Bút pháp độc thoại nội tâm

Một phần của tài liệu Dấu ấn của Chủ Nghĩa hiện đại trong văn xuôi I.Bunin Luận văn thạc sĩ (Trang 57)

6. Kết cấu luận văn

2.2.2.Bút pháp độc thoại nội tâm

Độc thoại nội tâm là lời của nhân vật tự nói với mình một cách thầm kín hoặc lời nhân vật tự nói to lên với mình hay với người khác, nhưng nó độc lập với những lời đối đáp. Độc thoại nội tâm bộc lộ đời sống tinh thần của nhân vật, làm hiện rõ “con người bên trong” của anh ta. Đây cũng là một trong những thủ pháp hữu hiệu giúp nhà văn phơi bày nội tâm nhân vật, miêu tả nó từ bên trong.

Độc thoại nội tâm thường xuất hiện dưới hai dạng chủ yếu: Ở dạng độc thoại nội tâm thuần túy, tác giả chỉ rõ nhân vật “nghĩ”, “tự nhủ” hoặc nói to lên với mình và những ý nghĩ này của nhân vật thường để trong ngoặc kép; ở dạng lời nói nửa trực tiếp, tác giả phơi bày, phân tích tâm lí nhân vật, nhưng tới một lúc nào đó, giọng tác giả hoà vào giọng nhân vật khiến ta khó phân biệt rạch ròi.

Ivan Bunin là nhà văn tâm lí, quan tâm đến những khúc rẽ trong tâm hồn con người hơn là dáng vẻ, diện mạo bề ngoài, bởi thế độc thoại nội tâm như là lẽ tất yếu

58

với các nhân vật. Truyện của Bunin thường xuất hiện dày đặc kiểu độc thoại nội tâm trực tiếp trong những truyện được kể từ ngôi thứ nhất, đôi khi điểm xuyết kiểu độc thoại nửa trực tiếp khi truyện được kể từ ngôi thứ ba.

Điều đặc biệt trong độc thoại nội tâm của các nhân vật của Bunin là họ hầu như không hướng về cuộc sống bên ngoài, độc thoại nội tâm không phải là một tấm gương phản chiếu phản ứng của nhân vật với thế giới bên ngoài như nhiều nhà văn hiện thực khác, là để nhân vật hiểu những biến động trong tâm hồn mình và các nhân vật khác. Nhân vật liên tục tự hỏi, phân tích và tìm kiếm câu trả lời. Sau một quá trình rất dài của tự độc thoại, nhân vật đành tự tìm cho mình một lối thoát – dù dòng độc thoại ấy có vẻ như vẫn chưa đến điểm kết, chắc chắn sẽ trở lại với nhân vật một lần nữa.

Nghệ thuật độc thoại nội tâm trong Say nắng được xem là đặc biệt thành công. Truyện được kể từ ngôi thứ ba, tưởng chừng như khó tiếp cận đời sống tâm hồn của nhân vật nhưng nhà văn đã khéo léo sử dụng ngôn ngữ nửa trực tiếp, đôi chỗ kết hợp với những lời độc thoại trực tiếp được thốt lên thành lời của chàng trai. Khi nàng ra đi, trong lòng chàng chỉ còn một sự trống trải và cảm giác chia xa mãi mãi. Giọng của nhà văn như hòa cùng nhân vật: “có cái gì đó đã khác hẳn so với lúc có nàng. Nó vừa có nàng một cách đầy đủ, lại vừa trống trải. Điều đó quả là lạ lùng!” [7, tr. 208]. Tất cả những cung bậc cảm xúc nhỏ nhất của chàng trai đều được những lời độc thoại nửa trực tiếp bộc bạch chân thành. Chàng nghĩ đến tương lai của mình khi không có nàng, vô dụng và tuyệt vọng. Chàng nhìn lại ngày hôm qua như một điều kì quặc, không hiểu chuyện gì đã xảy ra và thừa nhận đúng là một cơn say nắng. Chàng lại bị nỗi nhớ làm cho dằn vặt: chàng nhớ “mọi đặc điểm dù là nhỏ nhất của nàng, nhớ mùi cháy nắng và mùi chiếc xiêm vải gai của nàng, tấm thân chắc nịch của nàng, thanh âm hoạt bát, giản dị và vui vẻ trong giọng nói của nàng…” [7, tr. 208]. Rồi chàng nhận ra một cảm giác sống động khác thường, mới lạ - “một cảm giác kì dị, khó hiểu, chưa hề có mảy may trong khi họ đang ở bên nhau” [7, tr. 213]. Chàng tự hỏi chính mình làm sao có thể sống qua những ngày vô tận với nỗi nhớ nhung ấy, nỗi đau khổ không sao giải quyết được ấy… Nhiều khi

59

những cảm xúc, suy tư được nhân vật tự thốt lên thành lời, như một cách để dặn lòng mình thôi day dứt, nhung nhớ: “Ta không sao có thể, ta không sao có thể tự dưng mà đến cái thành phố đó, nơi có chồng nàng, có đứa con gái ba tuổi của nàng, nói chung là toàn bộ gia đình của nàng và toàn bộ cuộc sống thường ngày của nàng.” Những độc thoại khó nói lên thành lời, được Bunin tinh ý lựa chọn diễn giải bằng ngôn ngữ nửa trực tiếp, những câu tự nhủ trong ngoặc kép ngay lập tức được thay bằng những lời trần thuật rất tự nhiên “Và chàng tưởng chừng như đó là một thành phố đặc biệt, một thành phố cấm, rồi khi nghĩ rằng trong cái thành phố ấy nàng vẫn cứ thế mà sống một cuộc sống lẻ loi và thường hay nhớ đến chàng, nhớ đến cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên, xiết bao ngắn ngủi ấy, trong khi chàng sẽ không bao giờ được gặp lại nàng nữa, ý nghĩ ấy đã khiến chàng ngỡ ngàng và hết sức ngạc nhiên” [7, tr. 208]. Đôi khi lời nửa trực tiếp gần như không còn giữ được sự hài hòa, nhà văn đành nhường hẳn lời cho những cảm xúc không thể kìm nén: “Và vĩnh biệt em, vĩnh biệt em đời đời, mãi mãi nhé…”, “Nếu thế thì quả là kì quặc quá, không tự nhiên và chẳng giống sự thật tí nào!” [7, tr. 210]; những băn khoăn không tìm được lời giải đáp: “Chứng minh để làm gì nhỉ? Thuyết phục để làm gì nhỉ?”, “mình làm thế nào bây giờ, làm sao thoát được cái duyên nợ bất thình lình và đột ngột này?” và những câu trả lời đầy bế tắc: “Chẳng biết để làm gì nữa”, “Thoát sao cho nổi…”. Nhiều khi bạn đọc cảm giác như lời kể từ ngôi thứ ba gần như hóa thành lời kể ngôi thứ nhất. Trong suốt 12 trang truyện, tâm trạng nhân vật thay đổi như đồ thị hình sin: khi thì cô đơn và nhớ nhung đến tột độ, lúc lại cảm thấy khoan khoái trở lại, “mọi việc đều tốt đẹp cả, tất thảy đều hạnh phúc vô ngần và cực kì vui vẻ”, nhưng ngay sau đó “trái tim chàng lại như vỡ vụn ra.” Đồ thị cảm xúc tạo ra đồ thị của ngôn ngữ độc thoại nội tâm – nhà văn liên tục thay đổi, đan xen giữa ngôn ngữ độc thoại trực tiếp và độc thoại nửa trực tiếp.

Có thể thấy độc thoại nội tâm phản ánh rõ nhất dòng chảy ý thức của nhân vật, đó là dòng chảy liên miên và khó lòng phá vỡ. Đây là điểm khác biệt trong truyện ngắn Bunin bởi truyện ông thường thiếu vắng các sự kiện, chỉ có những dòng cảm xúc, nên dòng độc thoại nội tâm không bị phá vỡ bởi những sự kiện bên ngoài.

60

Bản thân nhân vật là người quyết định xem mình nên ở lại với những cảm xúc riêng tư của bản thân bao lâu, họ tự mình tạo ra những “sự kiện”, tạo ra những hiện thực để quên đi tâm trạng của mình – nhưng điều đó không mấy khi thành công.

Chàng trai trong Say nắng cố gắng trốn tránh những cảm xúc triền miên trong lòng bằng cách tự mình tạo ra những hành động nhưng dường như điều đó không đạt được kết quả. Khi trái tim như thắt lại, “chàng phải vội lấy bao thuốc ra hút và đi đi lại lại vài lần trong căn buồng”, chàng kéo tấm bình phong để che đi chiếc giường vừa có hình bóng nàng để ngăn những giọt nước mắt chực trào ra, chàng kéo cửa để tránh xa những âm thanh ồn ào bên ngoài… một mình ngồi và vĩnh biệt nàng trong tâm thức. Thế vẫn chưa đủ, chàng cố bước ra khỏi không gian ngột ngạt đến nghẹt thở này, chàng ra chợ, đi và chạy trong vô thức, chàng vào nhà thờ, vào một khu vườn hoang nhỏ mặc cho trời nóng bức rồi lại trở về khách sạn. Cơn say nắng dường như vẫn chưa dứt, nó tồn tại như một ám ảnh khôn nguôi trong lòng chàng trai kể cả khi rời khỏi thành phố đầy nắng nóng này.

Độc thoại nội tâm là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để nhà văn phơi bày đời sống tâm hồn nhân vật. Khi độc thoại nội tâm, nhân vật không trốn tránh những cảm xúc của bản thân mà thừa nhận nó và tự dằn vặt chính mình, theo đó nhà văn có thể khai thác nhân vật từ trong bản chất.

Một phần của tài liệu Dấu ấn của Chủ Nghĩa hiện đại trong văn xuôi I.Bunin Luận văn thạc sĩ (Trang 57)