1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Hiện tượng học của edmund husserl và sự hiện diện của nó ở việt nam

220 833 5

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 220
Dung lượng 731,72 KB

Nội dung

Những năm gần đây, do nhu cầu nghiên cứu toàn diện hơn triết học, xã hội học, tâm lí học… mà một số nhà khoa học nước ta đã có nhiều công trình nghiên cứu, biên khảo, dịch thuật về triết

Trang 1

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

-

NGUYỄN TRỌNG NGHĨA

HIỆN TƯỢNG HỌC CỦA EDMUND HUSSERL

VÀ SỰ HIỆN DIỆN CỦA NÓ Ở VIỆT NAM

LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC

Thành phố Hồ Chí Minh - 2008

Trang 2

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

-

NGUYỄN TRỌNG NGHĨA

HIỆN TƯỢNG HỌC CỦA EDMUND HUSSERL VÀ SỰ HIỆN DIỆN CỦA NÓ Ở VIỆT NAM

Chuyên ngành : LỊCH SỬ TRIẾT HỌC

LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC

1 GS TS NGUYỄN TRỌNG CHUẨN

2 PGS TS ĐINH NGỌC THẠCH

Thành phố Hồ Chí Minh - 2008

Trang 3

Lời cam đoan

Tôi xin cam đoan luận án này là kết quả nghiên cứu của tôi, dưới sự hướng dẫn khoa học của GS TS Nguyễn Trọng Chuẩn và PGS TS Đinh Ngọc Thạch; các tài liệu sử dụng trong luận án đều trung thực và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng

Nguyễn Trọng Nghĩa

Trang 4

Để hoàn thành luận án Hiện tượng học của Edmund Husserl và sự hiện diện của nó ở Việt Nam, tôi đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của

nhiều nhà khoa học Tôi xin chân thành cảm ơn PGS TS Trịnh Doãn Chính, PGS TS Vũ Văn Gầu, PGS TS Trương Văn Chung, PGS TS Lương Minh Cừ, TS Phạm Đình Nghiệm, TS Bùi Văn Mưa, TS Nguyễn Ngọc Khá đã cho nhiều ý kiến quý báu khi tôi thực hiện luận án

Tôi đặc biệt cảm ơn GS TS Nguyễn Trọng Chuẩn và PGS TS Đinh Ngọc Thạch – những người thầy hướng dẫn luận án và dìu dắt tôi trên con đường khoa học Tôi cũng đặc biệt cảm ơn PGS Bùi Đăng Duy – người thầy đã cho định hướng ban đầu và hướng dẫn khoa học luận văn thạc sĩ của tôi, đồng thời, chia sẻ về học thuật trong quá trình tôi theo đuổi công trình này

Trang 6



Trang Trang phụ bìa

Lời cam đoan

Mục lục

Mở đầu ……… 1

1 Lí do nghiên cứu đề tài……… 1

2 Tổng quan về tình hình nghiên cứu đề tài… ……… 4

3 Mục đích, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu của luận án …….……… 9

4 Phương pháp nghiên cứu của luận án ……… 11

5 Đóng góp mới của luận án ……….……… 12

6 Kết cấu của luận án ……… 12

Chương 1 : Sự ra đời và phát triển của hiện tượng học của Edmund Husserl 13

1.1 Những điều kiện lịch sử của sự ra đời hiện tượng học của Edmund Husserl ……….……… … 13

1.1.1 Điều kiện kinh tế - xã hội ……… 13

1.1.2 Điều kiện tư tưởng - lí luận……… 18

1.1.3 Cuộc khủng hoảng khoa học cổ điển……… 24

1.2 Thân thế và sự nghiệp của Edmund Husserl……… 26

1.3 Khái niệm hiện tượng học, quá trình hình thành và phát triển hiện tượng học của Edmund Husserl ……… … ……… 30

1.3.1 Khái niệm hiện tượng học……… 30

1.3.2 Đặc trưng cơ bản của hiện tượng học của Edmund Husserl ……… 34

1.3.3 Quá trình hình thành và phát triển hiện tượng học của Edmund Husserl 35

1.3.4 Từ phê bình chủ nghĩa tâm lí, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa duy lịch sử đến hiện tượng học ……….……… 40

Trang 7

của Edmund Husserl ……… 47

2.1 Những nguyên lí cơ bản của hiện tượng học của Edmund Husserl … 47

2.1.1 Tính ý hướng……… 47

2.1.2 Liên hệ tương hỗ giữa sở tri và năng tri ……… 60

2.1.3 “Trở lại chính vật”……….……… 68

2.2 Phương pháp hiện tượng học của Edmund Husserl ……….… 72

2.2.1 Sự cần thiết có phương pháp hiện tượng học theo quan niệm của Edmund Husserl……… ……… 72

2.2.2 Nội dung phương pháp hiện tượng học của Edmund Husserl………… 74

2.3 Những phạm trù khác biểu hiện lập trường của hiện tượng học của Edmund Husserl……… 89

2.3.1 Thế giới đời sống……….……… 89

2.3.2 Tính liên chủ thể - một “cộng đồng nhân vị”……….……… 99

2.3.3 Xã hội học về văn hoá……… 103

Chương 3 : Sự hiện diện của hiện tượng học của Edmund Husserl ở Việt Nam……….… 107

3.1 Trần Đức Thảo - người Việt Nam đầu tiên đến với hiện tượng học của Edmund Husserl……… 107

3.1.1 Thân thế và sự nghiệp của Trần Đức Thảo……… 107

3.1.2 Trần Đức Thảo với hiện tượng học của Edmund Husserl và chủ nghĩa duy vật biện chứng……… 109

3.2 Hiện tượng học của Edmund Husserl ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 ……… 116

3.2.1 Trong lĩnh vực triết học……… 116

3.2.2 Trong sự phê phán xã hội học cũ………… ……….……….… 128

3.2.3 Trong sự phê phán sử học cũ……… 131

3.2.4 Trong sự phê phán tâm lí học ……… 135

3.2.5 Trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật ……… 140

3.3 Hiện tượng học của Edmund Husserl ở nước ta hiện nay ……… 156

Trang 8

1975 đến 1991……… 156

3.3.2 Hiện tượng học của Edmund Husserl ở nước ta từ 1992 đến nay… 158 Kết luận ……… 169

Danh mục công trình tác giả đã công bố ……… 174

Danh mục tài liệu tham khảo ……… 175

Phụ lục ……… 193

- Phụ lục 1: Chỉ dẫn các tên riêng (có trong luận án)……… 194

- Phụ lục 2: Chỉ dẫn một số khái niệm, chủ đề (có trong luận án) …… 203

- Phụ lục 3: Họa đồ về “Một số đại biểu hiện tượng học cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX”……… 211

- Phụ lục 4: Hoạ đồ về “Các giai đoạn hình thành và phát triển của hiện tượng học của Edmund Husserl”… ……….……… 212

Trang 9

MỞ ĐẦU

1 Lí do nghiên cứu đề tài

Hiện tượng học là một trong những trào lưu quan trọng của triết học phương Tây hiện đại Nó có ảnh hưởng lớn đến triết học từ cuối thế kỉ XIX đến suốt cả thế kỉ XX Không bao lâu sau khi ra đời, hiện tượng học đã chiếm

vị trí nổi bật, lúc đầu là nước Đức, rồi sau lan ra nhiều nơi trên thế giới Là một phong trào triết học mạnh ở nhiều đại lục và tồn tại hơn một trăm năm, nó vượt quá phạm vi triết học và ảnh hưởng đến nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn khác như tâm lí học, xã hội học, sử học, v.v

Trong luận án này, chúng tôi chủ yếu nghiên cứu về hiện tượng học của Edmund Husserl

Hiện tượng học của Edmund Husserl là dòng triết học lớn thuộc trào lưu triết học phi duy lí Ngay khi vừa xuất hiện, nó đã mở ra kỉ nguyên phê phán chủ nghĩa duy lí từ sau thế kỉ XIX, góp phần tạo nên diện mạo đặc sắc của triết học phương Tây thế kỉ XX

Hiện tượng học của Husserl đặt cơ sở lí luận về phương pháp, có ảnh hưởng đến hầu hết các trào lưu triết học phi duy lí khác trong suốt thế kỉ XX

ở châu Âu, mở rộng ra cả văn học, nghệ thuật, khoa học và tôn giáo nhiều nơi trên thế giới, nhất là từ khi nó kết hợp với chú giải học hay còn gọi là thông diễn học (hermeneutics) Nó có vai trò quyết định đối với sự hình thành chủ nghĩa hiện sinh phương Tây thế kỉ XX, mà nếu thiếu nó thì chủ nghĩa hiện sinh không thể có cơ sở lí luận và cơ sở phương pháp luận Không chỉ thế, trong tư trào triết học thời kì hiện đại, hiện tượng học của Husserl còn đặt một điểm quy chiếu cho nhiều khuynh hướng triết học phương Tây khi kiến

Trang 10

giải về thế giới, về lí luận nhận thức và vấn đề con người trong kỉ nguyên của chủ nghĩa công nghiệp và hậu công nghiệp

Nghiên cứu hiện tượng học của Edmund Husserl là cần thiết, bởi vì, trong điều kiện giao lưu và hội nhập giữa các nước trong cộng đồng quốc tế hiện nay, không một quốc gia nào không tìm cách vượt ra khỏi tư duy truyền thống để có một cái nhìn tích cực hơn, đúng đắn hơn đối với các học thuyết và văn hoá của các nước, mà không ít trong số đó chịu ảnh hưởng lớn lao bởi hiện tượng học của Edmund Husserl Trước xu thế đó, Việt Nam đã chủ động hội nhập, mà việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới là một biểu hiện, để dân tộc ta “bước ra biển lớn” Muốn có được bước đi vững vàng, đầy trí tuệ, chúng ta không thể không hiểu được xã hội phương Tây hiện đại, ở đó hiện tượng học của Husserl đã đặt dấu ấn vào các trường phái triết học lớn, góp phần tạo nên bản sắc tư tưởng của nó

Nghiên cứu hiện tượng học của Edmund Husserl còn nhằm nghiên cứu quá trình thâm nhập của học thuyết triết học này vào miền Nam Việt Nam trước năm 1975 và những biểu hiện của nó trong đời sống văn hoá - xã hội ở Sài Gòn, sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ đến những năm đầu của thập

kỉ 70, thế kỉ XX, để thấy rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là cuộc đấu tranh toàn diện, diễn ra trên tất cả các mặt, trong đó cuộc đấu tranh trên lĩnh vực ý thức hệ cũng là cuộc đấu tranh hết sức phức tạp, cam go không kém cuộc đấu tranh trên lĩnh vực chính trị, quân sự

Hiện nay, việc tiếp tục khắc phục hậu quả do nó đem đến trước đây cũng trở nên hết sức khó khăn và trong khi những di hại của nó vẫn còn chưa khắc phục được, thì cuộc đấu tranh chống lại ảnh hưởng tiêu cực của văn hoá nước ngoài, cùng sự có mặt của hiện tượng học trên bình diện mới cũng

Trang 11

không kém phần phức tạp

Việc nghiên cứu hiện tượng học của Edmund Husserl còn nhằm góp

phần hiểu đúng các khái niệm, nguyên lí của học thuyết và tư tưởng của triết gia khai sinh ra nó, qua đó, góp phần hiểu rõ hơn các trường phái và học

thuyết triết học phương Tây hiện đại khác, nhất là nhìn thấy những tinh lực quý giá của nó, cũng như những mâu thuẫn nội tại và nghịch lí, khiến cho nó không khỏi bộc lộ những hạn chế nhất định

Những năm gần đây, do nhu cầu nghiên cứu toàn diện hơn triết học, xã hội học, tâm lí học… mà một số nhà khoa học nước ta đã có nhiều công trình nghiên cứu, biên khảo, dịch thuật về triết học phương Tây hiện đại, do vậy, cũng đã chú ý tới hiện tượng học của Edmund Husserl Song, những nghiên cứu về học thuyết triết học này vẫn chưa nhiều và chưa thật hệ thống

Ngoại trừ một số tài liệu tham khảo dành cho chuyên ngành lịch sử triết học, trong chương trình và giáo trình Triết học Mác-Lênin hiện đang áp dụng trong các trường đại học, cao đẳng dù đã xây dựng phần về triết học phương Tây hiện đại (trước đây mang tựa đề là triết học ngoài mácxít), nhưng hiện tượng học của Edmund Husserl - cái làm nên cơ sở và phương pháp luận triết học cho chủ nghĩa hiện sinh và phương hướng của hàng loạt các trào lưu triết học phương Tây hiện đại - đã không được đề cập đến Từ thực tiễn giảng dạy, chúng ta thấy rằng, phải vượt qua lối mòn truyền thống để trả lại vị trí xứng đáng cho triết học phương Tây hiện đại trong dòng chảy của văn minh nhân loại nói chung và trong quá trình sáng tạo triết học của thời đại nói riêng

Đối với công tác đào tạo cán bộ, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VII, tại Nghị quyết số 01/NQ, ngày

Trang 12

28/3/1992, về công tác lí luận trong giai đoạn hiện nay, đã chỉ ra rằng: Nội dung đào tạo đội ngũ cán bộ lí luận hầu như chỉ bó hẹp trong các môn khoa học Mác-Lênin, chưa coi trọng việc nghiên cứu các trào lưu khác và tiếp nhận những thành tựu khoa học thế giới Hậu quả là số đông cán bộ lí luận thiếu hiểu biết rộng rãi về kho tàng tri thức của loài người, do đó, khả năng phát triển bị hạn chế

Thế nên, không có cách nào khác hơn là làm cho việc nghiên cứu trở thành phổ biến và đi vào chiều sâu tư tưởng triết học hiện đại, trong đó có hiện tượng học của Edmund Husserl

2 Tổng quan về tình hình nghiên cứu đề tài

Từ nửa cuối thế kỉ XX, ở phương Tây, đã xuất hiện nhiều nghiên cứu về hiện tượng học của Edmund Husserl, xin kể ra mấy công trình tiêu biểu:

Sein und Zeit [197] (Hữu thể và thời gian) của Martin Heidegger; L’être et le néant [176] (Hữu thể và hư vô), L’imaginaire - Psychologie Phénoménologique de l’ imagination [175] (Cái tưởng tượng - Tâm lí học hiện tượng học về sự tưởng tượng) của Jean-Paul Sartre; Phénoménologie de la perception [173] (Hiện tượng học về tri giác) của Maurice Merleau-Ponty…

Đây là những tác phẩm thời danh của dòng triết học về bản chất của ý thức và con người của triết học phương Tây, tiếp cận các tư tưởng của Husserl theo cách nhìn riêng biệt của mỗi tác giả, và có nhiều bổ sung quan trọng cho các nghiên cứu về Husserl Các công trình kể trên được xem như là những tác phẩm kinh điển của triết học phương Tây hiện đại

Bên cạnh những tác giả nổi tiếng đó, nghiên cứu về hiện tượng học của Husserl, trước và sau những năm 50 của thế kỉ trước, còn một số tác giả khác

nữa như: Quentin Lauer với Phénoménologie de Husserl [163] (Hiện tượng

Trang 13

học của Husserl); Hubert Hohl với Introduction à la phénoménologie de Edmund Husserl [154] (Giới thiệu về hiện tượng học của Edmund Husserl); Jean-Francois Lyotard với La phénoménologie [167] (Hiện tượng học); Herbert Spiegelberg với Phenomenology in psychology and psychiatry [195]

(Hiện tượng học về tâm lí học và tâm thần học), v.v Ở các công trình này, hiện tượng học của Husserl được giới thiệu khá cơ bản Nhà triết học trẻ Việt Nam Trần Đức Thảo, trong thời gian ở nước ngoài đã có những nghiên cứu

khá sớm về hiện tượng học của Husserl như: Marxisme et Phénoménologie [178] (Chủ nghĩa Mác và Hiện tượng học), De la phénoménologia à la Dialectique Matérialiste de la conscience [181] (Từ hiện tượng học đến biện chứng duy vật về ý thức), Phénoménologie et matérialisme dialectique [180]

(Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng), chưa kể luận văn thạc sĩ của ông nghiên cứu về hiện tượng học của Edmund Husserl đã bị thất lạc từ rất lâu

Trước thềm thế kỉ mới - XXI, không ít nhà khoa học khi nghiên cứu về những luận thuyết nổi tiếng của thời đại cũng dành tâm sức tìm hiểu sâu về Husserl, trong số đó, có một số tác phẩm được chuyển thể sang tiếng Việt và

lưu hành ở nước ta: Các triết thuyết lớn [32] (Les grandes philosophies) của Dominique Folscheid; Truy tầm triết học [129] (The philosophical quest) của Gail M Tresday, Kasten J Struhl, Richard E Olsen; Hành trình cùng triết học

[41] (hay English – Vietnamese Dictionary of philosophy) của Ted

Honderich; Lịch sử triết học và các luận đề [96] (Philosophy – history and problem) của Samuel Enoch Stumpf; Triết học phương Tây hiện đại - Giáo trình hướng tới thế kỉ 21 [28] của Lưu Phóng Đồng; Edmund Husserl [39] của

Diêu Trị Hoa và nhiều quyển khác có giới thiệu khái quát về hiện tượng học

Trang 14

Các công trình kể trên đã đem đến bạn đọc nước ta một lượng thông tin đáng kể về các chủ đề cũng như các tác gia có tên tuổi của triết học hiện đại Nhiều nội dung của các học thuyết triết học, trong đó có hiện tượng học, được phân tích và đánh giá, nhưng do ý tưởng sáng tác và quan điểm nghiên cứu của các tác giả nói trên được thực hiện trên ý thức hệ và lập trường xa lạ với chủ nghĩa Marx-Lénine khiến cho việc nhận diện được thực chất tinh hoa và giá trị của các học thuyết đó vốn đã khó lại càng khó hơn Vì vậy, tự mình nghiên cứu và phân tích trên cơ sở lập trường của nền văn hoá Việt Nam, dưới ánh sáng của chủ nghĩa duy vật biện chứng để tiếp cận được mặt tích cực và nhìn ra mặt hạn chế của nó trở nên rất cần thiết

Hiện tượng học của Edmund Husserl, trước năm 1975, được giới lí luận miền Nam nước ta mổ xẻ và khai thác phục vụ cho hoạt động học thuật, hoặc dùng làm công cụ tư tưởng truyền bá ý thức hệ tư sản phương Tây, mà đối tượng tiếp nhận nó quy tụ chủ yếu tầng lớp trí thức, công chức Việc biên soạn, dịch thuật về vấn đề này thu hút không ít trí thức khoa bảng, nhà nghiên

cứu tham gia, kể cả trong và ngoài nước như: Introduction à la phénoménologie de Edmund Husserl [154] của Hubert Hohl; Những vấn đề triết học hiện đại [70] của Lê Tôn Nghiêm; Triết học hiện sinh - Khảo luận [20], Hiện tượng học là gì [21] của Trần Thái Đỉnh; Triết học tổng quát [135] của Nguyễn Văn Trung; Triết học Tây phương hiện đại [5] (Europašische philosophie der gegenwart) của I.M Bochenski; Triết học và khoa học [79]

của Đặng Phùng Quân, cùng với sự vào cuộc của nhiều học giả khác trên các Tạp chí Tư Tưởng, Đại Học, Đối Diện, Quê Hương… Ngay trong chương trình Quốc văn 11, 12 và nhất là chương trình đại học Văn khoa, Luật học… hiện tượng học của Husserl cũng được đưa vào giảng dạy Năm 1974, Trung tâm

Trang 15

học liệu – Bộ Văn hoá Giáo dục và Thanh niên của Sài Gòn đã cấp giấy

phép cho Lê Thành Trị hoàn thành Hiện tượng luận về hiện sinh [130 ]

Những hoạt động này dành cho Husserl một sự trân trọng, không ít tư tưởng của Husserl được đặt ra và giải quyết tương đối căn cơ Tuy nhiên, Husserl cùng với tư tưởng của ông, trong các công trình này chưa thực sự nổi trội so với những đại biểu khác của chủ nghĩa hiện sinh Đáng tiếc nhất là phần lớn công trình sa vào việc tán dương, thổi phồng quan điểm duy tâm, nhiều chỗ sa vào chủ nghĩa chống cộng, gắn bối cảnh chính trị - xã hội miền Nam với những liên hệ nhuộm đầy màu sắc phản động chống lại một cách có

ý thức lí luận cách mạng và thực tiễn đấu tranh của nhân dân ta, làm biến dạng một học thuyết triết học vốn được đánh giá cao ở phương Tây

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, giới triết học mácxít có nhiều công trình về chủ nghĩa hiện sinh, theo đó, hiện tượng học của Edmund

Husserl được nghiên cứu, đó là: Phê phán văn học hiện sinh chủ nghĩa [44] của Đỗ Đức Hiểu; Triết học và cuộc đấu tranh ý thức hệ [9] của Phạm Như Cương (chủ biên); Triết học tư sản phương Tây hôm nay [50] - Vũ Khiêu (chủ biên); Mấy trào lưu triết học phương Tây [54] của Phạm Minh Lăng, v.v

Điều dễ nhận thấy là, trong những công trình này, hiện tượng học được trình bày khá sơ lược, về cơ bản vẫn là cách tiếp cận gọi là “phê phán triết học tư sản”

Tình hình có phần nào khác đi từ sau khi cuốn Triết học phương Tây hiện đại [27] của Lưu Phóng Đồng, Triết học phương Tây hiện đại - Từ điển [136] được dịch và phát hành Với tác phẩm Các con đường của triết học phương Tây hiện đại [65] của J K Melvil, được Nhà xuất bản Giáo dục ấn

hành, hiện tượng học của Husserl cùng nhiều học thuyết triết học khác của

Trang 16

phương Tây có được những nhận định cởi mở và toàn diện hơn

Gần đây, những nghiên cứu của Bùi Đăng Duy và Nguyễn Tiến Dũng về triết học phương Tây hiện đại nói chung, chủ nghĩa hiện sinh nói riêng [10], [11], [12], [13], [14], đã đem đến một cách nhìn mới hơn về hiện tượng học của Hussel trong làn sóng cuồn cuộn của các học thuyết triết học phương Tây thế kỉ trước So với nhiều tác giả trước đây, người ta thấy, vấn đề được nhìn nhận một cách khách quan và biện chứng hơn

Hiện nay, để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới ở nước ta, mọi lĩnh vực nói chung, lĩnh vực văn hoá, giáo dục, khoa học và công nghệ nói riêng được quan tâm đầu tư, tạo chuyển biến trong nghiên cứu và triển khai thực hiện Theo đó, lĩnh vực triết học cũng được quan tâm nhiều hơn, tạo nên bầu không khí học thuật sôi nổi hơn Diện mạo nền triết học nước nhà trở nên phong phú hơn khi có sự góp mặt của nhiều nhà khoa học đăng đàn với những nghiên cứu về triết học phương Tây hiện đại Hiện tượng học của Husserl nằm trong số nghiên cứu đó Độc giả và nhất là giới nghiên cứu được tiếp cận tác phẩm mới của Diêu Trị Hoa, tác phẩm “tân biên” của Lưu Phóng Đồng… Trong khuôn khổ hoạt động trao đổi văn hoá Pháp, hàng loạt tài liệu triết học của Nhà xuất bản Ellipses đến với nước ta và có mặt trên lĩnh vực học thuật Đáng trân trọng nhất là sự kiện Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức phát hành bản dịch của Đinh Chân, cuốn

Phénoménologie et matérialisme dialectique của Trần Đức Thảo ra tiếng Việt, với nhan đề là Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng [108], xuất bản Triết gia lữ hành Trần Đức Thảo [46] của Phạm Thành Hưng, Trần Ngọc

Hà (chủ biên), cùng với sự kiện cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng lưu giữ bản thảo cho nhà triết học Trần Đức Thảo… đã thổi lên luồng gió mới cho việc tìm

Trang 17

hiểu hiện tượng học của Edmund Husserl Hoạt động đó cùng với một số nghiên cứu của các tác giả trong nước kể trên đã đem đến một cách nhìn mới hơn về học thuyết triết học này

Hiện tượng học của Husserl tuy đã có nhiều người quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu và đạt được những thành tựu đáng quý, nhưng, so với yêu cầu của khoa triết sử thì vấn đề này vẫn còn một khoảng cách khá xa Do vậy, vấn đề đặt ra là cần tiếp cận theo mức độ khái quát, phân tích hiện tượng học của Husserl trong tiến trình chung của triết học phương Tây hiện đại, đồng thời, cần phân tích sâu vấn đề này theo cấp độ tư tưởng của mỗi nguyên lí, phương pháp cụ thể trên cơ sở bám sát lôgic hình thành và phát triển của chúng

Tóm lại, cho đến nay, ở nước ta, hầu như chưa có một công trình nào về hiện tượng học của Edmund Husserl tương đối có hệ thống và hoàn chỉnh

để đáp ứng những yêu cầu cấp thiết nói trên Lựa chọn đề tài “Hiện tượng học của Edmund Husserl và sự hiện diện của nó ở Việt Nam”, chúng tôi mong

muốn đem đến một chuyên luận vừa khái quát lại vừa cụ thể để góp phần thực hiện yêu cầu đó và phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học triết học

3 Mục đích, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu của luận án

3.1 Mục đích, nhiệm vụ của luận án

Từ cách tiếp cận khách quan và biện chứng, luận án làm rõ nội dung cơ bản các chủ đề hiện tượng học của Edmund Husserl cùng với vai trò, vị trí của học thuyết triết học này trong khuynh hướng phi duy lí cũng như bước ngoặt mà nó tạo ra trong triết học phương Tây hiện đại; phân tích các đặc trưng chung của toàn bộ học thuyết cũng như của mỗi nguyên lí, phương pháp hiện tượng học cùng những giá trị tiềm ẩn trong sự phát triển của nó; làm rõ sự hiện diện của hiện tượng học ở Việt Nam

Trang 18

Để đạt được mục đích trên, luận án có những nhiệm vụ sau:

- Phân tích bối cảnh lịch sử và lí luận ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển hiện tượng học của Edmund Husserl, nêu rõ tính độc lập tương đối và lôgic nội tại trong tiến trình phát triển của hiện tượng học nhằm thực hiện sự chuyển hướng từ phương thức tư duy triết học cận đại sang phương thức tư duy triết học hiện đại;

- Phân tích và đánh giá hệ thống các nguyên lí chủ yếu và phương pháp hiện tượng học của Edmund Husserl;

- Luận giải những nguyên nhân và điều kiện dẫn đến sự hiện diện của hiện tượng học của Edmund Husserl ở Việt Nam, nhất là ở miền Nam, trước năm 1975, bước đầu đánh giá về sự hiện diện đó

3.2 Phạm vi nghiên cứu của luận án

Hiện tượng học của Husserl là một học thuyết gồm phần triết học về bản thể học và phương pháp hiện tượng học phản ánh một thời kì chuyển biến lịch sử, khoa học và triết học với phạm vi thể hiện rất rộng, vì vậy, trong khuôn khổ của luận án, nhiệm vụ nghiên cứu được giới hạn trong việc phân tích bối cảnh ảnh hưởng đến hiện tượng học của Husserl trong giai đoạn cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX

Việc phân tích các nguyên lí và phương pháp hiện tượng học của Husserl được thực hiện ở các vấn đề tính ý hướng, liên hệ giữa sở tri và năng tri, trở về với chính vật; sự ngưng hãm (épochè), giản lược, thế giới đời sống, tính liên chủ thể; khi luận giải sự có mặt của nó ở nước ta, chủ yếu giới hạn trong phạm vi học thuật Do vậy, luận án không đi sâu vào các phong trào hiện tượng học khác như là những biến thể của nó, cũng như các học thuyết khác, mặc dù chúng có quan hệ gần gũi với nó như chủ nghĩa hiện sinh,

Trang 19

chú giải học, bản thể học…

4 Phương pháp nghiên cứu của luận án

4.1 Phương pháp luận chung

Hiện tượng học của Edmund Husserl với tư cách là một triết thuyết thuộc hình thái ý thức xã hội phải được nghiên cứu theo phương pháp triết học lịch sử Hai nguyên tắc phương pháp luận được quán triệt là quan điểm khách quan và quan điểm biện chứng Quan điểm khách quan đòi hỏi các khái niệm, phạm trù triết học được trình bày tương đối chuẩn xác, trung thực, đúng như nó vốn có Quan điểm biện chứng yêu cầu khi nắm bắt tài liệu, thông tin phải thực hiện phân tích phê phán một cách biện chứng, thấy được những mâu thuẫn của chính những luận đề mà tác gia chưa giải quyết, đồng thời thấy được tính không đồng nhất về giá trị của hiện tượng học, nó tuỳ thuộc vào những điều kiện lịch sử khác nhau (phương Tây, miền Nam Việt Nam; thế giới và nước ta hiện nay)

4.2 Các phương pháp cụ thể

Việc tiếp cận học thuyết được thực hiện trên cơ sở phương pháp lôgic và lịch sử kết hợp với phân tích và tổng hợp, khái quát hoá và hệ thống hoá,

để thấy được hiện tượng học có tính độc lập tương đối trong sự phát triển, có lôgic nội tại và được hình thành, phát triển từ những điều kiện lịch sử nhất định, có sự kế thừa, ảnh hưởng qua lại với các khoa học khác

Việc thu thập và xử lí thông tin được thực hiện thông qua phương pháp nghiên cứu lí thuyết nhằm làm rõ một số khái niệm, phạm trù có liên quan và nghiên cứu tư liệu; phương pháp so sánh để thấy được nét tương đồng và dị

biệt khi phân tích diện mạo, đặc điểm và sự biến đổi của hiện tượng học;

phương pháp lấy ý kiến của chuyên gia để tập hợp và đánh giá công trình

Trang 20

trước khi báo cáo khoa học

5 Đóng góp mới của luận án

Lần đầu tiên ở nước ta, luận án hệ thống hoá và có luận giải mới về sự

ra đời và phát triển, đặc trưng và vai trò của hiện tượng học của Edmund Husserl; về những tư tưởng, quan niệm mà Husserl kế thừa của quá khứ và của thời đại thể hiện đồng kết dưới các phạm trù, nguyên lí tương đối chính xác; quan niệm về sự tương liên giữa chủ thể và khách thể, ý thức và đối tượng là một hình thức biểu hiện tư tưởng triết học chủ toàn của hiện tượng học

Luận án luận chứng tương đối đầy đủ về sự hiện diện của hiện tượng học của Edmund Husserl ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền Nam trước năm

1975, trước hết trên lĩnh vực học thuật Trên cơ sở đó, làm sâu sắc hơn ý nghĩa của cuộc đấu tranh khắc phục tàn dư văn hoá phương Tây xâm nhập vào nước ta trước đây và quá trình xây dựng nền văn hoá mới, khi thực hiện việc hội nhập với các nước trong cộng đồng thế giới hiện nay

6 Kết cấu của luận án

Ngoài mở đầu và kết luận, danh mục công trình công bố của tác giả, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục, luận án gồm có 3 chương, 9 tiết

Trang 21

Chương 1

SỰ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN CỦA HIỆN TƯỢNG HỌC

CỦA EDMUND HUSSERL

1.1 NHỮNG ĐIỀU KIỆN LỊCH SỬ CỦA SỰ RA ĐỜI HIỆN TƯỢNG HỌC CỦA EDMUND HUSSERL

1.1.1 Điều kiện kinh tế - xã hội

Chủ nghĩa tư bản xuất hiện trước tiên ở châu Âu, nhưng mãi đến nửa đầu thế kỉ XIX, nó mới trở thành hệ thống áp đảo ở nhiều nước của châu lục này Sau đó là những bước tiến dài trên con đường khẳng định vị trí ưu thế của nó Một kỉ nguyên mới bắt đầu: kỉ nguyên của chủ nghĩa duy lí, chủ nghĩa công nghiệp Nhờ phát kiến nhiều nguồn năng lực mới và nhiều phát minh khoa học, kĩ thuật, lí thuyết thực nghiệm được chứng thực đem đến sự hi vọng hết mình của đông đảo người châu Âu vào những tiến bộ không ngừng Auguste Comte (1799-1857) đã làm một tổng hợp tương lai nhân loại và phân

kì lịch sử: thời kì thần học, thời kì siêu hình học, thời kì khoa học hay thực nghiệm - còn gọi là tư tưởng duy lí về những sự kiện thực nghiệm và nghiên cứu các định luật; đồng thời biểu lộ niềm tin lạc quan vào những tiến bộ của khoa học và cống hiến của kĩ thuật Lòng hâm mộ đó được hỗ trợ thêm bởi sự phát triển kì diệu của công nghệ và các trào lưu triết học mới như thuyết duy ích, thuyết duy vật tâm lí, thuyết duy dụng… Vào đầu thế kỉ XX, kỉ nguyên đó ngày càng trở nên hưng thịnh, đánh dấu thời kì chủ nghĩa tư bản phương Tây vượt qua thời kì cổ điển để bước sang thời kì hiện đại Cuộc cách mạng công

Trang 22

nghiệp, và sau này là cách mạng khoa học và công nghệ, đã đẩy xã hội phương Tây lên giai đoạn phát triển mới Chủ nghĩa tư bản chuyển biến mạnh mẽ, khoa học tự nhiên phát triển nhanh chóng, sự tin phục của con người đối với khoa học đã thay thế tín ngưỡng Kitô giáo, niềm tin về khả năng khoa học và lí trí đem lại hạnh phúc cho con người chiếm lĩnh đời sống tinh thần của xã hội Khoa học và kĩ thuật không ngừng cải tiến, hứa hẹn và được đánh giá như một sức mạnh vạn năng tạo nên cuộc sống vật chất và văn hoá có thể thoả mãn mọi nhu cầu của con người và xã hội

Thế kỉ XIX được xem là thế kỉ của những bùng nổ Vào thế kỉ ấy, người ta chứng kiến bao sự phát minh, phát kiến, đến nỗi người ta có viễn tưởng thế giới giờ đây không còn kì lạ, biển cả không còn mênh mông, nhiều lẽ huyền bí về sự vận hành của đất trời và vũ trụ đều được dần khám phá; bộ máy nhà nước, thiết chế xã hội, cơ cấu kinh tế, tổ chức chính trị cũng phải thay đổi cho tương hợp với thời đại Những thập kỉ cuối thế kỉ này, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai đánh dấu bằng điện khí hoá lại nổ ra trong các nước tư bản chủ nghĩa Không chỉ có thế, tài chính, ngân hàng cũng gia tăng theo tốc độ khai thác nguồn lợi từ sản xuất và thị trường Những phát minh khoa học và kĩ thuật đã trở thành một nguồn lực của kinh tế - xã hội “Thời đại hoàng kim” của kinh tế tư bản chủ nghĩa xuất hiện Đứng trên đôi chân đó, nhân loại như muốn vươn mình lên cái toàn thiện, toàn mĩ Chủ nghĩa công nghiệp với chủ nghĩa duy lí của nó đẩy sự phát triển lên đến đỉnh điểm Song, tại đây, sau khi lịch sử bước vào ngưỡng cửa của thế kỉ mới, từ trong sự phát triển ấy đã nổ ra cuộc khủng hoảng: con người bị phi nhân cách, bị tha hoá; tình trạng bất an xã hội ngày càng gia tăng

Có thể nói, người đầu tiên đứng ra cảnh cáo lối thoả mãn cực đoan ấy

Trang 23

bằng cách đặt ra vấn đề giá trị của khoa học và kĩ thuật từ thế kỉ trước là Jean Jacques Rousseau Vào thời điểm đó, không ít người đã không thể hiểu nổi những chỉ trích của ông, họ còn cho rằng ông phỉ báng khoa học và kĩ thuật

Thực ra trường phái triết học hiện đại đầu tiên quan tâm đến vấn đề kĩ thuật là học thuyết của Karl Marx Vào thời Marx, kĩ thuật mới bắt đầu phát triển và còn nằm trong tay của những nhà tư bản, nhưng không vì thế mà dự kiến của Marx về kĩ thuật mất đi tính lạc quan Theo Marx, tiến bộ kĩ thuật, không chỉ là nguyên nhân mà còn là điều kiện của tiến bộ xã hội, là phương tiện tốt nhất để giải phóng con người Nhưng chính Marx, khi nghiên cứu sâu chủ nghĩa tư bản, đã sớm chỉ ra hậu quả này rằng:

… những máy móc có một sức mạnh kì diệu trong việc giảm bớt lao động của con người và làm cho lao động của con người có kết quả hơn, thì đem nạn đói và tình trạng kiệt quệ đến cho con người Những nguồn của cải mới, từ xưa tới nay chưa ai biết, dường như do một sức mạnh thần kì nào đó lại đang biến thành nguồn gốc của sự nghèo khổ Những thắng lợi của kĩ thuật dường như đã được mua bằng cái giá của sự suy đồi về tinh thần [64, tr 10]

Tính duy lí của khoa học, chính trị, nhân sinh làm con người “bị hạ thấp xuống trình độ những lực lượng vật chất đơn thuần” [64, tr 10], xã hội rơi vào khủng hoảng Rồi Chiến tranh thế giới xảy đến và kết thúc Người ta phát hiện khoa học không phải là vạn năng, sự phồn vinh vật chất đơn thuần chỉ có thể tạo ra hạnh phúc giả tạo, biến con người thành nô lệ của máy móc Đem năng lượng nguyên tử ứng dụng vào việc chế tạo bom nguyên tử, rồi bao nhiêu là vũ khí, phương tiện giết người hàng loạt khác, chứng tỏ hậu quả tai hại của những kĩ thuật hiện đại nào đó Khoa học và kĩ thuật ở một mặt nào

Trang 24

đó lại gắn với chiến tranh và tàn phá, chết chóc Viễn tượng này đã được Léonard de Vinci nhận ra từ nhiều thế kỉ trước đó, khi mà chủ nghĩa tư bản vừa được khai sinh, chính tay ông đã xé nát bức hoạ tàu lặn do mình vẽ ra, vì cảm thấy nơi con người chứa bao nhẫn tâm và hiểm độc khiến cho việc ứng dụng phát minh này vào mục đích đạo đức và nhân bản sẽ trở nên rất khó

Nền văn minh phương Tây vào giai đoạn cuối cùng đã không ý thức đến con người, tương quan xã hội đạt tới mức trừu tượng cao độ: người với người trở thành tương quan giữa các bánh xe, mỗi người trở thành vô danh, trừu tượng; tính chất chuyên môn hoá làm cho con người không còn là tế bào,

mà trở thành một chi tiết của cỗ máy, nói như tác giả của Kích thước nhân bản hiện đại, Jean Laloup và Jean Nelis, người ta không cần con người có

một đời sống tế bào mà cần nó có sức chịu đựng của một bánh xe Con người thảng thốt trước “thời đại máy móc”, cơ hồ thấy mình biến thành con số vô danh, những thẻ bài vô hồn Nhân tính không còn nữa thay vào đó là cơ tính, con người không tồn tại như một cá nhân, một nhân vị nữa Chính Friedrich Nietzsche, trước khi thế kỉ mới đến đã nhìn thấy, trong xã hội công nghiệp hiện đại, cá nhân sẽ mất đi cá tính của mình, “cái tôi” mất phương hướng Ông cho rằng trong xã hội đó, con người trở thành cỗ máy đơn điệu, u buồn, cái cá nhân của con người bị tiêu diệt, con người giống như “bãi cát” trầm

lặng [4, tr 139] Albert Einstein trong tiểu luận Thế giới như tôi thấy, đã phát

biểu những biểu hiện suy tàn thời kì ấy bắt nguồn từ “sự phát triển về kinh tế và kĩ thuật đã khiến cho cuộc đấu tranh sinh tồn của con người ngày càng thêm gay gắt, vì thế, sự phát triển tự do của cá nhân bị tổn hại nặng nề” [30,

tr 26] Kĩ thuật tuy đã đem lại sự thoả mãn đời sống vật chất và tinh thần của đông đảo người, nhưng vì đạt đến mức chuyên môn cực đoan, nên chỉ hướng

Trang 25

con người vào một nhịp của quy trình, con người trở thành bộ phận vận hành của cỗ máy Nhân vị của con người bị đánh chìm trước sự chế ngự của máy móc, tư duy con người vơi dần trước sự thỏa mãn dễ dàng nhu cầu vật chất Nhiều học giả không khỏi rùng mình trước những diễn tiến của văn minh kĩ thuật và công nghệ

Phải thừa nhận rằng, tương lai của nhân loại phụ thuộc không nhỏ vào khoa học và kĩ thuật, vì nó cũng là một vũ khí phụng sự con người, nhưng càng ngày sự lạc quan về nó càng giảm dần, ngược lại, sự nghi ngại về nguy

cơ tận diệt nhân loại của nó lại gia tăng Cơ cấu xã hội bị lung lay đến tận gốc rễ Châu Âu lún sâu vào cuộc khủng hoảng tín ngưỡng và khủng hoảng giá trị chưa từng có Người châu Âu đau buồn, bàng hoàng, bế tắc trước sự đổ nát của giá trị truyền thống

Một loạt phong trào triết học, xã hội học nảy sinh chống lại chủ nghĩa công nghiệp, chủ nghĩa duy lí, đề xướng nhiều chủ thuyết hòng tìm ra một căn bản mới thoát khỏi sự khủng hoảng Kierkegaad với những nỗ lực để xây dựng lại Ki tô giáo, Nietzsche hoài vọng đặt con người trước vô minh, Husserl với hiện tượng học nhằm “cứu vãn lí trí của con người” Xuất phát từ niềm tin sâu xa rằng, phương Tây đang rơi vào “khủng hoảng” như là “sự sụp đổ bề ngoài của chủ nghĩa duy lí” đánh mất phương hướng và mục đích thực sự của nó Tâm trạng đó của ông phản ánh một cách sâu sắc trong nhiều tác phẩm

được ông công bố, nhất là ở tác phẩm lớn cuối cùng, Triết học và cuộc khủng hoảng của con người châu Âu

Được đánh giá như một khám phá quan trọng về phương pháp luận của triết học phương Tây, hiện tượng học của Edmund Husserl có ảnh hưởng đến hầu hết các trào lưu triết học phi duy lí của thế kỉ XX Trong một giới hạn

Trang 26

khác, nó cũng là một phương pháp mà không ít nhà khoa học trên các lĩnh vực khác cũng cần tới

1.1.2 Điều kiện tư tưởng - lí luận

Cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, tư tưởng châu Âu trải qua một thời kì khủng hoảng Chìa khoá để hiểu cuộc khủng hoảng ấy là những bước đi ngoạn mục của khoa học tự nhiên Nguồn gốc của sự tan vỡ đó chính là ở chủ nghĩa duy lí và chủ nghĩa cơ giới Chủ nghĩa duy lí không còn là biện pháp tối

ưu, người ta bắt đầu nghi ngờ giá trị độc tôn và khả năng của nó trong việc giải quyết các vấn đề căn bản của cuộc sống

Khoa học duy lí, từ những năm cuối của thế kỉ XIX, rơi dần vào khủng hoảng còn kéo dài đến tận ngày nay, không phải vì người ta “ngả lòng” hay

“bất mãn” nó, mà chính vì khoa học hiện đại đem đến một bức tranh về thế giới mới không như nó đã từng miêu tả… Người ta thấy không thể giản lược khoa học nhân văn vào những tổng hợp lí hoá được; con người phải là chủ thể và hiện diện tạo nên sự kiện khách quan của khoa học; những giá trị tâm linh còn quan trọng hơn “những mối liên hệ lắp lại và ổn định giữa các sự vật” mà khoa học phát hiện

Khoa học duy lí bộc lộ thành kiến tai hại là tự nhiên và tinh thần đều có thể truy nhận theo kiểu luật nhân quả Tất cả thực tại đều được quy vào

“hệ thống vật chất” trong đó những hiện tượng nối kết với nhau bởi một mối liên hệ mà mọi diễn biến được xác định rõ rệt từ trước và được giảng giải bởi những biểu đồ cơ học Trên nền tảng tâm - vật lí, người ta có niềm tin rằng khảo cứu của khoa học sẽ được thuận tiện và chắc chắn hơn Không ít người còn cho rằng, chỉ những phát biểu của khoa học thực nghiệm mới được coi là có giá trị Khả năng xây dựng khoa học về tinh thần độc lập bị bác bỏ Người

Trang 27

ta muốn nghiên cứu tâm lí, ý thức của con người như kiểu nhà vật lí nghiên cứu một kết cấu vật chất, cho nên, khoa học thực nghiệm lên ngôi và đã quyết tâm áp dụng phương pháp thực nghiệm cho nghiên cứu đời sống tinh thần của con người Điều này đã góp phần dẫn tới, theo Husserl, cuộc khủng hoảng của con người phương Tây hiện đại Khủng hoảng này phản ánh sự

“ngây thơ” của chủ nghĩa duy lí hiện đại, bởi nó đặt trên nền tảng của một luận cứ đáng ngờ là thế giới tự nhiên gồm toàn bộ sự vật (kể cả con người), cho nên, nhận thức, chân lí “khách quan” dựa trên tồn tại ngoài bản ngã

Theo Husserl, trong đời sống ý thức của con người không có hệ thống cấu trúc của cái vật lí, nó lại càng không phải là một cỗ máy cơ giới, vì thế, những sinh hoạt của tâm lí, ý thức con người không thể có cơ chế của cái vật

lí Đi ngược lại với chủ nghĩa tự nhiên đồng nhất đời sống tinh thần, ý thức với sự kiện tự nhiên, Husserl nêu lên sự khác biệt căn bản giữa hai loại hiện tượng tâm lí và vật lí, theo đó, không thể dùng phương pháp và phương tiện của vật lí học để nghiên cứu tâm lí, ý thức con người được Sự vật cảm tính là những cái có bản tính, có thể cho ta phản ánh, nhận thức nhiều lần, ngược lại, tâm thể (từ mà Husserl thường dùng để chỉ thực tại tâm lí, ý thức của con người) xuất hiện rồi mất đi, chứ không “tồn tại mãi trong hiện hữu” như sự vật cảm tính; tồn tại của nó khác với tồn tại của sự vật cảm tính Thế nên, đối với những hiện tượng tâm lí, ý thức, thì “hiện hữu chính là biểu hiện” Sự biểu hiện này là bản chất của nó Husserl mô tả sự khác nhau đó: các hiện tượng tâm thể không có một bản tính, nhưng có bản chất

Do đó, con người phải trở thành đối tượng của khoa học, nhận thức con người phải hướng vào cái mà khoa học còn để trong bóng tối - cái nghiệm sinh của mỗi nhân vị Từ đây, xuất hiện ý hướng muốn thoát khỏi khủng

Trang 28

hoảng bằng cách đi tìm một nền tảng nghiên cứu mới Hiện tượng học của Husserl ra đời như một sự lựa chọn góp phần khắc phục sự khủng hoảng nói trên

Hiện tượng học Husserl ra đời còn chịu ảnh hưởng của nhiều học thuyết triết học, đặc biệt là thuyết duy nghiệm của John Locke và David Hume, cách mạng Copernic của Kant, thuyết thực dụng của William James, thuyết Cogito của René Descartes, tâm lí học của Franz Brentano

John Locke (1632-1704), triết gia thế kỉ XVII, nhà sáng lập trường phái duy nghiệm ở Anh Tư tưởng của Locke ít nhiều có ảnh hưởng đến sự hình thành hiện tượng học Ông được coi là người có sự giải thích độc đáo về phương thức hoạt động của tinh thần, ý thức Theo ông, phạm vi nhận thức của con người bị giới hạn vào kinh nghiệm, kinh nghiệm là căn nguyên duy nhất của các ý tưởng Mặc dù trước đó đã có không ít nhà duy nghiệm như Bacon, Hobbes, nhưng với Locke thì tri thức được giới hạn vào các ý niệm và

ý niệm được sinh ra do các sự vật chúng ta kinh nghiệm Phải phân biệt kinh nghiệm bên ngoài hay cảm giác và kinh nghiệm bên trong hay tư duy hay sự phản tỉnh; kinh nghiệm phản tỉnh có sau khi có kinh nghiệm cảm giác, không có gì trong trí tuệ mà trước đó nó lại không có trong cảm giác Về đối tượng kinh nghiệm, Locke phân biệt đặc tính sơ cấp và đặc tính thứ cấp của chúng Đặc tính sơ cấp là những thuộc tính, phẩm chất không tách rời của đối tượng như trọng lượng, thể tích, hình thức vận động của nó; còn đặc tính thứ cấp là những thuộc tính, phẩm chất mang tính cảm quan và tâm lí, gắn với kinh nghiệm như màu sắc, âm thanh, mùi vị

David Hume (1711-1776) thừa nhận những yếu tố duy nghiệm ở triết học của Locke và Berkeley, gạt bỏ những yếu tố siêu hình học khỏi học

Trang 29

thuyết của họ và đem đến thuyết duy nghiệm một hình thức mới Ông quan

tâm đến công thức của Berkeley: esse est percipi Hume cho là có một chủ thể tri giác, một percipiens, đồng thời cũng có một khách thể của tri giác, một perceptum để tri giác chủ thể ấy có thể nhận thức chủ thể tri giác, vậy nên,

mọi bản thể, đều được chuyển đổi trong một tổng hợp các hiện tượng Nội dung của trí tuệ được tạo thành bởi các ấn tượng và ý niệm, các ý niệm chẳng qua chỉ là bản sao được mô phỏng từ các ấn tượng Tuy nhiên, không phải ý niệm nào cũng là phản ảnh của một ấn tượng tương ứng, có những ý niệm là kết quả của sự liên kết của các ý niệm với nhau theo phẩm chất Có ba phẩm chất để các ý niệm liên kết: tương tự, kế cận về thời gian và không gian, tính nhân quả Với quan niệm duy nghiệm cực đoan, Hume cho rằng tư duy của con người không thể vượt ngoài phạm vi kinh nghiệm trực tiếp của nó Trong chừng mực nhất định, những quan niệm ấy làm cho tư tưởng David Hume có mối liên hệ với học thuyết duy hiện tượng, cho rằng không có gì là thực, ngoại trừ kinh nghiệm giác quan

William James (1842-1910) là một trong những đại biểu xuất sắc của chủ nghĩa thực dụng, hình thành vào cuối thế kỉ XIX Với quan niệm thuyết thực dụng chỉ là một phương pháp, ông bác bỏ thuyết duy lí vì nó có tính chất giáo điều và tách rời cuộc sống Thuyết thực dụng chủ trương bám vào đời sống, lấy những gợi ý từ những sự kiện, gợi ý từ đời sống để đi tới những khái niệm mới, nó từ chối mọi công thức được coi là chung cuộc James đưa ra một quan niệm về chân lí: chân lí xảy ra cho một ý niệm Quan niệm này có ý nghĩa là các ý niệm trở thành đúng, được làm thành đúng bởi các sự kiện, làm cho chân lí trở thành một phần của kinh nghiệm; các chân lí trở thành đúng khi chúng giúp con người tạo được sự nối kết thành công giữa các thành phần

Trang 30

khác nhau trong kinh nghiệm, đối lập với quan niệm truyền thống về chân lí Theo James, niềm tin hoặc nói chung là “dòng ý thức” nảy sinh từ thực tiễn, từ kinh nghiệm của con người trước hoàn cảnh, nên chỉ có thể “thông hiểu”, chứ không thể “giảng giải” nó được Một cách hiểu gần với hiện tượng học

Emmanuel Kant (1724-1804) cho rằng, thế giới này là kết quả của sự tổng hợp (synthèse) mà chủ thể siêu nghiệm (transcendental subject) xây dựng nên từ những kinh nghiệm, những định luật của lôgic học, toán học và những khoa học tự nhiên đều có giá trị đối với thế giới này, còn những chủ thể thuần tuý (pure subject) không thể đặt dưới những định luật đó Kant chia thực tại thành hai thế giới: một, thế giới của kinh nghiệm và hiện tượng (phénomène), thế giới chủ thể bất biến với đối với những định luật cơ giới; hai, thế giới “vật tự thân” (das ding an sich; chose-en-soi), của “bản thể” (noumène) tồn tại đàng sau hiện tượng, không thể biết được Học thuyết của Kant được xem như là sự tổng hợp của hai yếu tố chính yếu của triết học thời cận đại: chủ nghĩa cơ giới và chủ nghĩa chủ quan [xem: 5, tr 30 -31] Tư tưởng của Kant là suối nguồn cho nhiều học thuyết triết học thế kỉ XIX Ảnh hưởng không nhỏ tư tưởng của Kant đến hiện tượng học Husserl là học thuyết về cái tiên nghiệm (a priori), được xem như là cái siêu nghiệm (transcendant) Trong phạm vi nào đó, “bước ngoặt Copernic” của triết học Kant trong việc hướng nghiên cứu tự nhiên sang nghiên cứu con người với tư cách là chủ thể ý thức, nghiên cứu tồn tại sang nghiên cứu hoạt động của con người làm tiền đề cho những nghiên cứu về bản ngã, về ý thức siêu nghiệm mà hiện tượng học là một trong những điểm nhấn cho khuynh hướng này

René Descartes (1596-1650), nhà triết học Pháp, một trong những đại biểu nổi tiếng của chủ nghĩa duy lí tại châu Âu lục địa, người được Husserl

Trang 31

tôn dương là “ông tổ thực sự của hiện tượng học”

Mặc dù ảnh hưởng đến tư tưởng của Hussrel có rất nhiều học thuyết, thế nhưng ảnh hưởng của Descartes mới là quyết định, khiến Husserl chọn điểm xuất phát cho học thuyết của mình là cái Tôi tư duy (le Cogito) Với Descartes, tư tưởng là mọi trạng thái của ý thức, cảm xúc, ý chí, cũng như động tác của trí thông minh, nhưng tại mệnh đề nổi tiếng “Tôi tư duy, do đó, tôi tồn tại” (Je pense donc je suis), Descartes nhằm đến sự suy tưởng theo nghĩa hẹp hơn là tôi đang suy tưởng [145] Cũng tại mệnh đề này, bản thể của cái “Tôi tồn tại” được hiểu rằng là bản thể của một tồn tại người đang tư duy (và không biết có bản thể nào khác); chính điều này đưa Descartes đến chủ nghĩa duy tâm chủ quan Do vậy, có người nói rằng, Descartes đi từ tư tưởng đến tư tưởng Con đường đi đó đã ảnh hưởng đến Husserl khi xây dựng học thuyết về ý thức Cogito có dạng nguyên khởi của nó là Dubito (Tôi hoài nghi) Dubito được Descartes phát triển thành một phương pháp nhận thức đã tác động đến Husserl trong quá trình ông xây dựng phương pháp hiện tượng học Trong mọi trường hợp, Husserl đã vượt qua tư tưởng tiền bối, đưa chúng lên một trình độ mới, cao hơn

Franz Brentano (1838-1917) trước tiên là một tu sĩ dòng Saint- Dominique, nhưng sau này đã từ bỏ giáo hội Chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng của Aristote (và Thomas d’Aquin), người mà ông gọi là “con người cho mọi thời đại”, công trình của ông nhằm vào tâm lí và bản thể học Tâm lí học duy nghiệm của Brentano là khoa học về kinh nghiệm nội tâm hay ý thức Đối tượng nghiên cứu chủ yếu của tâm lí học Brentano là tính ý hướng trí năng Theo đó, ý thức hữu thức thể hiện mình như một bản thể ý hướng đến một đối tượng đồng thời phản tỉnh mình Phân tích trạng thái tri thức của những hiện

Trang 32

tượng ý hướng, ông gọi là “mô tả hiện tượng học” hay “tri thức hiện tượng học” Một khái niệm mà Husserl đã kế thừa trong giai đoạn ban đầu của quá trình xây dựng hiện trượng học Ảnh hưởng của Brentano không chỉ đối với Husserl, tư tưởng của ông còn là nguồn cảm hứng của nhiều triết gia khác như Anton Marty, Franz Kafka, Sigmund Freud, Alexius Meinong, Tadeusz Kotarbinski, Thomas G Marasyk, Max Scheler và Martin Heidegger Người

ta có đủ cơ sở để tôn xưng ông là “tiền bối của hiện tượng học”, và là “điểm tựa” cho triết lí của Áo [41, tr 148] Cuộc khủng hoảng về tư tưởng - lí luận đưa đến khủng hoảng khoa học và tạo nên sự chuyển hướng ngoạn mục của khoa học cận đại đến khoa học hiện đại

1.1.3 Cuộc khủng hoảng khoa học cổ điển

Lần theo quá trình xây dựng và hoàn thiện hiện tượng học, học thuyết của Husserl có cơ sở lịch sử và hiện thực của nó Đó là khủng hoảng của nền khoa học châu Âu khi bước vào thế kỉ XX

Khởi đầu là vật lí học Newton gặp thách thức to lớn Với vật lí học Newton và những mô tả tự nhiên bởi những nguyên tắc cơ học, người ta xem thế giới vật chất có vẻ như một dữ kiện đơn thuần, mọi thứ có thể giản lược vào dữ kiện đó Sự ra đời của thuyết Lượng tử của Max Planck (1858-1947), thuyết Tương đối của Albert Einstein (1879-1955), nguyên lí Bất định của Merner Heisenberg… đã xô ngã tượng đài của vật lí học cổ điển, những phát hiện mới trong lĩnh vực vật lí học đã đặt lại vấn đề tất cả những thành quả được coi là tuyệt đối đúng một cách cơ giới và tất định, sự thực lịch sử và những khám phá mới đã chứng minh ngược lại điều đó, tất cả đã nói lên sự phi lí của lí trí thực nghiệm

Tình hình trên làm mọi người lo sợ trước nguy cơ của khoa học Người

Trang 33

ta nói không quá đáng rằng, có thể so sánh cuộc khủng hoảng này với cuộc khủng hoảng đưa đến sự ra đời của nền văn hoá Phục Hưng, tất nhiên trình độ và tính chất thì ở mức cao hơn Trong cơn bão của khoa học hiện đại, con người lần đầu tiên tiếp cận thế giới với những điều kì lạ và mới mẻ Nhưng đến thập niên 30 của thế kỉ này, và từ đó trở đi, người ta dần hiểu rằng khủng hoảng đó là sự chuyển mình của khoa học và đời sống, phá vỡ những xơ cứng trong vật lí học cổ điển, thúc đẩy vật lí học mới đi đến với những khám phá sâu hơn về thế giới

Tuy nhiên, khủng hoảng mà Husserl nói, thực ra không phải là khủng hoảng bản thân khoa học, vì khoa học trong tiến trình phát triển sẽ bị vượt qua Đấy là tất yếu Khủng hoảng mà Husserl đề cập đến trong suy tư triết học của ông là khủng hoảng về nguồn gốc của khoa học, về ý nghĩa của nó, khủng hoảng của toàn bộ bầu không khí văn hoá, lịch sử mà khoa học hoạt động Ông gọi đó là khủng hoảng nền tảng Cuộc khủng hoảng đó không mang tính cá biệt của khoa học này hay học thuyết kia, mà là khủng hoảng chung, mang tính người Thế là một phản ứng dây chuyền đột phá trong nhiều lĩnh vực của vũ trụ học (lí thuyết về vũ trụ không đứng yên), hoá học (hoá học lượng tử), sinh học, điều khiển học (cybernétique)

Với vật lí học Newton và những mô tả tự nhiên bởi những nguyên tắc

cơ học, người ta xem thế giới vật chất có vẻ như một dữ kiện đơn thuần, mọi thứ có thể quy giản vào dữ kiện đó Cuối thế kỉ XIX, xuất hiện những nghi ngờ về hình ảnh vật lí của thế giới tự nhiên; những phát hiện mới trong lĩnh vực vật lí học đã đặt lại vấn đề tất cả những thành quả được coi là tuyệt đối đúng một cách cơ giới và tất định Poincaré gọi tình trạng đó là sự khủng hoảng trong vật lí Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến triết học thời kì này

Trang 34

Cùng với vật lí học, toán học cũng trải qua những biến đổi, mà một đàng đưa đến sự phát triển cao độ tư tưởng phân tích và một đàng là sự sụp đổ của tư tưởng triết học và khoa học thế kỉ XIX Sự phát triển của phương pháp toán và phương pháp hiện tượng học có liên hệ nội tại với sự phát triển của lôgic toán thời kì này Trong toán học, với sự xuất hiện của nhiều khám phá mới khiến mọi người bất an trước tính không thể của môn khoa học chính xác này Mệnh danh là bà hoàng của phương pháp khoa học, toán học được xem như mô hình lí tưởng cho tư duy khoa học, kể từ đây bị đặt trong nghi vấn của đời sống

Sự tiến bộ của toán học cũng dẫn đến sự khủng hoảng không kém Những khám phá mới trên bình diện toán học, hình học phi Euclide và lí thuyết về nhóm, lôgic hình thức được tái sinh, nhất là lôgic kí hiệu hay lôgic toán có quan hệ ảnh hưởng đến sự ra đời của phương pháp hiện tượng học Phương pháp này chính yếu là phân tích bản chất những dữ kiện, trở thành phương pháp quảng bá của phân tích triết học song song với phương pháp toán

Hiện tượng học của Husserl được xem là triết học về sự khủng hoảng, bởi nó có ngọn nguồn từ trong những bế tắc của con người khi bước vào thời đại mới, từ khủng hoảng nền tảng của chủ nghĩa duy lí và của khoa học cổ điển Đó là những nhân tố bên ngoài Để khai sinh ra hiện tượng học và nuôi dưỡng, phát triển nó, phụ thuộc rất lớn vào các nhân tố bên trong thuộc về nhân cách, phẩm chất và năng lực tư duy của chính người sáng lập ra nó

1.2 THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP CỦA EDMUND HUSSERL

Edmund Husserl chào đời ngày 08-4-1859 tại Prossnitz (Moravie -

Nước Áo hiện thời), thuộc gia đình Do Thái, cùng năm với Henri Bergson và

Trang 35

John Dewey Trong lịch sử tư tưởng phương Tây, đây còn là năm có nhiều sự

kiện đáng ghi nhớ khác: Charles Robert Darwin công bố công trình Nguồn gốc các loài bằng chọn lọc tự nhiên, John Stuart Mill xuất bản tác phẩm Bàn về tự do

Cha của Husserl là một thương nhân Khi Husserl 25 tuổi thì cha ông qua đời Sau nền giáo dục ban đầu ở tỉnh, mùa thu năm 1876, Husserl theo học vật lí, thiên văn, toán học, và cũng dành thời gian học triết học qua các bài giảng của nhà triết học Wilhelm Wundt, tại Đại học Tổng hợp Leipzig Nơi đây, ông nhận được sự cố vấn của giáo sư Tomas Marasyk - người về sau đã trở thành tổng thống đầu tiên của Czechoslovakia, và bắt đầu chú ý đến triết học, nhất là triết học cận đại, những tác giả được ông quan tâm hơn hết là René Descartes, Leibniz và một số đại biểu chủ nghĩa kinh nghiệm Anh Đồng thời, theo lời khuyên của Marasyk, Husserl tìm hiểu đến triết học của Franz Brentano

Trường đại học Friedrich Wilhelm ở Berlin đón Husserl vào học số học và triết học vào mùa hè năm 1878 Tại đây, ông được các giáo sư nổi tiếng Leopold Kronecker Carl và Karl Weierstrass giảng về số học, Paul giảng về triết học Trong số những giáo sư đó, Weierstrass là có ảnh hưởng lớn nhất đến việc chuyên tâm nghiên cứu về số học sau này của Husserl Theo gợi ý của Marasyk, đầu năm 1881, Husserl rời Berlin đến Vienna, thoạt tiên, ông theo học khoa học và toán học tại đại học Vienna và đỗ tiến sĩ vào năm 1883

với luận án Đóng góp vào lí thuyết về lối tính những biến thiên Mùa hè năm

1883, ông trở lại Berlin làm trợ giáo theo lời hứa với Weierstrass Nhưng không bao lâu sau, Husserl quay trở lại Vienna và gặp được Franz Brentano đến đây làm giáo sư triết học Từ năm 1884 - 1886, ông chuyên tâm nghe

Trang 36

giảng bài về tâm lí học và triết học của Brentano Chịu ảnh hưởng về nhân cách và tư tưởng của Brentano, ông quyết tâm dồn sức cho triết học Chính ông nói: Sau khi nghe Brentano giảng bài, ông mới quyết tâm chọn triết học làm sự nghiệp suốt đời mình Những bài giảng của Brentano đã làm cho ông có được lòng tin rằng triết học cũng là một hoạt động nghiêm túc, cũng có thể đối xử với tinh thần khoa học nghiêm khắc nhất Chính thời kì quen biết và quan hệ thâm tình với Brentano đã tạo nên bước ngoặt trong sự nghiệp của Husserl Nỗi đam mê số học của thời kì trước đã gặp gỡ ngọn lửa nhiệt tình với tâm lí học và triết học được Brentano thổi bùng lên thời kì này, đã thai nghén trong tư tưởng của ông về hiện tượng học

Năm 1886, do Brentano giới thiệu, ông gặp được Carl Stumpf (1848 1936) là giáo sư triết học và tâm lí học nổi tiếng ở trường đại học tổng hợp Halle Carl Stumpf là học trò của Brentano, có công phát triển tâm lí học của Brentano, đặt nền móng cho tâm lí học cận đại Đức Tại đây, Husserl giảng

-dạy về chuyên đề Phân tích tâm lí học - về khái niệm số Từ năm 1887 đến

1901, ông là giảng viên chính thức của trường đại học này Năm 1900 - 1901,

ông đã phát biểu hai đề tài lớn về Những nghiên cứu lôgic, sau đó được in

thành sách Với công trình này, ông được mời làm giáo sư của đại học Gošttingen (1901 - 1916) Từ năm 1916, ông dạy triết ở trường đại học Freiburg in Breisgau, cho đến năm 1928 ông về nghỉ hưu Nơi đây, ông sống mảnh đời còn lại với những năm tháng chịu sự ruồng rẫy của phát xít Đức chỉ

vì dòng máu Do Thái của ông

Mùa xuân năm 1938, bị bệnh tật dày vò, Husserl thôi sáng tạo Tinh anh bay đi thì thể phách cũng ngừng nghỉ, ngày 27-4, con người suốt đời tìm kiếm, “bắt đầu luôn mãi” với một triết học chính xác đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi

Trang 37

79, tại Freiburg

Husserl là sự kết hợp của khả năng làm việc hết sức chuyên cần với thiên tài phân tích độc đáo và sắc bén Những tác phẩm của ông thường khô và chán ngấy, không dễ đọc, không phải vì ngôn từ hóc hiểm, mà vì đề tài quá gay go, đặc biệt hệ thống triết học của ông gắn liền hệ thống của Brentano và Stumpf

Husserl bắt đầu sự nghiệp của mình bằng những khảo cứu về toán học Năm 1891, dưới sự hướng dẫn của Stumpf, ông cho xuất bản tác phẩm quan

trọng Triết học của toán học, ở đây, chưa có dấu hiệu nào về tư tưởng triết

học của ông Khai sinh hiện tượng học và qua đó thức tỉnh một phương pháp

mới bắt đầu ở công trình lớn này: Những nghiên cứu lôgic, được xuất bản năm

1900 - 1901 Công trình nói lên sự chú tâm của ông về cơ sở của logic, gồm 2

phần: phần thứ nhất, phê phán tâm lí học và thuyết tương đối; phần thứ hai, đưa ra một ứng dụng các nguyên tắc cho những vấn đề đặc biệt trong triết học logic Bút lực của ông thật là sung mãn, trong 16 năm làm việc tại đại

học tổng hợp Gošttengen, nhiều tác phẩm quan trọng ra đời như Các bài giảng về hiện tượng học (1904 - 1905), Các bài giảng về ý thức thời gian nội tại (1905-1910) Năm 1910, ông cho xuất bản Triết học như một khoa học chính xác Tác phẩm nêu lên mục tiêu và nhiệm vụ của triết học hiện tượng học là

trở thành khoa học chính xác, đặt cơ sở cho mọi khoa học cụ thể

Năm 1913, ông cho xuất bản quyển đầu tiên của tác phẩm Những ý tưởng đến với một hiện tượng học thuần tuý và triết học hiện tượng học Hai

quyển còn lại được ông hoàn thành trong thời gian dạy học ở Freiburg Trong tác phẩm này, hiện tượng học đã trở thành “triết học đệ nhất” Những kết

luận về nó được triển khai đầy đủ hơn ở các tác phẩm tiếp theo, Lôgic hình

Trang 38

thức và tiên nghiệm xuất bản năm 1929, Những suy niệm Descartes xuất bản năm 1934, và Cuộc khủng hoảng của các khoa học châu Âu và hiện tượng học tiên nghiệm xuất bản năm 1936 tại Nam Tư

Husserl đã để lại một số lớn bản thảo, bao gồm những bản viết tay chưa được công bố, những bài giảng trong trường đại học và các bài bút kí có quan hệ đến vấn đề triết học Từ năm 1890 đến 1938, ông viết liên tục suốt ngày đêm, tất cả gồm 45.000 trang bản thảo về những vấn đề cơ bản của hiện tượng học Những bản thảo ấy được Van Breda, giáo sư đại học Louvain, chuyển về nơi lưu trữ Husserl đầu tiên ở Louvain (Belgium) được thành lập vào năm 1939

1.3 KHÁI NIỆM HIỆN TƯỢNG HỌC, QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN HIỆN TƯỢNG HỌC CỦA EDMUND HUSSERL

1.3.1 Khái niệm hiện tượng học

Từ hiện tượng học, tức phénoménologie (phenomenology) gồm hai thành tố: phainomenon và logos Xét về mặt hình thái bên ngoài, hiện tượng học được thành lập giống như xã hội học, sử học… Với cấu trúc kết hợp này,

hiện tượng học là khoa học về các hiện tượng Ý nghĩa của từ gốc này được

làm rõ hơn nếu có sự khảo sát hai thành phần tổ hợp nó

Phainomenon có gốc từ Hy Lạp Φαινοµενον, với hai nguyên nghĩa: Trước hết, phainomenon chuyển thể từ động từ phainesthai, có nghĩa là

bày tỏ mình ra Thế nên, phainomenon chỉ cái bày tỏ mình ra, cái tự bày tỏ, cái khai mở [37], là cái gì tự tỏ mình, tự lộ, cái gì sáng tỏ [130], cái hiển thị tự

thân Phainesthai được cấu thành bởi phainô (mang ra ban ngày, đặt trong sự

sáng) Phainô có gốc từ pha như phaôs có nghĩa là ánh sáng, sự sáng, nên

Trang 39

phainô là cái trong đó có một cái gì đó có thể khai mở, được nhìn thấy trong chính nó Chính thế “hiện tượng” được hiểu là cái-tự-tỏ-mình-trong-chính-nó,

là cái khai mở Cái gì tự tỏ mình ra trong nó, hay cái có thể mang ra ánh sáng, chữ Hy Lạp còn gọi một cách giản đơn là τα οντα (ta onta), tiếng Pháp là étant (hiện tồn) Nói rằng tự lộ, hiển thị tự thân, tức nói đến nhiều cách có

thể bày tỏ mình ra từ chính nó trong nhiều cách khác nhau tuỳ theo cách thế người ta có thể đạt tới nó, nghĩa là một hiện tồn (vật) xuất hiện dưới nhiều

hình thức, dưới những khía cạnh khác nhau; một khả thể thứ hai của tự lộ là

xuất hiện khác với chính sự vật: sự vật hiện ra dưới một bộ mặt nào đó mà tự

nó không phải chỉ là thế Sự vật chỉ xuất hiện như - thế - là (parait comme)

Vì thế ý nghĩa thứ hai của phainomenon là biểu diện (apparence), là hiện

tượng “dáng vẻ” Hiện tượng học nhìn thấy lưỡng nghĩa đó (“hiện tượng” cái bày tỏ mình và “hiện tượng” dáng vẻ) Ý nghĩa thứ hai của nó đã hàm chứa ý nghĩa căn nguyên, Heidegger gọi là biến dạng khiếm khuyết của hiện tượng

Còn logos, từ Hy Lạp này chỉ lời nói, ngôn từ, ngôn thuyết và sau cùng là lôgic (lời nói hợp với điều lí trí nghĩ) Lịch sử phát triển của triết học về

sau, logos được cắt nghĩa như là lí trí, phán đoán, ý niệm, định nghĩa, nền tảng, tương quan, khiến cho ý nghĩa chân xác của lời nói bị che phủ Logos

như là lời nói có nghĩa là dêloun, khai mở cái mà “lời nói” nói về trong lời nói Theo Aristotle, logos có chức năng là apophainesthai, nghĩa là chỉ trỏ,

khiến ta thấy cái gì chứa chấp trong lời nói nói về Trong lời nói, có đặc tính

nói thành lời và phát âm bằng tiếng, nên logos là phône phát âm tiết làm cho nhìn thấy cái gì đó Không chỉ thế, logos còn có một tầm hạn rất rộng: cái gì làm cho ta thấy sự vật, làm sáng tỏ sự vật, cái đó là logos

Như vậy, hiện tượng học chính là apophainesthai ta phainomena, tức để

Trang 40

cho nhìn thấy cái bày tỏ mình ra như là nó bày tỏ mình ra trong chính nó, từ chính nó Quan niệm hiện tượng học về hiện tượng từ chối quan niệm của Kant coi hiện tượng là cái biểu hiện bên ngoài cho cái gì khác thiết yếu ẩn giấu đàng sau, mà Kant gọi là “vật tự thân”

Do những ý nghĩa đó mà Heidegger nói rằng: hiện tượng là mình-ra-trong-chính-nó [37, tr 47], hiện tượng trong hiện tượng học là muốn nói về cái có thể tự nó hiển thị về những gì thuộc bản thân nó [39, tr 47], và hiện tượng học không phải là một học thuyết dựa vào suy luận hình thức trừu tượng, mà là học thuyết về hiện tượng, tức tìm chân lí trong cái tự tỏ mình ra

cái-bày-tỏ-Sự tự lộ không thể có, nếu không có ánh sáng của logos Vậy, hiện tượng học

là thực hiện một cuộc “trở về với chính vật”, sự trở về ấy là sự trở về với chính bản chất cụ thể của vật, và bản chất ấy không tìm đâu khác ngoài chính các hiện tượng

Tất cả những ý nghĩa nói trên về hiện tượng và hiện tượng học chỉ được xác lập khi nó dựa trên quá trình xây dựng của Husserl Điểm xuất phát

của hiện tượng học của Husserl bắt đầu từ tác phẩm Những nghiên cứu logic

Ông xây dựng hiện tượng học không phải ngay lập tức mà từ từ với những thay đổi, bổ sung, sửa chữa, điều chỉnh thường xuyên, trong một thời gian khá dài Do ngay từ đầu chưa có một quan niệm chính xác, nên trong ấn bản nói trên, ông gọi hiện tượng học là “tâm lí học mô tả” để chỉ khuynh hướng chuyển quan niệm triết học được xem xét như thành phần của khoa học thực nghiệm, của chủ nghĩa tự nhiên sang quan niệm triết học được xem xét như một khoa học siêu nghiệm, độc lập Husserl còn gọi hiện tượng học là chủ nghĩa triệt để, vì nó có chủ đích tìm hiểu đến cùng ngọn nguồn tri thức của con người dưới mọi hình thức từ nhận thức kinh nghiệm đến nhận thức lí luận

Ngày đăng: 26/02/2016, 17:02

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w