Xung đột

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Thế giới nhân vật trong truyện cổ tích ở chương trình tiếng việt tiểu học (Trang 58)

6. Đóng góp của đề tài

3.2. Xung đột

Trong thế giới văn học dân gian, nếu như thần thoại phản ánh quan niệm và sự nhận thức của người Việt cổ về thế giới, truyền thuyết là sự nhận thức, lí giải về lịch sử thì truyện cổ tích lại gần gũi hơn với con người trong cách phản ánh những vấn đề cơ bản trong xã hội có giai cấp. Đó là những mâu thuẫn xảy ra trong cuộc sống mà con người không thể tránh khỏi, nó trở thành vấn đề của mọi giai cấp. Phần lớn những truyện cổ tích tiêu biểu và quen thuộc đều xoay quanh đề tài sinh hoạt gia đình, phản ánh và lí giải những xung đột, mâu thuẫn có tính chất riêng tư nhưng phổ biến, chẳng hạn như mâu thuẫn giữa anh em trai trong truyện cây khế, giữa chị em gái trong Sọ Dừa, giữa dì ghẻ con chồng và chị em cùng cha khác mẹ trong truyện Tấm Cám…Hầu hết hành động của các nhân vật chính đều xuất phát từ xung đột trong quan hệ gia đình. Hành động ấy có thể phát triển ra ngoài phạm vi gia đình, thậm chí có thể đi rất xa vào tận cung vua, sang thế giới thần kỳ, nhưng tất cả đều bắt nguồn từ xung đột gia đình và do quan hệ này chi phối thúc đẩy. Khi xung đột gia đình được giải quyết xong thì hành động ấy mới chấm dứt và tác phẩm mới thực sự kết thúc. Trong truyện Tấm Cám hành động của nhân vật Tấm gắn liền với xung đột trong quan hệ dì ghẻ con chồng và quan hệ chị em cùng cha khác mẹ. Từ những chi tiết đầu tiên của truyện là Tấm đi bắt tép với Cám thì hành động của Tấm đã phát triển liên tục và mở rộng dần thậm chí vượt ra ngoài phạm vi gia đình như khi Tấm gặp Bụt, đi dự hội gặp

Vua…Chung quy lại những hành động ấy đều do quan hệ gia đình chi phối. Chính vì vậy mà tuy gắn với đề tài, xung đột gia đình thì nội dung và ý nghĩa xã hội của truyện cổ tích vẫn sâu sắc và phong phú.

Bắt nguồn trực tiếp từ những truyện kể có tính chất thần thoại về loài vật, truyện cổ tích về loài vật phản ánh cuộc đấu tranh của người thời cổ nhằm tìm hiểu, chi phối, chinh phục các lực lượng tự nhiên. Chức năng này của truyện cổ tích về loài vật thể hiện ở nội dung đúc kết những kinh nghiệm và hiểu biết về đời sống, đặc điểm bên ngoài và tập tính của con vật được đề cập, nội dung mà hầu như truyện cổ tích loài vật nào cũng có. Xung đột giữa con người với loài vật cũng được thể hiện gián tiếp qua môtip gọi là “dư âm của cái thời con người bắt thú về nuôi làm gia súc”. Không phải ngẫu nhiên mà truyện cổ tích đã kể về những con vật nuôi trong nhà (gia súc, gia cầm), và cả về những con vật gần gũi với con người với mối thiện cảm hơn so với những con vật hoang dã. Xung đột giữa con người với loài vật trong truyện cổ tích về loài vật, với thời gian đã chuyển hóa thành sự xung đột sinh hoạt – xã hội hoặc lồng vào xung đột sinh hoạt – xã hội. Truyện cổ tích về loài vật phân hóa ra hai mảng: truyện cổ tích về loài vật dành cho trẻ em và truyện cổ tích về loài vật dành cho người lớn. Khi đối tượng tiếp nhận là trẻ em họ phải đơn giản hóa những tình huống xung đột, nó đề cập đến những vấn đề xã hội và đạo đức nhưng ở tầm mức mà trẻ em có thể hiểu được. Những truyện ra đời muộn, nếu được kể cho người lớn, thường mang những ý nghĩa sâu xa về mặt xã hội; các con vật trong truyện được gán những tính cách người và “xã

hội loài vật” trong đó gợi nghĩ đến những quan hệ xã hội giữa người và người (Kiến,

ong chọi với cóc, Con công và làng chim, Cốc và cá…)

Nhìn chung, xung đột nổi bật trong truyện cổ tích loài vật là xung đột giữa kẻ yếu và kẻ mạnh. Ở đây, những con vật nhỏ nhưng gan dạ, mưu trí, lại biết hợp quần luôn luôn thắng những con vật chỉ biết ỷ vào sức mạnh hung bạo. Những truyện kể về chú Thỏ tinh khôn của một số dân tộc nước ta được coi là tiêu biểu nhất cho loại xung đột này. Các con vật đóng vai trò chính trong kết cấu cốt truyện nhưng mối quan hệ giữa chúng ít nhiều cũng thể hiện được mối quan hệ của con người với những suy nghĩ, hành động như con người. Xã hội loài vật mang bóng dáng xã hội loài người như truyện Quạ và Công…

Trong truyện cổ tích thần kỳ nổi lên hai loại xung đột: xung đột xã hội và xung đột giữa con người với những trở lực của thiên nhiên. Nếu vấn đề quan hệ của con

người với thiên nhiên là đề tài chính của thần thoại và sử thi cổ đại thì xung đột xã hội là đề tài chính của truyện cổ tích. Nhân vật trung tâm của những truyện kể được gọi là

“tự sự xã hội” này là nhân vật bất hạnh – loại nhân vật xuất hiện lần đầu trong truyện

kể dân gian. Xung đột xã hội trong truyện cổ tích, đặc biệt trong truyện cổ tích thần kỳ thường diễn ra trong phạm vi gia đình. Đề tài về sự xung đột giữa con người với những trở lực của thiên nhiên trong truyện cổ tích thần kỳ có thể coi là sự tiếp nối hợp quy luật đề tài về cuộc đấu tranh của con người nhằm tìm hiểu và chế ngự những sức mạnh tự nhiên trong thần thoại và sử thi cổ đại. Nhân vật trung tâm của những truyện cổ tích về đề tài này cũng mang dáng dấp người anh hùng văn hóa của thần thoại và sử thi cổ đại. Đó là loài nhân vật kỳ tài – những dũng sĩ có sức mạnh tài nghệ hầu như siêu nhiên…Tất nhiên, đã có hai loại xung đột – xung đột xã hội và xung đột của con người với thiên nhiên – thì cũng nảy sinh một số truyện kết hợp cà hai loại đề tài ấy (truyện Thạch Sanh, với hai tuyến tính Thạch Sanh – Chằn tinh, Đại bàng tinh và Thạch Sanh – Lý Thông). Xung đột trong truyện cổ tích thần kỳ luôn luôn được giải quyết nhờ sự can thiệp của các lực lượng thần kỳ. Nhân vật chính ít nhiều có tính chất thụ động. Những mối quan hệ mâu thuẫn ngoài xã hội được đưa vào phạm vi gia đình và được lí giải trong mối tương quan, chi phối của các quan hệ xã hội. Mâu thuẫn đó được phản ánh trong các tiểu loại khác nhau của nhóm truyện cổ tích thần kì

Truyện cổ tích sinh hoạt của người Việt tập trung khai thác hai đề tài lớn. Đó là đề tài đạo đức và đề tài trí khôn. Những chuyện cổ tích sinh hoạt về đề tài đạo đức, về đại thể, tương ứng với những truyện cổ tích thần kỳ về đề tài xung đột gia đình; những truyện cổ tích về đề tài trí khôn, về đại thể tương ứng với những truyện cổ tích thần kỳ về đề tài sức khỏe và tài lạ.

Những truyện cổ tích sinh hoạt về đề tài đạo đức thường chỉ đơn giản là những câu chuyện kể mang tính chất minh họa về những tấm gương kiểu mẫu về phẩm hạnh hoặc những “tấm gương phản diện” cùng loại. Ở những câu chuyện “đơn tuyến”, hầu như không có xung đột này, vấn đề đạo đức được đặt ra một cách đơn giản, trực diện và ý nghĩa của truyện cũng chỉ giới hạn ở sự giáo dục đạo đức ấy thôi.

Còn xung đột trong những truyện cố tích sinh hoạt về đề tài trí khôn là xung đột xã hội. Nói đúng hơn, đó là những câu chuyện kể về cuộc tả xung hữu đột của nhân vật mưu trí với đám cường hào, quan lại…thậm chí với cả vua chúa, cả thần thánh và cả sứ của “thiên triều”. Chính những câu chuyện kể đầy tính chất hài hước về những

cuộc phiêu lưu từ thất bại này đến thất bại khác của nhân vật ngốc nghếch đã tạo ra một đối chứng đặc sắc, càng làm nổi bật vai trò của mưu trí, trí khôn trong đời sống hàng ngày cũng như trong cuộc đấu tranh xã hội của nhân dân. Những mối quan hệ mâu thuẫn xã hội được phản ánh một cách trực diện hơn, cụ thể hơn và gần hiện thực hơn. Đó là mâu thuẫn về đạo đức giữa kẻ giàu và người nghèo khó, mâu thuẫn về trí tuệ giữa kẻ thuộc tầng lớp trên ngu dốt, hống hách, keo kiệt và người lao động thật thà, thông minh.

Thuộc nhóm truyện cổ tích sinh hoạt về đề tài trí khôn còn có những truyện được gọi bằng cái tên chung là “Phân xử tài tình”. Những truyện này được nhân dân các dân tộc rất ưa thích, trước hết, vì xung đột trong truyện này tuy chỉ thuộc loại xung đột giữa ngay và gian trong đời thường, lại không diễn ra như một quá trình với nhiều tình tiết ly kỳ và lắm uẩn khúc, nhưng là xung đột ở ngay đỉnh điểm, căng thẳng. Tuy nhiên, nguồn gốc sâu xa của sức hấp dẫn của những truyện “Phân xử tài tình” là cách giải quyết những xung đột giữa ngay và gian, giữa người vô tội và kẻ có tội ấy. Trong những ước mơ đã dệt nên truyện cổ tích, có ước mơ tưởng như giản dị hơn cả nhưng thực ra là lãng mạn bậc nhất – đó là ước mơ của người dân thường về một nền công lý sáng suốt, công bằng.

Nhân vật thông minh là các em bé được xây dựng là những người nhanh trí, hoạt ngôn…và họ thường đặt trong mối xung đột với những người bề trên có vai vế trong xã hội. Truyện Em bé thông minh, nhân vật em bé được đặt trong mối xung đột mang tính chất xã hội mà cụ thể là mối xung đột với quan sứ, với vua, với sứ giả láng giềng. Ngay mở đầu câu chuyện, tác giả dân gian đã để cho em bé phải đối mặt với tình huống vô cùng khó khăn. Nhà vua ban cho làng em, một con gà trống lệnh phải nuôi làm sao cho con gà trống đẻ trứng. Với tài ứng đáp thông minh, em bé đã giúp làng vừa được ăn cỗ vừa không phải chịu tội. Em bé đã đến sân rồng khóc òm sòm, dùng lời lẽ để vua bỏ lệnh nuôi con gà trống đẻ trứng và làng ấy đã thoát tội. Sự nhanh trí của em bé còn được thể hiện khi đưa cây kim yêu cầu quan về nói với vua rèn cho một con dao xẻ một con chim sẻ thành ba cỗ thức ăn. Truyện Phân xử tài tình, viên quan nổi tiếng với tài xử kiện đã sáng suốt khi thực hiện các hành động xé đôi tấm vải trong vụ kiện thứ nhất, cho dân tát vào mặt mụ đàn bà mất gà ngoa ngoắt ở vụ kiện thứ hai, bắt sư sãi trong chùa cầm hạt thóc nảy mầm ở vụ kiện thứ ba để tìm ra thủ phạm.

Trong truyện cổ tích Cây khế (lớp4/tập1) để giải quyết xung đột giữa cái thiện và cái ác điển hình là người anh và người em, đã có sự can thiệp của con chim thần, được biểu hiện thông qua hành động của từng nhân vật chính. Người anh thì tham lam, dành hết của cải mà cha mẹ để lại và đuổi người em út ra khỏi nhà cùng với cây khế sau vườn. Người em hiền lành, tội nghiệp đành chấp nhận chăm sóc cây khế cho đến ngày nó ra hoa kết quả. Câu chuyện kết thúc khi xung đột được giải quyết, người anh phải trả giá bằng cái chết cho sự tham lam, độc ác của mình còn người em thì hưởng cuộc sống hạnh phúc, sung sướng đến hết đời. Kết thúc có hậu của câu chuyện cũng là ước mơ của người dân lao động, ước mơ về một xã hội công bằng, nơi mà lẽ phải luôn chiến thắng. Hay trong truyện Sự tích Hồ Ba Bể (TV4/tập1) tác giả dân gian đã nhờ lực lượng thần kỳ con thuồng luồng biến thành bà lão để giải quyết xung đột giữa những người dân trong làng. Đó là xung đột của những người thật thà hiền lành như hai mẹ con bà góa và những người hẹp hòi, nham hiểm “khẩu phật tâm xà”. Có thể thấy rằng, lực lượng thần kỳ được sử dụng trong các câu chuyện đã thể hiện được ước mơ của nhân dân, đó chính là ước mơ về lẽ phải, sự công bằng và niềm tin vào một cuộc sống tươi đẹp.

Như chúng ta đã biết, gia đình là một tế bào, là đơn vị cơ sở của mọi hình thái xã hội. Khi gia đình thị tộc mẫu hệ tan rã thì chế độ cộng sản nguyên thủy cũng không thể nào tồn tại và sự phân hóa giai cấp trong xã hội cũng không thể có trước gia đình phụ quyền hình thành. Những xung đột mà truyện cổ tích phản ánh thực chất là xung đột có tính giai cấp trong thời kì đầu của xã hội đang hình thành giai cấp. Những xung đột xã hội mà chúng ta thường gặp là xung đột giữa kẻ giàu và người nghèo khó; giữa kẻ có quyền lực và những người nhỏ bé trong xã hội; xung đột giữa hai vợ chồng trong quan hệ hôn nhân gia đình… Khi phản ánh là lí giải mối quan hệ đầy xung đột trong gia đình và ngoài xã hội, truyện cổ tích chưa đi sâu vào số phận của từng cá nhân mà chú ý đến số phận chung của những lớp người, loại người khác nhau trong hàng ngũ nhân dân, trước hết là loại người bị đối xử bất công trong gia đình phụ quyền và xã hội có giai cấp. Mâu thuẫn giai cấp được biểu hiện trong quan hệ của địa chủ, phú ông hoặc phú thương đối với nhân dân là mâu thuẫn chủ yếu được phản ánh trong truyện cổ tích. Bởi đối với nhân dân lao động thì bọn này trực tiếp đàn áp bóc lột nhiều hơn. Truyện cổ tích đã vạch rõ sự đối lập giữa cảnh giàu có kiêu sa của bọn địa chủ, phú ông, phú thương với cảnh bần hàn của nông dân. Người nông dân trong truyện cổ tích

thường được miêu tả là những người nghèo về vật chất mà giàu về nhân cách, chất phác mà thông minh, hiền lành mà dũng cảm. Cô thôn nữ hay anh trai cày trong các truyện cổ tích đều tiêu biểu cho bản chất tốt đẹp của người lao động. Trái ngược hoàn toàn với bản chất và hoàn cảnh sống của nông dân, bọn địa chủ, phú ông, phú thương thường được miêu tả như những kẻ giàu có nhưng keo kiệt, gian ác nhưng ngu dốt hống hách nhưng hèn nhát.

Có thể nói việc phản ánh những mâu thuẫn trong gia đình và xã hội, truyện cổ tích Việt Nam đã cho thấy một cái nhìn thương cảm đối với những người lao động nghèo khổ, nhỏ bé và khát vọng sống, triết lí sống của nhân dân lao động. Nó cho thấy tư tưởng nhân văn của tác giả dân gian và niềm tin vào khả năng cải tạo thực tế của con người. Tác giả Nguyễn Văn Nguyên đã khẳng định: “truyện cổ tích thường cho

chúng ta thấy rằng trong cuộc đấu tranh cho một cuộc đời đẹp, có đau khổ mà không buông xuôi, có thất bại mà không đầu hàng, có bi thảm mà không thất vọng, thực tại có đen tối nhưng ánh sáng của niềm tin vẫn muốn xua tan màu sắc ảm đạm của một cái gì tận thế và trong ánh sáng đó con người vẫn cố gắng vươn lên” [15,45].

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Thế giới nhân vật trong truyện cổ tích ở chương trình tiếng việt tiểu học (Trang 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)