6. Kết cấu luận văn
2.2.1. Đời sống tâm lí nhân vật phức tạp và nhiều đột biến
Sự phức tạp của tâm lí nhân vật trong văn xuôi hiện đại bắt nguồn từ quan niệm con người với tư cách là cái “Tôi” tinh thần cá nhân cá thể. Nhân vật trước hết là đại diện cho chính nó, hoàn toàn cá nhân cá thể, dù rằng người ta có xếp nó vào một kiểu người, một hạng người nào đó trong xã hội. Đi sâu tìm hiểu sự thật tâm hồn, phát hiện những uẩn khúc, những vết mờ trong cái vẻ ngoài sáng láng khiến nhà văn không thần thánh hóa nhân vật của mình, nhân vật trở nên thực hơn – con người với tất cả những phức tạp, đa dạng. Nhân vật không trở thành người xa lạ, không phải đối tượng để ngưỡng vọng mà khoảng cách giữa người đọc và nhân vật được xóa nhòa, người đọc tìm thấy mình trong chính nhân vật. Chính điều này đã đem lại sự hấp dẫn cho các tác phẩm văn xuôi hiện đại.
Nhân vật trong truyện Bunin không phải là những con người hành động mà chủ yếu là con người với những biến thái tâm hồn phức tạp. Họ thu mình trong thế giới thầm kín của riêng mình. Người đọc liên tục bị đắm chìm trong thế giới cảm giác, nỗi niềm của các nhân vật. Ta không khó để bắt gặp những cụm từ “cảm giác rằng”, “cảm thấy rằng”, “cảm tưởng như”, “nhận thấy rằng”, “thấy rằng”, “nhớ”, “nghĩ”, rồi thao thức, khắc khoải, mơ tưởng… Nhân vật không quan sát và miêu tả lại thế giới như nó vốn có mà tái hiện một thế giới trong cảm nhận, bằng kinh nghiệm cá nhân. Những truyện được kể từ ngôi thứ nhất thuận lợi nhất để người kể chuyện – nhân vật xưng “tôi” bộc bạch những cảm xúc không đầu không cuối của mình bất cứ lúc nào trong mạch tự sự.
Cảm giác là cái gì rất cụ thể, nhưng cũng rất mong manh, khiến ta khó lòng nắm bắt, khó gọi thành tên. Những cảm giác của nhân vật không chỉ những cảm giác do ngoại cảnh tác động mà còn cả những cảm giác nội cảm – phần bí ẩn và rất
54
đỗi mơ hồ của tâm lí con người. Ở truyện của Bunin, nhân vật không thôi tự cảm nhận những biến thiên trong tâm hồn mình, như một cách tự ý thức. Nhưng đó không phải là sự tự ý thức bằng lí trí, mà vẫn chỉ bằng cảm giác, nên tạo cho tác phẩm tính mơ hồ trong việc nắm bắt đời sống tâm lí của nhân vật.
Trong Nàng Lika, dường như trước mỗi sự việc, mỗi hành động, mỗi khung cảnh, nhân vật “tôi” đều thể hiện những cảm xúc của mình. Có khi nhân vật “tôi” tự gọi tên từng cung bậc cảm xúc như một sự ý thức rõ ràng. Khi nhận được mảnh giấy của nàng ghi hàng chữ ngắn ngủi: “Em đã về, khao khát gặp anh”, rất nhiều cảm xúc khác nhau đã ùa đến với nhân vật “tôi”: cảm thấy hơi khó xử, cảm thấy mình như say say thích thú, cảm giác thỏa thuê, cảm thấy lòng khoan khoái, thèm một điều gì đó khác lạ, phi thường,… Khi vị bác sĩ, cha của Lika ngăn cản tình yêu giữa “tôi” và Lika, nhân vật “tôi” ra đi, tìm tới một nhà trọ ở một huyện lẻ. Tâm hồn nặng trĩu những u ám của nhân vật dường như được phản chiếu qua khung cảnh thiên nhiên: “Ở đây chỉ có gió thổi – buồn bã và hoang vắng, những cây thánh giá, tấm bia vĩnh viễn đứng yên bị mọi người bỏ rơi, quên lãng, có cái gì trống rỗng tựa như một ý nghĩ mơ hồ, đơn độc về một điều gì đó” [6, tr. 169]. Lần này thay vì tự thừa nhận cảm xúc của mình, nhân vật “tôi” giấu chúng trong cảnh vật thiên nhiên, thiên nhiên đã trở thành thiên nhiên của xúc cảm. Rồi “Những ý nghĩ, tình cảm rồ dại chợt hiện ra trong đầu tôi lúc ấy: thôi thì vứt bỏ hết và mãi mãi ở lại đây, trong căn nhà trọ này, trong tiếng đều đều tích tắc của chiếc đồng hồ báo thức!” [6, tr. 170]. Sau chuỗi cảm xúc tưởng như khó kết thúc ấy, nhân vật “tôi” xem những ngọt ngào và cay đắng đều là những phần tất yếu trong cuộc đời: “cuộc đời dường như còn đang tiếp diễn trong quang cảnh yên bình và vô nghĩa của một nhà trọ - toát ra một nỗi buồn ngọt ngào, cay đắng…” [6, tr. 171].
Xuyên suốt chương truyện là chuỗi những hình ảnh tri nhận thế giới bên ngoài từ cái nhìn bên trong của nhân vật. Mỗi lần xa nàng, mỗi chuyến ”xê dịch” của anh là một lần mê lộ cảm xúc tràn ra trên trang giấy. Nhân vật tôi là một nhà văn, anh thừa nhận mọi cái nhìn của mình đều mang “sắc thái cảm xúc” – những
55
cảm xúc không khi nào đơn nhất mà là sự tổng hòa của rất nhiều sắc thái, vừa chủ quan vừa khách quan và đầy mâu thuẫn.
Dẫu biết rằng thế giới nội tâm con người là một dòng chảy triền miên và vô tận nhưng Bunin không miêu tả cả một quá trình tâm lí như L. Tolstoy hay các nhà tiểu thuyết, ông thường dừng lại ở những khoảnh khắc nội tâm, bắt lấy những rung động thoáng qua. Đó có thể là một mối tình chợt đến chợt đi và để lại sự nhức nhối không dễ gì nguôi ngoai; có thể là một cuộc sống bình dị, đẹp đẽ chợt dội về từ kí ức và khơi gợi bao nhớ tiếc.
Nhân vật hoài niệm như người kể chuyện xưng “tôi” trong truyện ngắn Canh
khuya chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc trong tâm hồn. “Tôi” đi ngược dòng thời
gian, tìm về những tháng ngày tươi đẹp nhất trong cuộc đời, nhớ lại những hình ảnh của quê hương trong quá khứ: “Chao ôi, lâu lắm rồi mình không về nơi ấy – tôi tự nhủ mình. Từ năm mười chín tuổi đầu… rồi những năm, những thập kỉ cứ trôi, cứ qua đi… hoặc bây giờ hoặc không bao giờ nữa cả” [6, tr. 215]. Dòng hồi tưởng của nhân vật như thước phim quay chậm, bao kỉ niệm đẹp, bao hồi ức êm đềm trở về nguyên vẹn và đẹp đẽ vô cùng trong tâm hồn chàng trai. Kỉ niệm đẹp nhất gắn với mối tình đầu, cái nắm tay đầu tiên với người con gái, những đem bình yên, dịu mát cuối hè, những khu vườn đêm,…
Trong Ruxia, câu chuyện tình mùa hè của 20 năm trước cũng chợt ùa về khi người đàn ông gặp lại khoảng không gian quen thuộc ghi dấu kỉ niệm tình yêu với Ruxia. Dòng hoài niệm đưa ông trở về với giấy phút bất tử, khi nàng chạy từ ngoài vườn vào với “đôi bàn chân bé nhỏ, ướt át”, rồi những đêm trăng bơi thuyền thơ mộng, khoảnh khắc hai người gắn bó bên nhau. Tất cả như vừa mới diễn ra, ông vẫn nhớ như in từng chi tiết, trái tim vẫn còn nguyên những thổn thức và rung động.
Có lẽ những cung bậc cảm xúc trong tình yêu thể hiện rõ nhất đời sống tâm lí phức tạp và nhiều đột biến của nhân vật. Tình yêu trong truyện Bunin bao giờ cũng đến nhanh, bất ngờ và không trọn vẹn. Biệt tài của nhà văn là phát hiện và diễn tả những cảm xúc tinh tế của nhân vật trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất – giây phút tình yêu bắt đầu và thời điểm cuộc tình tan vỡ. Đó là những khoảnh khắc mà
56
cảm xúc của con người bị dồn nén và bộc lộ những xúc cảm mãnh liệt nhất. Tình yêu đến khiến cho con người những cảm xúc đắm say, tình yêu đi để lại những nỗi u buồn dai dẳng.
Tình yêu trong Những tấm danh thiếp bắt đầu từ sự gặp gỡ ngẫu nhiên giữa hai người xa lạ: một nhà văn nổi tiếng và một thiếu phụ trẻ trên một chuyến tàu tốc hành. Mỗi tình ngắn ngủi ấy ban đầu xuất phát từ những “đam mê thấp hèn, một sự đùa cợt của người đàn ông với người phụ nữ”. Nhưng chính khoảnh khắc chia ly “chàng hôn lên bàn tay bé nhỏ và giá lạnh của nàng”, chàng chợt nhận ra rằng đó là “mối tình còn lại ở đâu đó trong tim chàng suốt cả cuộc đời.” Độ ngắn ngủi của thời gian không tỉ lệ thuận với những ám ảnh mà tình yêu để lại trong người trong cuộc.
Nhân vật của của Bunin thường đứng trước nhiều tình huống cảm xúc bất chợt. Cái “bỗng dưng” ấy khiến người đọc ngỡ ngàng và chính nhân vật cũng phải sửng sốt.
Say nắng có lẽ vẫn là truyện tình ấn tượng nhất của Bunin. Ở đó người đọc thấy rõ cảm
giác bàng hoàng của tình yêu trỗi dậy chỉ sau một lần gặp gỡ và tình yêu cũng bất ngờ ra đi chỉ sau một đêm gần gũi. Sau khoảnh khắc tình yêu bừng cháy, nhà văn giữ cho nhịp truyện như lắng lại để cảm nhận từng biến chuyển li ti, từng rung động mơ hồ, xuyến xao, run rẩy của đến cực điểm trong tâm hồn hai nhân vật. Tình yêu đến từ sự chuếnh choáng của tâm hồn, bất ngờ như một tia sét đánh, như bị một quả đấm của mặt trời nhưng khi qua đi rồi, cái chuếnh choáng vẫn còn nguyên vẹn, khiến chàng phải trăn trở, day dứt suốt những năm tháng sau này. Tình yêu chớp nhoáng ấy nhiều mật ngọt nhưng cũng không thiếu những cay đắng, có những giây phút hạnh phúc tuyệt đỉnh nhưng cũng có những đau khổ đến tột cùng.
Ngòi bút miêu tả tâm lí của Bunin đã đặc tả những rối bời, phức tạp trong lòng chàng trai sau sự ra đi đột ngột của người thiếu phụ. Trong nỗi trống trải vì chia ly có sự trở đi trở lại đầy dằn vặt của nỗi nhớ, chàng nhớ “mọi đặc điểm dù là nhỏ nhất của nàng, nhớ mùi cháy nắng và mùi chiếc xiêm vải gai của nàng, tấm thân chắc nịch của nàng, thanh âm hoạt bát, giản dị và vui vẻ trong giọng nói của nàng…” [7, tr. 208]. Có những cảm giác sống động khác thường - “một cảm giác kì dị, khó hiểu, chưa hề có mảy may trong khi họ đang ở bên nhau” mà chàng trai
57
chẳng gọi được thành tên. Tất cả đều rất mơ hồ và khó lòng thổ lộ. Chàng nghĩ đến tương lai không có nàng đầy tuyệt vọng nhưng cũng nhìn lại ngày hôm qua như một điều kì quặc. Cái phức tạp trong tâm hồn còn để lại những dấu ấn trong cách chàng trai cảm nhận thời gian: Ngày hôm nay kéo dài trong ê chề bởi những cảm xúc bề bộn, bởi sự tranh đấu giữa hành động và cảm xúc. Khi mọi cảm xúc đã tạm lắng xuống, “chàng thấy hệt như cũng đã qua đi cách đây tới mười năm rồi vậy.” Kết thúc truyện, chàng trung úy nhận thấy mình như đã già đi mất mười tuổi. Phải chăng những trải nghiệm cảm xúc chưa từng có trong đời, những nhớ nhung và dằn vặt đến tận cùng đã khiến trái tim chàng trai thêm dày dặn; hay những xúc cảm chàng vừa trải qua hỗn loạn tựa như mười năm dồn lại một ngày?
Những mối tình chớp nhoáng diễn ra vội vã nhưng để lại dư âm đậm nét, tạo cho người đọc cảm giác băn khoăn không biết sự kiện ấy đã thực sự xảy ra hay chỉ là một giấc mộng sớm đến, sớm tàn. Những tình yêu trong truyện Bunin không cầu kì nhưng sâu sắc bởi nhà văn luôn đam mê và tôn thờ thứ tình yêu cao thượng. Tình yêu ấy có thể chỉ còn lại trong dĩ vãng nhưng đều chứa đựng lí tưởng, mơ ước và những khát khao mãnh liệt của con người.