Về luận văn, tính đến năm 2014, chúng tôi tìm thấy hai luận văn Thạc sĩ nghiên cứu I.Bunin theo hướng chủ nghĩa hiện đại là Chủ nghĩa ấn tượng trong truyện ngắn của Ivan Bunin Hà Hồng N
Trang 1ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
- -
TRẦN THỊ NHUNG
DẤU ẤN CỦA CHỦ NGHĨA HIỆN ĐẠI
TRONG VĂN XUÔI I.BUNIN
LUẬN VĂN THẠC SĨ Chuyên ngành: Văn học nước ngoài
Trang 2ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
TRẦN THỊ NHUNG
DẤU ẤN CỦA CHỦ NGHĨA HIỆN ĐẠI
TRONG VĂN XUÔI I.BUNIN
Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành: Văn học nước ngoài
Mã số: 60 22 02 45
Người hướng dẫn khoa học: TS Nguyễn Thị Như Trang
Trang 3LỜI CẢM ƠN
Trước hết, tôi xin được gửi lời cảm ơn tới tất cả các thầy cô giáo trong Khoa Văn học và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã truyền giảng cho tôi những kiến thức hữu ích trong quá trình học tập!
Bằng tấm lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc, tôi xin chân thành cảm ơn TS Nguyễn Thị Như Trang – người đã tận tình, chu đáo hướng dẫn cho tôi thực hiện
và hoàn thành luận văn này!
Sau cùng, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới gia đình, bạn bè, người thân – những người luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho tôi trong quá trình học tập và thực hiện luận văn!
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2014
Tác giả luận văn
Trần Thị Nhung
Trang 4MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 6
1 Lí do chọn đề tài 6
2 Lịch sử vấn đề 7
3 Phạm vi, mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 13
4 Phương pháp nghiên cứu 14
5 Đóng góp của luận văn 15
6 Kết cấu luận văn 15
CHƯƠNG 1: SỰ SUY YẾU CỦA CỐT TRUYỆN TRUYỀN THỐNG 16
1.1 Quan niệm mới về cốt truyện của chủ nghĩa hiện đại 16
1.2 Cốt truyện đậm chất trữ tình 19
1.2.1 Cốt truyện tâm lí 19
1.2.2 Tự sự phi cốt truyện 22
1.3 Thay đổi cấu trúc cốt truyện 24
1.3.1 Thiếu vắng biến cố, giảm nhẹ kịch tính 24
1.3.2 Kĩ thuật liên kết các tình tiết 32
1.3.3 Kết thúc không hoàn tất 37
Tiểu kết 42
CHƯƠNG 2: NHÂN VẬT VÀ HÀNH TRÌNH CẢM XÚC PHI LÍ TRÍ 43
2.1 Chân dung nhân vật mang màu sắc ấn tượng 43
2.1.1 Những đường nét ấn tượng 43
2.1.2 Tăng cường yếu tố chủ quan 48
2.2 Sự lấn át của cảm xúc và hành động phi lí trí 52
2.2.1 Đời sống tâm lí nhân vật phức tạp và nhiều đột biến 53
2.2.2 Bút pháp độc thoại nội tâm 57
2.2.3 Sự giao thoa của vô thức và ý thức 60
2.3 Hình tượng tượng trưng 63
2.3.1 Hình tượng phụ nữ Nga 64
2.3.2 Hình tượng con người nhỏ bé 67
Trang 5Tiểu kết 69
CHƯƠNG 3: KHÔNG – THỜI GIAN ẤN TƯỢNG VÀ TƯỢNG TRƯNG 71
3.1 Không gian tượng trưng 71
3.1.1 Những không gian thu nhỏ biểu tượng cho nước Nga trong tâm tưởng 71
3.1.2 Những không gian biểu tượng đậm chất triết lí - trữ tình 79
3.2 Thời gian ấn tượng 90
3.2.1 Thời gian quá khứ xuất hiện dày đặc 91
3.2.2 Thời gian ấn tượng – tập trung vào những khoảnh khắc 92
Tiểu kết 97
KẾT LUẬN 98
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 101
Trang 6MỞ ĐẦU
1 Lí do chọn đề tài
Ivan Alekseyevich Bunin (1870 – 1953) là một trong những nhà văn độc đáo của văn học Nga thế kỉ XX Ngay từ những tác phẩm đầu tay, ông đã nhận được những đánh giá cao của các bậc đại thành A.Chekhov tin rằng: “Bunin sẽ trở thành nhà văn lớn”; M.Gorky nhiều lần khen ngợi I.Bunin như các bức thư của mình:
“Anh biết không? Bunin quả là một trí tuệ trác việt Anh ấy cảm nhận vẻ đẹp thật tinh tế” hay “Bunin là bậc thầy hàng đầu trong văn học Nga hiện đại”,…
Cùng các tên tuổi rực rỡ như A.Chekhov, M.Gorky, I.Bunin đã mở rộng cánh cửa đưa nền văn chương Nga bước vào “thế kỉ Bạc”, tiếp bước ánh hào quang của “thế kỉ vàng” thế kỉ XIX Ông là nhà văn Nga đầu tiên được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao tặng giải thưởng Nobel vào năm 1933 vì “có tài năng trác tuyệt về nghệ thuật mà với tài năng này, ông đã tái hiện được một tính cách Nga điển hình trong văn xuôi của nền văn học Nga” [46]
I.Bunin mang một số phận đặc biệt phức tạp, lại nằm trọn trong giai đoạn văn học cuối thế kỉ XIX, nửa đầu thế kỉ XX đang chuyển mình mạnh mẽ, nên sự nghiệp của ông cũng mang đầy đủ sự phong phú và biến động Bên cạnh những sáng tác thơ ca, những công trình dịch thuật và tiểu luận, không thể không nhắc tới một bộ phận vô cùng quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của ông là truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết Đặc biệt, truyện ngắn của ông cùng với Chekhov, Maupassant là những truyện ngắn mẫu mực của văn chương thế giới
I.Bunin từng bị quên lãng trên quê hương và văn đàn nhân loại Nhưng từ những năm của thập niên 50 thế kỉ XX, tác phẩm của ông đã giành được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu từ giới phê bình bản địa và thế giới Đến nay, Ivan Bunin đã
là gương mặt quen thuộc trong giới văn chương Âu – Mỹ nhưng đó vẫn là mảnh đất hứa ở Việt Nam
Không ít nhà nghiên cứu đã xếp I.Bunin vào hàng ngũ những nhà hiện thực chủ nghĩa Tuy nhiên, họ cũng nhận ra rằng, ông là một nhà hiện thực đặc biệt, nhà hiện thực đang “mở cửa” đón lấy những vang động mới mẻ của văn chương hiện đại Bản thân I.Bunin cũng tự khẳng định: “Tôi không tự coi mình là người theo
Trang 7phái suy đồi, phái tượng trưng, phái lãng mạn hay phái hiện thực” Như vậy, chắc chắn I.Bunin không chỉ là một nhà hiện thực truyền thống, ông còn chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại, trong đó rõ nhất và đậm nét nhất là chủ nghĩa ấn tượng và chủ nghĩa tượng trưng Những quan niệm hiện đại chủ nghĩa đã thôi thúc Bunin đổi mới trong từng tác phẩm
Bản thân người viết cũng đã bị lôi cuốn bởi cái dư vị nhẹ nhàng, sâu lắng, bởi phong cách vừa cổ điển vừa hiện đại trong văn xuôi I.Bunin Hành trình khám phá những đặc điểm làm nên sức hấp dẫn cho các tác phẩm giản dị, nhỏ nhắn của nhà văn cũng chứa đựng nhiều điều thú vị và bất ngờ
Vì những lí do trên, người viết chọn đề tài Dấu ấn của chủ nghĩa hiện
đại trong văn xuôi Ivan Bunin mong góp một phần nhỏ vào việc đánh giá thế
giới nghệ thuật và những giá trị thẩm mĩ độc đáo trong văn xuôi của nhà văn Nga tài năng này
2 Lịch sử vấn đề
I.Bunin viết văn làm thơ và sớm nổi tiếng từ khi còn rất trẻ Sau cách mạng tháng Mười, như nhiều trí thức khác, Bunin rời nước Nga, sống lưu vong ở Pháp cho đến cuối đời Năm 1933, ông đã được nhận giải Nobel văn học với những tác phẩm đã “tái hiện được một tính cách Nga trong văn xuôi của nền văn học Nga” (Lời đánh giá của hội đồng giải thưởng Nobel) Tuy nhiên, Bunin lại được độc giả
xô viết biết đến khá muộn màng so với các nhà văn cùng thời khác Do những hiểu lầm về Cách mạng tháng Mười và những người Bolshevich, Bunin luôn mang trong mình tinh thần chống đối với chính quyền xô viết Từ đó, khoảng cách giữa ông với
cả một thế hệ độc giả Liên Xô ngày càng xa
Mãi đến giữa những năm 1950, sau khi Bunin qua đời, Liên Xô bước vào thời kì tan băng, tác phẩm của ông mới được xuất bản rộng rãi Nhà văn bị lãng quên dần trở về với dân tộc qua rất nhiều tập thơ, truyện ngắn, ký, tiểu luận Cũng
từ đó, các công trình nghiên cứu về I.Bunin cũng ngày càng dày lên, không chỉ ở Liên Xô mà trên toàn thế giới
Ở Nga, những năm 1960 –1980, I.Bunin và các sáng tác văn xuôi của ông được tiếp cận chủ yếu ở các phương diện như tiểu sử - con người, đề tài, nghệ thuật
Trang 8miêu tả, phong cách sáng tác,… Các vấn đề nghiên cứu về chủ nghĩa hiện thực, sự kết hợp giữa tính trữ tình và tự sự trong sáng tác của I.Bunin bắt đầu được quan tâm Văn nghiệp của I.Bunin được đặt vào dòng chảy chung của văn học Nga, đặt trong cái nhìn xuyên suốt với sáng tác của các nhà văn Pushkin, Chekhov, Tolstoy, Kuprin, Gorky,…
Từ những năm 90 đến nay, các sáng tác trong thời kì lưu vong của I.Bunin được đặc biệt chú ý Các nghiên cứu bắt đầu đi theo hướng chuyên sâu như công
trình như chuyên khảo I.A.Bunin: cuộc đời và sáng tác (1991) của
L.A.Smirnova Một số hướng khác như nghiên cứu hiện tượng luận, thể loại tự thuật,… đặc biệt là tìm hiểu chủ nghĩa hiện đại của L Kolobaeva (1998) và tiểu thuyết tượng trưng như E Kalinia (1998) – khá gần gũi với hướng nghiên cứu của luận văn Những hướng nghiên cứu này đã đem lại những đã đem đến những đánh giá mới mẻ cho các sáng tác của I.Bunin Do hạn chế về ngoại ngữ nên chúng tôi mới nắm được một cách khái quát và sơ lược về các công trình nghiên cứu về I.Bunin bằng tiếng Nga Chúng tôi sẽ có những đánh giá cụ thể hơn về một số nghiên cứu đã được dịch ra tiếng Việt
Ở các nước phương Tây, sáng tác của I.Bunin cũng được các nhà khoa học nghiên cứu sâu và đưa vào các chương trình giảng dạy đại học như ở Mỹ, Canada và Tây Âu Các vấn đề về thời gian, không gian, thể loại được đặc biệt quan tâm Do những hạn chế về ngoại ngữ, chúng tôi chỉ xin đánh giá một vài công trình nghiên cứu cụ thể, có liên quan trực tiếp tới nội dung của luận văn:
Between Tolstoy and Nabokov: Ivan Bunin Revisited (Tạm dịch: Giữa Tolstoy và Nabokov: Nhìn lại Ivan Bunin) của Thomas Karshan, đặc biệt là cuốn Luận án Tiến
sĩ Into the Heart of Darkness: Ivan Bunin and the modernist poetics of memory (Tạm dịch: Đi vào trung tâm của bóng tối: Ivan Bunin và thi pháp kí ức của chủ
nghĩa hiện đại) của Mary Petrusewicz
Trong Between Tolstoy and Nabokov: Ivan Bunin Revisited, Thomas
Karshan đặt I.Bunin giữa hai nhà văn lớn Tolstoy và Nabokov, giữa một nhà văn hiện thực cổ điển với một nhà văn hậu hiện đại Bài viết đã khẳng định trong sáng tác của Bunin vừa có những đề tài và thủ pháp của văn học cổ điển vừa có những
Trang 9dấu hiệu rất rõ của chủ nghĩa hiện đại Bài viết đã gợi mở nhiều ý tưởng mới mẻ về
vị trí gạch nối của I.Bunin trong sự vận động của lịch sử văn học Nga
Luận án Into the Heart of Darkness: Ivan Bunin and the modernist poetics of
memory là một công trình công phu nghiên cứu về thi pháp kí ức trong các sáng tác
của I.Bunin, đặc biệt là Cuộc đời của Arseniev và Những lối đi dưới hàng cây tăm
tối Tác giả luận án cho rằng I.Bunin chịu ảnh hưởng của Bergson, Proust, và chỉ ra
những yếu tố của chủ nghĩa hiện đại châu Âu trong tác phẩm của I.Bunin như vô thức, dòng chảy ý thức, trực giác, các hình ảnh biểu tượng,… Ông liên tục khẳng định rằng I.Bunin có kế thừa thành tựu của chủ nghĩa hiện thực Nga nhưng đến gần với chủ nghĩa hiện đại hơn là chủ nghĩa hiện thực
Qua các bản dịch từ tiếng Anh và tiếng Nga, chúng tôi có thể tiếp cận một số
công trình khác về I.Bunin như bài viết của Paustovsky trong Một mình với mùa
thu, chương nghiên cứu về Hơi thở nhẹ trong cuốn Tâm lí học nghệ thuật, L
Vygotsky hay bài phát biểu của Per Hallström trong lễ trao giải Nobel,…
Bài tiểu luận nhan đề Ivan Bunin trong cuốn Một mình với mùa thu của
Paustovsky là một tài liệu hiếm hoi được dịch sang tiếng Việt Bài viết đã cung cấp cho chúng tôi những tư liệu quý về cuộc đời, quê hương, một số tác phẩm được đánh giá cao của I.Bunin cũng như vài nét khái quát về phong cách nghệ thuật của nhà văn Paustovsky đã bước đầu nhận ra dấu ấn ấn tượng chủ nghĩa qua một số tác
phẩm như Hơi thở nhẹ, Cuộc đời Arsenev Ông viết: “Tôi không biết liệu có thể gọi tác phẩm này (Hơi thở nhẹ) là truyện ngắn được không? Đó không phải là truyện ngắn
mà là sự lóe sáng bất ngờ của tâm thế, là chính cuộc sống bồi hồi run rẩy và chan chứa tình yêu, là sự suy ngẫm đượm buồn bình thản của nhà văn…” [32, tr 95] Paustovsky
đã đánh giá cao về tài năng quan sát và miêu tả thiên nhiên cũng như đời sống bên trong của con người: “Bunin đã nhìn thấy từng cử chỉ nhỏ, từng biến động nhỏ trong tâm hồn con người và ông đã viết về thiên nhiên thật rõ ràng, nghiêm ngặt và dịu dàng, một thiên nhiên không bao giờ tách biệt với cuộc sống” [32, tr 96] hay
“Bunin là người có cảm nhận chân xác hiếm thấy về màu sắc và ánh sáng” [32, tr 99] Tuy vấn đề dấu ấn của chủ nghĩa hiện đại chưa thực sự được gọi tên và phân tích
Trang 10một cách rõ ràng nhưng bài viết đã mở đường cho những nghiên cứu chuyên sâu và
có tính lí luận hơn về Bunin sau này
Trong cuốn Tâm lí học nghệ thuật, L.Vygotsky đã dành chương bảy để nói
về tác phẩm Hơi thở nhẹ Nhà khoa học này đã vận dụng những lí thuyết cấu trúc,
loại hình nhằm giải mã những vấn đề “sinh lí học”, những mâu thuẫn cảm xúc, bố cục, các thủ pháp hình thức tiêu diệt nội dung của truyện ngắn này cũng như truyện ngắn nói chung Sự sắp xếp tuyến tính thời gian và trình tự các sự kiện trong tác phẩm là yếu tố được Vygotsky quan tâm Dựa trên một hệ thống các tình tiết chính, ông đã tiến đến hành sơ đồ hóa truyện ngắn theo cách thức riêng Cuối cùng nhà nghiên cứu này kết luận: “Nếu chúng ta theo dõi những sự kiện ấy trình bày trong truyện ngắn theo một trật tự như thế nào, thì thay vì cho sự phân bố nói trên ra đã có
bố cục của truyện ngắn và ta sẽ nhận ra ngay rằng nếu trên sơ đồ các sự kiện diễn ra theo trật tự bảng chữ cái, tức là theo trình tự thời gian, thì ở đây cái hình tượng thời gian ấy đã hoàn toàn bị phá vỡ” [40, tr 281] Bằng cách xáo trộn các mốc sự kiện, Bunin đã tạo nên sự thay đổi ngoạn mục về ý nghĩa và chủ đề tác phẩm Trật tự tuyến tính không được coi trọng trong truyện I.Bunin tạo nên kiểu truyện “phi cốt truyện” Từ việc gọi ra đặc điểm riêng này của Bunin, nhà nghiên cứu đã khẳng định dấu ấn của chủ nghĩa ấn tượng trong tác phẩm của Bunin Vygotsky đã dành cho truyện ngắn này những đánh giá cao: “nó như một mẫu hình của cả truyện ngắn
cổ điển lẫn truyện ngắn hiện đại, ở đây mỗi đặc điểm phong cách cơ bản vốn có ở thể loại này đều bộc lộ hết sức rõ ràng Xét về phẩm chất nghệ thuật, truyện ngắn này chắc hẳn thuộc số hay nhất trong tất cả những gì được nghệ thuật văn chương
tự sự tạo nên và không phải ngẫu nhiên mà những ai từng viết về nó đều nhất trí
thừa nhận nó là mẫu mực của truyện ngắn nghệ thuật” [40, tr 279]
Trong bài phát biểu tại buổi lễ trao giải Nobel Văn học năm 1933 đã được dịch ra tiếng Việt, Per Hallström đã tinh ý nhận thấy: “Ông nhanh chóng thu hút được sự chú ý của độc giả nhờ những vần thơ mô phỏng khuôn mẫu cổ điển Chủ đề của các tác phẩm thường miêu tả cái đẹp sầu muộn của cuộc sống trong những thái
ấp cũ Cùng lúc đó ông viết những bài thơ văn xuôi miêu tả thiên nhiên với những
ấn tượng phong phú, được thể hiện trung thực và tinh tế phi thường… Ông đơn độc
Trang 11trong một kỉ nguyên có nhiều thay đổi mạnh mẽ” [46] Bunin không chỉ được đánh giá cao bởi đã lưu giữ và bất tử hóa hồn cốt của nước Nga mà còn bởi những sáng tạo của ông về mặt thể loại, những kế thừa từ văn học Nga cổ điển và những đổi mới hiện đại của ông
Trong bài viết Sự cám dỗ của cảm giác trong “Cuộc đời Arsenev” của Ivan
Bunin, nhà nghiên cứu Z Hainade đã nhấn mạnh bố cục thời gian đặc biệt trong các
sáng tác của I.Bunin: “Tác phẩm của Bunin là dạng tiểu thuyết phi tuyến, nhiều thời gian – không gian cảm xúc được đặt gần nhau: quá khứ, hiện tại, tương lai Trong
đó, chúng tương tác với nhau: quá khứ bây giờ và sau đó thâm nhập vào hiện tại và làm giàu hiện tại bằng kinh nghiệm của mình, luôn luôn tác động đến tương lai…” [45, tr 1-2] Những nhận định về thời gian đã hé mở cho người viết ý tưởng về đặc điểm không – thời gian mang dấu ấn hiện đại chủ nghĩa trong sáng tác của Bunin
Ở Việt Nam, I.Bunin được giới thiệu khá muộn và đón nhận có phần dè dặt hơn so với các nhà văn Nga đầu thế kỉ XX khác Tới nay vẫn chưa có nhiều công trình nghiên cứu nào có tầm cỡ và hệ thống về sáng tác của I.Bunin Phần lớn chỉ là bài giới thiệu sự nghiệp, đánh giá khái quát về phong cách sáng tác,… Xin dẫn ra ở đây một số tài liệu nổi bật nhất và liên quan ít nhiều đến hướng triển khai luận văn của chúng tôi
Năm 1987, lần đầu tiên tác phẩm của Bunin được dịch ra tiếng Việt và xuất
bản Những bài giới thiệu cho tập Những lối đi dưới hàng cây tăm tối (Hà Ngọc dịch), Hơi thở nhẹ (Phan Hồng Giang dịch), bài viết I.Bunin – nhà văn, nhà thơ bậc
thầy trong văn học Nga hiện đại của Phạm Quốc Ca đăng trên Tạp chí văn học nước ngoài, số 6, năm 2003,… đã giới thiệu tới độc giả những đặc điểm về nội
dung đề tài, bút pháp nghệ thuật nổi bật của văn xuôi I.Bunin “Cái chất tạo hình – biệt tài tả cảnh và khắc họa chân dung – cái chất nhạc trong thứ văn xuôi mượt mà, dịu ngọt thì còn lưu lại mãi trong các văn phẩm của Bunin, đưa ông vào số nhà văn
ít ỏi trong văn học Nga đạt đến uy tín tuyệt đối về sử dụng ngôn từ.”[9, tr 6],
“những truyện ngắn và truyện vừa – bộ phận cốt lõi trong di sản văn học của ông – mới đọc tưởng chừng như đơn giản về cốt truyện, nhưng thực ra lại cực kì sâu sắc, chúng bao la cả về thời gian lẫn không gian…”[7, tr 7], “sau Chekhov, Bunin đã
Trang 12đem lại sự đổi mới cho thể loại truyện ngắn Nga, mỗi truyện ngắn của ông vừa là một áng văn xuôi lại vừa là một bài thơ, ông đã viết chúng với trí tuệ và trái tim của một nhà tư tưởng, một nhà triết học và một nhà thơ” [7, tr 8] hay “Di sản văn học Bunin để lại không đồ sộ lắm… song được xem là sự đánh dấu một chương mới trong lịch sử phát triển văn học Nga thế kỉ XX bởi sự sâu sắc, tinh tế cả về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật” [6, tr 6] Là những bài giới thiệu mang tính gợi mở cho người đọc, vì thế những bài viết này mới chỉ dừng lại ở việc định hình đề tài, phong cách sáng tác của I.Bunin mà chưa có sự gợi mở về những sáng tạo nghệ thuật mang dấu ấn của chủ nghĩa hiện đại
Bài báo Sự chuyển biến của tư duy nghệ thuật trong văn học Nga cuối thế kỉ
XIX, đầu thế kỉ XX của PGS TS Phạm Gia Lâm đăng trên Tạp chí văn học số 11,
năm 1997 đã nhận định về I.Bunin: “Bunin thể nghiệm kết hợp những truyền thống hiện thực chủ nghĩa với những biện pháp nghệ thuật mới và những nguyên tắc kết cấu gần với chủ nghĩa ấn tượng (impressionism)” PGS TS Đỗ Hải Phong cũng
cùng chung quan điểm này khi viết trong phần Khái quát của Giáo trình Văn học
Nga: “Bunin bắt đầu sự nghiệp sáng tác bằng chủ nghĩa hiện thực theo “kiểu
Chekhov”, nhưng kết thúc sự nghiệp sáng tác bằng khuynh hướng gần với chủ
nghĩa ấn tượng.” Lại Nguyên Ân trong cuốn 150 thuật ngữ văn học khi viết về chủ
nghĩa Ấn tượng đã khẳng định một lần nữa rằng sáng tác của những nhà văn lớn như Maupassant, Chekhov, Bunin mang đậm dấu ấn của phong cách ấn tượng [2, tr 47] Đây là những luận điểm quan trọng, gợi ý cho chúng tôi triển khai đề tài luận văn này
Bùi Việt Thắng trong Truyện ngắn những vấn đề lí thuyết và thực tiễn thể loại
đã nhiều lần lấy sáng tác của Bunin để chứng minh cho các luận điểm viết về đặc trưng
thể loại truyện ngắn “Những truyện ngắn hay (Những quả táo Antonov) thường thoạt
trông chẳng có gì, nhưng rồi càng đọc càng thấm, càng đau” [37, tr 354]
Ngoài ra, bài giảng về Bunin với những nghiên cứu trường hợp về Hơi thở
nhẹ, Ngày thứ hai chay tịnh, Những quả táo Antonov… do PGS.TS Phạm Gia Lâm
và TS Nguyễn Thị Như Trang soạn và cung cấp là những tài liệu quan trọng để chúng tôi hoàn thành luận văn này
Trang 13Về luận văn, tính đến năm 2014, chúng tôi tìm thấy hai luận văn Thạc sĩ
nghiên cứu I.Bunin theo hướng chủ nghĩa hiện đại là Chủ nghĩa ấn tượng trong
truyện ngắn của Ivan Bunin (Hà Hồng Nhung, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2005) và Các mô hình tượng trưng trong văn xuôi I.Bunin (Đặng Thu Hương, Đại học Khoa
học xã hội và Nhân văn, 2008)
Luận văn của Hà Hồng Nhung khai thác những đặc điểm của chủ nghĩa ấn tượng trong truyện ngắn trong sự soi chiếu với chủ nghĩa ấn tượng trong hội họa Do
đó, luận văn chủ yếu khai thác dấu ấn của chủ nghĩa ấn tượng trong bút pháp miêu tả thiên nhiên và con người của I.Bunin mà chưa dành sự quan tâm đúng mức tới các yếu
tố vô thức, trực giác, kí ức của nhân vật và nghệ thuật tự sự của nhà văn
Luận văn của Đặng Thu Hương đã cho chúng tôi những gợi ý về chủ nghĩa tượng trưng trong văn xuôi của I.Bunin Luận văn đã khai thác khá đầy đủ các cấp
độ tượng trưng, bước đầu có những lí giải về bản chất và nguồn gốc của các mô hình tượng trưng
Dẫu vậy, chúng tôi nhận thấy chưa có công trình nào đề cập đầy đủ đến những biểu hiện các mặt của chủ nghĩa hiện đại trong văn xuôi I.Bunin, cũng như lí giải nguồn gốc, lí do sự xâm nhập của chủ nghĩa hiện đại vào trong tác phẩm của ông
Tóm lại, có thể thấy rằng, các sáng tác của Bunin đã nhận được sự quan tâm của giới nghiên cứu ở Việt Nam tuy nhiên vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào chuyên sâu và xứng đáng với tầm vóc của nhà văn này Luận văn vì vậy là sự nỗ lực vượt qua điểm dừng, lấp đầy khoảng trống mà những công trình trước đây để lại
3 Phạm vi, mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1 Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của luận văn là các tác phẩm văn xuôi của I.Bunin đã
được dịch ra tiếng Việt, khoảng ba mươi truyện ngắn và một truyện vừa Nàng Lika
Luận văn khảo sát văn xuôi I.Bunin trong các ấn phẩm:
Hơi thở nhẹ, Phan Hồng Giang dịch, Nxb Hội nhà văn, 2006
Những lối đi dưới hàng cây tăm tối, Hà Ngọc dịch, Nxb Văn học, 2013
Trang 14Một số truyện ngắn do Thái Bá Tân dịch và in trong Tạp chí văn học nước
ngoài, 1996 – 1; do Thái Hà, Vũ Đình Phòng, Phạm Quốc Ca, Nguyễn Văn Chiến
dịch, in trong Tạp chí văn học nước ngoài, 2003, số 6
Nàng Lika, Phan Hồng Giang dịch, Nxb Tác phẩm mới, 1988
Tuyển tập tác phẩm, Phan Hồng Giang giới thiệu, Hà Ngọc, Phan Hồng
Giang, Thái Bá Tân, Hữu Việt, Đoàn Tuấn dịch, Nxb Lao động – Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây
Những truyện đã được dịch này đều là những tác phẩm rất đặc sắc, điển hình cho phong cách và bút pháp của Bunin Tuy nhiên, chúng tôi không phân tích mọi khía cạnh của các tác phẩm này mà lựa chọn những mặt tiêu biểu và rõ rệt nhất để làm nổi bật nên luận điểm của từng dấu ấn hiện đại
3.2 Mục đích nghiên cứu
Luận văn hướng đến xác định những dấu ấn của chủ nghĩa hiện đại, cũng như cách tri nhận mới về hiện thực trong văn xuôi của I.Bunin Từ đó, chúng tôi muốn đưa ra những đánh giá về vị trí của I.Bunin trong dòng chảy chung của văn học Nga, đồng thời, đề xuất cách tiếp cận tác phẩm của nhà văn này
3.3 Nhiệm vụ nghiên cứu
- Làm rõ những dấu ấn của chủ nghĩa hiện đại, rõ nhất là chủ nghĩa ấn tượng
và chủ nghĩa tượng trưng, trong sáng tác của I.Bunin, trên các phương diện lớn như cốt truyện, nhân vật và không – thời gian nghệ thuật
- Bước đầu lí giải cho sự xuất hiện của các dấu ấn hiện đại này trong tác phẩm của I.Bunin
4 Phương pháp nghiên cứu
Từ mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu trên, luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
- Phương pháp tiếp cận hệ thống: Với cách phương pháp tiếp cận này, người
nghiên cứu xem tác phẩm như một chỉnh thể nghệ thuật, một thế giới nghệ thuật gồm nhiều yếu tố, nhân tố tương tác với nhau Vì thế khi nghiên cứu về nhân vật, người viết vẫn đặt trong mối liên hệ với cốt truyện và không – thời gian nghệ thuật,
chứ không cô lập từng yếu tố
Trang 15- Phương pháp tiếp cận thi pháp học: Tìm hiểu tác phẩm của I.Bunin bằng
phương pháp tiếp cận thi pháp học giúp ta khám phá ra những yếu tố nghệ thuật ngầm ẩn có tác động mạnh mẽ tới tâm tưởng và tình cảm của người đọc
- Phương pháp so sánh: Để chỉ ra và chứng minh những dấu ấn của chủ
nghĩa hiện đại trong văn xuôi I.Bunin, chúng tôi so sánh, đối chiếu những đặc điểm trong sáng tác của Bunin với các sáng tác của chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa cổ điển trước đó
Để giúp cho sự phân tích, đánh giá có sơ sở khoa học chúng tôi sẽ sử dụng các thao tác thống kê, phân tích, tổng hợp
5 Đóng góp của luận văn
Ivan Bunin là nhà văn vừa cổ điển vừa hiện đại, vậy nét hiện đại trong tác phẩm của ông là gì? Bằng việc tìm hiểu những dấu ấn của chủ nghĩa hiện đại trên các phương diện cơ bản của tự sự, trong một chừng mực nhất định, sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn được những sáng tạo nghệ thuật hiện đại của I.Bunin cũng như có cái nhìn tương đối toàn diện về phong cách sáng tác của ông Trên cơ sở đó, những đánh giá về vị trí của I.Bunin trong lịch sử văn học Nga hiện đại cũng trở nên có căn cứ và thích đáng hơn
Bằng việc đi sâu nghiên cứu một tác giả tiêu biểu - I.Bunin, bạn đọc có được những hình dung cụ thể hơn về sự chuyển mình của văn học Nga giai đoạn cuối thế
kỉ XIX, đầu thế kỉ XX Kết quả nghiên cứu của luận văn là những gợi ý hữu ích cho những người nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử văn học Nga thế kỉ XX cũng như các sáng tác của I.Bunin
6 Kết cấu luận văn
Ngoài Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo, Luận văn gồm 3 chương: Chương 1: Sự suy yếu của cốt truyện truyền thống
Chương 2: Nhân vật và hành trình cảm xúc phi lí trí
Chương 3: Không – thời gian ấn tượng và tượng trưng
Trang 16CHƯƠNG 1: SỰ SUY YẾU CỦA CỐT TRUYỆN TRUYỀN THỐNG
Cốt truyện là hệ thống các sự kiện, biến cố, hành động trong tác phẩm tự sự, thể hiện mối quan hệ qua lại giữa các tính cách trong một hoàn cảnh xã hội nhất định nhằm thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm Có thể nói đó là một thành phần quan trọng trong tác phẩm văn xuôi Các nhà nghiên cứu thuộc những trường phái khác nhau trên thế giới, từ cổ điển đến hiện đại đều đề xuất tiếp cận tác phẩm nghệ thuật ngôn từ qua
hệ thống cốt truyện, bởi nó giúp ta tìm ra mô hình tự sự mang dấu ấn phong cách riêng của nhà văn Và cốt truyện cũng là một trong những yếu tố thể hiện rõ nhất dấu ấn của chủ nghĩa hiện đại và làm nên sự khác biệt cho văn xuôi Bunin
1.1 Quan niệm mới về cốt truyện của chủ nghĩa hiện đại
Cốt truyện là “hệ thống sự kiện cụ thể, được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng
và nghệ thuật nhất định, tạo thành bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học” [15, tr 99] Ngay từ khi ra đời, lí thuyết tự sự đã xác định cho cốt truyện một vị trí khá quan trọng, là thành phần không thể thiếu để làm nên cái hay của bất cứ tác phẩm tự sự nào Bởi thế mà Goethe đã khẳng định: “Còn
gì quan trọng hơn cốt truyện và nếu thiếu nó thì cả nền lí luận nghệ thuật sẽ còn ra
gì nữa?” [37, tr 69] Maugham, nhà văn người Anh cũng khẳng định: “Nhà văn sống bằng cốt truyện, y như họa sĩ sống bằng màu và bút vẽ vậy” [37, tr 69] Giá trị của cốt truyện với một tác phẩm nghệ thuật là không thể phủ nhận và đã được lịch
sử văn học chứng minh
Trong các tác phẩm tự sự truyền thống, nhà văn đặc biệt quan tâm và dụng công kĩ càng trong việc tạo ra các cốt truyện chuẩn mực Theo các nhà văn cổ điển, truyện phải có chuyện, cốt truyện càng công phu bao nhiêu thì chất lượng tác phẩm càng tăng lên bấy nhiêu Thậm chí có nhà văn còn tuyệt đối hóa vai trò của cốt truyện đến mức “nếu không có cốt truyện thì nó sẽ không là truyện ngắn nữa.” Như vậy, chính cốt truyện li kì, độc đáo đã làm nên sức lôi cuốn cho tác phẩm tự sự Chức năng của cốt truyện trong tác phẩm văn xuôi là tạo nên mạch vận hành của sự kiện, “một mặt, cốt truyện là một phương diện bộc lộ nhân vật, nhờ cốt truyện, nhà
Trang 17văn thể hiện sự tác động qua lại giữa các tính cách nhân vật; mặt khác, cốt truyện còn là phương tiện để nhà văn tái hiện các xung đột xã hội” [18, tr 100]
Theo quan niệm truyền thống, mọi cốt truyện đều trải qua một tiến trình vận động có hình thành, phát triển và kết thúc: “Mỗi cốt truyện thường bao gồm các thành phần: trình bày, khai đoan (thắt nút), phát triển, đỉnh điểm (cao trào) và kết thúc (mở nút)” [18, tr 100] Tương ứng với các thành phần này, bạn đọc khi đọc tác phẩm văn xuôi truyền thống đều quan tâm trước hết ở khía cạnh là xem truyện kể về chuyện gì, diễn biến kết quả ra sao Có thể câu chuyện được kể không có gì là to tát, lớn lao nhưng nó phải là vấn đề của đời sống, xã hội và con người đang diễn ra xung quanh ta, nói cách khác, văn xuôi cổ điển là bức tranh chân thực của đời sống hiện thực một cách khách quan Truyện ngắn Chekhov giai đoạn đầu, truyện ngắn
O Henry, Jack London là những ví dụ điển hình của cốt truyện truyền thống Truyện ngắn của Chekhov chứa đựng những câu chuyện rất thực, mang đậm màu sắc đời thường của đời sống xã hội và con người Nga đương thời Mỗi số phận, mảnh đời được kể qua một câu chuyện hết sức nhẹ nhàng mà thấm thía “Chuyện đời vặt vãnh”, “Cái chết của một viên chức”, “Nhà tu hành vận đồ đen”… đều hấp dẫn bởi cốt truyện hết sức độc đáo
Truyện ngắn O Henry, Jack London hầu hết đều xây dựng cốt truyện đầy đủ năm thành phần: phần mở đầu dẫn dắt con người tới các trạng thái, các mối quan hệ
để triển khai nội dung Tiếp đến là những sự gặp gỡ và xung đột, tạo cơ sở cho các mâu thuẫn phát triển đến đỉnh điểm Khi đó câu chuyện bước vào giai đoạn cao trào
và giải quyết Kết thúc câu chuyện là khi có kết quả cuối cùng và cao trào được mở
nút Soi chiếu vào câu chuyện quen thuộc Chiếc lá cuối cùng của O Henry, bạn đọc
sẽ thấy rất rõ các thành phần cốt truyện này Câu chuyện xoay quanh hoàn cảnh đặc biệt trong số phận của nhân vật Johnsy Johnsy, cô ngày ngày nằm trên giường bệnh
và nhìn những chiếc lá thường xuân rơi, khi chiếc lá cuối cùng rơi xuống cô cũng sẽ
về với đất Kịch tính xảy ra vào ngày cuối cùng, khi trên cành chỉ còn một chiếc lá,
ai cũng nghĩ rằng Johnsy sẽ qua đời; nhưng cụ Behrman đã xuất hiện Cụ đem lại sự sống cho Johnsy nhờ tác phẩm nghệ thuật của mình nhưng sau đó cụ lại ra đi Từng
Trang 18bước phát triển của cốt truyện đã ghi lại đầy đủ những biến chuyển trong suy nghĩ
và số phận nhân vật Tình huống bất ngờ đã đem lại cái kết có hậu cho tác phẩm: Johnsy tin tưởng vào sự sống và cụ Behrman có được tác phẩm cuối cùng xứng đáng là tuyệt tác Có thể thấy rất rõ rằng cốt truyện truyền thống chặt chẽ, đầy đặn
từ mở đầu đến kết thúc, tạo nên sự ổn định cho tác phẩm
Bản thân các thể loại tự sự không ngừng biến đổi qua các giai đoạn văn học nên các thành phần như cốt truyện thay đổi theo thời gian cũng là điều dễ hiểu Có thể thấy những quan niệm về cốt truyện của chủ nghĩa hiện đại có nhiều biến chuyển rõ rệt
Truyện ngắn hiện đại không phủ định tính cần thiết của cốt truyện nhưng nó không còn là yếu tố mang tính quyết định Câu chuyện được viết ra đôi khi chẳng
có gì to tát, thậm chí còn không có chuyện để kể nhưng nó vẫn thành truyện Thói quen “kể chuyện bằng văn xuôi” của văn xuôi truyền thống đã khiến cho nhà văn
“cứ bám mãi cốt truyện, nghĩa là cái có thể kể được, trong khi đời sống hiện đại cho thấy nhiều sự thực cực kì phong phú nhưng lại không có diễn trình của một cốt truyện và không thể kể được” [39, tr 80] Người đọc hiện đại vì thế chỉ có thể đọc
mà không thể tóm tắt hay kể lại câu chuyện một cách rõ ràng, “chỉ có thể thưởng thức chúng đúng như nguyên dạng của chúng”, vì thực ra không có một câu chuyện
cụ thể nào cả mà là một chỉnh thể trọn vẹn như một bản nhạc, một bài thơ vậy Kiểu truyện không có cốt truyện xuất hiện từ đó và được coi là một cách tân độc đáo của văn xuôi hiện đại
Như Chekhov từng nhận định: “Không việc gì phải tìm bằng được những cốt truyện thật lắt léo Trong cuộc sống, tất cả cứ lẫn lộn với nhau, cái sâu sắc và cái tầm thường, cái vĩ đại và cái bé nhỏ, cái bi thảm và cái hài hước” [28, tr 102] Theo ông, công việc của nhà văn là viết một cách chân thực những gì anh ta cảm thấy chứ không phải là những gì anh ta quan sát thấy từ cuộc sống Có thể dễ dàng nhận ra điều này trong văn xuôi hiện đại khi cốt truyện không chỉ có những hành động bên ngoài, những sự kiện bề nổi, mà còn có những hành động bên trong, những sự kiện tâm lí Thay vì chỉ cố gắng tái hiện những khoảnh khắc, sự kiện của bức tranh đời
Trang 19sống chân thực, văn xuôi hiện đại còn hướng vào nội tâm của con người, thể hiện những trạng thái tình cảm, tâm tưởng sâu kín nhất Mục đích lớn nhất của cốt truyện hiện đại là tạo được ấn tượng sâu đậm trong độc giả và đem lại cho họ những suy ngẫm, liên tưởng về nhiều vấn đề của cuộc sống
Văn xuôi I.Bunin, Pauxtôpxki là ví dụ điển hình cho đặc điểm của cốt truyện hiện đại Cốt truyện của các nhà văn này không cần đến những tình huống cô đặc, những xung đột căng thẳng, mà đơn giản chỉ là những lát cắt, những khoảnh khắc của cảm xúc, tâm trạng Theo Pauxtôpxki, “một cử chỉ, một lời nói, một việc làm tưởng như nhỏ nhất cũng có khả năng chứa đựng bản chất của cả con người” [32, tr 305]
Từ quan niệm mới mẻ về cốt truyện, các nhà văn của chủ nghĩa hiện đại đã thay đổi hoàn toàn cấu trúc quen thuộc của cốt truyện truyền thống Nhà văn không quá dụng công vào việc xây dựng tình huống truyện độc đáo, các biến cố đầy kịch tính Thậm chí mở đầu và kết thúc – thành phần đặc biệt quan trọng đối với văn xuôi truyền thống, cũng không được quan tâm, thậm chí còn dang dở Bạn đọc hiện đại không ngại ngần đón nhận kiểu cốt truyện tâm lí bên cạnh cốt truyện hành động quen thuộc và kiểu văn xuôi đậm đặc chất trữ tình Những cách tân về cốt truyện của chủ nghĩa hiện đại đã in dấu khá rõ nét trong văn xuôi I.Bunin, làm nên màu sắc
lạ cho các tác phẩm của ông
1.2 Cốt truyện đậm chất trữ tình
1.2.1 Cốt truyện tâm lí
Truyện ngắn hiện đại thiên về tính trữ tình, nghĩa là gần với thơ, bạn đọc sẽ cảm nhận được tâm thức và nhân cách nhân vật rõ hơn cả những sự kiện, hành động được kể Yếu tố trữ tình tăng dần, yếu tố tự sự giảm dần trong văn xuôi Bunin phần nào xuất phát từ quan niệm của nhà văn, rằng “viết văn là cố gắng chiêm nghiệm khuôn mặt của thế giới và để lại nơi đó khuôn hình của tâm hồn mình” Vì thế sáng tác của ông là sự kết hợp giữa kể chuyện và diễn tả cảm xúc trữ tình Bunin là nhà văn của phong cách ấn tượng nên truyện ngắn của ông bộc lộ mãnh liệt tính chủ quan, sự suy tư của nhà văn về đời sống – chính là những “dấu ấn tâm hồn mình”
Để phản ánh thế giới và con người thông qua cách nắm bắt những ấn tượng tức thời,
Trang 20vụt thoáng, Bunin cần đến một phong cách kể chuyện tự do, tự sự phi cốt truyện là một lựa chọn
Đọc Bunin, người đọc không khỏi liên tưởng tới lời nhận xét của Pauxtopxki
về cái gọi là chất thơ của văn xuôi, đại ý rằng đó là khả năng nhìn cuộc sống, lúc
nào cũng như mới, như lần đầu tiên được thấy, trong tất cả dáng vẻ tươi nguyên và đầy ý nghĩa của từng hiện tượng cho dù là có vẻ nhỏ nhặt nhất Đó là cái nhìn tinh tường thu nhận được mọi màu sắc, khả năng dùng ngôn ngữ mà vẽ lên sự vật như hiển hiện, không phải phác tả mà chỉ ra, phơi bày được ra hiện thực, hành vi và tâm thế con người Đó là khả năng cảm nhận và truyền đạt chất thơ đậm đà, tản mát quanh ta
Chất thơ trong văn xuôi Bunin nhen lên nhiều nhất và trước hết ở cách xây dựng cốt truyện tâm lí Hầu hết các truyện của nhà văn thường chọn kiểu tình huống gợi mở tâm lí – những tình huống rất khéo để nhân vật bộc lộ cảm xúc như tình huống lựa chọn, tình huống gặp gỡ, tình huống trở về Các nhân vật thường suy nghĩ, hồi tưởng, hầu như không hành động nên để khai thác được thế giới cảm xúc, tâm trạng, nhà văn phải đặt nhân vật vào tình huống có tác dụng gợi mở tâm lí Điều cốt yếu của tình huống này là tạo được một bối cảnh, một không khí, một duyên cớ phù hợp bao quanh nhân vật nhằm khơi gợi mạch nguồn tự sự, để tâm trạng, xúc cảm của nhân vật được bộc lộ
Say nắng là truyện ngắn tiêu biểu cho kiểu cốt truyện tâm lí của Bunin Sự
gặp gỡ tình cờ của viên sĩ quan và người con gái không quen biết ấy chỉ là cái cớ để nhà văn diễn tả lại thế giới đa chiều, phong phú trong tâm hồn con người Say nắng – một “cú đấm của mặt trời vào tim” làm cho con người cảm thấy ngột ngạt, cảm thấy nhịp sống đời thường thật vô vị, thấy lòng mình trống trải, buồn lặng lẽ khi
không có được người mình yêu Mùa thu lạnh, một câu chuyện tình yêu và cuộc đời
của cô gái từ độ thanh xuân tới khi “sắp sửa ra đi” với rất nhiều ngã rẽ, nhưng Bunin không có ý định gây ấn tượng với người đọc bằng những sự kiện cuộc đời
đó Điều còn lại trong lòng nhân vật trữ tình và người đọc “chỉ có mỗi buổi chiều thu lạnh ấy” Một buổi chiều thu khiến người đã ra đi muốn sống mãi để nhớ về nó
Trang 21và người đang sống giữ nó như kỉ vật đẹp nhất trong cuộc đời Câu chuyện cuộc đời cuối cùng là để khẳng định sự bất tử của những phút giây đáng nhớ ấy
Trước Bunin, truyện ngắn vẫn phản ánh tâm lí của con người nhưng chưa từng xuất hiện kiểu cốt truyện tâm lí với dòng tâm trạng dẫn lối Trong cốt truyện tâm lí, nhân vật thường mang một đời sống nội tâm phong phú, chủ yếu xuất hiện với những hành động bên trong, những biến cố từ đời sống nhường chỗ cho những
suy ngẫm, cảm xúc trước các biến cố đó Chính nhân vật “tôi” trong Natali đã tự
nói về mình: “Cuộc đời của tôi bề ngoài đơn điệu trôi qua, nhưng trong thâm tâm, không bao giờ tôi được hưởng lấy một phút yên tĩnh”, “tôi đã quen với cái cảnh sống của một người trong lòng có điều uẩn khúc đau đớn nhưng bề ngoài tôi vẫn sống như mọi người khác” [9, tr 502] Nhân vật không đơn giản như vẻ bề ngoài
mà ta quan sát được, cốt truyện cũng lựa chọn đi theo dòng cảm xúc, tâm lí bên trong của nhân vật – đi vào bề sâu chứ không chờn vờn với những hành động, lời nói bề nổi Những hình ảnh về cuộc sống khách quan dường như cũng được nhà văn làm cho mờ nhòa, không còn sắc cạnh nữa Giống như nghệ thuật điện ảnh hiện đại, chỉ nhân vật chính với dòng chảy cảm xúc hiện lên rõ nét, tất cả cảnh vật bên ngoài đều được làm mờ, trở thành phông nền để tôn lên nhân vật chính
Cao trào của cốt truyện tâm lí là sự phát triển đến đỉnh điểm của cảm xúc, tư tưởng của nhân vật Những cảm xúc trong truyện của Bunin không đến mức đấu tranh, giằng xé, day dứt, phần lớn chỉ là những tâm trạng nhớ, buồn, cô đơn, bâng khuâng – nhẹ nhàng và tinh tế nhưng khi dồn nén, chúng cũng đủ để làm nên cao
trào Trong Nàng Lika, mạch cảm xúc của nhân vật xưng “tôi” và tâm lí của nàng
Lika là những miếng ghép quan trọng trong cốt truyện của chương tiểu thuyết thiện toàn này Những chuyến đi, những lần gặp gỡ rồi chia xa giữa “tôi” và “nàng” sẽ chỉ là những sự lặp lại nhạt nhẽo nếu thiếu đi những gia vị cảm xúc Nàng Lika sẵn sàng đánh đổi tương lai yên ổn với một lái buôn giàu sang để bắt đầu một hành trình dài tới vùng Ucraina, sẵn sàng “từ bỏ bản thân mình” và tin rằng ở người đàn ông mình yêu “được có cái gọi là quyền được có thứ tình cảm và hành vi đặc biệt” [6, tr 254] Những hi vọng: “Ít nữa chúng mình làm lễ cưới anh ạ Em vẫn rất muốn thế
mà sau nữa, có gì đẹp hơn lễ cưới không! Có lẽ rồi chúng mình sẽ có con…”[6, tr
Trang 22253-254] dần tan theo năm tháng Những chuyến đi nhân danh “chất nghệ sĩ”, tìm kiếm những điều mới lạ và niềm say mê của nhân vật “tôi” dần đẩy cảm xúc của Lika lên đến cao trào Ban đầu là sự trách móc: “Anh ngày càng ít để ý đến em hơn! Nhất là khi không phải chỉ có chúng mình bên nhau Em sợ rằng em đã thành cái gì
đó như không khí đối với anh, không thể sống thiếu nó nhưng cũng chẳng để ý tới nó” [6, tr 248]; lớn dần thành nỗi buồn lo cố cất giấu, một chút lòng ghen, đọng thành những giọt nước mắt vì cô đơn: “Anh bỏ em lại một mình còn chưa đủ sao?” Rồi những nỗi lo về hạnh phúc: “tôi không còn mang theo nỗi buồn khát khao hy vọng về tương lai nữa, chỉ còn chìm trong nỗi lo cho hạnh phúc hiện tại…” [6, tr 257] Tất cả những xúc cảm dồn nén và đưa nàng đến quyết định ra đi: “Em không thể tiếp tục chứng kiến cái cảnh anh cứ mỗi ngày một xa em thêm, em không còn đủ sức để tiếp tục chịu đựng những điều xúc phạm mà anh càng ngày càng gây ra nhiều hơn cho tình yêu của em, em không thể giết chết tình yêu ấy trong em, em không thể không hiểu rằng mình đã bị khinh rẻ hoàn toàn, đã bước xuống nấc thang cuối cùng của sự tuyệt vọng…” [6, tr 273] Cao trào của cảm xúc đẩy mạch cốt truyện phát triển, bạn đọc hứng thú với tác phẩm bởi những phát hiện bất ngờ về chiều sâu của tâm hồn nhân vật
Trong cốt truyện tâm lí, tác giả sử dụng các yếu tố tâm lí như kí ức, liên tưởng để mở rộng không gian và thời gian: không gian được mở rộng đến những chốn xa xôi, những miền đất nhân vật đã từng một thời gắn bó; thời gian không dừng lại ở hiện tại mà thường trở về quá khứ hay hướng tới tương lai Thời gian hồi tưởng xuất hiện với tần suất cao trong truyện ngắn của Bunin, thậm chí có nhà nghiên cứu còn gọi Bunin là nhà văn của hoài niệm
Trong truyện của Bunin, các hình ảnh, sự kiện của cuộc sống bên ngoài đều được nhìn nhận qua đôi mắt tâm trạng của nhân vật trữ tình, nhất là trong các truyện được kể từ ngôi thứ nhất, bị chen ngang bởi những liên tưởng, những cảm xúc bột phát Đó lí do tại sao truyện của Bunin giàu chất thơ đến vậy
1.2.2 Tự sự phi cốt truyện
Kiểu truyện phi cốt truyện là dấu hiệu dễ thấy của tự sự hiện đại Với những tác phẩm coi nhẹ cốt truyện hoặc “phi cốt truyện”, bạn đọc chỉ có thể đọc mà không thể kể
Trang 23lại một cách tuần tự Nhà văn cũng xác định rõ ràng rằng không quan trọng là nó kể chuyện gì mà là nó mang lại cho người đọc những cảm xúc, những suy nghĩ gì
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng văn xuôi Bunin là những văn bản nghệ thuật không có cốt truyện, hay chất truyện bị mờ hóa, thậm chí có khuynh hướng hủy diệt cốt truyện Toàn bộ câu chuyện là những suy tư dàn trải, miên man của các nhân vật Câu chuyện rất khó để kể – chỉ cảm được, thậm chí còn rất khó nhớ được các chi tiết, sự kiện trong truyện – chỉ lưu giữ được những tâm trạng mà nhân vật và bản thân người đọc vừa trải nghiệm mà thôi Bởi thế, khi nói về truyện Bunin, nhà nghiên cứu Phạm Gia Lâm gọi đó là những “sườn truyện lỏng lẻo”
Những quả táo Antonov là một truyện ngắn thể hiện rõ nét kiểu truyện phi
cốt truyện của Bunin Đọc tác phẩm bạn đọc nhận thấy sự kết hợp của những tình tiết, những cảm nhận của nhà văn khi nhớ về quê hương mình Đó là những buổi sáng mùa thu trong các khu vườn “khô và thưa lá”, với mùi thơm nhẹ nhàng của táo Antonov, những mùa táo bội thu, những ngày hội rực rỡ, những buổi đi săn trong trang trại quý tộc… Nhìn bề ngoài ta thấy, bốn mảnh ghép dường không có liên hệ
gì với nhau, các chi tiết nhà văn “zoom” cận cảnh cũng không có mối liên quan chặt chẽ mà chỉ đơn thuần là những điểm nhấn ấn tượng theo cảm quan của nhà văn Bạn đọc khó lòng tìm thấy một cốt truyện hoàn chỉnh và xuyên suốt Thế nhưng điều làm nên sự thống nhất lại chính là dòng chảy tâm trạng của nhân vật xưng
“tôi”, của một tâm hồn yêu mến, nuối tiếc về những nét đẹp của quá khứ một đi không trở lại
Say nắng là một truyện như không có chuyện Nếu kể lại câu chuyện, có lẽ
bạn đọc chỉ cần tóm gọn trong vài ba câu ngắn: Nàng thiếu phụ gặp chàng trung úy trên tàu Sau một đêm, nàng bỏ đi, để lại chàng day dứt, nhớ nhung, đau khổ Nhưng rồi chàng cũng nhanh chóng trở về với cuộc sống hiện tại Cốt truyện chỉ bám vào một sự kiện duy nhất là sau một đêm nàng thiếu phụ kiên quyết bỏ đi, sau
đó cốt truyện phát triển không hề chặt chẽ Bạn đọc có thể cắt bớt, có thể thêm vào cốt truyện mà không làm ảnh hưởng tới nội dung của truyện…
Trang 24Natali, được kể từ ngôi thứ nhất, cứ lặp đi lặp lại những cảm xúc tình yêu và
dục vọng của nhân vật xưng “tôi” với Sonia và Natali trong “mùa hè năm ấy” “Mọi việc cứ phẳng lặng trôi qua theo cái thứ tự của một ngày hè”, ngày hôm nay tiếp nối ngày hôm qua, nhân vật ngày càng gắn bó với Sonia hơn, “gắn bó với những cuộc gặp gỡ ngọt ngào, đắm đuối, mệt nhọc về đêm với nàng” nhưng “lại càng đau đớn hơn, say mê hơn mà thầm kín theo dõi Natali, theo dõi từng cử chỉ, từng bước đi của nàng” [9, tr 502] Chàng trai sinh viên, nhân vật trữ tình luôn băn khoăn, luôn phải tự đấu tranh giữa hai tình yêu vụng trộm của mình, chàng tự trách “vì lẽ gì mà ông trời trừng phạt tôi như vậy, vì lẽ gì mà cùng một lúc đem đến cho tôi hai mối tình rất khác nhau và cùng say đắm như nhau – cái đẹp phụng thờ đầy đau đớn với Natali và cái đắm đuối về thể xác với Sonia” [9, tr 502] Mạch truyện không có sự xáo trộn về trật tự thời gian quá khứ, được ngắt thành 7 mảnh đoạn nhưng gần như không có những sự kiện lớn và cốt truyện đều đều, mờ nhạt Ngay cả những biến cố mấu chốt như Natali chứng kiến mối tình vụng trộm của nhân vật “tôi” và Sonia, cái chết của chồng Natali hay khi nhân vật “tôi” trở lại với mối tình “đến khi chết” của mình,… cũng không làm cho cốt truyện trở nên sắc cạnh Dường như cảm xúc đã làm mờ đi những điều rõ ràng, khiến cốt truyện cũng trở nên bình lặng
Khi đọc những câu chuyện gần như không có cốt truyện này, bạn đọc cũng dần thay đổi cách tiếp nhận Thay vì phải cố gắng khám phá sự kì công mà nhà văn dành cho đứa con tinh thần của mình trong việc xây dựng biến cố, sự kiện, tình huống, kết cấu, bạn đọc đến với tác phẩm một cách tự nhiên nhất – độc giả được hòa nhịp vào dòng tâm trạng của nhân vật và người cầm bút Đọc trở thành hành trình khám phá tâm hồn và cả tài năng ngôn ngữ đặc biệt của nhà văn
1.3 Thay đổi cấu trúc cốt truyện
1.3.1 Thiếu vắng biến cố, giảm nhẹ kịch tính
Nhà tự sự học Tamachenko xác định ba thành phần của cốt truyện là tình huống, biến cố và xung đột Trong đó, biến cố có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi nó chuẩn bị cho sự bùng nổ của xung đột Biến cố được phân biệt với sự việc ở ba tiêu chí, đó là “tính hữu hạn (sự việc xảy ra có đầu, cuối, trọn vẹn), tính đơn nhất (xảy ra
Trang 25một lần), và quan trọng nhất là ý thức chủ quan của chủ thể tiếp nhận nó” [28, tr 58] Khi sử dụng ba tiêu chí này để xác định biến cố trong truyện Bunin, bạn đọc có thể khẳng định rằng văn xuôi Bunin thường thiếu vắng các biến cố Kể cả trong những câu chuyện sự việc có khả năng trở thành biến cố, Bunin vẫn cố ý lảng tránh
để nó chỉ dừng lại là sự việc đơn thuần
Xây dựng cốt truyện thiếu vắng biến cố, giảm nhẹ kịch tính là một thủ pháp góp phần tạo nên chất trữ tình đặc trưng trong văn xuôi I.Bunin Nhà văn không dành đất cho những nút thắt đột ngột và mâu thuẫn đối kháng nảy lửa giữa các tuyến nhân vật, thay vào đó, Bunin chỉ đưa vào trang viết những gì quen thuộc của cuộc sống, hướng ngòi bút về phía các nhân vật mà nhà văn tình cờ kết nối trong một cảm nhận chủ quan Mỗi truyện đơn giản chỉ là sự truyền đạt lại những cảm nhận tinh tế và đầy chủ quan của tâm hồn con người Sức hấp dẫn của văn xuôi Bunin không nằm ở các biến cố, cao trào mà cuốn hút bởi những cảm nhận tinh tế
và đầy chủ quan của ấy
Trong Mùa thu lạnh bạn đọc khó tìm được một sự kiện nào thực sự là sự
kiện – nghĩa là đem đến bước ngoặt trong cuộc đời nhân vật Từ khi thanh xuân cho tới khi sắp sửa ra đi, nhân vật “tôi” đã trải qua bao nhiêu sóng gió, rất nhiều sự việc trong đời có tiềm năng trở thành sự kiện như sự hi sinh của người yêu ở Galixia, cuộc hôn nhân với một người lính đã đứng tuổi có tâm hồn tuyệt vời, cái chết của người chồng,… Nhưng thời gian văn bản dành cho những sự việc này không đủ dài, tất cả lướt qua như một thước phim tua vội Toàn văn bản chỉ vỏn vẹn gần 7 trang, nhà văn dành tới hơn 4 trang để viết về cuộc chia tay của gia đình và nhân vật “tôi” với người cô yêu trước khi ra chiến trường Toàn bộ thời gian ba mươi năm sau khi nghe tin về sự hi sinh của người yêu được kể lại trong phần dung lượng ngắn ngủi còn lại Những sự kiện trong đời nhân vật “tôi” được kể lại rất nhanh, chỉ có phần kết quả mà không có cái gốc, cái nguyên cớ dẫn dắt Phải chăng đó cũng là một dụng ý của nhà văn Ba mươi năm qua nhân vật “tôi” vẫn sống, vẫn chịu đựng được cái chết của người yêu thuở thanh xuân nhưng dường như cuộc sống ấy rất hời hợt,
“những gì còn lại chỉ là một giấc mơ thừa.” Giấc mơ thật sự đã chôn vùi trong buổi
Trang 26chiều thu lạnh ấy – “đó là tất cả những gì có trong cuộc đời tôi” [9, tr 571] Nhân vật tôi vẫn lưu giữ nguyên vẹn những lời nói của anh và những xúc cảm tinh khôi của chiều thu lạnh ấy: “Và tôi tin, một niềm tin cháy bỏng, rằng ở một nơi nào đó, anh vẫn đang đợi tôi, với tất cả tình yêu và tuổi trẻ thuở nào, như trong chiều thu lạnh lẽo ngày xưa “Em hãy sống và sống thật vui trên thế gian này, rồi sau đó hãy đến với anh…” Tôi đã sống, đã từng sung sướng và bây giờ tôi sắp sửa ra đi” [9, tr 571] Mùa thu lạnh đã trở thành thứ báu vật thiêng liêng trong tâm hồn nhân vật, họ đến với cái chết cũng êm dịu và nhẹ nhàng như mùa thu ấy – chết là trở về với những điều đẹp nhất đã qua Như vậy, nếu có sự tham gia của những biến cố mang tính bước ngoặt trong cốt truyện, chắc hẳn buổi chiều thu ấy cũng mất đi phần tinh
tế và thanh khiết Bunin đã khéo léo tháo bỏ những nút thắt, những mâu thuẫn, để những cảm xúc chủ quan và cảm nhận tinh tế đi vào lòng người như vậy đó!
Trong các câu chuyện tình yêu, cốt truyện chỉ là một chuỗi tập hợp các tình tiết với sự tương tác tinh vi và phát triển nhẹ nhàng Đôi khi nhà văn để nhân vật trước những tình huống lựa chọn – những tưởng điều đó đem lại những bước ngoặt lớn cho cốt truyện nhưng dường như sau mỗi lựa chọn, cuộc sống lại trở về nếp cũ của quá khứ Những gặp gỡ, những phút giây nông nổi của tình yêu chỉ là những khoảnh khắc chợt lóe sáng rồi vụt tắt, trả con người về với những gì họ vốn thuộc về
Say nắng mở đầu bằng một tình huống đã được định trước: Người thiếu phụ
vô danh gặp chàng trung úy cách đây ba tiếng Cả hai đã như cảm mến nhau, họ cùng xuống một bến tàu và vào một khách sạn Đáng lẽ những phút giây “cả hai cùng nghẹt thở và đắm say đến cực độ trong một cái hôn tới mức mà nhiều năm sau
họ còn nhớ mãi” [7, tr 205] của cả hai con người “chưa hề được hưởng một giây phút như thế bao giờ” có thể là một bước ngoặt trong cuộc đời hai người, đáng trở thành sự kiện đẩy đưa số phận hai người đi theo một hướng khác nhưng điều đó không xảy ra trong truyện Bunin Sau một đêm “người thiếu phụ vô danh nhỏ nhắn nhất định không chịu xưng tên và tự gọi đùa mình là một người đẹp không quen biết” [7, tr 208] ấy đã ra đi sau khi đã suy xét trở lại “Nếu chúng ta cùng đi, mọi chuyện sẽ hỏng mất Em sẽ đâm ra rất khó xử mất thôi Em lấy danh dự nói với anh
Trang 27rằng em hoàn toàn không phải là con người mà anh có thể nghĩ về em Cái điều thậm chí giống với việc vừa mới xảy ra, đối với em chưa hề có và sẽ không bao giờ
có nữa cả… cả hai chúng ta đều đã bị một cái gì giống như say nắng ấy…” [7, tr 206] Người thiếu phụ đã ra đi và chàng trung úy thì dễ dàng thể theo lời nàng, với tâm tình nhẹ nhõm và sung sướng, vô tư lự Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đã kết thúc, cốt truyện vẫn tiếp tục kéo dài thêm nhưng đều đều, không thắt nút, mở nút, không có thêm bất cứ sự kiện nào đủ lớn để đem đến sự thay đổi cho cuộc đời của nhân vật chính Không có những hành trình rượt đuổi, tìm kiếm hạnh phúc đích thực, chàng trai chỉ ở lại và nhấm nháp nỗi dằn vặt, bức bối không lối thoát của riêng mình Cuối cùng chàng cũng trở về con tàu mà chàng đã từng rời đi, bắt đầu lại cuộc sống như chưa hề có cơn “say nắng” vừa qua
Trong Ruxia, nàng Ruxia đến với tình yêu một cách rất trong sáng và tự
nhiên Nàng rất mạnh mẽ và chủ động trong tình yêu: Nàng chủ động đề nghị chàng hôm nào đi bơi thuyền chơi trên hồ, dám chủ động hỏi “anh có yêu em không?” và thật thà thú nhận: “Cả em cũng thế Mà không đâu, mới đầu em ghét anh đấy, em ngỡ là anh chẳng chú ý gì đến em cả” [7, tr 246] Nàng lại chính là người rủ rê:
“Tối nay, lúc mọi người đi ngủ cả, anh lại đến đấy chờ em ra nhé!” Ngay trước khi
bị đẩy đưa vào tình huống lựa chọn, nàng vẫn say mê trong tình yêu với chàng gia sư: “em cứ yêu anh đến nỗi đối với em không có gì đáng yêu hơn nữa cả” [7, tr 248] Nhưng khi phải “chọn lấy một đường”, hoặc theo mẹ hoặc theo người yêu, nàng chỉ còn biết thều thào: “Con theo mẹ, theo mẹ, mẹ ơi…”[7, tr 250] Cuối cùng, nàng chọn người mẹ điên thay vì tình yêu nồng cháy của mình Như trong rất nhiều câu chuyện tình yêu khác, tình yêu không chiến thắng được những bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm của con người Các nhân vật đều lựa chọn sự chia lìa, rũ bỏ khát vọng của đời sống tâm hồn, với chiều sâu bản thể để trở lại với con người xã hội mờ nhạt và những lo toan thường ngày Bunin không miêu tả những suy nghĩ, những đấu tranh giằng xé khi nhân vật đứng trước những lựa chọn mà chỉ đưa ra kết quả – thêm một lần nhà văn từ chối những biến cố mạnh trong tâm hồn nhân vật, để mạch truyện phát triển nhẹ nhàng và bình lặng
Trang 28Nếu để ý bạn đọc sẽ thấy cũng có nhiều truyện có không ít các biến cố, sự kiện nhưng Bunin vẫn cố gắng giảm nhẹ vai trò của biến cố đối với sự vận động chung của cốt truyện, làm cho biến cố trở thành không biến cố Ông thường bỏ qua hoặc miêu tả thoáng qua các sự kiện quan trọng trong cuộc đời nhân vật, những tình tiết bi kịch cũng trở thành những chi tiết bình thường Nhiều khi sự kiện bi kịch được kể với ngữ điệu khách quan, trung tính, chi tiết ở mức tối thiểu và không kèm theo biểu hiện cảm xúc nào rõ rệt Với Bunin, những điều bất ngờ đến trong cuộc sống cũng là lẽ dĩ nhiên Điều này lí giải tại sao truyện Bunin thường có xu hướng lắp ghép ngẫu nhiên – thể hiện cảm quan của một nhà văn theo chủ nghĩa hiện đại: cuộc sống như một trò chơi, cuộc đời là dãy nối tiếp của những ngẫu nhiên
Trong những truyện ngắn như Cuộc đời tươi đẹp, mạch truyện chạy dọc theo
cuộc đời của nhân vật trung tâm, có lẽ đó là cơ hội để xuất hiện những biến cố lớn
Nội dung, cốt truyện, giọng điệu cho tới hình tượng nhân vật trong Cuộc đời tươi
đẹp đều có những nét khác biệt so với những truyện ngắn khác của Bunin Cuộc đời
Naxtia có rất nhiều thăng trầm: bố bị đi đày, mất đi cả ruộng bắp cải sắp đến mùa thu hoạch; lấy con của một người quen của bố đã luống tuổi, rượu chè, tính tình nóng nảy, sống cuộc sống nghèo rớt suốt 9 năm trời, cuối cùng ông ta chết, những đứa con cũng chết dần, chỉ còn lại thằng Vania; đi làm người rửa sàn nhà cho ông năm nhà binh Nikulin, được lòng ông chủ nhưng sau đó bị bà chủ đuổi đi; đi làm hầu buồng cho nhà buôn Xamokhvalov được 7 năm tròn và kiếm được khoản tiền kha khá; mở một quán rượu, buôn bán phát tài nên mở thêm một cửa hàng tạp hóa nữa; thằng Vania ngày càng tàn phá gia sản, con người ngày càng xơ xác, nát rượu; kết hôn với ông Lagutin, đều đạt được sở nguyện và sống cuộc đời sung túc Tất cả những biến cố trong đời đều được kể từ ngôi thứ nhất của người trong cuộc nên mang đậm dấu ấn chủ quan Thêm nữa, nhân vật đang đứng ở đoạn kết tươi đẹp của cuộc đời để kể về những khó khăn cay cực nên các biến cố cũng không còn đem lại những tác động trực tiếp trong cảm nhận của người đọc Những biến cố, thăng trầm
đã qua cũng chỉ là những lẽ thường tình của cuộc đời Nhan đề câu chuyện là Cuộc
Trang 29đời tươi đẹp nhưng lại là liên tiếp những đau đớn, thiếu thốn – phải chăng sau rất
nhiều những đau khổ, cuộc sống tươi đẹp sẽ đến
Nhân vật xưng “tôi” đôi khi tự đánh giá mình nhưng không nhiều, bạn đọc cảm nhận về tâm hồn của nhân vật chủ yếu qua ngôn ngữ, hành động, tâm trạng của cô trước những biến cố của cuộc đời Giọng điệu của nhân vật rất khách quan, gần như vô cảm Naxtia sắc lạnh khi nhắc đến tiền: “Mình sẽ lại phải ra tay một lần nữa, dù có chết chăng nữa thì cũng sẽ cố đạt được chí nguyện của mình, sẽ có vốn liếng riêng của mình” [7, tr 57], “Người ta trả tiền công cho tôi được hai rúp hai mươi nhăm kôpêch”, “tôi cầm lấy tiền và tôi ngồi Và chỉ bằng cách đó tôi đã kiếm được gần năm chục rúp”, “giá cậu ấy đưa cho mình số tiền đó thì hay biết bao! Dù sao chăng nữa thì cậu ấy cần gì đến số tiền
ấy, cậu ấy chết đến nơi rồi, còn tôi thì có thể ăn được cả đời”,… [7, tr 63] Naxtia kể về những cái chết đôi khi cũng bằng giọng lạnh lùng, bàng quan, không chút cảm xúc: “Ờ may mà trời cũng còn thương tôi, đem ông ấy đi Con riêng của ông ấy thì chết ráo”, “cái thằng bé ấy cũng chết nốt, lúc còn chưa đầy năm”, “Chưa đầy hai tiếng đồng hồ thì thằng
bé chết mất”, “còn cậu ta thì quả nhiên chẳng bao lâu đã treo cổ tự tử thật”, “đã hai mươi năm mà chẳng thấy tăm hơi nó đâu Cũng có thể là nó đã chết từ lâu mà tôi chẳng biết”,… [7, tr 75-85] Nhận ra giọng điệu đó trên bề nổi thì dễ, nhưng cảm nhận được những điều sâu kín trong lòng người phụ nữ này lại là điều không dễ Naxtia vẫn là một người mẹ đầy yêu thương và đau khổ: “còn tôi, tuy vốn không phải là người mau nước mắt mà đã phải tuôn trào nước mắt Ngày hôm trước khóc, ngày hôm sau khóc, cứ nghĩ làm sao nó có thể nói với mình những lời lẽ như vậy, thế là lại không cầm được nước mắt”, “Tôi nhìn, nhìn mãi, nghe ngóng rồi đi ra Và một nỗi buồn khôn tả xâm chiếm lòng tôi! Tôi cố ăn cho xong bữa chiều, dọn dẹp bàn ăn, tắt đèn… Tôi không sao ngủ được và cứ mãi như thế, nằm mà toàn thân rung lên”, “Thế nhưng đôi lúc tôi cũng thấy nhức nhối trong tim (…) cũng lại có lúc tôi buồn nhớ đến thằng Vania” [7, tr 80-86] Hóa ra những vô cảm, sắc lạnh trong lời kể của nhân vật “tôi” chỉ để cố giấu đi sự chua chát trong lòng người phụ nữ quá đỗi khốn khổ này Chính cuộc đời đã đẩy người phụ
nữ ấy đến chỗ lạnh lùng, chỉ biết tính đếm từng đồng, tìm mọi cách để có cuộc sống yên
ổn, đủ đầy như mình mong muốn, vì quá khiếp sợ sự nghèo khổ, vì quyết tâm có được
Trang 30vốn liếng riêng của mình Việc khắc họa nỗi đau khổ đến cùng cực của một người mẹ đã
khiến Cuộc đời tươi đẹp trở thành một trong số những truyện ngắn có sức tố cáo mạnh
nhất của Bunin
Cốt truyện của Bunin đã có những dấu hiệu rõ rệt của việc phá vỡ cấu trúc quen thuộc của cốt truyện truyền thống: các sự kiện kịch tính không còn giữ vị trí trung tâm, chỉ được xem như những chi tiết nhất thời, ngẫu nhiên; những điều bình thường đã trở nên quen thuộc, lặp đi lặp lại lại trở thành nội dung cơ bản của cốt truyện Sự chuyển dịch của trọng tâm điểm nhìn, sự đảo ngược vai trò của cái trung tâm và cái ngoại vi tạo điều kiện cho cốt truyện vận động theo chiều sâu nội tâm và cảm xúc
Hơi thở nhẹ được viết trong sự song chiếu rõ rệt giữa thời gian quá khứ và
thời gian hiện tại Mở đầu câu chuyện là hình ảnh của hiện tại: ngôi mộ của Olya như báo trước kết cục bi thảm của cuộc đời cô và kết thúc bằng hơi thở nhẹ lan đi trong thế gian, hòa cùng làn gió xuân giá lạnh Cách mở đầu và kết thúc này, theo Vygotsky là cách để giảm bớt căng thẳng cho câu chuyện Cái chết không còn là bi kịch cuối cùng, mọi sự vẩn đục, mọi bi kịch dường như đều tiêu tan, chỉ còn lại cảm giác lâng lâng, dịu nhẹ và cảm giác của sự giải thoát Lời thú nhận về mối quan hệ với Maliutin, sự kiện Olia bị bắn đầy bi kịch nhưng chỉ được nhắc đến thoáng qua, với thời gian văn bản rất ngắn, chỉ khoảng 1 câu đến 5 dòng Trong căn phòng ấm cúng, sau những lời cảnh cáo về đôi giày đắt tiền và kiểu chải tóc, Olia đã thú nhận
về sự sa ngã của mình với vẻ “giản dị và bình tĩnh”, “lễ phép”: “Em đã là phụ nữ rồi chứ ạ Còn người có lỗi trong chuyện này – bà có biết là ai không? Là người bạn và người hàng xóm của bố em, lại là em trai của bà tên gọi Alexei Mikhailovich Maliutin đấy ạ! Chuyện ấy đã xảy ra vụ hè năm ngoái ở quê nhà…” [7, tr 195] Lời thú nhận đơn giản chỉ có thế, không kèm theo cảm xúc chỉ trích của người nói, chỉ giống như một lời thông báo đầy khách quan Cuộc trò chuyện cũng kết thúc tại đó, Bunin dùng dấu ba chấm để bỏ lửng cuộc cuộc đối thoại – một cách để trốn tránh những căng thẳng, những xúc cảm đột ngột và bàng hoàng Vì thế, sự kiện nhanh chóng thoảng qua như một cơn gió và trở thành sự việc hết sức bình thường Cái
Trang 31chết của Olia được tác giả miêu tả chỉ trong một câu: “Thế rồi, một tháng sau cuộc nói chuyện này, một sĩ quan Kazak xấu trai, có vẻ hạ lưu, hoàn toàn không có chút
gì dính líu đến cái giới xã hội của Olia Meserskaia, đã bắn gục cô trên sân ga xe lửa, giữa một đám rất đông người vừa xuống tàu” [7, tr 196] Chi tiết “bắn gục” chìm nghỉm giữa một câu văn dài chứa đựng rất nhiều thông tin: lai lịch, ngoại hình, vị trí
xã hội của viên sĩ quan, bối cảnh xung quanh ga tàu – nơi xảy ra vụ án Với các nhà văn truyền thống, đáng lẽ sự kiện này sẽ được tận dụng triệt để để đem lại những bước ngoặt trong sự vận động của cốt truyện nhưng chúng lại như bị chìm khuất giữa những rất nhiều thông tin bên lề Chi tiết “bắn gục”, theo Vygotsky, bị “mất hút ở đâu đó trên sườn dốc giữa đoạn miêu tả dài dòng và bình thản về viên sĩ quan Kazak với việc miêu tả cái sân ga và một đám đông hành khách của chuyến tàu vừa tới” [40, tr 160] Cộng thêm việc miêu tả sự kiện qua một khoảng thời gian giãn cách thay vì miêu tả trực tiếp, tính chất kịch tính và bi thảm của sự kiện đã được giảm nhẹ, nhường chỗ cho sức sống của hơi thở nhẹ lan tỏa
Bên cạnh những sự kiện bi kịch bị mờ hòa, những sự kiện không tạo nên bước ngoặt số phận nhân vật lại được đề cập khá tỉ mỉ với thời gian văn bản khá dài: câu chuyện về hơi thở nhẹ, câu chuyện về bà hiệu trưởng, những cuộc đi dạo ra nghĩa trang của bà giáo chủ nhiệm Cách tổ chức thời gian xen kẽ quá khứ – hiện tại, đan xen sự kiện bi kịch bên cạnh sự kiện thông thường khiến cho nhịp bi kịch của câu chuyện giảm dần và gần như bị xóa nhòa Nhịp bi kịch dần nhường chỗ cho nhịp của khát vọng giải thoát, chiến thắng cái chết để giữ mãi hơi thở nhẹ của tuổi xuân và sức sống
Bạn đọc dễ dàng nhận thấy thời gian khoảnh khắc là lựa chọn quen thuộc của Bunin Nhà văn không khai thác vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống, con người trong một tiến trình vận động mà thường chú trọng vào một khoảnh khắc… Chính kiểu thời gian khoảnh khắc này kết hợp với những ấn tượng cảm xúc, tâm trạng cũng là một yếu tố khiến cho cốt truyện của Bunin không còn sắc nhọn, giàu kịch tính như cốt truyện thông thường
Trang 32Truyện của Bunin thường xoáy sâu vào những thời khắc đặc biệt, hiếm hoi trong cuộc đời con người như sự bừng cháy của tình yêu, nỗi bất hạnh, tai nạn, cái chết
Và tại thời điểm đó, ý thức trong nhân vật diễn ra sự bùng nổ, phá bỏ những thói quen của cuộc sống thường nhật Ở nhân vật xuất hiện nhãn lực “thứ hai”, đủ để cảm nhận toàn bộ những hình sắc của thế giới, “tham dự hoàn toàn” vào đó và thực hiện thiên chức con người của mình Đó là khoảnh khắc hai con người xa lạ gặp nhau trong nhà
ga đông nghẹt vào một buổi chiều “rực rỡ đập vào mắt chói chang” rồi để lại trong
nhau những kỉ niệm như trong Một chuyện tình nho nhỏ: “Đối với anh, đó chỉ là một
cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên, một chuyện tình nho nhỏ, không hơn Nhưng không sao: xin thề với anh rằng nếu trong đời em đã yêu ai đấy, thì người đó chính là anh…” (Một chuyện tình nho nhỏ) Một lần tình cờ gặp gỡ nhưng trái tim người con gái đã rung động và yêu thật lòng Đó là khoảnh khắc tình yêu bừng trỗi dậy chỉ sau ba giờ gặp gỡ
Họ đã được gặp con người mà họ không nghĩ rằng có tồn tại trong đời, đã bị một cơn
“say nắng” Họ đã trải qua những xúc cảm mà chưa từng được nếm trải, họ phát hiện ra phần khuyết thiếu trong con người mình Nhưng khoảng thời gian đó cũng rất chóng vánh, họ đã phá bỏ những ranh giới họ đã tự tạo ra, bước vào một thế giới khác và rồi lại bước ra khỏi đó rất nhanh – chút ít khoảnh khắc ấy nằm trong dòng chảy chung của cốt truyện, chỉ như một viên sỏi nhỏ ném xuống mặt hồ phẳng lặng – cốt truyện xao động đôi chút rồi lại trở về với cái bình lặng của cốt truyện giảm nhẹ biến cố và kịch tính quen thuộc của Bunin
1.3.2 Kĩ thuật liên kết các tình tiết
Đi tìm một mạch truyện logic trong văn xuôi I.Bunin dường như là một nỗ lực vô ích nhất Các chi tiết cứ chất chồng, lớp này nối tiếp lớp khác và chỉ tuân theo một thứ logic duy nhất – đó là logic của cảm xúc và của dòng kí ức Chính cách dụng công sắp xếp các chi tiết của nhà văn đã tạo ra những kiểu kết cấu quen thuộc trong sáng tác của Bunin như kết cấu ghép mảnh, kết cấu hồi cố hay kết cấu cảnh – tình tương ứng Nhưng có lẽ kết cấu ghép mảnh thể hiện rõ nhất dấu ấn của chủ nghĩa ấn tượng trong sáng tác của Bunin
Trang 33Trong các truyện có kết cấu ghép mảnh, các chi tiết trong truyện thường không tuân theo một quy tắc lựa chọn đơn thuần nào, bạn đọc dễ dàng có cảm giác mạch truyện như rời rạc, đứt gãy Nhà văn đã khéo léo sử dụng kĩ thuật montage để làm nên một cốt truyện thống nhất ngầm từ những chi tiết đứt gãy
Kĩ thuật montage (ghép cảnh, ráp nối) là thuật ngữ dùng trong điện ảnh, chỉ
sự ráp nối các cảnh nhỏ thành một đoạn phim hoàn chỉnh Đây chính là kĩ thuật phổ
biến để Bunin kiến tạo nên nhiều tác phẩm như Những quả táo Antonov, Cỏ gày,
Chiếc cốc đời, Natali, Hơi thở nhẹ, và cả Nàng Lika… Kĩ thuật ghép cảnh có thể dễ
dàng nhận diện như trong các tác phẩm được chia đoạn, đánh số Những quả táo
Antonov, Cỏ gày, Chiếc cốc đời, Natali, Nàng Lika, nhưng cũng có khi đó là những
mảnh ghép ngầm như trong Hơi thở nhẹ, Ida,…
Hồi ức, hoài niệm là kiểu thời gian quen thuộc trong sáng tác của Bunin Nhân vật không được tái hiện trong hiện tại mà được đẩy về quá khứ, chập chờn trong những hoài niệm chợt nhớ chợt quên, với những ấn tượng rời rạc của “nhớ lại” “hồi tưởng lại” Vì thế, dấu ấn của sự đứt gãy và kĩ thuật lắp ghép càng rõ nét hơn
Toàn bộ câu chuyện Những quả táo Antonov là những dòng hồi tưởng miên
man, đứt nối của nhân vật “tôi” về những tháng năm đẹp đẽ trong quá khứ Gần 30 trang truyện được chia thành bốn chương – là bốn bức tranh riêng biệt, bốn mảnh ghép trong bức tranh về làng quê, những khu vườn đã lùi xa trong kí ức Mảnh ghép thứ nhất là hình ảnh khu vườn vào mùa thu xa xưa, yên bình và trù phú: “những khu vườn đã khô và thưa lá, toàn bộ màu vàng óng”, “những lối đi giữa hai hàng cây phong, mùi thơm nhẹ nhàng của lá rụng và cả mùi táo Antonov, mùi mật ong và mùi của tiết thu tươi mát”, “đâu đâu cũng thơm phức mùi táo”, “mùi lúa thơm ngát tỏa ra từ những đống rơm mới và những đống thóc lép trên sân phơi”,… [7, tr 11] Trong mảnh ghép lớn này còn được ráp lại từ những mảnh ghép nhỏ hơn như cảnh ban mai trong những khu vườn xanh tốt, buổi chiều nơi những cánh đồng lúa tỏa hương thơm ngát, cảnh làng xóm yên bình lúc về đêm, cảnh thu hoạch táo và những chuyến xe chở táo trong đêm Người kể chuyện không khỏi suy tư về cuộc sống:
“Sao lạnh và nhiều sương đến thế, sống trên đời sung sướng biết bao” [7, tr 16]
Trang 34Mảnh ghép thứ hai là một kí ức khác về một mùa thu được mùa táo Antonov “táo Antonov mẩy, cả thảy đều vui” Hình ảnh con người và cuộc sóng trong năm được mùa: những ngôi nhà, những điền trang, những ngày hội lớn của các thánh,… Cuộc sống thật yên tĩnh và tươm tất Hình ảnh bầu trời được trở đi trở lại: “bầu trời nhẹ nhõm và sao nó bao la, sâu thẳm đến thế”, “khách sẽ cảm thấy ấm cúng xiết bao trong cái tổ ấm dưới bầu trời thu xanh ngắt ấy” [7, tr 17] Hương táo cũng vương vấn trong không gian: “bước chân vào nhà, trước hết là nghe có mùi táo, rồi sau đó mới đến các mùi vị khác…” [7, tr 23] Mảnh ghép thứ ba tập trung hơn vào những thú vui của các nhà quý tộc, địa chủ: thú đi săn, đọc sách cổ “Cảnh trong vườn trở nên hoang vắng và đìu hiu, rồi mưa lại bắt đầu rơi… mới đầu còn nhẹ nhàng, thận trọng, về sau mỗi lúc một dày và cuối cùng biến thành những trận mưa to kèm theo gió táp và bóng tối mờ mịt” [7, tr 27] Cái tươi sáng và ấm áp của mùa thu trong hai mảnh ghép trước dần không còn nữa, chỉ còn “khu vườn sẽ hiện ra đen đủi trên nền trời xanh lạnh lẽo và sẽ tạm sưởi mình trong ánh nắng mà ngoan ngoãn chờ đợi mùa đông” Mảnh ghép thứ tư là toàn bộ bức tranh thôn quê độ cuối thu đầu đông, những suy nghĩ tản mạn của nhân vật trữ tình Đã xuất hiện “những người có ít đất đai, nghèo đến cùng cực”, “trong trang trại của các điền chủ nay đã không còn mùi thơm của táo Antonov nữa rồi” [7, tr 36]
Bức tranh khung cảnh làng quên Nga như một bức hình khổng lồ được nhà văn tỉ mẩn nhặt từng mảnh ghép nhỏ và ghép lại với nhau Những mảnh ghép chỉ là những ấn tượng thoáng qua và rời rạc về quá khứ vụn vặt tưởng như không có một sợi dây chung nào nhưng vẫn nằm trong một âm hưởng chung là hương thơm phảng phất của táo Antonov Cao hơn thế, mạch ngầm của truyện chính là sự gắn bó máu thịt, sự hòa nhập tâm hồn của người kể chuyện với miền quê Vyselki của mình, là niềm nuối tiếc và nỗi buồn man mác của người kể chuyện về một quá khứ đẹp đẽ đã qua Nhân vật xưng “tôi” vẫn nhớ như in quá khứ vụn vỡ đó, nâng niu và níu giữ nó trong cái nhìn ngưỡng vọng và buồn xa xăm
Nàng Lika là tác phẩm thể hiện rõ nét kết cấu lỏng lẻo do sự chi phối của kí
ức và dòng hồi tưởng Chuỗi hình ảnh được nhìn từ con mắt bên trong của nhân vật
Trang 35nên chỉ tuân theo quy luật cảm xúc và dòng ý thức của nhân vật mà thôi Kết cấu càng đặc biệt lỏng lẻo khi nó gắn với những chuyến đi bất định của nhân vật xưng
“tôi” Không gian và thời gian trong truyện liên tục bị xáo trộn và không hề có sự liên kết giữa 31 mảnh ghép Gần như miếng ghép nào cũng bắt đầu bằng thời gian:
“Những ngày lang bạt đầu tiên vào mùa xuân năm ấy” (Cảnh I), “Từ Orion ra đi, tôi
ấp ủ một ước mơ” (Cảnh II), “Đến tháng mười một, tôi trở về nhà” (Cảnh VI), “Sau
đó chúng tôi xa nhau rất lâu” (Cảnh X), “Một lần vào tháng tám, trước khi trời tối, tôi đi đến làng để gặp mấy người…” (Cảnh XXVII), “Mùa xuân năm sau tôi mới được tin” (Cảnh XXXI) Dòng liên tưởng chặt đứt mối liên kết không chỉ giữa các cảnh mà còn ngay trong một cảnh Trong cảnh VIII, nhân vật “tôi” có cuộc sống đã yên ổn hơn ở Orion nhưng không có nghĩa là cái nhìn, dòng suy tưởng trở nên ổn định Một mặt nhân vật “tôi” “cảm thấy vui thú”, thấy “mừng vì cuộc sống của tôi
đã đi vào nền nếp, tôi yên tâm vì đời tôi trước đây vốn vô nghĩa thì nay đã phần nào
có nghĩa vụ rõ ràng” [6, tr 175] Nhưng rồi chẳng được bao lâu, trong đầu nhân vật
“tôi” lại thoáng tự hỏi “có đúng là mình mơ ước một cuộc đời như vậy không?”,
“Vậy thì cái gì sẽ đến sắp tới” [6, tr 175] Cuộc sống hoàn toàn không được đánh giá bằng lí trí mà chỉ là “cảm thấy”, “cảm giác”: “Tôi bắt đầu cảm thấy rằng không phải tất cả đều xuôi xẻ, êm thấm trong sự gần gũi của chúng tôi, trong sự hòa hợp những cảm xúc suy nghĩ, ý thích của chúng tôi, trong tình yêu của nàng đối với tôi
“Sự xung khắc cố hữu giữa ước mơ và hiện thực”, cái cảm giác thường trực không thỏa mãn về sự hoàn thiện, đầy đặn của tình yêu giày vò tôi suốt mùa đông ấy” [6,
tr 175] Nguồn cơn của nỗi dằn vặt của nhân vật “tôi” đến từ những buổi vũ hội hay những lần làm khách, những chốn đông người Nhân vật tôi không ưa nàng khi nàng nổi bật và khi mọi người đều yêu thích mình, ngược lại nhân vật “tôi” lại yêu những lúc nàng sống “giản dị, lặng lẽ, khiêm nhường, yếu đuối” Những suy nghĩ
về tâm thế muốn làm chủ, muốn nắm quyền kiểm soát trong tình yêu chợt bị cắt ngang bởi cuộc đối thoại bằng thơ và bình thơ giữa “tôi” và “nàng”, bởi những câu chuyện về thời thơ ấu nghèo túng được kể chi tiết mong được đồng cảm, những suy nghĩ khắt khe về nghệ thuật sân khấu, những lời thú nhận thù ghét tất cả của nhân
Trang 36vật “tôi” Tất cả đều toát lên sự thiếu đồng cảm, không thể nhượng bộ, chẳng thể hiểu nhau Điều đó càng khiến cho nhân vật “tôi” khao khát được chia sẻ, mong muốn “nàng trở thành người cùng chung cảm xúc và suy nghĩ của mình” [6, tr 183] Dường như những logic thông thường bị thay thế bởi logic mang đậm màu sắc ấn tượng của nhân vật
Dẫu vậy, bên dưới vẻ ngoài không có sự liên kết ấy, Nàng Lika vẫn tồn tại
“mạch ngầm” xuyên suốt toàn bộ câu chuyện là những thăng trầm của tình yêu giữa hai nhân vật và sự hòa trộn giữa ý thức và tồn tại của người kể chuyện
Hơi thở nhẹ cũng được tổ chức từ nhiều điểm đứt gãy, nhảy vọt và xóa bỏ hoàn
toàn những dấu hiệu hình thức của kĩ thuật montage Truyện là sự đan xen giữa thời
gian hiện tại và quá khứ: Hiện tại, những dòng miêu tả về ngôi mộ của Olya – quá khứ,
cuộc sống của Olya khi còn là cô nữ sinh trung học – hiện tại rất gần là cái chết của Olya – quá khứ, câu chuyện sa ngã của Olya – hiện tại, bà giáo chủ nhiệm trên đường tới thăm mộ của Olya – quá khứ, những dòng lướt nhanh cuộc đời của bà giáo chủ nhiệm – hiện tại, bà chủ nhiệm ngồi bên mộ của Olya – quá khứ, câu chuyện về hơi thở nhẹ – hiện tại, hình ảnh ngọn gió xuân trong nghĩa trang Những mảnh ghép vốn đã bị làm mờ đi những ranh giới nhưng bản thân mỗi mảnh ghép cũng không trọn vẹn, luôn tồn tại một lỗ hổng – là những điểm thời gian bị bỏ lửng Đây cũng chính là lựa chọn quen thuộc của các nhà tự sự ấn tượng chủ nghĩa
Kĩ thuật đồng hiện, liên tưởng và lắp ghép là những đặc điểm quen thuộc của chủ nghĩa ấn tượng, đó cũng là hình thức trần thuật chủ đạo trong văn xuôi I.Bunin
Kĩ thuật này khiến tác phẩm mang dấu ấn của lối tự sự dòng ý thức Những mốc thời gian biên niên, những logic thông thường của hình ảnh và sự kiện không còn tuân theo những quy luật chặt chẽ vốn có; chính những cảm xúc, liên tưởng, độc thoại của nhân vật dẫn dắt cho cốt truyện phát triển Có thể nói Bunin tạo ra một thứ trò chơi trong lối trần thuật của mình Nhưng những sự kiện rời rạc, đứt gãy chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” Thành công của nhà văn là tạo ra mạch kết nối ngầm trong tác phẩm để kết nối các chi tiết tưởng như vặt vãnh, đứt quãng đó
Trang 37Những mảnh ghép trò chơi thường được xâu chuỗi bởi những kí ức, hoài niệm, những triết lí về cuộc đời và nhân sinh của nhà văn
1.3.3 Kết thúc không hoàn tất
Văn xuôi truyền thống đều tuân theo trình tự cốt truyện năm thành phần: phần mở đầu, có những biến cố để làm thay đổi nội dung câu chuyện (thắt nút), phát triển, rồi đẩy lên cao trào và kết thúc Khi tuân theo logic lí tính của đời sống như vậy, cốt truyện truyền thống tự thân sẽ chặt chẽ và trọn vẹn về nội dung
Các tác phẩm văn xuôi cổ điển đặc biệt quan trọng mở đầu và kết thúc, trung thành với kiểu kết cấu khép kín – khi tác phẩm khép lại, mọi vấn đề đều được giải quyết trọn vẹn Nhân vật phải xử lí toàn bộ những vấn đề đã được nêu ra theo sự
“chỉ đạo” của tác giả Dù muốn hay không, kết thúc cũng là một hướng đi, cũng là một lựa chọn để giải quyết tình huống nêu ra một cách hợp lí và ý nghĩa nhất Dù kết thúc có hậu hay không có hậu, cái kết cũng là một sự nối tiếp có logic của các
sự kiện đời sống được tổ chức trong tác phẩm
Chủ nghĩa hiện đại chấp nhận sự xuất hiện của những kết thúc không hoàn tất, những kết cấu mở Nếu trước đây bạn đọc bất ngờ bởi cái kết mà nhà văn lựa chọn cho nhân vật, cái kết bật ra như chiếc lò xo bị nén thì khi đọc văn xuôi hiện đại, ta còn bất ngờ hơn bởi cách kết bất ngờ cụt lủn Có những câu chuyện tưởng chừng như không có kết thúc Toàn bộ câu chuyện chỉ là những dòng cảm xúc, những suy nghĩ miệt mài, những dòng miêu tả, những khoảnh khắc đặc biệt trong cuộc đời nhân vật, trong khi các tình huống bất ngờ và sự kiện mang tính bước ngoặt cũng dần giảm bớt
Tính chất “mở” được hiểu trước hết theo nghĩa: Nó hé ra nhiều cách hiểu, nhiều cách tiếp cận khác nhau Độc giả khó vắt kiệt ý nghĩa của tác phẩm, tạo cho tác phẩm tính mơ hồ, đa nghĩa, không có điểm dừng Dù truyện đã chấm hết nhưng
“kết cục vẫn còn treo lơ lửng nhiều khả năng diễn biến khác nhau bắt nguồn từ những gì đã được kể ra Bằng sự tỉnh lược đoạn kết truyện, cái „kết‟ được viết ra không đáp ứng ý muốn của người đọc mong thấy một dấu chấm hết tốt đẹp hay bi thảm Người đọc sẽ được khêu gợi tự điền nốt vào chỗ khiếm khuyết đó Trong khi
Trang 38lối kết thúc đóng lại nhấn mạnh vào tính tất yếu mọi chuyện ở đời, lối kết thúc „mở ra‟ nhắc ta nghĩ đến tính dang dở chẳng hề kém hiển nhiên của sự vật.” [28, tr 150] Điều này lại một lần nữa đem đến cơ hội mới cho người đọc hiện đại – người đọc đồng thời cũng là người đồng sáng tạo
Trong một lần nói chuyện với Chekhov, Bunin nói: “Theo tôi sau khi viết xong một tác phẩm, cần cắt bớt phần đầu và phần kết thúc” [1, tr 23] Thuật ngữ
“không hoàn tất” của Bakhtin về tiểu thuyết phức điệu của Dotoievski đã bao hàm đầy đủ ý nghĩa của câu nói đó Điều mà Bunin nói đã được hiện thực hóa trong khá nhiều tác phẩm của ông
Dường như truyện của Bunin có thể kết thúc bất kì chỗ nào trong quá trình triển khai cốt truyện Khác hẳn cốt truyện truyền thống, khi giải quyết xung đột xong thì tác phẩm kết thúc, truyện Bunin kết thúc nhưng nhịp truyện vẫn còn chảy trôi, dang dở Những cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật vẫn còn lưu giữ mãi trong lòng bạn đọc, kèm theo đó là sự phỏng đoán về hướng hành động của nhân vật Tác phẩm kết thúc cũng là khi bắt đầu hành trình sáng tạo từ phía độc giả
Kiểu kết thúc không hoàn tất trong truyện Bunin thể hiện ở nhiều dạng thức khác nhau Có khi truyện của Bunin kết thúc ngay khi nhân vật vẫn chìm trong
dòng suy nghĩ, đang cảm xúc hay hành động Say nắng khép lại khi “chàng trung úy
ngồi dưới một mái che trên boong tàu, cảm thấy mình gì đi mất mười tuổi” [7, tr 214] Dường như nhân vật vẫn chưa dứt mình ra khỏi cơn “say nắng”, khỏi một tình yêu kì lạ vừa chợt đến chợt đi Khi đối mặt với những day dứt và cô đơn, chàng trai
tự hỏi chính mình: “Mình làm thế nào bây giờ, làm sao thoát được cái duyên nợ bất thình lình và đột ngột này?” [7, tr 210] và tự trả lời: “Chẳng biết để làm gì nữa” Nhà văn cũng không có ý định chọn cho chàng một câu trả lời Câu hỏi ấy đã tạo được những liên tưởng có tính mở, để người đọc tự có cho mình câu trả lời riêng
Câu chuyện kết thúc nhưng người đọc vẫn đang trong tâm thế chờ đợi những lời giải đáp cho những tình tiết bỏ lửng trong truyện, chờ những lời tổng kết hay đánh giá cho tất cả những gì vừa diễn ra Nhưng nhà văn đã nhường điều đó cho bạn đọc
Trang 39Meliton lại mở ra một cuộc hành trình mới của nhân vật người kể chuyện
xưng “tôi” Không biết anh ta đi đâu, làm gì, suy nghĩ thế nào về cuộc đời ẩn dật khổ hạnh của bác Meliton Cho đến phút cuối, nhân vật người kể chuyện xưng “tôi” vẫn không lí giải, không biểu lộ mình đã suy nghĩ thế nào về nhân vật, về triết lí sống lạ lùng của bác Meliton
Ngay cả khi câu chuyện kết thúc trong sự lựa chọn dứt khoát của nhân vật nhưng sức gợi mở của tác phẩm không vì thế mà khép lại Lựa chọn của nhân vật chỉ đơn thuần là lựa chọn cá nhân, dựa theo kinh nghiệm – chứ không dựa trên sự điều khiển của tác giả Quyết định của nhân vật có thể được độc giả đồng tình hoặc không, và bằng kinh nghiệm sống của mình, người đọc có thể tự đưa ra những lựa chọn khác
Thậm chí có những câu chuyện không kết thúc trong sự lưỡng lự, không dừng lại bằng một sự lựa chọn gây nhiều “tranh cãi”, một số câu chuyện vẫn không tạo nên ấn tượng khép kín Đó là khi nhà văn kết thúc bằng một chi tiết giàu sức gợi, bằng một nghi ngờ, một câu hỏi không có lời giải đáp, hay tạo ra sự bất ngờ khiến câu chuyện ám ảnh và có dư ba trong lòng bạn đọc
Ngày thứ hai chay tịnh kết thúc khi nhân vật “tôi” vẫn không thôi tự hỏi:
“Nàng có thể nhìn thấy gì trong cái tăm tối ấy, nàng có thể cảm biết gì về sự có mặt của tôi? Tôi trở gót và lặng lẽ bước ra cổng” [7, tr 288] Trước đó, chàng trai vẫn còn vô số điều băn khoăn, khó hiểu về người yêu và cả chính bản thân mình: “chẳng hiểu sao chúng tôi lại đi đến Ordưnka”, “hôm nay nàng làm sao thế nhỉ?”, “Tôi đứng hệt như chờ đợi điều gì trong cảnh yên tĩnh đặc biệt của tòa thành đường vắng tanh vắng ngắt ấy”, “Chẳng hiểu sao tôi lại có ý muốn nhất thiết phải vào xem”,
“Lúc bấy giờ tôi cũng chẳng biết được họ là ai và họ đi đâu nữa Không hiểu sao, tôi đã nhìn họ rất chăm chú” [7, tr 282] Những điều “chẳng hiểu sao” đó thuộc về cái vô thức trong mỗi con người, chàng trai không có ý định tìm câu trả lời Câu chuyện kết thúc để lại cho độc giả rất nhiều khoảng trống: cô nữ tu trùm khăn trắng kia là ai? Có phải là người tình đã bỏ đi của nhân vật chính? Nhân vật chính nghĩ gì
và tại sao lại có liên tưởng kì quặc như vật lúc đó? Mỗi bạn đọc sẽ tự tìm cho mình
Trang 40câu trả lời và chính họ mới là người tự kết thúc tác phẩm theo một cách riêng Câu chuyện vì thế mà bâng khuâng, khó hiểu, cứ vướng vít trong tâm trí người đọc Cách kết thúc mở và đầy bất ngờ như vậy cũng liên quan tới cách Bunin triết lí về cuộc sống và tình yêu Tình yêu có thể là trạng thái duy nhất khi trong con người xuất hiện cảm giác về tính toàn vẹn của nhân cách, sự hòa hợp giữa dục vọng và tinh thần, tâm hồn và thể xác, cái đẹp và cái thiện Sau khi đã nếm trải cảm giác viên mãn trong tình yêu, con người đòi hỏi và trông đợi nhiều hơn đối với cuộc đời Nhưng cuộc sống thường nhật lại không thể đáp ứng được, điều này dẫn đến những
bi kịch xảy ra với nhân vật hoặc nhân vật phải tìm đến một thế giới khác
Những lối đi dưới hàng cây tăm tối: cũng kết thúc khi “Sẽ thế nào đây nếu
Nadegioa không phải là chủ quán trọ mà là vợ mình, bà chủ ngôi nhà của mình ở Petecbua, mẹ của những đứa con mình?” [7, tr 235] Người đàn ông đã bỏ lỡ hạnh phúc lớn nhất của đời mình Cũng vì thế mà đánh mất hạnh phúc trong thực tại Trong quan niệm của Bunin, những gì tốt đẹp đều thuộc về quá khứ, hiện tại là những tiếc nuối, hoài nhớ Tác phẩm của ông không có bóng dáng tương lai Toàn
bộ đời sống tâm hồn nhân vật đều hướng về thời quá vãng Nhưng cũng như A.Chekhov, Bunin không phải là “thi sĩ của niềm tuyệt vọng” Truyện ngắn A.Chekhov cũng hay kết thúc bởi câu hỏi: “Mixuyt giờ này em ở đâu?” (Ngôi nhà
có căn gác nhỏ), “Cuộc sống mới này sẽ thế nào?” (Thảo nguyên) Người đọc có thể
mặc sức đoán định về mối tình của người họa sĩ và cô gái trẻ qua Ngôi nhà có căn
gác nhỏ, và nhất là khôn nguôi nghĩ về cuộc sống mới của đứa trẻ chín tuổi trong Thảo nguyên: “Liệu cuộc sống ấy sẽ trở nên tươi đẹp rực rỡ như thảo nguyên ban
đêm hay sẽ cằn cỗi héo khô như thảo nguyên ban ngày?” Cũng giống vậy, câu chuyện của Bunin về cuộc đời trăm cay ngàn đắng của một phụ nữ nghèo lại có tên
là “Cuộc đời tươi đẹp” Nó kết thúc khi nhân vật nữ vẫn còn bôn ba trên hành trình
vô tận rượt đuổi theo hạnh phúc “Thành phố của chúng tôi quả là buồn khủng khiếp Mới đây tôi có đến Tula và không sao so sánh được” [7, tr 87] Song niềm hạnh phúc, những ngày tươi đẹp thì vẫn mãi ở xa phía trước Kiểu kết thúc bỏ ngỏ, không hoàn tất này cho truyện ngắn một khả năng vô tận về sức gợi và độ mở Đây