Hình tượng con người nhỏ bé

Một phần của tài liệu Dấu ấn của Chủ Nghĩa hiện đại trong văn xuôi I.Bunin Luận văn thạc sĩ (Trang 67)

6. Kết cấu luận văn

2.3.2.Hình tượng con người nhỏ bé

Hình tượng con người nhỏ bé – viết về những thân phận nhỏ bé, yếu ớt và ít có tiếng nói trong xã hội, đã trở nên quen thuộc trong truyện ngắn của Puskin, A.Chekhov,… Bunin cũng dành cho họ sự nâng niu, xót xa cho họ nhưng đó không phải là sự xót thương đơn thuần. Nhà văn không chỉ dừng bút trước những thiệt thòi, khổ đau của nhân vật, nói lên tiếng nói thương cảm chân thành mà còn cố công đi tìm vẻ đẹp ẩn giấu sau vẻ ngoài xù xì, lặng lẽ của họ.

Trong Meliton, nhà văn đã khắc họa một con người buồn bã, cô đơn, lặng lẽ đáng thương: “Bác làm ngay ra vẻ bình thản, dường như để cố giấu nỗi buồn thường có trong đôi mắt xanh lam mờ nhạt của mình” [7, tr. 40]. Nỗi đau ngưng đọng dưới “đôi gò má nhăn nheo”, “đôi mí mắt sụp xuống”, ẩn giấu trong những tiếng thở dài, trong hình ảnh “đầu cúi xuống, từ tốn vò dúm thuốc lá”, trong giọng hát “nghe buồn rượi” của nhân vật. Cuộc đời bác quẩn quanh với mảnh rừng trông coi cho điền chủ, làm việc với sự cẩn trọng, cung phụng một cách thái quá. Bunin không dành nhiều đất cho cuộc sống và thân phận nghèo hèn của bác Meliton mà tìm về quãng thời gian quá khứ, về miền hoài niệm sâu kín của nhân vật. Thông qua những lời kể đứt đoạn, bình thản: “trước cũng có vợ, nhưng lâu rồi, chả nhớ được”, “Cũng có cả con cái nữa đấy ạ, mà Chúa cũng đã đem chúng đi từ hồi nào ấy rồi…” [7, tr. 45]; qua lời hát than thở về những khu vườn xanh tươi, sự hồi nhớ về một mối tình xưa, những vòng hoa tết không biết để cho ai… Bunin đã giúp bạn đọc hiểu được phần nào đời sống nội tâm phong phú ẩn sâu dưới lớp vỏ lặng lẽ, đơn điệu của bác. Phải có một trái tim biết trân trọng những giá trị tâm hồn của con người, Bunin

68

mới khơi ra được những phần ẩn giấu đáng quý nơi những kiếp người nhỏ bé như bác Meliton.

Trong truyện ngắn Cỏ gày, “con người nhỏ bé” là hình tượng duy nhất và xuyên suốt. Từ những dòng mở đầu, Bunin đã khắc họa hình ảnh bác Averki, người nông dân nghèo khổ, yếu ớt, vẫn phải đi làm thuê dù đang chịu cảnh ốm đau. Vẻ khắc khổ, lam lũ đã hằn in ngay trên những nét ngoại hình của nhân vật: vẻ cục mịch, khẳng khiu, yếu ớt, gầy guộc. Bức chân dung về bác chứa đựng cả sự xót xa, thương cảm của người kể chuyện. Dường như chính thân phận cơ cực, nghèo khổ đã làm hao mòn sức khỏe bác từng ngày, đã đẩy đưa bác đến chỗ nhẫn nhục và bất lực trước cuộc đời. Phần lớn dung lượng còn lại của tác phẩm dành cho dòng suy nghĩ của bác Averki. Những tháng ngày đau ốm, chặng đường tiến dần tới điểm kết thúc của bác lại chính là thời gian hiếm hoi để bác có cơ hội nhìn lại cuộc đời mình, ngẫm nghĩ về những người thân yêu nhất của mình. Cuộc đời vất vả của bác cũng theo đó mà dần được hé lộ. Vài ba kỉ niệm đẹp cũng thấp thoáng xuất hiện nhưng nó không đủ để xoa dịu những chuỗi ngày cay đắng liên miên trong đời bác. Những kỉ niệm đẹp nhỏ bé và ít ỏi, tựa như thứ đồ quý hiếm mà bác phải nâng niu, ghi tạc trong lòng và ôn đi ôn lại cho tới phút cuối đời.

Cảm giác của người đọc từ đầu tới cuối truyện luôn là sự xót xa. Người nông dân Averki khốn khổ ấy, đến khi cái chết cận kề vẫn lo lắng cho chuyện miếng ăn và thậm chí, nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cái chết của bác cũng là miếng ăn: “những nỗi gian lao cuối cùng trước khi chết đã đến với bác, nhưng dù sao bác vẫn cố không để mất những món ăn ngọt ấy khi bác lê bước tới căn nhà gỗ này” [7, tr. 142]. Tưởng như sự lo lắng không bao giờ rời bỏ bác khi trớ trêu thay, cuộc sống khổ cực bắt bác phải lo cả cái điều: “Nếu mau mau chóng chóng mà chết thì dĩ nhiên chẳng có gì phải suy nghĩ nữa rồi. Thế nhưng ngộ nhỡ chưa chết ngay thì sao?” [7, tr. 144].

Cả cuộc đời bác chỉ có hai người thân yêu nhất là vợ và cô con gái, thế nhưng, khi đối diện với cái chết, bác lại hoàn toàn đơn độc. Khi đau yếu, bác buồn lòng bởi những người xung quanh đã bỏ quên bác, nhưng nỗi buồn ấy trở thành bất

69

hạnh khi chính vào thời điểm bác từ giã cõi đời, cô con gái còn bận đi dự lễ đính hôn của bạn còn người vợ thân yêu của bác cũng “không hay biết gì cả”. Con người này, khốn khổ, vất vả cả cuộc đời đến khi chết cũng cô độc đến tuyệt đối. Trước tất cả những bất hạnh đó, cái chết trở nên nhẹ nhàng, không còn đáng sợ nữa. Sự liên tưởng và so sánh ngầm đã nói lên điều đầy chua xót: cuộc đời con người ấy còn bất hạnh hơn cái chết. Với nhân vật Averki, Bunin đã hữu hình hóa khái niệm bất hạnh, để bạn đọc tự mình cảm nhận và suy ngẫm. Bác Averki không chỉ là một người nông dân cụ thể mà được nâng lên thành biểu tượng cho nỗi bất hạnh của những thân phận bé nhỏ.

Hình tượng những “con người nhỏ bé” tuy xuất hiện không nhiều trong trong văn xuôi Ivan Bunin nhưng cũng đủ để tạo nên dấu ấn đặc biệt. Cuộc đời họ là chuỗi những bất hạnh đến tận cùng nhưng họ vẫn gìn giữ những kỉ niệm tươi đẹp, vẫn bảo toàn một tấm lòng chân thành và một trái tim nhân hậu. Hình tượng nhân vật này thể hiện rõ nhất khuynh hướng hiện thực – tượng trưng trong sáng tác của Bunin.

Tiểu kết

Cuộc đời trong quan niệm của Bunin không phải là những gì ta thấy mà là những gì ta cảm nhận được, vì thế các nhân vật cũng được nhìn nhận, tiếp cận từ góc độ những giá trị tinh thần. Nhân vật với những cảm giác, cảm xúc, suy tưởng và hoài niệm đã trở thành linh hồn của văn xuôi I.Bunin.

Những nguyên tắc vẽ chân dung quen thuộc gần như đã bị phá vỡ khi nhà văn lựa chọn những chi tiết thoáng qua, không điển hình và mang đậm màu sắc chủ quan của người chiêm ngắm. Mỗi nhân vật trong truyện của Bunin là một thế giới thu nhỏ đa chiều của cảm xúc, nhân vật của cảm giác và sống bằng cảm giác. Nhà văn không có ý định xây dựng nên những tính cách điển hình của xã hội mà tiếp cận con người như một bản thể vốn có, con người tồn tại cả phần ý thức và cái vô thức, bản năng.

Những nhân vật trở đi trở lại nhiều lần, như nhân vật nữ, nhân vật người nông dân, không chỉ là các nhân vật đơn thuần mà được nhà văn nâng lên thành những biểu tượng. Có thể thấy, nhân vật của Bunin chủ yếu được khắc họa bằng bút

70

pháp của chủ nghĩa ấn tượng nhưng bút pháp tượng trưng chủ nghĩa đã làm nên sức sống lâu bền cho nhân vật.

Bunin nói rằng ông không thuộc một trường phái văn học nào nhưng chắc chắn trong ông có một phần của nhà văn hiện thực – nhà văn hiện thực tâm hồn, ông đã gói ghém hiện thực xã hội Nga cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX qua các nhân vật nhỏ bé của mình.

71

CHƢƠNG 3: KHÔNG – THỜI GIAN ẤN TƢỢNG VÀ TƢỢNG TRƢNG

Một phần của tài liệu Dấu ấn của Chủ Nghĩa hiện đại trong văn xuôi I.Bunin Luận văn thạc sĩ (Trang 67)