Tăng cường yếu tố chủ quan

Một phần của tài liệu Dấu ấn của Chủ Nghĩa hiện đại trong văn xuôi I.Bunin Luận văn thạc sĩ (Trang 48)

6. Kết cấu luận văn

2.1.2. Tăng cường yếu tố chủ quan

Điều đặc biệt trong cách khắc họa chân dung nhân vật của Bunin là nhà văn thường tăng cường yếu tố chủ quan trong từng nét vẽ. Mỗi bức chân dung nhân vật đều mang dấu ấn của cảm xúc, cảm giác của người chiêm ngắm, vì thế bạn đọc không chỉ ghi nhớ những đường nét của nhân vật được miêu tả mà còn cả tình cảm của người kể trong đó. Phô trương cái chủ quan được xem là nét đặc trưng của chủ nghĩa ấn tượng, trong sự đối lập với chủ nghĩa hiện thực – đề cao tính khách quan. Dù truyện được viết ở ngôi thứ nhất hay thứ ba, bạn đọc vẫn có thể phát hiện thấy dấu ấn tình cảm của người kể trong đó.

Chân dung khắc khổ của bác Averki trong truyện ngắn Cỏ gày được tả qua điểm nhìn của người kể chuyện ở ngôi thứ ba – ngôi của sự khách quan: “người bác to cao và cục mịch: rất khẳng khiu, tay dài, khung xương nói chung là to, nhưng đôi vai thì lại hẹp, vì chúng xuôi xuống và trông bề ngoài có vẻ yếu ớt. Và cái vẻ cục mịch nơi đồng ruộng ấy, cùng với đôi giày bện và chiếc áo lông cộc mà bác thường xuyên khoác trên mình, lại kết hợp một cách kì dị với vẻ đáng mến của bác: đầu bác không to, đã bắt đầu hói ở đằng trán, mớ tóc dài nhưng thưa, bộ mặt bác phờ phạc, mũi thanh xương xương, đôi mắt xanh lơ ươn ướt, bộ râu đã ngả

49

bạc và nhỏ nhắn của bác không che nổi chiếc quai hàm gầy guộc” [6, tr. 115-116]. Vẻ ngoài đó đã toát lên sự nghèo khổ, cơ cực và bạc nhược vì số phận của bác. Những nét đối lập giữa ngoại hình “yếu ớt”, “cục mịch”, cùng với cảm xúc của người miêu tả đã tạo nên ở bạn đọc cảm giác thương cảm dành cho số phận của “con người nhỏ bé” ấy.

Người kể chuyện thường trao điểm nhìn cho một nhân vật trong truyện, chân dung của nhân vật này là những cảm xúc, ấn tượng, cách nhìn nhận của một nhân vật khác. Để các nhân vật tự cảm nhận, cảm xúc về nhau là cách để nhà văn giảm thiểu tối đa tính khách quan trong lời kể.

Trong truyện Ida, chân dung cô gái có sự biến đổi khi đối sánh giữa đoạn đầu và đoạn cuối của tác phẩm. Cùng miêu tả làn da, màu mắt, trên phông nền tuyết trắng nhưng sự tham gia của cảm xúc đã tạo nên hai bức hình hoàn toàn khác biệt. Bức hình ban đầu: “thoạt nhìn có cảm tưởng là khuôn mặt hoàn toàn bình thường nhưng càng nhìn càng thấy dễ ưa: nước da mịn, ấm, có màu như của quả táo loại ngon nhất, màu của đôi mắt tím sinh động” [8, tr. 21]. Vẻ đẹp của Ida tựa như một bông hoa còn e ấp, chưa thực sự tỏa sáng, cảm xúc của người chiêm ngắm dường như mới dừng lại ở chút thiện cảm ban đầu. Khi chủ động thổ lộ tình yêu trên sân ga thì Ida hiện lên với vẻ đẹp rực rỡ khiến người đối diện phải bối rối, choáng ngợp: “khuôn mặt được chiếu sáng bởi ánh sáng nhợt nhạt của thứ tuyết đặc biệt thường có sau trận bão tuyết, và về cái tông màu dịu dàng không diễn tả nổi của khuôn mặt ấy (…). Tôi đã nói gì về đôi mắt của nàng? Màu tím phải không? Không phải, không phải, tất nhiên!” [8, tr. 24]. Chàng trai vô tình nhận ra “hóa ra nhiều năm nay chàng đã yêu cái cô Ida này mãnh liệt biết chừng nào”. Chàng trai thừa nhận vẻ đẹp ở cô gái cũng chính lúc tự thú nhận với lòng mình thứ tình yêu dịu ngọt âm thầm trong lòng. Còn cô gái nào đẹp hơn cô gái trong đôi mắt của chàng trai đang yêu – có thể thấy rằng chân dung tuyệt đẹp của Ida được chiếu sáng từ những biến chuyển thật tinh tế trong tâm hồn chàng trai.

Nàng Ruxia trẻ trung trong truyện ngắn cùng tên được miêu tả qua lăng kính của chàng gia sư của 20 năm sau. Bức chân dung được tạo nên từ những nét vẽ rất

50

mảnh: “tết đuôi sam dài sau lưng, mặt ngăm đen lấm tấm những nốt ruồi đen, mũi dọc dừa thanh thanh, mắt đen, lông mày đen”, “mắt cá chân và bàn chân… đều gày gò trong đôi giày bện, với những khớp xương trồi lên dưới làn da mỏng ngăm đen” [7, tr. 241]. Nét mỏng manh, trong trắng của người con gái còn hiện lên qua những “rung động một cách trìu mến” của chàng trai: “hôn đôi bàn chân bé nhỏ, ướt át của nàng”, “chàng chẳng dám đụng vào người nàng nữa, chỉ hôn đôi tay nàng và im lặng vì sung sướng vô biên”; “chàng lại áp môi mình lên tay nàng, đôi khi hôn lên bộ ngực lạnh ngắt của nàng như hôn một vật gì thiêng liêng vậy”, “khi nàng trong cơn khiếp sợ, chàng thấy nàng đẹp đến kinh ngạc và giờ đây chàng trìu mến nghĩ bụng: ờ cái cô này rõ vẫn còn là một cô bé nhóc tì!” [7, tr. 248]. Vẻ đẹp tươi trẻ, hiền dịu của Ruxia khơi gợi trong chàng trai một thứ tình cảm vừa là tôn thờ, vừa nâng niu, vừa mong muốn được chở che. Qua đôi mắt ngây ngất tình yêu và lớp màn của kí ức, vẻ đẹp ấy “đáng vẽ thành tranh, thậm chí là tượng thánh” [7, tr. 239].

Kể cả các nhân vật mờ nhạt nhất cũng được nhân vật “tôi” trong Cuộc đời

tươi đẹp nhìn qua lăng kính chủ quan. Khi những gian truân, đau khổ trong đời đã

nhuốm cho nhân vật “tôi” cái nhìn chua cay, sắc lạnh, các hình ảnh qua con mắt của chị đều bị biến dạng: “Ông ta là người xấu xí, phục phịch, chân ngắn, trông giống như con lợn lòi”, “Bà ta đứng, lưng cúi xuống, gườm gườm nhìn tôi bằng cặp mắt sưng mọng chỉ còn lắc lư cái sỏ lợn”, “Ông ấy lại phái chính cái bà mối nọ đến – cái bà mối đã dắt díu chúng tôi ấy mà, một con chó cái hung dữ đấy, có khi chính cái mụ có đôi mắt cú vọ này lại mớm lời cho ông Nikolai Ivanưts cũng nên”,… [7, tr. 77-80]. Những chi tiết miêu tả ngoại hình động vật hóa hé lộ sự chưa hoàn thiện của diện mạo con người và cả cảm xúc của người miêu tả. Chính qua những lời miêu tả như thế, bằng giọng điệu ấy, bạn đọc hiểu rằng để có được cuộc đời tươi đẹp, con người đã đánh đổi đi bản chất hiền hòa, thiện ý vốn có của mình.

Tất cả những chi tiết miêu tả về các nhân vật nữ hầu hết đều xuất phát từ điểm nhìn của những chàng trai đã từng yêu họ, qua lớp màn che phủ của thời gian. Trong Trên biển đêm khuya, Bunin đã gián tiếp nói lên quan niệm của nhà văn trong việc khắc họa chân dung nhân vật nữ: “người phụ nữ kia, như anh nói

51

ấy, chẳng qua chỉ là anh, là sự hình dung của anh, là cảm xúc của anh, nói gọn lại là một cái gì đó của anh.” Bức chân dung – vốn dĩ là những đường nét bên ngoài – nay đã được chuyển vào trong, nơi tiềm thức, sự hình dung và cảm nhận ngự trị. Bên cạnh những ấn tượng về trang phục, các nhân vật nữ thường được khắc họa qua những ấn tượng phi đường nét nhưng ám ảnh như ánh mắt, cái nhìn, giọng nói, mùi hương.

Chân dung Vera từ mười lăm năm trước được hình dung lại trong Lần gặp

gỡ cuối cùng: “Anh bao giờ cũng chỉ suy nghĩ về em như một người vợ, suy nghĩ

với một lòng hân hoan, tôn thờ… Ngày nào anh cũng đã đến nơi em, để được thấy tấm xiêm áo của em,… để được thấy một đóa hồng vàng trên mái tóc huyền, để được thấy nụ cười của em, một nụ cười lúc bấy giờ sao ngốc nghếch, kì khôi thế nào ấy, nhưng rất duyên dáng…” [6, tr. 97]. Người con gái của mười lăm năm trước nay đã đổi khác nhưng Storesnev vẫn mãi lưu giữ hình ảnh thân thương của ngày xưa, trong lần gặp gỡ cuối cùng như một phần của đời mình.

Thậm chí trong Những lối đi dưới hàng cây tăm tối, người quân nhân già không một lời miêu tả về ngoại hình của người con gái ông từng yêu thương thời trẻ. Hình ảnh của người con gái sống mãi trong sự ngưỡng vọng đầy chân thành mà sâu nặng của ông: “Ôi, lúc ấy sao cô xinh tươi thế! Sao cô nồng nàn thế, tuyệt vời thế! Vóc người đẹp biết bao, cặp mắt đẹp biết bao!”, “Phải, hồi ấy cô ta đẹp thật! Một bậc tuyệt thế giai nhân!... Chẳng phải chính là cô ta đã đem lại cho mình những giây phút tươi đẹp nhất trong đời sao?” [7, tr. 234]. Tất cả những đường nét cụ thể đã không còn quan trọng trước những cảm xúc mãnh liệt và hạnh phúc nhất đời bất chợt dội về trong lòng sau ba mươi lăm năm xa cách.

Nàng Lika là một bài ca tuyệt đẹp về tình yêu, hơn hết, ở đó bức chân dung

nàng Lika được khắc họa theo phong cách miêu tả ngoại hình bằng những ấn tượng gián tiếp điển hình của Bunin. “Cách đây ít lâu, tôi nhìn thấy nàng trong giấc mơ – lần duy nhất trong cả cuộc đời dài dặc thiếu vắng nàng. Nàng vẫn ngần ấy tuổi như hồi ấy, vào tháng năm trẻ trung đầu tiên chúng tôi chung sống, nhưng trên gương mặt nàng đã thoáng hiện vẻ đẹp của người thiếu phụ. Nàng gầy gầy, trông có vẻ gì tang tóc. Tôi chỉ

52

nhìn thấy nàng mờ mờ nhưng với một tình yêu, một niềm say mê mãnh liệt, với cảm giác gần gũi da diết về tâm hồn và thể xác mà trong cả cuộc đời, tôi chưa từng nếm trải” [6, tr. 282]. Chân dung Lika được hình dung lại sau khi nàng đã qua đời, ở đó có hai sự gián cách tạo ra bởi độ lùi thời gian và sự ngăn cách giữa hai thế giới – thực và ảo, ý thức và vô thức. Dường như những cảm xúc về Lika vẫn còn cháy sáng trong nhân vật “tôi”. Bức chân dung Lika phải chăng chính là một phần máu thịt, một phần của bản thể của nhân vật “tôi”.

Những nguyên tắc vẽ chân dung quen thuộc gần như đã bị phá vỡ trong văn xuôi I.Bunin. Ông vẽ nên các bức chân dung bằng những chi tiết không điển hình, vặt vãnh nhưng đủ gây cho bạn đọc ấn tượng chân thực về nhân vật. Những nét vẽ chân dung đã gợi mở cho bạn đọc nhiều ấn tượng, là bước đầu dẫn dắt cho bạn đọc đến gần với thế giới bên trong đầy phong phú của các nhân vật.

Một phần của tài liệu Dấu ấn của Chủ Nghĩa hiện đại trong văn xuôi I.Bunin Luận văn thạc sĩ (Trang 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)