đều hỗ trợ cho nhau, giúp GV nâng cao trình độ giảng dạy. Như vậy GV liên tục được học tập, bồi dưỡng để không ngừng nâng cao trình độ.
Tuy nhiên trong tất cả các hình thức trên đều phải coi trọng việc phát triển ở GV năng lực tự bồi dưỡng để họ có tiềm lực không ngừng tự hoàn thiện nâng cao trình độ nhằm đáp ứng những yêu cầu mới.
+ Phân định rõ trách nhiệm của Bộ GD - ĐT và địa phương trong công tác BDGV về ĐMPPDH.
Trong công tác bồi dưỡng GV, Bộ GD - ĐT và các cơ quan quản lí giáo dục ở địa phương tổ chức cho các cán bộ quản lí giáo dục và GV tiếp cận với
những yêu cầu đổi mới giáo dục và ĐMPPDH thông qua nhiều loại hình bồi dưỡng (tập huấn dạy học theo chương trình, SGK mới; bồi dưỡng thường xuyên theo chu kì; bồi dưỡng chuyên đề; bồi dưỡng nâng chuẩn đào tạo).
Trao quyền cho địa phương chủ động trong thực hiện chương trình và thực hiện kế hoạch thời gian năm học; tăng cường vai trò của Hiệu trưởng trong tổ chức dạy học và quản lí nhà trường; phát huy tính chủ động của GV trong tiến trình giảng dạy.
Tập trung chỉ đạo, tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên môn, hỗ trợ cơ sở thực hiện ĐMPPDH.
Tổ chức thực hiện:
- Tổ chức cho giáo viên đi học các lớp bồi dưỡng hè do Phòng, Sở tổ chức - Tổ chức học tập, nghiên cứu các tài liệu lý luận nghiệp vụ tại tổ, trường;
- Tăng cường nghiên cứu, trao đổi, thảo luận trong nhóm, tổ chuyên môn và vận dụng giải quyết từng vấn đề theo yêu cầu đổi mới PPDH.
- Tổ chức các đợt học tập xen kẽ, lồng ghép vào các sinh hoạt chuyên môn, rèn luyện tay nghề hàng tuần, hàng tháng trong tổ chuyên môn hoặc các kỳ hội giảng, thi giáo viên giỏi các cấp.
3.2.1.2. Tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị kĩ thuật phục vụ dạy học
Một trong các giải pháp để đổi mới PPDH nâng cao chất lượng dạy học đó là đầu tư về CSVC và trang thiết bị kỹ thuật hiện đại cho đội ngũ GV. GV và HS khó có thể dạy và học tốt nếu CSVC kém (mái nhà bị thấm, dột, cửa sổ hay cửa ra vào bị hỏng, nền nhà bị bong gạch lát, thiếu phòng học,…). Việc thực hiện kế hoạch số 86 được UBND huyện chỉ đạo quyết liệt, đến nay cơ sở vật chất của Trường Tiểu học Tam Đồng được cải thiện.
Thiết bị kĩ thuật dạy học là thành tố trong quá trình dạy học, nó có mối quan hệ tương hỗ với các thành tố khác trong quá trình dạy học.
Thiết bị dạy học là điều kiện dể thực hiện nguyên lý giáo dục “học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn”, chúng có tác dụng tích cực và có tính động lực, tác động một cách có hiệu quả đối với quá trình dạy của thầy và học của trò. Thiết bị dạy học đẩy mạnh hoạt động nhận thức và phát triển năng lực nhận thức của học sinh, giúp học sinh tự khám phá, chiếm lĩnh tri thức mới nhằm phát triển tư duy, óc quan sát, năng lực ghi nhớ, khả năng vận dụng sáng tạo, củng cố rèn luyện kỹ năng. Cung cấp kiến thức cho HS một cách chắc chắn, chính xác và trực quan, do đó hấp dẫn và kích thích được hứng thú học tập của HS.
Trang thiết bị kĩ thuật dạy học được coi là tiền đề đổi mới PPDH, góp phần làm sáng tỏ lý thuyết, tạo điều kiện cho học sinh hoạt động với tư cách là trung tâm của quá trình dạy học. Rút ngắn thời gian giảng dạy mà vẫn đảm bảo HS lĩnh hội đủ nội dung học tập. Gia tăng cường độ lao động của cả GV và HS, do đo nâng cao hiệu quả dạy học. Chúng thể hiện được những yếu tố trong thực tế khó hoặc không quan sát tiếp cận được.
Nhận thấy tầm quan trọng của TBDH gần đây Trường Tiểu học Tam Đồng đã trích một phần ngân sách để đầu tư về CSVC và trang thiết bị dạy học như hệ thống máy vi tính, máy chiếu, bộ đồ dùng dạy Toán cho GV, bộ đồ dùng học Toán cho HS. Trang bị thêm nhiều đầu sách nâng cao, sách tham khảo cho thư viện trường. Kết hợp với công tác xã hội hóa, bàn bạc và thống nhất với phụ huynh HS đóng góp để xây dựng nâng cao CSVC và trang thiết bị dạy học. Ngoài ra nhà trường còn phát động phong trào làm thêm đồ dùng dạy học đối với GV bằng các hình thức khuyến khích GV làm đồ dùng dạy học hay tổ chức các cuộc thi làm đồ dùng dạy học cấp trường, tham gia các hội thi như “Hội thi đồ dùng dạy học tự làm cấp Thành phố cấp Tiểu học” do sở GD – ĐT Hà Nội tổ chức. Khuyến khích GV, HS ủng hộ sách, báo, tài liệu cho thư viện. Nhờ vậy số lượng sách báo, tài liệu trong thư viện trường đã
tăng thêm đáng kể, giải quyết cơ bản tình trạng dạy chay, học chay, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.
Việc quản lý và sử dụng TBDH cần được thực hiện nghiêm túc. TBDH được bảo quản cẩn thận, hạn chế hiện tượng hư hại, mất mát do cán bộ, GV mượn và sử dụng thường xuyên. Hồ sơ quản lý của BGH và nhân viên có đầy đủ các thông tin hoạt động được cập nhật hàng ngày.