Những đường nét ấn tượng

Một phần của tài liệu Dấu ấn của Chủ Nghĩa hiện đại trong văn xuôi I.Bunin Luận văn thạc sĩ (Trang 43)

6. Kết cấu luận văn

2.1.1.Những đường nét ấn tượng

“Mô tả con người, chắc là không thể làm được, nhưng có thể mô tả con người đó tác động tới tôi như thế nào” – lời phát biểu của L. Tonstoy, nhà văn mà Bunin rất ngưỡng mộ, chính là một trong những nguyên tắc miêu tả chân dung nhân vật của Bunin. Chân dung của các nhân vật không phải là tập hợp những chi tiết mà người kể chuyện quan sát được, đó chỉ là những ấn tượng mà nhân vật để lại trong cảm nhận và đôi mắt của người chiêm ngắm.

44

Hầu hết các truyện ngắn của Bunin đều là những câu chuyện quá khứ, hình ảnh con người trong đó cũng là những gì mà kí ức lưu giữ được – những đường nét ấn tượng nhất chứ không phải toàn bộ về nhân vật. Dưới lớp bụi của thời gian, chắc chắn đã có nét bị mờ nhòa, hư ảo, có lẽ chỉ còn những cảm xúc, cảm giác về con người đó là chân thực. Cái tài của Bunin là dù viết về những con người trong quá khứ nhưng vẫn sống động như họ đang hiện diện trong hiện tại.

Đặc điểm của kiểu chân dung ấn tượng là không thể hiện một chân dung hoàn chỉnh, chỉ bằng đôi ba đường nét, không hẳn là những nét điển hình, đặc trưng về nhân vật nhưng vẫn đủ để bạn đọc nắm bắt. Đó có thể chỉ là những ấn tượng mang tính tức thời, thoáng qua hoặc ám ảnh đối với người chiêm ngắm.

Trong Những quả táo Antonov, giữa nền không gian rất rộng, các nhân vật của Bunin vẫn hiện lên rõ ràng, lạ mà rất quen: “những cô gái thuộc các hộ tiểu nông vẻ hoạt bát mặc những tấm xiêm cụt tay nức mùi thuốc nhuộm (…) có mặt cả một bà lí trưởng trẻ măng, đang có chửa, mặt phèn phẹt, bơ phờ và bộ điệu quan trọng như một con bò cái vùng đồi núi” [7, tr. 19]. Nhà văn miêu tả họ như một phần không thể thiếu để làm nên sức sống của những khu vườn Nga trong hồi tưởng, không cần phải giới thiệu nhưng bạn đọc vẫn không hề thấy họ xa lạ. Các nhân vật hầu hết đều không có tên, chỉ được nhắc đến qua những danh từ chung: người thị dân, bác nông dân, các cô gái… hoặc nếu có cũng chỉ là những cái tên rất phổ biến: Nikolai, Platon… Sự chung chung đó không làm cho họ bị mờ nhạt giữa rất nhiều con người bởi Bunin đã khéo léo trao cho họ những đặc điểm ngoại hình, lời nói rất riêng.

Trong Nàng Lika, nhân vật “tôi” “thích thú với những quan sát của mình, với những nhận xét ngày càng tỉ mẩn… thái độ khe khắt với thế giới chung quanh” [6, tr. 176], anh có “đủ loại kẻ thù, khắp nơi: ở khách sạn, ở cửa hàng ngoài phố, ngoài ga…”[6, tr. 183], kẻ thù với tất cả. Không ít lần, nhân vật tôi đưa ra những bức chân dung phác thảo mang đậm những ấn tượng cá nhân, về những con người không quen biết hay chỉ gặp gỡ thoảng qua: “Vô số những bộ mặt và thân hình tởm lợm!... Một số trông thật phát khiếp! Có những người đặt bàn chân một cách quái dị, thân

45

hình đổ về phía trước, hệt như hôm qua mới từ bỏ thời kì đi bằng hai chân…” [6, tr. 184]. Có khi là viên cảnh sát trưởng “vai ngang bè bè thân hình vạm vỡ… tấm lưng ú ních trong tấm áo dạ dài, chân đi ủng căng tròn bóng loáng; chà anh cứ phải ngắm mãi cặp giò đó, mùi giày da, tấm dạ xám làm áo, mấy cái cúc trên dây đai đằng sau lưng, và cả con vật bốn mươi tuổi thu mình trong bộ quân phục ấy!” [6, tr. 184], khi là một quan sát viên gặp ở tòa soạn: “Mái tóc dày xám bạc của ông dựng lên trông rất dữ tợn tủa ra mọi phía khiến ông giống một kẻ dị dạng, cặp kính lạ lùng của ông trông cũng đáng sợ” [6, tr. 197],… Mỗi con người không tên không tuổi được miêu tả với những ấn tượng rất riêng. Nhân vật tôi “chăm chú theo dõi từng cử chỉ và tự nhấm nháp cái thói quen quan sát của người viết văn” [6, tr. 199]. Anh tự thấy mình “như một thám tử theo dõi hết kẻ bộ hành này đến kẻ khác, nhìn lên lưng họ, giày ủng họ, cố hiểu, cố đoán ra, cố hóa thân vào họ… Phải viết thôi! Cần phải viết về những mái nhà, những đôi ủng, những cái lưng…” [6, tr. 204].

Nàng Lika mang đậm tính tự truyện – hình tượng nhân vật “tôi” dường như

cũng phần nào biểu hiện tinh thần, tư tưởng của Bunin. Cách nhân vật tôi quan sát và miêu tả lại các nhân vật lướt qua trước mắt mình phản ánh phần nào bút pháp ấn tượng trong khắc họa chân dung mà Bunin sử dụng. Người kể chuyện đã nhanh chóng tóm lấy những dấu ấn đặc biệt nhất để lưu giữ hình ảnh nhân vật. Dù là nhân vật chính hay nhân vật phụ, nhà văn đều hướng lăng kính của mình tới những ấn tượng đặc biệt – bạn đọc không có hình dung trọn vẹn về chân dung nhân vật nhưng vẫn nhớ được những ấn tượng đặc biệt về họ.

Khi miêu tả chân dung nhân vật, nhà văn không lựa chọn những chi tiết ngoại hình đã trở thành truyền thống mà chú tâm nhiều hơn vào những đường nét gây ấn tượng hoặc những chi tiết tưởng như vụn vặt, vô nghĩa. Nguyên tắc này đã được Chekhov sử dụng thành công trong thế giới nhân vật của mình. Như trong truyện ngắn Phòng số 6, các chi tiết tưởng như vặt vãnh như “khi đọc sách bao giờ anh ta cũng nằm”, thích “ăn những quả táo ướp lạnh” được dùng để tạo ấn tượng riêng cho nhân vật. Bạn đọc có thể đánh rơi và bỏ qua nhiều chi tiết nhưng chắc

46

chắn không thể quên chi tiết này khi nhớ về nhân vật. Tsudakov gọi đó là nguyên tắc tình cờ trong miêu tả nhân vật.

Chân dung “nàng” trong Ngày thứ hai chay tịnh được khắc họa qua những chi tiết như những cuốn sách cô yêu thích như biên niên sử Nga, truyện cổ tích Nga; nơi cô ở (đối diện thánh đường Chúa Kitô Cứu Thế, trong phòng có treo ảnh Tonstoy đi chân đất), bao giờ nàng cũng nằm trên chiếc đi văng, thường tập đi tập lại đoạn mở đầu chầm chậm, tuyệt diệu mơ màng của khúc Xônát ánh trăng, thói quen đi xem hát, ăn hiệu, đi nhà thờ,… Những sở thích tưởng như trái ngược lại hé mở hai bản thể đối lậptồn tại trong tính cách của cô gái: vừa cổ điển vừa phá cách. Điều đó giúp ta lí giải tại sao cô lại có những đột phá trong tình yêu trong đêm trước ngày thứ hai chay tịnh và vào tu viện ngay sau đó.

Khi miêu tả các nhân vật nữ, hầu hết các nhà văn đều phác họa các chi tiết như gương mặt, vóc dáng, đôi mắt, nụ cười… nhưng Bunin lại quan tâm tới các chi tiết về trang phục – chi tiết phụ trợ, thuộc về hình thức bên ngoài, không gắn liền với bản chất của nhân vật. Khi miêu tả trang phục, nhà văn cũng không có mục đích hé lộ điều gì đó liên quan tới tính cách, con người bên trong hay địa vị xã hội của nhân vật, nó đơn thuần chỉ là những ấn tượng hằn in trong tâm hồn của người chiêm ngắm. Những chiếc váy màu xanh, chiếc áo lụa vàng, tấm xiêm, chiếc áo choàng mỏng màu sáng… đơn giản vậy thôi nhưng giống như một thứ biểu tượng gắn liền với nhân vật và để lại dấu ấn đậm nét trong lòng các chàng trai.

Xuyên suốt chương truyện Nàng Lika, hình ảnh chiếc váy bằng vải mỏng màu xanh sẫm hai lần xuất hiện, nhưng lần nào cũng gắn với những cảm xúc rất đặc biệt của chàng trai. “Nàng nâng gấu váy bằng vải mỏng màu xanh sẫm rồi chạy về nhà. Tôi dừng lại sững sờ, chân không còn đứng vững, chưa nói tới chuyện nghĩa ra được điều gì” [6, tr. 159]; “còn tôi thì chẳng nghe thấy gì, nhìn thấy gì, trong đầu chỉ ám ảnh một ý nghĩ rành rẽ: hoặc là nàng sẽ trả lại cho tôi con người của mình, trả lại cho tôi cái đêm này, buổi sáng này, màu xanh sẫm của làn váy mỏng khẽ xao xác, thấp thoáng trên đôi chân nàng bước trên bãi cỏ hoặc là cả hai đều không sống nữa!” [6, tr. 161]. Chúng không còn đơn thuần là trang

47

phục của Lika, nó còn chứa trọn cả những ấn tượng về tình yêu thuở ban đầu giữa “tôi” và nàng.

Trong truyện ngắn Canh khuya, tấm xiêm bằng vải gai gắn liền với hình ảnh người thiếu nữ được lặp lại tới bảy lần. Trên hành trình trở về quê cũ, bảy lần nhân vật “tôi” hồi tưởng về người tình xưa thì bảy lần chi tiết xiêm áo xuất hiện. Kí ức đầu tiên dội về khi nhân vật “tôi” đi qua chòi canh và nhớ về lần gặp gỡ đầu tiên với nàng trong một đêm hỏa hoạn trong thị trấn: “Và trong cảnh chen chúc, giữa đám đông, giữa những tiếng xì xào lo âu… tôi đã nghe mùi tóc thiếu nữ và mùi cổ của em, mùi chiếc xiêm bằng vải gai của em” [6, tr. 217]. Sau đó là những kí ức về lần gặp gỡ thứ hai: “Hôm ấy nàng bận một chiếc xiêm mặc vào buổi tối như vậy đấy, một bộ cánh đỏm dáng, dài mà thon thả. Chiếc xiêm ấy hợp lạ thường với thân hình thanh tú và với cặp mắt huyền tươi trẻ của nàng. Bận chiếc xiêm ấy nàng trở nên bí ẩn và nàng chẳng hề để mắt đến tôi khiến tôi phải hậm hực” [6, tr. 221]. Cứ như vậy, mỗi lần hình ảnh nàng của hoài niệm xuất hiện trong tâm trí nhân vật xưng “tôi” đều gắn với chiếc xiêm dịu dàng ấy. Chiếc xiêm nàng mặc đã hằn in trong trí nhớ của nhân vật “tôi” – như chiếc chìa khóa để gợi mở những hình ảnh rõ ràng và sống động nhất.

Đặc biệt trong Ruxia, chiếc xiêm dài cụt tay của Ruxia được nhắc đến mười lần. Hai mươi năm sau khi rời bỏ mối tình thuở hoa niên của mình, người đàn ông vẫn nhớ như in hình ảnh Ruxia, gắn liền với chiếc xiêm. Hẳn đó là những ấn tượng đậm nét nhất, đã hằn in trong tiềm thức của người chiêm ngắm: “tết đuôi sam dài sau lưng, mặt ngăm đen lấm tấm những nốt ruồi đen, mũi dọc dừa thanh thanh, mắt đen, lông mày đen… Tất cả những nét đó, nổi bật trên nền một tấm xiêm dài cụt tay màu vàng…”[7, tr. 241], “nàng đi đôi giày mềm, không có đế, nên toàn thân nàng phập phồng trong tấm xiêm áo dài cụt tay màu vàng ấy. Tấm xiêm rộng, nhẹ nhàng, nên tấm thân thanh nữ thon mảnh của nàng được thoải mái xiết bao” [7, tr. 242]. Tấm xiêm đó đã tôn thêm vẻ tươi trẻ và trong sáng trong từng hành động nhỏ nhất của Ruxia: “Tất thảy đều kì dị trong cái mùa hè lạ lùng ấy, kì dị cả đến một đôi sếu nào đó không hiểu từ đâu thỉnh thoảng lại bay đến đậu

48

bên bờ đồng lầy, và kì lạ nữa là chúng chỉ cho mình nàng được lại gần chúng, rồi khi nàng dịu dàng và nhẹ nhàng chạy đến bằng đôi giày bện nhiều màu, đột nhiên ngồi xổm xuống trước mặt chúng, xõa tà xiêm màu vàng của mình phủ lên đám cỏ xanh ẩm ướt và ấm áp ở ven bờ, với vẻ say mê của con nít mà ngắm nhìn vào cặp mắt đen có cái vòng màu xám sẫm chạy quanh đồng tử…” [7, tr. 251]. Những chi tiết về trang phục tưởng như rất đơn giản và có vẻ lặp lại một cách thừa thãi nhưng chúng như thứ ánh sáng duy nhất dẫn lối cho nhân vật “tôi” ngược tìm về với những hoài niệm xa xăm. Hơn hết, trang phục đó còn là nơi lưu giữ hình ảnh của con người Nga truyền thống. Bằng cách lặp lại những chi tiết tưởng như rất nhỏ đó, Bunin đã chuyển những ấn tượng của nhân vật “tôi” về Ruxia thành ấn tượng của người đọc về nhân vật. Chiếc váy thuần Nga đó vẫn còn ám ảnh trong nỗi nhớ da diết của chàng trai và hiện hữu trong tâm trí bạn đọc.

Một phần của tài liệu Dấu ấn của Chủ Nghĩa hiện đại trong văn xuôi I.Bunin Luận văn thạc sĩ (Trang 43)