Nhân vật thần kì

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Thế giới nhân vật trong truyện cổ tích ở chương trình tiếng việt tiểu học (Trang 34 - 35)

6. Đóng góp của đề tài

2.2.Nhân vật thần kì

Nhân vật của truyện cổ tích thần kì là con người thường bé nhỏ mà chủ yếu là những nhân vật bất hạnh như người mồ côi, người đi ở, người con riêng (như Thạch Sanh, công chúa, hoàng tử, Chử Đồng Tử, Sọ Dừa, vợ Sọ Dừa…) Các nhân vật này luôn đại diện cho cái thiện. Đối lập với những nhân vật đại diện cho cái thiện là những nhân vật đại diện cho cái ác (các nhân vật “đàn anh”, “bề trên”, dì ghẻ, người anh tham lam, trưởng giả…). Bên cạnh các nhân vật là con người trong đời sống thực tế, trong truyện cổ tích thần kì còn xuất hiện một kiểu nhân vật đặc biệt là “lực lượng thần kì”. “Lực lượng thần kì” bao gồm các nhân vật siêu nhiên kì ảo (Tiên, Bụt, Phật…), con vật thần (chim thần, rắn thần…), vật màu nhiệm (gậy thần, ngọc thần, đàn thần…), sự biến hóa kì ảo (người biến hóa thành vật, vật biến hóa thành người…). Chính thế giới thần kì, màu nhiệm này khiến cho truyện cổ tích thần kì mang đậm yếu tố kì ảo và đề cao trí tưởng tượng phong phú lãng mạn của các tác giả dân gian. Kết thúc truyện cổ tích thần kì thường có hậu, mang lại sự vui vẻ, lạc quan, thỏa mãn mơ ước của nhân dân. Những kết thúc có hậu như nhân vật bất hạnh được đổi đời và sống thật hạnh

phúc, còn nhân vật ác thì trừng phạt một cách chính đáng là sự biểu hiện của khát vọng, ước mơ về sự công bằng, cuộc sống hạnh phúc, sung túc của nhân dân lao động.

Lực lượng thần kì trong truyện cổ tích là kết quả sáng tạo kì ảo của tác giả dân gian. Đó là một thế giới bao hàm những nhân vật siêu nhiên, những phép màu nhiệm, sự biến hóa thần thánh kì ảo. Trong truyện cổ tích, lực lượng thần kì giữ vai trò quan trọng trong việc tạo nên yếu tố hấp dẫn li kì của kiểu truyện. Yếu tố thần kì xuất hiện trong thế giới của lực lượng thần kì có thể coi là một phương tiện nghệ thuật giúp cho tác giả dân gian giải quyết những mâu thuẫn xung đột của con người trong đời sống thường ngày. Tác giả Đinh Gia Khánh đã khẳng định vai trò của lực lượng thần kì trong truyện cổ tích như sau: “Yếu tố kì diệu siêu nhiên chính là một thủ pháp nghệ thuật gắn với nội dung lãng mạn của truyện. Tác giả dân gian cũng như thính giả dân gian để cho trí tưởng tượng bay bổng theo những sự kiện kì diệu ở trong truyện không phải vì thực tâm tin – ít ra thì cũng không hoàn toàn tin – rằng những sự kiện đó là có thật nhưng chủ yếu là vì những sự kiện đó cần thiết cho việc giải quyết những vấn đề mà trong thực tế xã hội cũ chưa cho phép giải quyết hoàn toàn như ý muốn, như ước vọng của nhân dân. Yếu tố kì diệu trong truyện cổ tích xét cho kĩ không phải chủ yếu là sản phẩm của đầu óc mê tín mà là phương tiện cần thiết để cho tác giả dân gian có thể đưa sự phát triển tình tiết theo ý muốn của mình”.

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Thế giới nhân vật trong truyện cổ tích ở chương trình tiếng việt tiểu học (Trang 34 - 35)