6. Đóng góp của đề tài
2.3.4. Nhân vật ngốc nghếch
Truyện cổ tích sinh hoạt ra đời khi tư duy con người đã chiếm ưu thế hơn hẳn so với lối tư duy cảm tính có yếu tố ảo tưởng trong truyện cổ tích thần kỳ. Với lối tư duy “hiện thực tỉnh táo” đã giúp tác giả dân gian phát hiện ra một đối tượng mới đó là nhân vật ngốc nghếch. Những nhân vật ngốc nghếch ấy này đã đối lập hoàn toàn với kiểu nhân vật thông minh. Nếu như nhân vật thông minh được xem là nhân vật tích cực thì nhân vật ngốc nghếch là nhân vật tiêu cực. Nhưng thực ra, nhân vật ngốc nghếch không phải là đối tượng bị lên án gay gắt như kiểu nhân vật xấu xa. Thông qua kiểu nhân vật ngốc nghếch, tác giả dân gian muốn răn dạy con người cần có những con người hợp lí hơn nữa trước mỗi hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống phong phú chứ không phải là những hành động máy móc rập khuôn. Điều dễ nhận thấy, những nhân vật ngốc nghếch đều là nam giới, đó là những anh chàng ngốc không để đâu hết ngốc. Nhân vật Ngốc được đặt vào những tình huống bất ngờ của cuộc sống như anh chàng ngốc đi buôn, anh chàng ngốc đi kén rể, anh Chàng Ngốc đi kiện… nhưng họ đều không tự mình giải quyết được sự việc xảy ra mà phải dựa vào sự chỉ dẫn của người khác. Ở những truyện về chàng Ngốc không để đâu hết ngốc đa phần được đặt trong mối quan hệ tương phản với những người vợ thông minh, nhiều kinh nghiệm sống, là người vẽ đường chỉ lối cho những ông chồng ngốc nghếch. Và khi đặt bên cạnh những
chị vợ nhiều kinh nghiệm sống thì ngốc lại càng biểu hiện sự ngốc đến không thể tin nổi. Nhưng mâu thuẫn ở chỗ người vợ càng hướng dẫn chỉ đường thì người chồng càng đi từ thất bại này đến thất bại khác.
Có thể nói, những anh chàng Ngốc, ngu dốt, kém hiểu biết không nhận thức được bản chất, hiện tượng của sự việc đều phải nhận kết thúc đáng buồn là cái chết. Việc tác giả dân gian để cho nhân vật Ngốc chết không phải vì căm thù Ngốc cao độ như đã từng căm thù cái ác, cái xấu. Xây dựng kiểu nhân vật Ngốc, tác giả dân gian muốn thể hiện rõ quan niệm sự ngốc nghếch, thiếu hiểu biết là không thể chấp nhận được trong cuộc sống nhưng cũng không phải là cái khiến cho nhân dân căm phẫn cao độ. Tác giả dân gian để nhân vật Ngốc phải chịu hậu quả của sự ngu dốt, ngốc nghếch của mình là cái chết, chỉ để nhấn mạnh, khắc họa sâu sắc bài học thất bại của những con người không nắm được quy luật của tự nhiên, của cuộc sống để có cách ứng xử hợp lý. Vì vậy, con người cần phải linh hoạt trong hành động sao cho phù hợp với hoàn cảnh sống. Nếu con người cứ máy móc, không làm chủ được suy nghĩ và hành động của mình thì sẽ gặp thất bại.
Cũng nằm trong kiểu hệ thống nhân vật chàng Ngốc, lại có những anh chàng Ngốc được sự giúp đỡ để trở nên khôn ngoan hơn hoặc giành được thắng lợi nhờ sự may rủi, sự giúp đỡ của người khác, sự nói mò mà trúng, nói khoác gặp thời.
Bên cạnh những anh chàng ngốc kém hiểu biết phải nhận lấy cái chết, tác giả dân gian đã xây dựng những anh chàng Ngốc nhờ sự giúp đỡ của người khác trở nên khôn ngoan và giàu có. Sở dĩ tác giả dân gian để cho nhân vật ngốc được hưởng hạnh phúc, giàu có là vì những chàng Ngốc chỉ có nhược điểm là quá ngốc nghếch, họ không phải là những kẻ độc ác, xấu xa. Họ không có dã tâm hại người. Nếu có làm hại người khác cũng chỉ bởi sự ngốc nghếch, thiếu hiểu biết và sự vô tâm của anh ta gây nên mà thôi. Trong truyện Anh chàng ngốc và con ngỗng vàng (TV1/tập1) kể rằng: “Nhà kia có anh
con út rất ngốc nghếch. Mọi người gọi anh là Ngốc. Một lần vào rừng, Ngốc gặp cụ già. Cụ xin Ngốc nhường thức ăn cho mình. Ngốc liền mời cụ ăn ngay, ăn xong, cụ nói: Con là người rất tốt, con xứng đáng nhận một món quà quý từ sau cái cây kia. Theo hướng cụ chỉ, Ngốc bắt được một con ngỗng có bộ lông vàng. Ngốc mừng quá, ẵm ngỗng về nhà…Vừa lúc ở kinh đô có chuyện lạ: Công chúa chẳng cười, chẳng nói và vua đã treo giải: ai làm cho công chúa cười thì sẽ được cưới nàng làm vợ. Công chúa nhìn thấy đoàn bảy người cùng con ngỗng đang đi lếch thếch thì buồn cười quá.
Nàng cất tiếng cười sằng sặc. Ngốc được giải. Anh được cưới công chúa xinh đẹp làm vợ”.[16;169]Nhờ sống tốt bụng, chàng Ngốc đã gặp điều tốt đẹp, được lấy công chúa
làm vợ.
Có thể nói, truyện cổ tích sinh hoạt đã xây dựng thành công kiểu nhân vật chàng Ngốc. Họ đều là những con người thiếu hiểu biết, bị thụ động trước hoàn cảnh, luôn làm theo người khác một cách máy móc. Nhưng xét về bản chất, họ đều là những người tốt, chân thật, hiền lành. Việc làm của họ không dẫn tới sự đổ vỡ gia đình mà chỉ gây ra sự bực mình, khó chịu của người thân, sự cười chê của người ngoài. PGS.TS Phạm Thu Yến đã viết: “Xung đột chính ở kiểu truyện chàng Ngốc không phải là xung đột xã hội, xung đột đạo đức giữa thiện và ác, tốt và xấu như ở cổ tích thần kì mà là xung đột không kém phần gay gắt giữa cái phi lí và cái có lí, giữa sự ngu xuẩn ngốc và sự thông thái, giữa cái bất bình thường và cái bình thường. Truyện đi sâu khai thác những cái trái với tự nhiên trong hành động của Ngốc để tạo ra tiếng cười mang tính chất trí tuệ, tiếng cười có ý nghĩa phê phán nhẹ nhàng. Cảm hứng ở những kiểu truyện này không thiên về cảm hứng đạo đức mà thiên về cảm hứng trí tuệ. Ngốc thất bại bởi vì không nắm được bản chất có tính quy luật của các sự vật, hiện tượng. Anh ta là con người máy móc, không chịu suy xét vấn đề trước sau, phải trái. Vợ bảo kinh nghiệm ứng xử ở hoàn cảnh, hiện thực này thì anh ta lại bê y nguyên vào hoàn cảnh khác, đối tượng khác hoặc hiểu vấn đề một cách thiển cận. Ta cũng không nên thiên về hướng phê phán anh Ngốc ở hành động đánh chết người, đem xác người đi lừa hết người này đến người khác. Kết thúc một số truyện là cái chết của Ngốc, chúng ta cũng có quan niệm đánh giá như vậy. Ngốc bị chết do không nắm được quy luật tự nhiên của cuộc sống. Không phải nhân dân căm thù Ngốc cao độ, muốn Ngốc phải chết thì mới hả, muốn loại trừ Ngốc ra khỏi cuộc sống mà chỉ đẩy mạnh, khắc họa sâu thêm bài học thất bại của con người khi không nắm được qui luật tự nhiên. Cho nên các cách kết thúc khác nhau cũng không đem đến cho người đọc tác động tình cảm khác nhau là bao. Ở kiểu truyện chàng Ngốc thường có ba dạng nhân vật:
- Nhân vật chàng Ngốc: Là nhân vật trung tâm của tất cả tác phẩm.
- Nhân vật người vợ chàng Ngốc xuất hiện ở hầu hết các tác phẩm truyện chàng Ngốc ở Việt Nam. Trong khi đó ở truyện cổ tích Pháp, Nga, Miến Điện, nhân vật người vợ được thay bằng nhân vật mẹ hoặc người bố. Đây cũng là nét độc đáo trong kiểu truyện chàng Ngốc của dân tộc Việt Nam.
- Nhân vật thứ ba có thể là bố mẹ vợ, ông già thử tài hoặc tên cướp. Thực ra nhân vật thứ ba này chỉ là nhân vật rất phụ có tác động thúc đẩy cốt truyện phát triển.
Có một điểm nổi bật là nhân vật chàng Ngốc luôn được xây dựng trong thế tương phản với người vợ của mình. Nếu Ngốc đần độn “ngốc ơi là ngốc” chỉ biết ăn không biết làm, vợ bảo gì làm nấy thì vợ Ngốc luôn là người xinh đẹp, thông minh, đảm đang cao hơn hẳn chồng về mọi mặt, đặc biệt là về trí tuệ. Vợ luôn hướng dẫn, dạy bảo chồng trong cuộc sống”.[15;242].
Qua kiểu nhân vật ngốc nghếch, tác giả dân gian muốn gửi vào đó mục đích giáo dục, răn dạy con người phải biết ứng xử hợp lí với hoàn cảnh, đừng rập khuôn, máy móc, phải biệt trang bị cho mình những kiến thức cơ bản. Ngoài ra, với kiểu nhân vật này làm cho thế giới nhân vật trong truyện cổ tích sinh hoạt đa dạng hơn, tạo thêm tiếng cười, niềm vui trong cuộc sống vất vả của người lao động.
Với sự hiện diện của bốn kiểu nhân vật: đức hạnh, xấu xa, thông minh, ngốc nghếch, truyện cổ tích sinh hoạt đã góp phần làm cho hệ thống nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam phong phú, đa dạng hơn. Mỗi kiểu loại nhân vật có đặc điểm riêng, thậm chí có sự đối lập hoàn toàn nhưng nó có khái quát toàn bộ hạng người trong xã hội. Với việc xây dựng thành công bốn kiểu loại nhân vật đó, tác giả dân gian đã khái quát được hiện thực cuộc sống vốn đa dạng, phức tạp của nó. Cuộc sống có những con người hết lòng vì người khác, hy sinh vì người khác nhưng trái lại có những con người vì mưu đồ cá nhân mà bất chấp mọi thủ đoạn làm hại người khác. Có những người thông minh, mưu trí luôn tìm mọi cách giúp họ vượt qua khó khăn và đòi lại lẽ công bằng. Nhưng cũng có những con người khờ khạo, ngốc nghếch đến không tưởng. Thông qua bốn kiểu nhân vật này, tác giả dân gian muốn gửi gắm khát vọng hạnh phúc, công bằng trong mỗi câu chuyện.
Truyện cổ tích là tiếng nói ca ngợi những phẩm chất cao đẹp của những con người lao động hiền lành, chân thật, sống với lòng hiếu thảo, tình yêu tha thiết và sự
chung thuỷ qua các kiểu nhân vật người em, người mồ côi, người xấu xí, người con dâu, nhân vật con thú, loài chim, nhân vật siêu nhiên, tài giỏi, dũng sĩ… Đồng thời, truyện cổ tích còn là những giấc mơđẹp của người thời xưa về một xã hội công bằng, con người được sống khoẻ mạnh, no ấm và hạnh phúc. Mỗi nhân vật một vẻ, một tính cách và số phận khác nhau. Tính cách được bộc lộ qua hành động, trong suốt các truyện hầu hết tính cách nhân vật không thay đổi. Truyện cổ tích hấp dẫn người đọc
bởi truyện đã chiếu rọi ánh sáng lạc quan tin tưởng vào cuộc sống. Hành động nhân vật là mấu chốt, tổng thể các hành động của nhân vật tạo thành cốt truyện, vì thế, nhân vật suy tư, trăn trở, day dứt như thế nào người đọc cũng không thể biết. Với đặc điểm dùng hình thức kỳảo làm phương thức chuyển tải nội dung, các truyện cổ tích có sức hấp dẫn mọi lứa tuổi, mọi thế hệ.
CHƯƠNG 3: MỘT SỐ BIỆN PHÁP XÂY DỰNG NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH Ở CHƯƠNG TRÌNH
TIẾNG VIỆT TIỂU HỌC