* Hoạt động thủ công nghiệp
* Phường hội: Là một hình thức tổ chức sản xuất của thợ thủ công trong các thành thị trung đại, bao gồm tất cả các xưởng thủ công cùng sản xuất một loại hàng nhất định, ở cùng một khu phố nhất định.
- Cấu trúc: Mỗi một phường hội gồm khoảng 5, 6 chục xưởng thợ, cùng cư trú trên một hoặc nhiều dãy phố nhất định, cùng sản xuất một loại hàng hoá với kích cỡ, mẫu mã, chất lượng, hình thức giống nhau.
Trong mỗi xưởng gồm một chủ xưởng, là thợ cả và là thầy dạy nghề. Thợ bạn có dăm người và những người học việc nhưng chưa thạo nghề. Thợ học việc là những người mới vào xưởng, đang làm quen với công việc.
Mỗi phường hội có nội quy riêng, gọi là phường quy. Trong đó, quy định các xưởng phải sản xuất cùng một loại hàng hóa, màu sắc, kích cỡ, chất lượng,... Nội quy bảo vệ quyền lợi cho các thợ thủ công có chân trong phường, ngăn cản những người thợ thủ công mới trong lãnh địa.
Mỗi phường thường có chung một ông tổ làng nghề. Giữa các thợ thủ công trong phường hội có quan hệ đoàn kết, bảo vệ, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau.
- Trình độ kĩ thuật: Các xưởng của phường hội hoàn toàn sản xuất thủ công bằng tay (chưa có sự tham gia của máy móc cơ giới), sản xuất đều phụ thuộc vào kinh nghiệm, sự khéo léo, lành nghề của thợ thủ công. Do đó, năng xuất không cao, thậm chí là thấp kém. Cộng
thêm vào đó là sự ràng buộc bởi những quy chế của phường hội về số lượng, mẫu mã, giá cả, chất lượng sản phẩm,... phường hội nào cũng sản xuất như nhau. Điều đó cũng phần nào hạn chế năng xuất lao động của phường hội.
Trong sản xuất chưa có sự phân công tỉ mỉ từng công đoạn. Mỗi thợ thủ công sản xuất trọn vẹn một sản phẩm nhất định. Vì thế rất mất thời gian để đổi công cụ.
Mặt khác, thợ thủ công vừa sản xuất, vừa bán hàng, nên thời gian dành cho sản xuất cũng bị hạn chế.
- Quan hệ sản xuất là quan hệ thầy trò, quan hệ giữa thầy dạy nghề và thợ học nghề, chứ chưa có quan hệ bóc lột. Thầy sống nhờ việc bán những sản phẩm do chính thầy làm ra và một phần sản phẩm do thợ bạn và thợ học việc làm mang tính chất trả ơn công thầy dạy.
* Thương nghiệp:
Ở thời kì này, các phường hội xuất hiện rất nhiều ở các thành thị. Lúc đầu họ tự sản xuất và tự bán hàng. Về sau xuất hiện một tầng lớp trung gian bao mua sản phẩm và bán lại các sản phẩm đó. Các trung gian bao mua đến tận nơi sản xuất thu mua sản phẩm và đến tận nơi tiêu thụ để bán cho người tiêu dùng.
Các thương nhân bao mua thường lấy hàng hoá ở nơi này, đem bán ở nơi khác nên thường xuyên phải đi qua các lãnh địa phong kiến.
3.2.3.Vai trò và hệ quả của sự ra đời thành thị trung đại
* Vai trò
- Về kinh tế: Khi thành thị và thị dân ra đời đã có một vai trò rất lớn, nó đại diện cho một phương thức sản xuất mới tiến bộ đó là nền sản xuất hàng hoá tiền tệ - nền kinh tế đối lập hoàn toàn với nền kinh tế tự nhiên trong lãnh địa phong kiến. Vì sản phẩm ở đây sản xuất ra với mục đích trao đổi chứ không phải tiêu dùng.
Làm thay đổi hình thức địa tô phong kiến .
Thành thị xuất hiện đã thu hút một lượng lớn thợ thủ công, trở thành nơi chuyên sản xuất các loại hàng hoá như vải vóc, nông cụ, công cụ,... Nền kinh tế hàng hoá tiền tệ của thành thị đã bào mòn dần nền kinh tế tự nhiên và trở thành nền kinh tế có vị trí quan trọng nhất.
- Về xã hội: Sự xuất hiện của thành thị đã tạo ra một tầng lớp xã hội mới - thị dân, không có trong đẳng cấp phong kiến. Đây là một lực lượng có tiền của, có sự tiến bộ. Thị dân là lực lượng xã hội quan trọng, ủng hộ vương quyền chống lại các lãnh chúa phong kiến lớn nhỏ để xây dựng chế độ phong kiến tập quyền.
- Về chính trị, văn hoá: Thị dân là một lực lượng vô cùng quan trọng, trước hết họ là chỗ dựa mới cho vương quyền. Sau nữa họ là một lực lượng mới, tiến bộ, có những nhu cầu mới về mặt văn hóa tinh thần.
Thị dân là tầng lớp có hiểu biết, cho nên họ có nhu cầu đời sống tinh thần cao hơn rất nhiều so với người nông dân sống trong lãnh địa. Mảng tăm tối, ngu dốt bắt đầu bị chọc thủng và ánh sáng của văn minh đã bắt đầu chiếu rọi trở lại trong xã hội Tây Âu. Thị dân ra đời cũng làm cho các cuộc đấu tranh trong xã hội thay đổi, phong phú hơn, quyết liệt hơn và có kết quả cao hơn. Từ đó đưa đến những biến đổi quan trọng trong xã hội Tây Âu.
* Hệ quả
Sự ra đời thành thị là một biểu hiện của sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa trong thời kì phong kiến ở châu Âu nhưng chính nó cũng phá hoại ngầm chế độ phong kiến.
Thứ nhất: Sự phát triển của kinh tế hàng hóa đã làm tan rã nhanh chóng nền kinh tế tự nhiên. Do nhu cầu hàng hóa cho nên mối liên hệ giữa thành thị và nông thôn được củng cố, lôi cuốn nhiều lãnh địa phong kiến vào việc sản xuất hàng hóa. Nền kinh tế tự cấp, tự túc trong từng phạm vi nhỏ hẹp, đặc trưng cơ bản của nền kinh tế phong kiến phương Tây đã bắt đầu thay đổi khi thành thị trung đại xuất hiện.
Thứ hai: Sự phát triển nền kinh tế hàng hóa đã góp phần rất quan trọng trong việc làm tan rã chế độ nông nô. Do hàng hóa ngày càng xuất hiện nhiều trên thị trường, trong đó một phần do các thành thị sản xuất, một phần chở từ phương Đông đến, nhu cầu của giai cấp phong kiến ngày càng tăng. Để có tiền mua các hàng hóa đó, các lãnh chúa đã dùng hình thức tô tiền thay thế các loại tô lao dịch và tô sản phẩm. Do vậy, đến thế kỉ XIII, tô tiền ở châu Âu đã tương đối phổ biến. Hơn nữa có nhiều lãnh chúa đồng ý cho nông nô dùng tiền chuộc lại tự do. Sau khi nộp đủ tiền cho lãnh chúa, họ hoàn toàn thoát khỏi thân phận nông nô. Như vậy, quan hệ tiền tệ đã làm cho chế độ nông nô bắt đầu lỏng lẻo và do đó đã phá hoại ngầm chế độ phong kiến.
Thứ ba: Sự phát triển kinh tế hàng hóa đã làm cho mối liên hệ kinh tế giữa các địa phương càng chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành những quốc gia thống nhất. Thị dân để đảm bảo hoạt động sản xuất và buôn bán của mình đã tích cực ủng hộ nhà vua trong việc đấu tranh chống các thế lực phong kiến cát cứ để thống nhất đất nước và xây dựng bộ máy nhà nước tập quyền trung ương.
Thứ tư: Thành thị không những chỉ là một trung tâm kinh tế công thương nghiệp mà còn là trung tâm văn hóa – giáo dục của xã hội phong kiến. Vì vậy, hoạt động văn hóa phong phú của thành thị ngày càng phát triển. Nó đã dần xua tan “đêm trường trung cổ” mang lại những ánh sáng mới của văn hóa, tinh thần khoa học.
Tuy nhiên: Sự xuất hiện của thành thị và sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa – tiền tệ cũng là nguyên nhân sâu xa của sự bành trướng của tầng lớp tăng lữ và quí tộc. Các cuộc Thập tự chinh của giáo hội thiên chúa trong suốt những năm 1096 – 1270 đã để lại nhiều hậu quả to lớn đối với nền văn minh phương Đông.
* Những thay đổi của văn hóa Tây Âu từ khi xuất hiện thành thị trung đại
- Nhu cầu tri thức của thị dân ngày càng cao, họ đã thấy giá trị của những tài sản vô hình là văn hoá. Trường học của nhà thờ không đáp ứng được nhu cầu về văn hoá đa dạng, thiết thực của tầng lớp thị dân, điều đó đã dẫn tới sự xuất hiện các trường đại học ở Tây Âu vào thế kỉ XII - XIII.