Hình tượng phụ nữ Nga

Một phần của tài liệu Dấu ấn của Chủ Nghĩa hiện đại trong văn xuôi I.Bunin Luận văn thạc sĩ (Trang 64)

6. Kết cấu luận văn

2.3.1.Hình tượng phụ nữ Nga

Thế giới nhân vật của Bunin rất phong phú, thường là những người quý tộc sa sút, người nông dân bình thường, các chàng trai say đắm trong tình yêu, những người đàn ông phiêu lưu và vô danh, những cô gái, những người phụ nữ nhỏ bé, xinh đẹp. Trong đó, nhân vật nữ chính là nơi kết tinh nhiều thăng hoa và tài năng nghệ thuật miêu tả chân dung ấn tượng của Bunin. Mỗi nhân vật nữ mà Bunin xây dựng nên đều tựa như những tượng đài, không ai giống ai, mỗi người mang một vẻ đẹp, sức sống riêng. Đó là vẻ đẹp của Ruxia biểu tượng cho sự trẻ trung, mỏng manh, trong trắng, là Natali biểu tượng cho sự dịu dàng, thanh tú, cuốn hút, là Naxtia với vẻ đẹp chất phác, tháo vát,…

65

Trong Hơi thở nhẹ vẻ đẹp của Olia là biểu trưng cho sự trong sáng, tự nhiên, đầy sức sống tuổi trẻ. Thần thái của Olia được lột tả thành công qua những chi tiết miêu tả ánh mắt được lặp lại nhiều lần: “Đôi mắt đầy vui sướng và vô cùng linh lợi”; “ánh mắt sáng long lanh”; “cặp mắt sáng linh lợi”; “ánh mắt trong sáng”… Vẻ đẹp ấy không cần chải chuốt làm dáng mà toát ra từ chính con người của cô: “Olia thì chẳng kiêng dè gì cả - cô không sợ các vết mực dính vào ngón tay, không sợ để má mình ửng đỏ, đầu tóc rối tung hay đầu gối lộ trần ra khi bị ngã. Chẳng cần cô phải quan tâm, cố gắng gì, những điều làm cô nổi bật lên trong trường hai năm gần đây cũng tự nhiên đến với cô - đó là vẻ yêu kiều, đỏm dáng, uyển chuyển, khoan thai và ánh mắt sáng long lanh” [7, tr. 192]; “Cô ngồi xuống một cách nhẹ nhàng và yểu điệu như thể chỉ mình cô biết cách ngồi như thế” [7, tr. 193].

Được đặc tả trên phông nền đám đông như “đám nữ sinh mặc đồng phục màu nâu”, những học sinh trung học, đám đông trên sân trượt băng hay ở ga tàu, chân dung Olia vừa hòa lẫn trong đám đông vừa nổi trội trên khung cảnh đó: không ai nhảy đẹp như Olya, không ai trượt băng nhanh như cô, không ai được nhiều người theo đuổi tán tỉnh trong các buổi dạ hội như cô.

Hình ảnh của Olia luôn được đặt trong sự tương quan với thế giới xung quanh. Trong không gian cứng nhắc, đầy khuôn phép trong căn phòng của bà hiệu trưởng: “sạch như ly như lau”, bức chân dung nhà vua trẻ trên tường, bà hiệu trưởng với “đường ngôi đều đặn”, “mái tóc uốn rất khéo”, những lời nhắc nhở nghiêm khắc, mỉa mai, vẻ tươi trẻ, hồn nhiên của Olia càng thêm nổi bật. Đặc biệt hơn, nhà văn còn tạo nên sự hòa quyện tuyệt vời giữa con người và thiên nhiên, giữa tinh thần và thể xác. Vẻ tươi mát của khu vườn sau cơn mưa như hòa hợp với sự tươi trẻ, hạnh phúc của Olia, khiến cô có cảm tưởng “trong cả thế giới này chỉ có một mình tôi”, “mình sẽ được sống mãi mãi, sẽ được hạnh phúc hơn hết thảy mọi người”. Những bước ngoặt trong cuộc đời Olia đều gắn với những biến chuyển của đất trời: mùa đông cuối cùng trong cuộc đời của Olia “có tuyết rơi, nắng đẹp”; “trong những ngày tháng tư ấy, thành phố trở nên sạch sẽ, khô ráo”… Dường như nhân vật là trung tâm của trời đất, là yếu tố cân bằng thế giới, sự hòa hợp giữa con người và thế

66

giới. Ngay cả trong bức chân dung trên mộ, ánh mắt trong trẻo, tươi vui của Olia dường như đã xua đi sự ảm đạm của nghĩa trang trong những ngày mùa đông lạnh lẽo. Hình ảnh hơi thở nhẹ kết thúc câu chuyện: “Giờ đây cái hơi thở nhẹ ấy lại một lần nữa lan đi trong thế gian này, trong bầu trời đầy mây này, trong làn gió xuân giá lạnh này” [7, tr. 201] thêm một lần nữa khẳng định sức sống bất diệt, vượt qua những xấu xa, tầm thường và cả cái chết của tuổi trẻ và cái đẹp. Olia không dừng lại là một nhân vật mà trở thành hiện thân cho vẻ đẹp tuổi thanh xuân, trong trẻo, thánh thiện và tràn đầy sức sống.

Nàng Lika trong chương truyện cùng tên của Bunin cũng là nhân vật giàu tính biểu tượng trong thế giới nhân vật của Bunin. Nàng Lika là cô tiểu thư tỉnh lẻ, mang một vẻ trẻ trung, xinh đẹp và lãng mạn. Nàng sẵn sàng từ bỏ cuộc sống tương lai giàu sang, yên bình với một lái buôn để theo nhân vật “tôi” đến một vùng đất mới ở phương Nam. Cô gái bé bỏng, yếu đuối đã dám từ bỏ bản thân mình để đi theo tiếng gọi của trái tim. Nhưng bên trong con người nàng vẫn tồn tại những “tình cảm và suy nghĩ sâu kín, buồn rầu, giấu giếm” [6, tr. 257]. Bên cạnh vẻ dịu dàng, nhẫn nhịn, có những lúc “nàng trả lời khô khan, đầy vẻ tự chủ”. Tình yêu, sự phục tùng không thể im lặng khi gặp lối sống ích kỉ, lạnh lùng mà nói lên thành lời: “Em không thể tiếp tục chứng kiến cái cảnh anh cứ mỗi ngày một xa em thêm, em không còn đủ sức để tiếp tục chịu đựng những điều xúc phạm mà anh càng ngày càng gây ra cho tình yêu của em, em không thể giết chết tình yêu ấy trong em, em không thể không hiểu rằng mình đã bị khinh rẻ hoàn toàn, đã bước xuống nấc thang cuối cùng của sự tuyệt vọng đối với mọi điều kì vọng và mơ ước ngu ngốc của mình…” [6, tr. 273]. Trong tâm hồn Lika giờ đây chất chứa cả tình yêu mãnh liệt, cả sức mạnh của lòng tự tôn sâu kín và một trái tim nhạy cảm đang bị tổn thương sâu sắc. Sự tranh đấu giữa các thái cực tình cảm đã đẩy đưa nàng tới một quyết định dứt khoát: rời xa người nàng yêu mãi mãi. Ra đi là cách duy nhất để nàng bảo toàn tình yêu vô điều kiện của mình. Ngay sau lần chia tay ấy, Lika đã chết. Cái chết là lời khẳng định đầy chua xót cho tình yêu và lòng tự trọng của nàng: tình yêu không chấp nhận sự

67

ích kỉ và khinh rẻ. Có thể thấy nàng Lika là điển hình cho vẻ đẹp cổ điển Nga: yếu đuối, chân thành, cả tin, hồn hậu nhưng cũng không kém phần bản lĩnh.

Mỗi nhân vật nữ mang trong mình những dấu ấn rất riêng nhưng đều là những điển hình rất đẹp cho phụ nữ Nga với tâm hồn nhạy cảm, giàu tình yêu thương, tràn đầy sức sống. Họ đến với tình yêu hết sức chủ động, chân thành, sâu sắc nhưng không kém phần quyết liệt. Nhân vật nào cũng mang trọn vẹn thái độ trân trọng và nâng niu đặc biệt của nhà văn.

Một phần của tài liệu Dấu ấn của Chủ Nghĩa hiện đại trong văn xuôi I.Bunin Luận văn thạc sĩ (Trang 64)