Sự giao thoa của vô thức và ý thức

Một phần của tài liệu Dấu ấn của Chủ Nghĩa hiện đại trong văn xuôi I.Bunin Luận văn thạc sĩ (Trang 60)

6. Kết cấu luận văn

2.2.3. Sự giao thoa của vô thức và ý thức

Con người không sống hoàn toàn bằng ý thức, lí tính, mà còn có sự tồn tại của phần vô thức – những điều bí ẩn, không thể lí giải của tâm thức con người. Hành vi vô thức là hành vi nằm ngoài sự kiểm soát của lí trí, không thể cắt nghĩa nó bằng logic thông thường, nó “xảy ra ở bên ngoài phạm vi của ý thức và chưa được con người ý thức đến.” Nhân vật trong văn xuôi hiện đại không còn là những nhân vật nguyên phiến, thống nhất từ đầu đến cuối với một tính cách. Trong bản thân nhân vật tồn tại những mặt đối lập, cả phần vô thức và ý thức, nên nhân vật thường không trùng khít với địa vị hay tính cách xã hội của nó – nó có thể nhỏ hơn, có thể lớn hơn địa vị xã hội ấy. Ở chính thời điểm nhân vật không trùng khít với bản thân mình, người đọc có cơ hội hiểu hơn về nhân vật.

61

Thế giới tâm hồn đầy phức tạp trong nhân vật của Bunin có một thanh âm không thể thiếu đó chính là những ý nghĩ, cảm xúc của nhân vật về chính bản thân mình – phần nhân vật tự ý thức. Nhân vật thường xuyên gọi tên, cố gắng cắt nghĩa những xúc cảm của chính mình. Cách nhân vật độc thoại nội tâm đã giúp người đọc hiểu hơn về thế giới bên trong của nhân vật.

Các nhà văn thường khai thác hành động vô thức, bản năng của con người qua những hành động gây nên hậu quả xấu với ý nghĩa biểu hiện sự không hoàn thiện trong mỗi con người. Nhưng dường như trong các tác phẩm của mình Bunin không quan tâm nhiều tới phạm trù tốt - xấu trong con người – hệ quy chiếu xã hội hoàn toàn bị gạt bỏ, chỉ còn nhân vật với những phạm trù của cá nhân – cảm xúc, cảm giác.

Chàng trai, nhân vật “tôi” trong Nàng Lika yêu Lika tha thiết nhưng những chuyến đi vẫn như một sự thúc giục vô thức mà anh không thể cưỡng lại. “Đêm hôm ấy tôi thề với nàng rằng chẳng bao giờ tôi đi đâu nữa. Rồi vài ngày sau tôi lại lên đường” [6, tr. 253]. Những chuyến đi như một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc đời anh nhưng càng dấn thân vào những chuyến đi là thêm một lần anh xa lánh tình yêu của mình. Ý thức của anh nhận ra khoảng cách đang lớn dần đó, nhưng ham muốn xê dịch trong vô thức đã trở thành một thói quen, và nó đã giành phần thắng, thậm chí anh còn “khoan khoái với chính mình, khao khát kể càng sớm càng hay cho nàng và anh tôi được nghe về cảnh tượng hiếm hoi mà tôi đã được chứng kiến: cả một đoàn hàng nghìn người khởi hành ngay trước mắt tôi đến xứ sở lạ lùng cách xa làng họ tới vạn dặm đường” [6, tr. 256]. Sự tự do đến buông thả đã lấn át cả tình yêu nồng nhiệt anh dành cho Lika. Sự mâu thuẫn giữa vô thức và ý thức cứ lớn dần và dẫn đến sự bùng nổ - sự ra đi của Lika.

Nhân vật tôi trong Natali luôn đứng giữa hai mối tình: một bên là tình yêu thánh thiện, trong trẻo giữa hai tâm hồn, một bên là những đam mê nhục dục. Lí trí liên tục khiến nhân vật “tôi” phải đấu tranh, tự vấn nhưng vô thức lại tiếp tục cuốn nhân vật nhấn sâu thêm vào hai vòng xoáy tình yêu ấy. Chỉ tới khi cái tôi bất ngờ thức tỉnh, khi phần lí trí giành phần thắng, nhân vật “tôi” mới có thể giải thoát khỏi

62

mâu thuẫn. Đó cũng là lúc nhà văn thể hiện quan niệm của mình về tình yêu: Tình yêu không loại trừ nhục dục, nó chỉ luôn cố gắng để vượt lên những nhục dục đơn thuần, những ham muốn ích kỉ nhất thời mà thôi.

Trong các truyện tình của mình, ngòi bút nhà văn lách vào những khoảnh khắc đặc biệt của mỗi mối tình, phát hiện ra cái vô thức trong giây phút tình yêu nhen nhóm. Các đôi tình nhân đến với nhau hoàn toàn theo tiếng gọi của trái tim, quên đi những trách nhiệm và vị thế của mình. Vô thức xúc cảm đã đem đến cho các nhân vật những giây phút đẹp đẽ nhất của tình yêu nhưng sự trở về của ý thức lại đẩy đưa tình yêu đến sự tan vỡ. Không ít những kết thúc không có hậu của tình yêu là sản phẩm của cái ý thức choàng tỉnh, vượt thoát lên trên dòng vô thức triền miên. Người thiếu phụ xinh đẹp vô thức cuốn vào cuộc tình chốc lát với chàng trung úy trẻ sau đó vội vàng trở về với cuộc sống quen thuộc của mình và chẳng để lại dù chỉ một cái tên (Say nắng); một tiểu thư giàu có luôn lạnh lùng và giữ khoảng cách với anh chàng bảnh trai, nhưng rồi bất ngờ chấp nhận hiến dâng cho anh và ngày hôm sau vào tu viện, mãi mãi không bao giờ gặp lại chàng nữa (Ngày thứ hai

chay tịnh); nàng Ruxia luôn chủ động trong tình yêu nhưng cuối cùng lại chọn

người mẹ điên, giũ bỏ tình yêu của mình chỉ trong tích tắc (Ruxia);…

Có thể nói bằng việc khai thác yếu tố vô thức của nhân vật, Bunin đã khẳng định bản chất phức tạp, khó nắm bắt của con người. Dường như không có một hệ quy chiếu, thước đo duy nhất nào, con người cần được nhìn nhận như một cá tính độc đáo, duy nhất. Trong Hơi thở nhẹ, nhân vật Olia liên tục được có sự thay đổi trong hành động: không tuân theo các quy tắc đạo đức, vội vàng trở thành một người đàn bà, điên lên vì vui sướng, nói thẳng thắn và “mất lịch sự” với bà hiệu trưởng, chuẩn bị cho cuộc sống lâu dài, chết đi, nhưng vẫn còn sống trong kí ức của bà giáo chủ nhiệm… Bạn đọc nhận thấy ở đó sự liên tục vượt thoát ra khỏi mọi quy tắc đạo đức thông thường, những giới hạn về cuộc sống và cái chết.

Nhưng cũng bằng việc tạo nên những nhân vật khó nắm bắt, nhà văn đã gián tiếp loại bớt vai trò của mình với các nhân vật. Nhà văn không còn là người kể chuyện toàn tri – hiểu toàn bộ đời sống tâm hồn của nhân vật. Mỗi con người là một

63

bản thể duy nhất, tâm hồn nhân vật không phải là phương tiện để khái quát tính cách mà là đối tượng nhận thức nghệ thuật trực tiếp. Với việc phản ánh yếu tố vô thức trong đời sống con người, cắt nghĩa về con người có chiều sâu triết học, Bunin đã phần nào bước chân vào lãnh địa của tư duy nghệ thuật hiện đại. Tóm lại, văn xuôi Bunin đã thể hiện một cái nhìn có chiều sâu về con người. Nhân vật đã tồn tại như một cá nhân, cá thể phức tạp. Đó là những người sống thiên về cảm xúc nội tâm, giàu cảm giác với thế giới xung quanh, với người khác và chính mình, vừa tồn tại bằng ý thức lại vừa sống bằng vô thức, bản năng.

Một phần của tài liệu Dấu ấn của Chủ Nghĩa hiện đại trong văn xuôi I.Bunin Luận văn thạc sĩ (Trang 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)