Thời gian quá khứ xuất hiện dày đặc

Một phần của tài liệu Dấu ấn của Chủ Nghĩa hiện đại trong văn xuôi I.Bunin Luận văn thạc sĩ (Trang 91)

6. Kết cấu luận văn

3.2.1.Thời gian quá khứ xuất hiện dày đặc

Quá khứ là thời gian đã qua, đã đi vào dĩ vãng. Con người chỉ có thể sống lại với nó bằng sự hồi tưởng mà thôi. Yêu quý và nuối tiếc về một nước Nga trong đã qua, I.Bunin hầu như chỉ sống bằng quá khứ. Sự xa cách về không gian và thời gian không ngăn được ông trở về bằng hồi tưởng, để sống cùng nước Nga, thiên nhiên Nga, con người Nga. Mỗi tác phẩm là một cách để nhà văn ghi dấu những cảm xúc, những nếm trải của mình trên đất nước Nga, những con người ông đã gặp, những chuyện tình ông đã thấy. Với dòng hồi tưởng của mình, I.Bunin đã gói trọn tình yêu mình dành cho dân tộc, thứ tình yêu không một phút nào ông quên lãng.

Đọc văn xuôi của I.Bunin bạn đọc cảm nhận được một trái tim buồn, một tâm hồn nặng lòng với quá khứ. Truyện ngắn của ông thường bắt đầu cùng nhịp chảy của dòng hồi tưởng. Trong Những quả táo Antonov, truyện bắt đầu khi “tôi hồi tưởng một mùa thu sớm, đẹp trời. Trong tháng Tám đã có những trận mưa nhỏ ấm áp” [7, tr. 11]. Trong trí nhớ của nhân vật “tôi” là “tôi nhớ một buổi sớm sáng sủa, tươi mát, yên tĩnh… tôi nhớ một khu vườn đã khô và thưa lá… nhớ những lối đi giữa hai hàng cây phong” [7, tr. 11]. Cũng có khi quá khứ là những chuỗi sự kiện kết nối với nhau trong hồi tưởng của nhân vật: “những ngày lang thang đầu tiên vào mùa xuân năm ấy là những ngày cuối cùng trong thời niên thiếu chay tịnh của tôi” (Nàng Lika), “hồi nào đây tôi đã sống ở nước Nga” (Canh khuya) hay “mùa hè năm ấy” (Natali).

Đôi khi dấu vết ranh giới giữa hiện tại và quá khứ rất mờ nhòa bởi I.Bunin đã làm cho những thời khắc của quá khứ sống lại ngay trong hiện tại. Bạn đọc cảm nhận được cả màu sắc, âm thanh, mùi vị đến cả bầu không khí của quá khứ cũng như đang hiển hiện trong hiện tại. Ta tìm thấy điều đó trong hàng loạt truyện ngắn

Canh khuya, Ruxia, Natali, Nàng Lika,…

Truyện không có cốt truyện đặc trưng và hiện đại của I.Bunin có lẽ là bởi nhà văn để ngòi bút của mình chảy trôi theo dòng thời gian quá khứ. Câu chuyện

92

chỉ giống như dòng hồi kí tâm hồn chạy theo những liên tưởng miên man của nhân vật, những hình ảnh, những không gian, những câu chuyện tưởng như rời rạc nhưng được kết nối bằng một logic đặc biệt – logic tâm hồn.

Không chỉ những câu chuyện về nước Nga trong tâm tưởng, những câu chuyện tình yêu cũng được I.Bunin dựng lại qua màn sương hồi tưởng. Nhìn tình yêu từ cái ngoái nhìn ở hiện tại đã tạo nên cảm giác rất riêng.

Canh khuya là dòng hồi tưởng của người con trai về mối tình đầu gắn với

không gian phố huyện trong những đêm yên bình, dịu mát dạo cuối hè gắn với một khoảng vườn giữa canh khuya. Ruxia là một câu chuyện tình lãng mạn được dựng lại thông qua màn sương hồi tưởng. Trên chuyến đi, người đàn ông gặp lại khoảng không gian quen thuộc, theo dòng hồi ức ông nhớ lại tình yêu với Ruxia, nhớ cái phút giây bất tử khi nàng chạy từ ngoài vườn vào với mu bàn chân nhỏ ướt nước, rồi những đêm trăng thanh tĩnh, những buổi bơi thuyền thơ mộng. Đó là khoảng kí ức không phai nhạt trong tâm trí nhân vật. Natali là chuyện tình của nỗi niềm ăn năn nhức nhối về quá khứ khi con người không có đủ lòng cao thượng và dũng khí để đạt được tình yêu thánh thiện của Natali – người con gái là biểu tượng cho tâm hồn Nga.

Nhìn lại những câu chuyện được dệt nên từ những hồi ức đã khá xa cũng là khi nhà văn phủ lên đó cái nhìn mang màu sắc chủ quan. Quá khứ với I.Bunin là cái đẹp, là những gì thực tại đang mất dấu để rồi con người hiện tại nhìn về nó với tất cả sự trân quý và nuối tiếc. Thời gian quá khứ đã tạo thành dấu ấn thẩm mĩ đặc biệt trong văn xuôi I.Bunin.

Một phần của tài liệu Dấu ấn của Chủ Nghĩa hiện đại trong văn xuôi I.Bunin Luận văn thạc sĩ (Trang 91)