1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Một số đặc điểm của truyện trạng xứ Nghệ

71 3,7K 2

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 71
Dung lượng 761,22 KB

Nội dung

Lý do chọn đề tài Xứ Nghệ là vùng văn hoá đặc sắc, đặc biệt có kho tàng văn học dân gian phong phú, đa dạng và đồ sộ với nhiều thể loại khác nhau như các loại câu đố, ca dao dân ca, tru

Trang 1

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

Văn Thị Bích Thảo

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA TRUYỆN TRẠNG XỨ NGHỆ

TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ

Chuyên ngành: Văn học dân gian

Mã số : 60 22 36

Người hướng dẫn khoa học: PGS TS Trần Thị An

Hà Nội, tháng 10/2009

Trang 2

MỤC LỤC

Trang

PHẦN MỞ ĐẦU……… 3

1 Lí do chọn đề tài ……… 3

2 Lịch sử vấn đề ……… 3

3 Mục đích, ý nghĩa của đề tài ……… 4

4 Đối tượng, phạm vi nghiên cứu……… 5

5 Phương pháp nghiên cứu……… 5

6 Bố cục luận văn……… 5

PHẦN NỘI DUNG……… 7

Chương 1: Những vấn đề chung……… 7

1.1 Truyện trạng trong môi trường văn hóa dân gian xứ Nghệ……… 7

1.1.1 Về tên gọi xứ Nghệ……… 7

1.1.2 Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên……… 8

1.1.3 Tính cách con người xứ Nghệ……… 8

1.1.4 Văn hóa dân gian xứ Nghệ và tiểu loại truyện trạng……… 9

1.2 Truyện trạng nhìn từ góc độ lý luận cái hài……… 12

1.2.1 Lý thuyết cái hài……… 12

1.2.2 Các quan điểm về phân loại truyện cười……… 13

1.2.3 Truyện trạng xứ Nghệ trong kho tàng truyện cười nói chung - Những nhận diện bước đầu……… … 14

1.2.4 Môi trường diễn xướng của truyện trạng xứ Nghệ……… 16

*Tiểu kết chương 1……… ………… 18

Chương 2: Truyện trạng xứ Nghệ nhìn từ góc độ nội dung……… 19

2.1 Truyện trạng phản ánh bức tranh phong tục của nông thôn xứ Nghệ……… 19

2.2 Truyện trạng phản ánh những xung đột đời thường trong các mối quan hệ xã hội ở nông thôn……… 24

2.3 Truyện trạng phản ánh những khuyết điểm, thói hư, tật xấu phổ biến của nhiều đối tượng sống ở nông thôn……… 33

*Tiểu kết chương 2……… 38

Chương 3: Truyện trạng xứ Nghệ nhìn từ góc độ nghệ thuật……… 39

3.1 Cốt truyện……… 39

3.2 Nhân vật……… 41

3.3 Người kể chuyện……… 43

Trang 3

3.4 Thủ pháp gây cười……… 46

3.5 Không gian và thời gian……… 48

3.5.1 Không gian……… 48

3.5.2 Thời gian……… 49

3.6 Ngôn ngữ……… 51

*Tiểu kết chương 3……… 52

Chương 4: Truyện trạng xứ Nghệ từ góc nhìn so sánh……… 53

4.1 Truyện trạng xứ Nghệ và hệ thống truyện về các ông Trạng……… 53

4.2 Truyện trạng xứ Nghệ và truyện các làng cười……… 55

4.3 Truyện trạng xứ Nghệ và truyện cười một số vùng khác……… 58

4.4 Truyện trạng xứ Nghệ và truyện cười nói chung……… 60

4.5 Xác định tiểu loại truyện trạng xứ Nghệ……… 62

4.5.1 Truyện trạng là truyện cười vùng……… 62

4.5.2 Truyện trạng là một bộ phận đặc sắc của sinh hoạt văn hóa dân gian xứ Nghệ……… 63

4.6 Sự biến đổi và sức sống của truyện trạng xứ Nghệ……… 64

*Tiểu kết chương 4……… 67

PHẦN KẾT LUẬN……… 69

Tài liệu tham khảo……… 73

Phụ lục……… 80

Trang 4

PHẦN MỞ ĐẦU

1 Lý do chọn đề tài

Xứ Nghệ là vùng văn hoá đặc sắc, đặc biệt có kho tàng văn học dân gian phong phú, đa dạng và đồ sộ với nhiều thể loại khác nhau như các loại câu đố, ca dao dân ca, truyện cổ, truyện thơ, hò, vè, hát dặm, hát ví…

Và một trong những nét sinh hoạt tinh thần của người Nghệ là nói, kể chuyện vui,

bông đùa mà tiếng địa phương gọi là truyện trạng Ở xứ Nghệ nói, kể truyện trạng là hình

thức sinh hoạt văn nghệ đời thường, phổ biến, rất đặc trưng của người dân nơi đây Truyện trạng xứ Nghệ là một hiện tượng hết sức độc đáo, vừa kết hợp giữa cái chung và cái riêng, vừa tuân theo đặc trưng của quy luật sáng tạo thẩm mỹ của văn học dân gian, vừa mang sắc thái địa phương đậm nét Hiện nay, có nhiều nhà nghiên cứu đã chú ý đến truyện trạng xứ Nghệ và khẳng định tính độc đáo của nó song một công trình nghiên cứu khoa học, có tính chuyên biệt về hiện tượng văn học dân gian này chưa được tiến hành

2 Lịch sử vấn đề

Hiện nay, có một số công trình tìm hiểu, nghiên cứu về truyện trạng xứ Bắc, đó là loại truyện cười kết chuỗi xoay quanh một nhân vật mà người dân tôn xưng là các ông Trạng (Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Trạng Cờ, Trạng Ăn, Trạng Vật, Trạng Quét, Trạng Gióng, Trạng Bùng, Trạng Trịnh, Trạng Khiếu, Trạng Tự Thiên, Trạng Bờ Ao, Trạng

Gầu…) Tiêu biểu là một số công trình sưu tầm, biên soạn như: Tổng tập văn học dân

gian người Việt, Tập 9, Truyện Trạng (Nguyễn Chí Bền); Kho tàng các ông trạng Việt Nam (Vũ Ngọc Khánh); Giai thoại truyện trạng (Nguyễn Giao Cư); Truyện Trạng Quỳnh

(Lưỡng Kim Thành); Kho tàng truyện trạng Việt Nam (Vương Trung Hiếu); Truyện trạng

(Nguyễn Đăng Na)…

Đối tượng mà chúng tôi quan tâm tìm hiểu trong luận văn này cũng là truyện trạng nhưng là kiểu truyện trạng khác, một loại truyện bông đùa, mua vui có nguồn gốc từ sinh hoạt nói trạng (phương ngữ Nghệ Tĩnh có nghĩa là nói phét, nói đùa) Truyện trạng xứ Nghệ về đa số gồm những mẩu truyện rời rạc và đang trong quá trình hình thành nên chưa đạt đến độ ổn định Chúng đang ở trong quá trình vận động, mở rộng hệ thống kết cấu truyện, chưa định hình và đóng khung trong một cốt truyện chắc chắn Ở một góc độ

nhất định, có lẽ những công trình tìm hiểu, nghiên cứu về các làng cười như Truyện làng

cười xứ Bắc (Trần Quốc Thịnh), Chuyện Vĩnh Hoàng (Võ Xuân Trang), Nụ cười xứ Huế

(Tôn Thất Bình)… có nét gần gũi với đối tượng nghiên cứu của chúng tôi hơn cả

Hiện nay, về việc tìm hiểu truyện trạng xứ Nghệ mới chỉ có một số công trình như

Chuyện trạng xứ Nghệ (Trần Hữu Thung), Gánh bưởi qua sông, Kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ, Tập 3 (Ninh Viết Giao) Tuy nhiên, những công trình mà Ninh Viết Giao,

Trang 5

Trần Hữu Thung tìm hiểu về truyện trạng xứ Nghệ mới chỉ dừng lại ở góc độ sưu tầm, biên soạn và viết lời bạt chứ chưa đi sâu nghiên cứu một cách có hệ thống

Một điều đáng lưu ý là sức sống truyện trạng nằm trong môi trường diễn xướng sinh động của nó, chỉ có người dân xứ Nghệ được sống trong môi trường sinh hoạt truyện trạng mới cảm nhận hết giá trị và ý nghĩa của nó Những câu chuyện mà Trần Hữu Thung

và Ninh Viết Giao sưu tầm giới thiệu với bạn đọc là những truyện trạng có cốt truyện, còn hầu hết các truyện trạng đang tồn tại trong cuộc sống hàng ngày của người dân là những truyện chưa thành truyện, chưa có cốt truyện Vì vậy, theo chúng tôi, tìm hiểu truyện trạng là phải đặt chúng vào môi trường diễn xướng Cho tới nay chưa có một công trình nghiên cứu hay một bài viết nào đề cập một cách kỹ lưỡng về điều này

3 Mục đích, ý nghĩa của đề tài

Bằng việc so sánh và tái hiện những nét sinh động của tiểu loại truyện trạng trong môi trường diễn xướng của loại hình sinh hoạt văn hóa nói, kể truyện trạng của người dân Nghệ Tĩnh, chúng tôi muốn làm rõ những nét độc đáo của truyện trạng xứ Nghệ trên cả phương diện nội dung và hình thức (xét ở góc độ văn bản)

Với những gì dự định làm trong luận văn, chúng tôi mong muốn giúp các nhà nghiên cứu đưa ra một cái nhìn toàn diện về loại hình sinh hoạt văn hóa nói, kể truyện trạng của người dân xứ Nghệ trong hệ thống các loại hình sinh hoạt khác của nhân dân trong cả nước

Ngoài ra, mục đích của luận văn còn là xác định vị trí của hệ thống truyện trạng với tư cách là truyện cười vui, mang tính vùng và từ đó bổ sung thêm tư liệu địa phương cho kho tàng truyện cười dân gian Việt Nam

Đồng thời, luận văn là những gợi mở bước đầu để nghiên cứu chuyên sâu về loại hình truyện cười địa phương ở nhiều vùng khác trong cả nước

4 Đối tƣợng, phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận văn này là truyện trạng xứ Nghệ với tư cách là một loại truyện cười vùng, một loại sinh hoạt văn hóa dân gian phổ biến, đời thường diễn ra hàng ngày của người dân Nghệ Tĩnh Theo đó, ngoài việc tìm hiểu truyện trạng xứ Nghệ trong thế vận động, sinh động và được đặt trong môi trường diễn xướng, chúng tôi cũng tiến hành phân tách đối tượng từ góc độ văn bản để thấy được một số nét riêng về nội dung và nghệ thuật của loại truyện trạng trong thế so sánh với một số tiểu loại truyện cười dân gian khác

Phạm vi tư liệu của luận văn này là 352 truyện trạng được hai tác giả Ninh Viết

Giao (Kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ (Tập 3), Gánh bưởi qua sông) và Trần Hữu Thung (Chuyện trạng xứ Nghệ) tập hợp và giới thiệu Ngoài ra, để làm rõ những nét đặc

Trang 6

sắc của truyện trạng xứ Nghệ và những đóng góp của truyện trạng xứ Nghệ trong kho tàng truyện cười dân gian Việt Nam, chúng tôi đã tiến hành khảo sát và thống kê 1.417

truyện cười trong cuốn Tổng tập văn học dân gian người Việt, Tập 8, Truyện cười do

Nguyễn Chí Bền chủ biên

Truyện trạng xứ Nghệ trong sinh hoạt văn hóa dân gian của người Nghệ Tĩnh thường không có cốt truyện, trong khi những mẩu truyện mà Ninh Viết Giao và Trần Hữu Thung tập hợp lại thường là những câu chuyện có cốt truyện Vì vậy, tuy có dựa nhiều vào các tài liệu của những người đi trước song trong việc đánh giá, nhận định quá trình vận động của truyện trạng thì chúng tôi lại cố gắng đặt truyện trạng trong cả môi trường diễn xướng Vì truyện trạng luôn trong thế vận động, không ngừng tiếp thu những yếu tố mới của đời sống nên để thuận tiện trong việc tìm hiểu, nghiên cứu của mình, chúng tôi chủ yếu khảo sát, phân tích và đưa ra các nhận xét dựa trên những truyện trạng

và cách kể truyện trạng truyền thống Tuy nhiên, trong công trình nghiên cứu của mình, chúng tôi có dành một phần nhỏ để tìm hiểu về những biến đổi của truyện trạng trong đời sống hôm nay nhằm đưa ra một cái nhìn toàn diện, tổng thể về diện mạo truyện trạng truyền thống và hiện đại

5 Phương pháp nghiên cứu

Quá trình triển khai luận văn, chúng tôi đã sử dụng và kết hợp vận dụng nhiều phương pháp Trước hết là phương pháp điền dã để thu thập tư liệu, bổ sung thêm vào phần tài liệu đã được cố định bằng văn bản Sau đó, chúng tôi tiến hành tổng hợp, phân loại các nguồn tài liệu; khảo sát phần tài liệu liên quan ở góc độ các văn bản (vận dụng phương pháp thi pháp học) trên cơ sở đối chiếu với nội dung văn bản đó trong bối cảnh thực hành để thấy được tính sinh động và đời sống toàn vẹn của các tác phẩm truyện trạng xứ Nghệ Cuối cùng, khi phân chia nhỏ đối tượng, chúng tôi tiến hành phân tích từng văn bản tác phẩm cụ thể, các nhóm tác phẩm cùng chủ đề… để thấy được đóng góp riêng của từng truyện trạng trong hệ thống các truyện kể dân gian xứ Nghệ nói riêng và

cả nước nói chung

Chương 2: Truyện trạng xứ Nghệ nhìn từ góc độ nội dung

Chương 3: Truyện trạng xứ Nghệ nhìn từ góc độ nghệ thuật

Chương 4: Truyện trạng xứ Nghệ từ góc nhìn so sánh

Phần kết luận

Trang 7

PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1.1 Truyện trạng trong môi trường văn hoá dân gian xứ Nghệ

Văn hóa dân gian mỗi vùng, miền tựa như cái nôi cho sự hình thành và phát triển những hiện tượng văn hóa đặc sắc của vùng ấy Môi trường văn hóa dân gian xứ Nghệ với những nét đặc thù là cội nguồn hun đúc, có vai trò to lớn đối với sự phát sinh và khởi sắc của tiểu loại truyện trạng xứ Nghệ Mỗi một vùng đất, với vị trí địa lý nhất định, điều kiện tự nhiên khác nhau sẽ sản sinh ra những vùng văn hóa riêng Đó là quy luật tác động của môi trường địa - văn hoá tới sự hình thành và chi phối đặc điểm của các giá trị văn hoá, văn học dân gian Xứ Nghệ - vùng đất mang “cá tính và phong cách riêng” chính là cái nôi “màu mỡ” để sản sinh ra kho tàng văn hóa, văn học dân gian đồ sộ và phong phú

của người dân Nghệ Tĩnh Theo cách phân chia của GS Đinh Gia Khánh trong cuốn Các

vùng văn hoá Việt Nam thì xứ Nghệ là 1 trong 9 vùng văn hoá làm nên nền văn hoá Việt

bên cạnh các vùng văn hoá: Đồng bằng miền Bắc, Việt Bắc, Tây Bắc, Thuận Hoá, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Nam, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội [38, tr.126] Còn

theo cách phân chia của GS Ngô Đức Thịnh trong cuốn Văn hoá vùng và phân vùng văn

hoá thì xứ Nghệ là một tiểu vùng văn hoá, bên cạnh văn hoá xứ Thanh, xứ Huế thuộc vùng văn hoá duyên hải Bắc Trung Bộ - 1 trong 7 vùng văn hoá của cả nước [83, tr.181]

1.1.1 Về tên gọi xứ Nghệ

Xứ Nghệ là cách gọi dân dã của nhân dân về miền đất Nghệ Tĩnh xưa và hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay Về mặt địa, văn hóa, xứ Nghệ nằm giữa xứ Thanh và xứ Huế Đây là vùng đất có từ lâu đời, thậm chí có nhà nghiên cứu cho rằng, xứ Nghệ là cái nôi cội nguồn của dân tộc Việt: “Người Kinh, người Việt ở Nghệ Tĩnh bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa của người Việt - Mường cổ và từ 4000 năm trước đây đã cùng đồng bằng miền Bắc phát triển từ trình độ văn hóa Phùng Nguyên lên trình độ văn hóa Đông Sơn” [38, tr.127]

Về lịch sử tên gọi của vùng đất, theo các tài liệu mà các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về vùng đất này sau nhiều lần tách nhập khác nhau, có thể trình bày giản lược như sau:

Thời Bắc thuộc, giai đoạn đế quốc Hán thống trị, xứ Nghệ có tên là Hàm Hoan, đến thế kỷ thứ 3 thì có tên là Cửu Đức, đến thế kỷ thứ 7 thì có tên là Hoan Châu Khi nhà

Lý lên ngôi (thế kỷ thứ 11), xứ Nghệ có tên là châu Nghệ An, đến thời Hậu Lê (năm 1490) được đổi tên thành xứ Nghệ An và có tên là Nghĩa An trấn dưới triều đại Tây Sơn Đến thời nhà Nguyễn - Gia Long lại đổi là Nghệ An trấn và đến năm 1931, thời vua Minh Mạng thì Nghệ An trấn lại được tách thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh Giai đoạn 1976 -

Trang 8

1991, chính quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sát nhập hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thành một tỉnh Nghệ Tĩnh Và cho đến năm 1991, tỉnh Nghệ Tĩnh lại được tách ra làm hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh như ngày hôm nay

Khi chưa tách tỉnh, Nghệ Tĩnh là tỉnh có diện tích và dân số lớn nhất cả nước Theo Đinh Gia Khánh thì “về mặt văn hóa, gộp hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh lại làm một thì hợp lý hơn bởi xứ Nghệ - Nghệ Tĩnh tuy hai mà là một” [38, tr.127]

1.1.2 Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên

Xứ Nghệ nằm giữa vùng xứ Thanh (Thanh Hóa) và xứ Huế, nằm trên đường thiên

lý Bắc - Nam, đường bộ xuyên Việt, thuộc vùng đất ở Bắc Trung Bộ nước ta; đồng thời

là dải đất hẹp miền Trung, phía Tây giáp Lào, phía Nam giáp tỉnh Quảng Nam, phía Đông giáp Biển Đông, phía Bắc giáp Thanh Hóa, địa hình trải dài từ Bắc đến Nam khoảng 300 km

Theo chiều ngang, chỗ hẹp nhất trên đất liền của xứ Nghệ là 80 km (địa bàn Hà Tĩnh) và chỗ rộng nhất là 200 km (địa bàn Nghệ An) Do đặc điểm địa hình, dải đất duyên hải xứ Nghệ đã hẹp về chiều ngang lại có rất nhiều đồi núi chia cắt đồng bằng nên việc canh tác của người dân gặp nhiều khó khăn, đất ít lại cằn cỗi Địa hình phức tạp nên khí hậu xứ Nghệ vô cùng khắc nghiệt Mùa hè thì gió mùa tây nam khô nóng từ Lào tràn sang, thổi cồn cột suốt ngày đêm Thiên nhiên chẳng ưu đãi cho xứ Nghệ, năm nào cũng vậy có rất nhiều đợt giông bão từ Biển Đông tràn vào, lũ lụt ở xứ Nghệ xảy ra thường xuyên như cơm bữa

Cuộc sống của người Nghệ vốn đã khó khăn bởi thiếu những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những dòng sông “đỏ nặng phù sa” lại càng trở nên khó khăn hơn Mặt khác, do có nhiều sông núi, xứ Nghệ lại là mảnh đất “phên dậu” để bảo vệ đất nước, là

“căn cứ địa” của nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân và được mệnh danh là “đất tứ tắc” (bốn

bề hiểm trở) trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc

Và có lẽ, với điều kiện tự nhiên lắm thiên tai, khí hậu quanh năm khắc nghiệt, sản xuất vô cùng khó khăn đấy lại là nền tảng để hình thành nên một kho tàng văn hoá phong phú, mặn mòi, giàu bản sắc, khác hẳn với văn hoá miền Bắc và miền Nam nói chung; khác với xứ Thanh và xứ Huế nói riêng, trong đó có sinh hoạt truyện trạng Phải chăng truyền thống nói trạng của người dân Nghệ Tĩnh là cách họ “tự vệ” trước thiên nhiên, cuộc sống khốn khó và là động lực để vượt qua bao nhiêu vất vả, đắng cay mà họ phải nếm trải

1.1.3 Tính cách con người xứ Nghệ

Tính cách con người là sự tích tụ từ những yếu tố của môi trường tự nhiên, tiến trình lịch sử văn hoá Luôn phải đấu tranh với thiên nhiên, với nhiều lực lượng xâm lược

Trang 9

trong cuộc sống mưu sinh cũng như bảo vệ đất nước nên tính cách người Nghệ có những nét độc đáo Quanh năm một nắng hai sương vật lộn trên mảnh đất cằn khô đã hun đúc ở người dân xứ Nghệ đức tính chất phác, bình dị và thẳng thắn, đồng thời cũng thể hiện một bản lĩnh, tinh thần nghị lực sống lớn lao “quen chịu đựng gian khổ, làm việc cần cù

và sinh hoạt rất tiết kiệm, trong cái gan góc có cái bướng bỉnh, trong cái trung thực có cái thô bạo, trong cái mưu trí có cái liều lĩnh” [38, tr.142] Chính vì thế, trong nhiều truyện trạng như “Giữ quạt được lâu”, “Giữ dép được lâu”, “Thế vẫn còn hoang”, “Tết thầy”… người Nghệ đã nhìn thẳng vào chính những điểm yếu của mình để mổ xẻ, cười cợt

Ngoài ra, người xứ Nghệ còn nổi tiếng khắp cả nước về truyền thống hiếu học, giỏi giang, thích văn chương, thơ phú với nhiều nhà thơ, nhà văn lớn Mảnh đất Nghệ Tĩnh vẫn được coi là nơi mà “nhà Nho ho ra chữ”, có những gia đình “sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa” song “cha đỗ, con đỗ, cháu đỗ, đỗ cả nhà”, có nhiều “ông nghè, ông cống, sống bởi ngọn khoai, anh học, anh Nho nhai hoài lộc đỗ”

Bên cạnh đó, theo nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh thì một trong những nét độc đáo của người Nghệ gắn với đặc thù địa phương mà không thể lẫn với những con người ở những vùng đất khác là giọng nói “người Nghệ còn bảo lưu khá nhiều yếu tố ngôn ngữ Việt cổ hoặc tiền Việt Mường” [83, tr.189] Chính phương ngữ độc đáo này đã góp phần làm nên bản sắc riêng cho văn học dân gian xứ Nghệ

Nhắc đến xứ Nghệ, nhiều người không thể không thừa nhận đây là cái nôi cách mạng nhiều đời, quê hương của nhiều danh nhân, chí sĩ Với tinh thần cách mạng, thái độ phản kháng mạnh mẽ của người dân, cộng với vị trí địa lý bốn bề hiểm trở, trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và bảo vệ tổ quốc, xứ Nghệ là “phên dậu” để chống thù trong giặc ngoài, là mảnh đất chịu nhiều thương tích của chiến tranh với bao nhiêu mưa bom bão đạn của kẻ thù trút xuống Và dường như để ứng phó với mọi vất vả, khó khăn và nỗi

cơ cực của cuộc sống, người dân xứ Nghệ thích nói trạng và có truyền thống nói trạng

Từ truyền thống nói trạng mà sinh ra sinh hoạt nói, kể truyện trạng và kiểu sinh hoạt này

là một loại hình sinh hoạt văn hoá đời thường, phổ biến ở Nghệ Tĩnh

1.1.4 Văn học dân gian xứ Nghệ và tiểu loại truyện trạng

Kho tàng văn học dân gian xứ Nghệ độc đáo và đa dạng với tất cả các hình thức và thể loại: tục ngữ, ca dao, vè, truyện cười, thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, giai thoại, huyền thoại, tiên thoại, phật thoại… của các dân tộc anh em Hàng ngàn bài vè được sưu

tầm trong 9 tập sách dày dặn rồi đến bộ sách 4 tập Kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ

mà nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao dày công sưu tầm và biên soạn là một gia sản văn học dân gian khổng lồ đủ để cho mỗi người con xứ Nghệ tự hào về mảnh đất mà mình sinh

ra

Trang 10

Sinh sống trên mảnh đất Nghệ Tĩnh, bên cạnh người Việt, dân tộc đông người nhất sống chủ yếu ở đồng bằng còn có các dân tộc khác như Thái, Thổ, Khơ Mú, HMông, Ơ

Đu, Chứt sống ở các huyện trung du và miền núi Trong phạm vi của luận văn này, chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu truyện trạng và hình thức sinh hoạt kể truyện trạng của người Kinh

Như chúng tôi đã nói, với tính cách rắn rỏi, kiên cường, không chịu “bó gói buông tay” trước tai ương địch hoạ, trong gian khó, người Nghệ đã biết đoàn kết nhau lại, yêu thương đùm bọc lẫn nhau để cùng phát triển Người dân xứ Nghệ đã tìm đến những lối sinh hoạt tập thể vui vẻ, xây dựng cho mình một đời sống tinh thần riêng như là một sự

bù đắp cho đời sống vật chất nghèo nàn và kham khổ Một trong những hình thức bù đắp đấy là sinh hoạt truyện trạng Những truyện được kể trong sinh hoạt nói trạng mà chúng tôi nghiên cứu gồm hầu hết là những truyện vui cười, hài hước

Truyện trạng xuất phát từ nói trạng mà ở Thanh Chương, Can Lộc gọi là nói lồi, một số nơi khác như Yên Thành, Thạch Hà, Diễn Châu gọi là nói lủng lưởng Nói trạng

theo phương ngữ của người dân xứ Nghệ là nói phóng đại, nói bắt bẻ, lý lẽ Nói trạng thường lấy những sự việc xảy ra trong đời sống, cũng thường dùng cái tục và chữ nghĩa (tính đa nghĩa của từ) của địa phương làm phương tiện gây cười Nói trạng còn là một phong cách của những tay kể chuyện thời sự dân gian hoặc thành văn, hoặc không thành văn vì người nói trạng thường bịa đặt thêm, nói trệch đi, pha trộn, nhào nặn… lái câu chuyện theo quỹ đạo của mình để người nghe thấy được ý nghĩa gần gũi của nó Nói trạng và truyện trạng đều thể hiện tính vui vẻ, thông minh, nhanh trí, dí dỏm, nghịch ngược… của con người xứ Nghệ Chỉ một số ít truyện trạng được ghi chép thành văn và

đa số là chưa được phổ biến rộng rãi “Nó gần với đặc điểm từng vùng, thậm chí có truyện chỉ kể trong một xóm, một xã” [20, tr.28] Điểm độc đáo của truyện trạng là gắn liền với những sự việc, con người cụ thể diễn ra trong đời sống hằng ngày ở từng địa phương

Như đã trình bày ở trên, khái niệm truyện trạng xứ Nghệ khác hẳn với khái niệm truyện Trạng xứ Bắc Truyện Trạng xứ Bắc là loại truyện cười kết chuỗi, xoay quanh một nhân vật mà dân gian tôn xưng là các ông Trạng (Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Trạng Cờ, Trạng Vật, Trạng Ăn, Trạng Gióng, Trạng Gầu, Trạng Quét, Trạng Bờ Ao, Trạng Bùng, Trạng Trịnh, Trạng Khiếu ), từ Trạng ở đây viết hoa, chỉ một học vị dân gian theo hệ thống khoa cử, trong khi đó đối tượng mà chúng tôi nghiên cứu lại là truyện trạng bắt nguồn từ việc nói trạng (nói bông đùa, nói vui, nói phét…) thì từ “trạng” lại viết thường, chỉ một cách nói Đây là hai từ đồng âm khác nghĩa, về cơ bản là hoàn toàn khác nhau Nhìn một cách tổng thể, truyện trạng mà chúng tôi tìm hiểu là những câu chuyện được kể

Trang 11

trong sinh hoạt nói, kể truyện trạng của người dân xứ Nghệ là những truyện cười mang màu sắc địa phương cả về nội dung và nghệ thuật Cả hai nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao

và Trần Hữu Thung đều thống nhất quan điểm về truyện trạng xứ Nghệ là: truyện thường lấy những sự việc xảy ra trong đời sống làm đề tài rồi do chủ quan người kể (sáng tác) hư cấu thêm, thêu dệt, bịa đặt và phóng đại thêm Có khi, truyện trạng lấy các truyện cười để làm cốt rồi địa phương hoá (hiện đại hoá nữa) bằng những tình tiết và nhân vật gần gũi để hướng cái cười vào những đối tượng cụ thể Chính vì thế mà Trần Hữu Thung trong cuốn

Chuyện trạng xứ Nghệ gần như đồng nhất những truyện cười dân gian ở Nghệ Tĩnh là

truyện trạng, còn Ninh Viết Giao lại cho rằng “truyện trạng sẵn sàng gia nhập vào kho tàng truyện cười của xứ Nghệ và phần lớn truyện cười xứ Nghệ là truyện trạng” [20, tr.32]

Do sự phong phú của truyện trạng, cách kể truyện trạng nên chúng tôi rất khó đưa

ra được tiêu chí nhất quán trong việc phân chia, sắp xếp nó vào các tiểu loại của truyện cười Có nhiều truyện trạng, nếu chỉ xét trên phương diện văn bản thì có thể thấy chức năng cơ bản là trào phúng, đả kích song nếu đặt trong môi trường diễn xướng thì chức năng hài hước lại được đưa lên hàng đầu Điều đó cho thấy, trong sinh hoạt nói truyện trạng thì tính vui vẻ, hài hước, bông đùa là cơ bản, quan trọng nhất so với những chức năng khác và các chức năng khác của truyện trạng trở thành chức năng phụ Điều này không có nghĩa, truyện trạng chỉ có chức năng mua vui, bông phèng mà bên cạnh đó còn

có một số chức năng khác như giáo dục bè bạn, đả kích kẻ thù song những chức năng này đặt trong bối cảnh sinh hoạt truyện trạng thì ý nghĩa và sắc thái của nó giảm đi rất nhiều

1.2 Truyện trạng nhìn từ góc độ lý luận cái hài

1.2.1 Lý thuyết cái hài

Cái hài là một trong bốn phạm trù mĩ học của mỹ học Hêghen (cái đẹp, cái hài, cái

bi và cái cao cả), dùng để xác định và đánh giá các hiện tượng xã hội, hành vi con người, phong tục tập quán không phù hợp với lí tưởng thẩm mĩ tiến bộ, không ăn khớp với sự phát triển khách quan xã hội, mâu thuẫn với lí tưởng thẩm mĩ và do đó chúng bị lên án dưới hình thức cười nhạo Theo Lại Nguyên Ân thì “Trong lịch sử tư tưởng mỹ học, cái hài được nhận định như là kết quả của sự tương phản, sự “bất đồng”, sự mâu thuẫn: giữa xấu và đẹp (theo Arixtôt), giữa cái quan trọng giả và cái quan trọng thật (theo Hêghen), giữa cái nhỏ nhặt và cái cao cả (theo Kant, 1724 - 1804), giữa cái nhỏ nhặt trống rỗng bên trong và bề ngoài mang tham vọng có nội dung, có ý nghĩa thực (theo Secnưsepki), giữa cái vô lý và cái hữu lý (theo Jean Paul, 1763 - 1825, nhà văn lãng mạn Đức), giữa tính tiền định vô biên và tính võ đoán vô biên (theo Sêlinh - F.Schelling, 1775 - 1854), giữa hình hài và ý tưởng (theo Fisơ - F Vischer, 1807 - 1887), giữa cơ giới và sống động (theo

Trang 12

Becxông - H Bergson, 1859 - 1941), giữa cái có giá trị và cái mang tham vọng có giá trị (theo Fônken - J Volkelt, 1843 - 1930)…” [30, tr.198] Theo đó, cái hài là sự mâu thuẫn giữa các hiện tượng không hoàn thiện và kinh nghiệm tích cực của nhân loại, được ghi khắc ở các lý tưởng thẩm mỹ, là sự không tương dung mang ý nghĩa xã hội giữa mục đích và phương tiện, giữa hình thức và nội dung, giữa hành động và hoàn cảnh, giữa bản chất và các biểu hiện của nó, giữa tham vọng của cá nhân và các khả năng của nó…

Theo Nguyễn Thanh Sơn, mỹ học Mác - Lênin xác định cơ sở khách quan của cái hài là sự không thống nhất giữa phẩm chất bên trong của hiện tượng hài và sự thể hiện bề ngoài của nó, là sự không phù hợp giữa một sự vật, hiện tượng nào đó với môi trường, với xu thế vận động của ngoại cảnh Theo đó, có ba dạng hài cơ bản Thứ nhất, dạng hài lịch sử - xã hội có cơ sở là mâu thuẫn giữa xu hướng phát triển của tiến bộ xã hội, của các lực lượng cách mạng với các lực lượng xã hội lạc hậu đã hết vai trò lịch sử và đang cản trở bước tiến của xã hội nhưng cố chứng tỏ vai trò “cần thiết”, “quan trọng” của mình Thứ hai, dạng hài tệ nạn xã hội thường gắn với những cá nhân và hành động tiêu cực nhưng mạo xưng là tiên tiến, tích cực, tạo vẻ tích cực giả dối để huấn thị - dạy đời Thứ

ba, dạng hài đời thường xuất hiện phong phú, đa dạng hơn cả; bất kỳ con người nào cũng

có thể mắc phải với các mức độ và tần suất khác nhau vì nó liên quan đến lối sống, quan

hệ, giao tiếp, sinh hoạt thường ngày Những lối nói, ngôn từ, âm sắc, hành vi, cử chỉ không hợp chuẩn quen thuộc của cộng đồng đều có thể trở thành khách thể hài [75, tr.2] Còn theo V.Guxep thì “Cái hài là một hình thức đặc biệt tích cực và sắc bén Trong những công trình nghiên cứu folklore, thường cái hài và những loại hình biểu hiện cơ bản của nó - hài hước (humour) và trào phúng (satire) - bị đồng nhất hóa với thái độ phê phán đối với thực tế nói chung” và “Nói chung có thể nói rằng, một trong những đặc trưng cơ bản của cái hài là ở mâu thuẫn giữa bản chất của những hiện tượng và tham vọng làm ra cái trái ngược với nó” [22, tr.558-559] Vì vậy, V.Guxep cho rằng: “Thường thường người ta hay lẫn cái xấu, cái thấp kém với cái hài Đương nhiên có một liên hệ xác định giữa những phạm trù này Nhưng không phải mọi cái xấu và mọi cái thấp kém đều có tính chất hài và cái hài không phải lúc nào cũng xấu hoặc thấp kém” [22, tr.559]

Sinh hoạt truyện trạng ở xứ Nghệ là dạng sinh hoạt cộng đồng để mua vui, thư giãn, trong nhiều tình huống và trường hợp cụ thể, nói như V.Guxep là không phải lúc nào cái hài ở đây cũng xấu hoặc thấp kém Theo như cách phân chia cái hài thành ba dạng thức cơ bản trên, trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu sinh hoạt truyện trạng, chúng tôi nhận thấy tiếng cười ở đây chủ yếu rơi vào hai dạng hài cơ bản là dạng hài tệ nạn xã hội và dạng hài đời thường, trong đó dạng hài đời thường là phổ biến hơn cả Tiếng cười được nổ ra một cách rôm rả trong sinh hoạt truyện trạng có thể xuất phát từ trạng những

Trang 13

hành vi, cử chỉ, ngôn ngữ, dáng điệu… là tất cả những thủ thuật gây cười của người kể chuyện (các tay trạng dân gian sử dụng) trong môi trường diễn xướng (dạng hài đời thường), hay bắt nguồn từ những tình tiết, yếu tố cười chứa đựng trong các truyện trạng được kể (có cả dạng hài đời thường lẫn dạng hài tệ nạn xã hội) Và theo GS Đinh Gia Khánh, truyện cười dân gian Việt Nam có hai cung bậc của tiếng cười là tiếng cười hài hước đơn giản và tiếng cười hài hước có ý nghĩa xã hội: “tiếng cười hài hước bật ra là do một sức mạnh nội tại của tâm trí chúng ta, tức là sự phản kháng và sự thắng lợi của tư duy logic đối với những hiện tượng muốn lọt ra khỏi phạm vi giải quyết của nó Tiếng cười hài hước thể hiện sự thắng lợi của trí tuệ” [43, tr.336] Tuy nhiên, có một điều lưu ý

là cái hài bao giờ cũng gây ra tiếng cười nhưng lại có một số điểm khác biệt giữa tiếng cười và cái hài Tiếng cười do kích thích về mặt sinh lí học mà có khác hẳn với cái hài là một hiện tượng thẩm mỹ vì một đằng biểu hiện sự phấn khích do được đáp ứng những nhu cầu của vô thức ngoài thẩm mỹ, một đằng là mang ý nghĩa nhận thức, khám phá Vì thế, để có tiếng cười hài, chủ thể cần có sự nhạy cảm thẩm mỹ, sự sáng tạo ra điều kiện hài hước lành mạnh đòi hỏi trí tuệ sắc sảo Điều đó giúp lý giải vì sao trong có nhiều trường hợp, trong buổi sinh hoạt truyện trạng ở xứ Nghệ, khi người kể chuyện biểu diễn các động tác hài hước hay những câu chuyện được kể ra có yếu tố hài nhưng người nghe, người tiếp nhận vẫn không cười vì họ chưa nhận thức, phát hiện và nhận diện được tính hài của đối tượng

Và điều cần lưu ý là trong sinh hoạt truyện trạng ở xứ Nghệ, dù người kể chuyện

có làm mọi “thủ thuật” để gây cười, thuần tuý chỉ để mua vui thì tiếng cười cũng không bao giờ là tiếng cười sinh học mà nó thuộc dạng hài đời thường hay là tiếng cười hài hước đơn giản như cách phân chia của GS Đinh Gia Khánh

1.2.2 Các quan điểm về phân loại truyện cười

Theo Chu Xuân Diên, “ngày nay, truyện cười là một thuật ngữ được giới nghiên cứu dùng để chỉ một thể loại tự sự, tiêu biểu cho dòng văn học hài hước dân gian” [30, tr.1842] Vì vậy, có thể coi truyện cười dân gian là một thể loại truyện dân gian chứa đựng cái hài, dùng tiếng cười làm phương tiện chủ yếu để thực hiện chức năng phê phán, châm biếm, đả kích cái xấu xa và mua vui giải trí

Và nhiều nhà khoa học cho rằng, người đầu tiên sử dụng thuật ngữ truyện cười là

Đặng Thai Mai qua bài báo Ý nghĩa nhân sinh trong truyện cười in trên Tạp chí Tri Tân

(các số 81, 82, 83) năm 1943 Ngoài thuật ngữ truyện cười, kể từ năm 1882, năm xuất

bản của tập Chuyện khôi hài của Trương Vĩnh Ký thì tới nay, cũng có khá nhiều tên gọi

khác như: truyện khôi hài, truyện tiếu lâm, tiếng cười, truyện tiếu đàm, nụ cười, cổ tích nực cười, chuyện vui, truyện trào phúng, chuyện giải buồn…

Trang 14

Về vấn đề phân loại truyện cười, hiện nay trong giới khoa học vẫn tồn tại nhiều cách phân chia khác nhau, chưa có độ thống nhất cao và như Kiều Thu Hoạch đánh giá thì “việc phân loại truyện cười ở nước ta còn rất lúng túng và vẫn là vấn đề đang cần phải bàn luận” [32, tr.27]

Nhóm các nhà nghiên cứu chia truyện cười thành hai tiểu loại là truyện khôi hài và truyện trào phúng (gồm trào phúng bạn và trào phúng thù) gồm: Đinh Gia Khánh trong

cuốn Văn học dân gian Việt Nam và tác giả có đề cập thêm truyện tiếu lâm nhưng lại cho

rằng truyện tiếu lâm là những truyện khôi hài và truyện trào phúng mang yếu tố tục [43,

tr.362-391]; Lê Chí Quế, Nguyễn Hùng Vỹ, Võ Quang Nhơn trong cuốn Văn học dân

gian Việt Nam [73, tr.142-163] Còn Giáo trình của Trường Đại học Sư phạm thì truyện

cười được chia làm 3 loại: truyện khôi hài, truyện trào phúng và truyện tiếu lâm [96, tr.153-206]

Theo Nguyễn Chí Bền trong Tổng tập văn học dân gian người Việt, Tập 8 (Truyện

cười) thì “căn cứ vào mục đích của chủ thể sáng tạo, có thể chia truyện cười dân gian làm

hai loại: truyện khôi hài và truyện trào phúng Nhìn từ góc độ số lượng của chủ thể sáng tạo có thể chia thành hai tiểu loại: truyện cười kết chuỗi và truyện cười không kết chuỗi Tiểu loại thứ hai này có hai bộ phận: các truyện cười lẻ và truyện cười ở các làng cười” [4, tr.50]

Ninh Viết Giao trong cuốn Gánh bưởi qua sông và Kho tàng truyện kể dân gian

xứ Nghệ, Tập 3 (Truyện cười) thì lại cho rằng, truyện cười xứ Nghệ bao gồm truyện khôi

hài, truyện tiếu lâm và truyện trạng (một loại truyện cười vùng đặc sắc, tồn tại trong loại hình sinh hoạt nói, kể truyện trạng rất phổ biến ở xứ Nghệ, là đối tượng nghiên cứu của luận văn này)

Tuy nhiên, cho đến nay dường như trong giới khoa học đã chấp nhận một quan điểm phân chia truyện cười làm ba loại là truyện khôi hài (bao gồm những truyện bông đùa, mua vui, không đả kích một đối tượng cụ thể nào cả), truyện châm biếm (dùng để châm biếm các thói hư tật xấu khá phổ biến ở tầng lớp nhân dân), truyện đả kích (dùng để

đả kích các đối tượng là kẻ thù của nhân dân) Và trong quá trình nghiên cứu của mình, chúng tôi cũng dựa trên cách phân chia này để phân loại tài liệu Theo đó, trong số 75

truyện trạng được tập hợp trong cuốn sách Chuyện trạng xứ Nghệ của Trần Hữu Thung

có 37 truyện khôi hài (chiếm tỷ lệ 49,3%), 22 truyện châm biếm (chiếm tỷ lệ 29,3%) và

16 truyện đả kích (chiếm tỷ lệ 21,3%); cuốn Gánh bưởi qua sông (Ninh Viết Giao) có

145 truyện cười gồm 72 truyện khôi hài (chiếm tỷ lệ 49,7%), 41 truyện châm biếm (chiếm tỷ lệ 28,3%), 32 truyện đả kích (chiếm tỷ lệ 22%) Còn trong 344 truyện cười (314 truyện cười lẻ, 5 truyện Cố Bờ Ao, 3 truyện Chắt Vạn, 5 truyện Mân Nhuỵ và 17

Trang 15

truyện Phan Điện) của Kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ, Tập 3 (Ninh Viết Giao), có

172 truyện khôi hài (chiếm tỷ lệ 50%), 107 truyện châm biếm (chiếm tỷ lệ 31,1%) và 65 truyện đả kích (chiếm tỷ lệ 18,9%)

1.2.3 Truyện trạng xứ Nghệ trong kho tàng truyện cười nói chung - Những nhận diện bước đầu

Trước hết, truyện cười là một loại hình tự sự dân gian lấy tiếng cười làm phương tiện nhằm mua vui, đả kích và châm biếm, trong khi truyện trạng xứ Nghệ cũng sử dụng biện pháp gây cười một cách hồn nhiên nhằm mua vui, hài hước và giải trí Về mặt tên gọi loại hình sinh hoạt văn hoá dân gian phổ biến này, người dân xứ Nghệ gọi là truyện trạng Cũng có người gọi là chuyện trạng, nhằm chỉ những câu chuyện tồn tại trong các

buổi nói trạng như Trần Hữu Thung trong Chuyện trạng xứ Nghệ Có thể, về mặt câu

chữ, hai cách gọi tên này sẽ có sự “vênh nhau” giữa nội hàm từ “truyện” và từ “chuyện” nhưng ở đây đều dùng để chỉ loại hình sinh hoạt đặc sắc có nguồn gốc từ nói trạng của người Nghệ Như vậy, xét ở góc độ văn bản, truyện trạng là một bộ phận của truyện cười dân gian xứ Nghệ, và lẽ đương nhiên, truyện cười dân gian xứ Nghệ là một bộ phận của truyện cười dân gian Việt Nam Theo đó, truyện trạng xứ Nghệ cũng là một bộ phận của truyện cười dân gian Việt Nam nên mối quan hệ giữa truyện trạng xứ Nghệ và truyện cười dân gian Việt Nam sẽ là mối quan hệ hai chiều, mà cầu nối trung gian là truyện cười dân gian xứ Nghệ Truyện trạng xứ Nghệ sẵn sàng tiếp thu, sử dụng kho tàng truyện cười

để làm chất liệu, trên cơ sở đó nhào nặn, tái tạo để bổ sung thêm vào kho tàng truyện trạng của địa phương bằng các tình tiết, chi tiết bản địa, nói cách khác là địa phương hoá các truyện cười trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam để trở thành những truyện trạng mới bằng cách ghép nối, thêm các chi tiết, tình tiết của địa phương bởi theo Trần Hữu Thung “Chuyện trạng xứ Nghệ gắn liền với đặc điểm từng vùng, thậm chí có truyện chỉ kể trong một xóm, một xã mà nếu đưa đi kể ở nơi khác thì ý nghĩa lại nhạt đi vì con người, sự việc, ngôn ngữ gắn liền với xóm đó, xã đó” [86, tr.7] Ngược lại, nhiều truyện trạng cũng có thể gia nhập vào kho tàng truyện cười dân gian bằng cách lược bớt các tình tiết địa phương, khái quát hoá các chi tiết, điển hình hoá các sự việc và hoàn chỉnh hơn về

mặt cấu trúc Theo khảo sát riêng của chúng tôi, trong Tổng tập văn học dân gian người

Việt, Tập 8 (Truyện cười) do PGS Nguyễn Chí Bền chủ biên có tất cả 1.417 truyện cười

(bao gồm 1.019 truyện cười lẻ và 398 truyện cười tập hợp từ 15 làng cười khác nhau) thì

có đến 203 truyện cười (trong tổng số 352 truyện cười xứ Nghệ) trong các tuyển tập truyện cười của Ninh Viết Giao và Trần Hữu Thung Có đến 57,7% (tỷ lệ 203/352) truyện cười xứ Nghệ mà theo PGS Ninh Viết Giao phần lớn truyện cười xứ Nghệ là truyện trạng, đóng góp khoảng 14,33% (203/1.417) cho kho tàng truyện cười Việt Nam

Trang 16

Đó là chưa kể đến, rất nhiều truyện cười dân gian Việt Nam mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi tập hợp và giới thiệu cùng bạn đọc được sưu tầm ở xứ Nghệ

Mặt khác, nếu đặt truyện trạng xứ Nghệ trong môi trường diễn xướng của nó thì mối quan hệ giữa truyện trạng xứ Nghệ và truyện cười lại có thể nhìn nhận ở một khía cạnh khác Có một chút khác biệt về phạm vi nội dung của truyện trạng và sinh hoạt kể truyện trạng Trong sinh hoạt truyện trạng, người ta còn kể cả truyện cổ thế sự, truyện ngụ ngôn, truyện cổ tích, giai thoại, thơ ca, tục ngữ, các loại truyện Trạng Lợn, Trạng Quỳnh… dưới hình thức biến tấu và gần gũi với truyện trạng Nói một cách ngắn gọn, trong môi trường diễn xướng của nó, truyện trạng là một “nồi lẩu thập cẩm” những truyện trên trời, dưới đất mà nhiều khi nội dung các truyện được kể ra không chứa đựng yếu tố cái hài mà nụ cười rôm rả, sảng khoái của buổi sinh hoạt truyện trạng lại bắt đầu từ những yếu tố ngoài nội dung văn bản được kể nhờ nghệ thuật diễn xướng của các tay trạng dân gian (người kể chuyện) Rõ ràng, sinh hoạt nói, kể truyện trạng cũng là một hình thức sinh hoạt văn hoá, văn nghệ dân gian ở xứ Nghệ bên cạnh các loại hình sinh hoạt văn hoá, văn nghệ khác như: chèo, tuồng, kịch nói, hát ví dặm, hát đò đưa… Như vậy, sinh hoạt kể truyện trạng là một bộ phận của sinh hoạt văn hoá, văn nghệ dân gian cả nước mà trong đó, sinh hoạt kể truyện cười nói chung cũng chỉ là một bộ phận Ở đây, đường biên của loại hình sinh hoạt truyện cười nói chung đã không đủ rộng để chứa trọn loại hình sinh hoạt truyện trạng ở xứ Nghệ mà giữa hai loại hình này tồn tại mối quan hệ

giao thoa chứ không phải lúc nào cũng trùng khít và bao chứa lẫn nhau

1.2.4 Môi trường diễn xướng của truyện trạng xứ Nghệ

Trong cuốn Chuyện trạng xứ Nghệ, Trần Hữu Thung kể một cách cụ thể, ngắn gọn

và cũng khá đầy đủ về môi trường diễn xướng, đời sống thực hành cũng như đời sống toàn vẹn của truyện trạng xứ Nghệ: “Những đêm ngồi hóng mát trước cổng xóm, những khi lợp nhà hay ngồi quanh bếp củi nồi bánh chưng của đám cưới nhà ai đó, chuyện trạng thường nổ ra rôm rả, chuyện trạng thường đến một cách tự nhiên, hầu như không ai có ý định” [86, tr.7]

Ở Nghệ Tĩnh, sinh hoạt truyện trạng đã thành một tập quán, hình thức sinh hoạt tinh thần, mang sắc thái bản địa, tuy ở các địa phương khác cũng có song không đậm đà, đặc thù như ở xứ Nghệ Đây là loại hình văn nghệ dân gian đơn giản, gọn nhẹ, linh hoạt, rất đỗi tự nhiên, hết sức phổ biến trong sinh hoạt hàng ngày và thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham dự Có lẽ chính vì sinh hoạt nói trạng, kể truyện trạng đã trở thành một phần máu thịt trong đời sống tinh thần của bà con xứ Nghệ nên Ninh Viết

Truyện cười dân gian xứ Nghệ Truyện trạng xứ Nghệ

Trang 17

Giao, một nhà Nghệ học đã cho rằng xứ Nghệ là quê hương của truyền thống nói trạng và truyện trạng Nếp sinh hoạt nói trạng, kể truyện trạng của người dân nơi đây từ già trẻ, gái trai, là môi trường phát sinh, hình thành, cái nôi phát triển của truyện trạng xứ Nghệ bởi chính trong cái môi trường diễn xướng sống động ấy, hình hài của các câu chuyện trạng mới được hình thành Và sống trong không khí vui vẻ ấy, bản thân mỗi người dân

“thấy đỡ mệt nếu như mình đang lao động vất vả với mọi người Lúc bấy giờ chỉ thấy không hề bận bịu trong tâm trí nếu như mình có những băn khoăn, suy nghĩ Mà cũng quên nhẹ đi những lo lắng ưu sầu, nếu như mình đang có nỗi buồn phiền” [86, tr.7] Bà con ở xứ Nghệ gọi sinh hoạt truyện trạng là cùng nhau ngồi “tầm phào” trên trời dưới đất

“đồng quang sang đồng rậm” để gây cười một cách hồn nhiên, hể hả và thoải mái “Nói trạng và cả truyện trạng đều thể hiện tính vui vẻ, thông minh, nhanh trí, dí dỏm, nghịch ngược… của con người xứ Nghệ” [20, tr.28]

Môi trường diễn xướng của truyện trạng rất đỗi ngẫu nhiên vì truyện trạng diễn ra hết sức tự nhiên, chỉ cần gặp người gặp cảnh là cứ thế mà “bùng khởi” Là một loại hình sinh hoạt văn hoá, văn nghệ phổ biến nhưng khác với các loại hình sinh hoạt khác như chèo, tuồng, kịch nói, hát dân ca… môi trường diễn xướng của truyện trạng không hề có nét chuyên nghiệp, nó mang tính chất tự phát với tất cả các thành phần tham gia trong đó,

từ người diễn xướng cho đến những người tham dự Đồng thời, môi trường diễn xướng cũng hết sức cơ động, linh hoạt và vô cùng đơn giản, không hề cần đến sự chuẩn bị về sân khấu, trang phục cũng như kịch bản của buổi diễn Đặc điểm này của không gian thực hành quy định những đặc tính của truyện trạng, các truyện trạng được kể không hề tuân theo một kịch bản có sẵn nào hoặc là không có một kịch bản dài hơi, người kể chuyện có thể nói là bạ đâu kể đấy, nhớ đến đâu kể đến đó, thích gì kể nấy… và miễn sao là gây cười, cười rôm rả là được Chính vì thế, trật tự các truyện trạng được kể trong buổi sinh hoạt cũng mang tính chất ngẫu hứng, ngẫu nhiên, có sự tiếp nối logic về một mặt nào đó hoặc không hề logic hay tuân theo bất kỳ một quy tắc hay trình tự nào cả giống như môi trường diễn xướng của nó vậy Đồng thời, các truyện trạng được kể ra thường là các câu chuyện lẻ, vắt chéo nhiều chủ đề khác nhau… Tuy nhiên, dù có thế nào đi nữa, kể bất cứ cái gì, kể như thế nào… thì hầu hết các câu chuyện trạng cũng gắn liền với thời sự, gắn liền với chuyện xảy ra trong vùng của người kể chuyện và người nghe Điều đó cho thấy, mặc dù diễn ra có thể nói là tuỳ tiện nhưng truyện trạng không phải là một ví dụ ngoại lệ của sự kết hợp giữa cái chung và cái riêng Một mặt, truyện trạng giống các thể loại văn học khác là hình thành và phát triển đều chịu sự quy định của môi trường thực hành (truyện trạng hình thành trong môi trường sinh hoạt nói trạng) Trong khi kể truyện trạng, nhiều nguồn tư liệu dân gian khác (truyện cổ tích thế sự, cổ tích các loài vật, giai thoại…)

Trang 18

lại tham gia vào việc tạo ra các truyện trạng mới Đồng thời, nhờ không ngừng bổ sung

và phát triển, đến lượt mình, truyện trạng tác động biến đổi đến môi trường thực hành thông qua sự biến tấu trong phong cách diễn xướng của người kể chuyện Mặt khác, chính vì gắn với tính thời sự của địa phương nên truyện trạng lại chịu sự chi phối của những yếu tố trong môi trường địa - văn hoá địa phương (xứ Nghệ) và một hệ quả tất yếu

là mang màu sắc bản địa rõ nét Đó cũng chính là mối quan hệ biện chứng, sự tác động qua lại giữa tác phẩm văn học dân gian và môi trường thực hành nói chung và mối quan

hệ mật thiết giữa môi trường sinh hoạt truyện trạng và truyện trạng ở xứ Nghệ nói riêng

Hệ quả của sự tác động này làm nên nét độc đáo của truyện trạng xứ Nghệ mà khó có thể lẫn với sản phẩm ở các vùng khác

Theo chúng tôi, nếu khu biệt truyện trạng trong môi trường văn hoá xứ Nghệ, nhìn nhận nó dưới một góc độ hẹp thì có thể coi đây là một bộ phận của truyện cười xứ Nghệ còn nếu đặt truyện trạng vào môi trường diễn xướng sinh động (hiểu truyện trạng ở góc

độ rộng hơn) thì nó còn bao quát trong đó cả những tiểu loại khác của truyện cười, truyện

cổ thế sự, giai thoại… các loại truyện kể dân gian khác Trong cái nôi sinh hoạt truyện trạng ấy, người ta có thể khai thác đủ mọi thể loại đề tài để gây cười, biến mọi thứ thành tiếng cười sảng khoái

Tóm lại, trong sinh hoạt kể truyện trạng, người ta có thể nói, kể đủ thứ nhưng trong luận văn này, đối tượng mà chúng tôi hướng đến chủ yếu là những truyện trạng với

tư cách là truyện cười mua vui, mục đích chính là để vui cười Và có lẽ nhờ những tiếng cười truyện trạng đó mà người dân xứ Nghệ đã trường kỳ đi qua bao nhiêu khó khăn, những năm tháng khổ cực, lầm than và cay đắng trong lao động sản xuất cũng như công cuộc bảo vệ đất nước Quả thực, tiếng cười qua những câu truyện trạng đã góp phần tăng thêm sức mạnh cho họ Sinh hoạt truyện trạng là nơi mà mọi người dân xứ Nghệ có thể thoải mái nói cười, yêu ghét một cách tự nhiên và như Trần Hữu Thung nói “Tâm lý và

tư tưởng của quần chúng xưa được thể hiện một cách sắc đọng Qua truyện trạng, chúng

ta hiểu rõ được những ưu điểm và cả những nhược điểm của nhân dân lao động Vì ở truyện trạng, không hề có sự câu thúc, kiềm chế, sự kiêng dè né tránh Có thể nói, truyện trạng phản ánh đầy đủ tinh thần tự do kiểu nông dân hay nhân dân lao động” [86, tr.27]

Trang 19

Điều này khiến cho truyện trạng phát triển theo hai xu hướng mà nhìn bề ngoài có vẻ như

là trái ngược nhau Chịu tác động của quy luật sáng tạo folklore, truyện trạng sẽ phát triển theo hướng hoà nhập và mức độ di chuyển ngày càng lớn Tuy nhiên, cho đến nay, dường như truyện trạng vẫn là một thứ đặc sản của người dân Nghệ Tĩnh bởi tính độc đáo và đặc sắc của văn hoá bản địa in rất đậm trong truyện trạng khiến cho loại hình sinh hoạt này không thể trộn lẫn và giống bất kỳ một loại hình sinh hoạt văn hoá nào ở xứ Nghệ nói riêng và cả nước nói chung

Hiện nay, truyện trạng vẫn đang trong quá trình vận động, biến đổi và chưa đạt đến độ phát triển ổn định nên rất khó định hình trong một khuôn cố định và dường như

đó cũng là điểm chung của tác phẩm văn học dân gian cũng như các loại hình sinh hoạt văn hoá dân gian đang “sống” một cách đích thực

Truyện trạng rất điển hình cho sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa những đặc trưng của tác phẩm văn học dân gian gồm tính nguyên hợp, tính truyền miệng, tính tập thể và tính thực hành Trên phương diện văn bản, truyện trạng có mối quan hệ hết sức mật thiết với truyện cười xứ Nghệ mà như Ninh Viết Giao nhận định “đa số truyện cười ở xứ Nghệ là truyện trạng” [20, tr.32] Trong khả năng của mình, chúng tôi cũng chưa có thể phân định thành một đường biên cụ thể là tỷ lệ truyện trạng trong kho tàng truyện cười xứ Nghệ là bao nhiêu bởi vì công việc phân định này tương đối phức tạp và khó có thể chính xác và tránh khỏi những nhận xét chủ quan Trong quá trình nghiên cứu của mình, mặc dù không thể đồng nhất truyện trạng với truyện cười xứ Nghệ, song trên phương diện văn bản, người viết vẫn ngầm hiểu và chấp nhận truyện trạng là bộ phận chủ đạo của truyện cười xứ Nghệ Tuy nhiên, giá trị và đời sống toàn vẹn của truyện trạng không phải là những mẩu truyện trên giấy mà nó diễn ra một cách sống động trong sinh hoạt truyện trạng Đặt truyện trạng trong bối cảnh môi trường diễn xướng thì sẽ đem lại một cái nhìn khác về mối quan hệ giữa truyện trạng với truyện cười và sinh hoạt truyện cười ở xứ Nghệ Là một loại hình sinh hoạt văn nghệ tự túc, truyện trạng là một bộ phận của sinh hoạt văn hoá dân gian xứ Nghệ bên cạnh hát ví, hát dặm, hát dân ca… không ngoại trừ trong đó có cả sinh hoạt truyện cười Vì thế, sinh hoạt truyện trạng và truyện cười vẫn là hai loại hình sinh hoạt văn hoá dân gian, chứ không phải là một mặc dù giữa chúng có nhiều điểm chung Trong trường hợp này thì nội hàm của truyện cười cũng như sinh hoạt truyện cười không đủ lớn để có thể bao chứa toàn bộ nội hàm của truyện trạng và sinh hoạt truyện trạng

Trang 20

CHƯƠNG 2: TRUYỆN TRẠNG XỨ NGHỆ NHÌN TỪ GÓC ĐỘ NỘI DUNG

2.1 Truyện trạng phản ánh bức tranh phong tục của nông thôn xứ Nghệ

Truyện trạng là bức tranh toàn diện, đầy đủ và phản ánh một cách toàn vẹn, sinh động về nông thôn xứ Nghệ Môi trường nông thôn là nguồn cảm hứng bất tận, là kho chất liệu phong phú của truyện trạng

Qua những truyện trạng, đời sống ở nông thôn xứ Nghệ được phản ánh trong thế

đa dạng, nhiều cung bậc từ những sinh hoạt đời thường, diễn ra một cách thường nhật đến những phong tục tập quán riêng, cũng như bộ mặt, cơ cấu xã hội… Mô hình quản lý ở nông thôn xứ Nghệ cổ truyền thường được khuôn theo một thiết chế trật tự của xã hội phong kiến xưa: dưới là tầng lớp nhân dân lao động, trên có các cụ hương, cụ lý (đây là quan hệ xã hội điển hình nhất, cơ bản nhất ở nông thôn, mối quan hệ này bị ràng buộc bởi các luật lệ, quy ước địa phương riêng như: lệ làng, hương ước…), kế đến là chánh tổng, trên chánh tổng có quan huyện, trên quan huyện là cụ tuần, trên nữa là cụ thượng… (trong các truyện trạng: “Cái ấy của làng”, “Rồng ỉa vào đâu”, “Ẻ đầu vua”…) Rồi qua những truyện như “Đái mau đưa vô”, “Có lẽ giống”… thì ta lại biết được tục lệ phạt của làng trong xã hội nông thôn truyền thống là nếu không có chồng mà có thai (chửa hoang) thì sẽ bị những người đứng đầu làng là ông hương, ông lý đến tra hỏi, xử phạt…, thường thì phải nộp tiền hoặc phải nộp các lễ vật (rượu thịt) để làng đánh chén Đồng thời, truyện trạng cũng phản ánh những quy định khác ở nông thôn xứ Nghệ như việc nghiêm cấm người lạ vào làng dưới thời Xô Viết Nghệ Tĩnh Truyện “Gậy ông đập lưng ông” kể về việc vì xã Châu Sơn (Hưng Nguyên - Nghệ An) được coi là một chiến khu đồng bằng nên giấy huyện ra lệnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, tên mật thám ở tỉnh về rình mò để bắt cán bộ Đảng, dân làng biết nhưng cứ dựa vào tờ lệnh của huyện cho tên mật thám và đồng bọn một vố đau mà không làm gì được

Bên cạnh đó, truyện trạng còn phản ánh đời sống tâm linh, tinh thần cũng như các phong tục tập quán của người dân Nghệ Tĩnh như tục rước ông Táo (một nghi thức đón thần bếp trở về sau khi lên thiên đường báo cáo tình hình trong năm dưới hạ giới với Ngọc Hoàng được nhân dân tiến hành vào ngày 23 tháng chạp âm lịch hàng năm), tục thờ thổ công (trong tín ngưỡng Á Đông, thổ công là vị thần cai quản đất đai), hay như việc cứ ngày rằm và mồng 1 (âm lịch) hàng tháng, nhiều người dân trong làng lại bày biện rượu, chuối để thắp hương ở đền làng Tuy nhiên, khác với địa chí, hương ước, các văn bản nghiên cứu khác, truyện trạng nói riêng và truyện cười nói chung có cách phản ánh về các phong tục tập quán rất hóm hỉnh, hài hước và đây cũng chính là nét đặc thù của từng thể loại văn học trong việc tiếp cận, phản ánh hiện thực đời sống Truyện “Rước ông Táo” kể

Trang 21

về việc người chồng vì mê cờ bạc mà quên cả việc rước ông táo, khi cả làng đã làm xong

lễ rước ông táo, vợ vào thúc giục thì ông chồng lý luận “Những ông Táo khôn người ta rước hết rồi Bây giờ còn rặt những ông Táo dại, tôi không rước về đâu” [86, tr.49] Còn truyện “Hai ông thổ công” lại là một cái nhìn dí dỏm, trí tưởng tưởng phong phú của nhân dân xứ Nghệ về những ông thổ công, ông thần cai quản đất đai trong tín ngưỡng của nhân dân rồi đến việc dân làng biện lễ be rượu, nải chuối để thắp hương ở đền làng vào các dịp rằm và mồng một hàng tháng (mỗi làng thường có một cái đền để thờ vị thần được nhân dân coi là người sáng lập ra làng ấy)

Đồng thời, truyện trạng còn tái hiện những sinh hoạt đời thường, diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở nông thôn xứ Nghệ như việc xử kiện (truyện “Giữa thì nục nận”), tế bố

vợ (ở xứ Nghệ, khi bố vợ mất, các chàng rể vẫn hay khóc thương người quá cố bằng các bài văn tế (“Ba chàng rể tế bố vợ”) Và người Việt nói chung và người Nghệ Tĩnh nói riêng có phong tục ăn Tết Nguyên Đán Đây là cái Tết lớn nhất, thậm chí là duy nhất trong môi trường nông thôn truyền thống và gần như cả năm, mọi người dù giàu sang hay nghèo khổ thì cũng cố gắng chuẩn bị để có một cái Tết đầy đủ Vì vậy, đến Tết Nguyên Đán cũng cố gắng để có mâm cỗ bày biện, vì vậy đến ngày 29, 30 tháng mười hai âm lịch

là nhà nào cũng chuẩn bị cá, thịt, bánh chưng… để ăn Tết Hai truyện “Lòng gan đâu”,

“Mới ba mươi mà đã rượu”… là những mẩu chuyện lém lỉnh, “nghịch ngược” của nhân dân xứ Nghệ Qua những truyện như “Cối rút”, “Mẹo thầy cúng”, “Đóng oản”… thì lại phản ánh một nét phổ biến, một thói quen trong đời sống tâm linh của người dân ở nông thôn xứ Nghệ là khi có một người trong nhà ốm, người thân sẽ lo liệu đi tìm thầy cúng, bày biện cỗ, lễ vật để cúng giải hạn “Cối rút” là nụ cười trào lộng mà nhân dân dùng để chế giễu ông chồng tham ăn, bị vợ bắt quả tang, cuối cùng đành phải “lợi dụng” việc mời thầy cúng vì bị “cối rút” (cối là vật dụng mà ở nông thôn người dân dùng để giã nhỏ các loại nông sản, thường thì giã gạo) để thoát ra khỏi cái bẫy do mình tạo ra, “chữa thẹn” với

vợ vì cái thói tham ăn của mình

Đặc biệt, kho tàng truyện trạng xứ Nghệ có khá nhiều truyện tập trung phản ánh một cách đa dạng việc vận dụng chữ nghĩa (chữ Nho) trong cuộc sống thường nhật như

“Bây giờ nó mới ló đầu ra”, “Xuân hoá thung”, “Ăn theo bằng trắc”, “Trời sinh ra thế”,

“Ắt là ngũ”, “Con cú cành mai”, “Quan dốt”… Phải chăng là do xứ Nghệ là đất ham học, được coi là “nhà Nho ho ra chữ” nên thói quen vận dùng câu chữ vào cuộc sống đời thường rất thường xuyên, không bị người dân coi là bị bệnh học đòi, “mọt sách” (chữ dùng hiện đại), “xấu hay nói tốt, dốt hay nói chữ” mà thậm chí còn làm sang cho người nói, dù họ là ai đi chăng nữa (truyện “Dốt mà giỏi” kể về việc một anh nông dân nọ một chữ Nho cắn đôi cũng không biết nên hay bị người trong nhà vợ coi thường, bữa nọ vô

Trang 22

tình học lỏm được hai câu thơ chữ Hán của hai anh chàng học trò mà từ đó mọi người không dám coi thường anh nữa) Qua các truyện trạng cho thấy, người Nghệ có thể chế giễu thói lai căng những thứ khác như trong truyện “Củ này củ gì” (người xứ Nghệ lai căng giọng Bắc) nhưng không hề có thái độ chế giễu những chàng nông dân chân đất mắt toét hay những cậu bé vắt mũi chưa sạch mà đã tập toẹ chữ của thánh hiền Những truyện này thể hiện việc vận dụng chữ nghĩa khá đa dạng, xuất hiện trong nhiều tình huống của cuộc sống như việc đi đòi nợ trong truyện “Bây giờ nó mới ló đầu ra”; vợ chồng ghen nhau trong truyện “Xuân hoá thung”; việc ra đề thi trong truyện “Quan dốt”; việc tiếp đãi bạn trong truyện “Ăn theo bằng trắc”; việc kén rể trong truyện “Xem thơ kén rể”; việc dạy học trong truyện “Tệ”; ra câu đối “Câu đối dân gian”; khóc người thương qua đời

“Chữ hiếu”…

Ngoài ra, việc hôn nhân cũng được phản ánh ở các góc độ khác nhau trong nhiều câu truyện trạng và xoay quanh đề tài này nhân dân đã tìm cách khai thác nhiều câu chuyện nực cười Có lẽ, không chỉ riêng người xứ Nghệ mà ở các vùng khác cũng vậy, hôn nhân là một phần quan trọng tất yếu trong đời người nên “hậu trường” quanh nó có rất nhiều việc phải bàn như vấn đề tảo hôn, kén rể, sính lễ cưới, đến cả những sinh hoạt đời thường của những cặp vợ chồng trẻ Truyện trạng đã tái hiện một cách khá trung thành, vừa hài hước, vừa dí dỏm lại hết sức sâu sắc về tình trạng tảo hôn ở xứ Nghệ dẫn đến những truyện dở cười dở mếu như trong truyện “Có ai thủng bụng không”, “Con cười cái gì”, “Chàng rể bé”, “Đôi củ”, “Ngồi mâm trên”, “Buồng vợ chồng mới cưới”,

“Cậu đánh ngũ liên lên cho”… Tất cả những truyện trạng đó tuy đề cập ở các góc độ khác nhau nhưng đều phản ánh một điều là những chàng trai đi làm rể từ lúc tuổi còn quá nhỏ, chưa có những hiểu biết tối thiểu về quy tắc ứng xử xã hội cũng như kiến thức về sinh lý, sinh hoạt vợ chồng Truyện “Đôi củ” kể về việc chàng rể trước lúc đến nhà bố mẹ

vợ được bố đẻ dặn là chỉ ăn đôi củ (một vài củ) để giữ phép lịch sử vì ông bố sợ con mình còn dại, đến bên ngoại cũng ăn uống bỗ bã như ở nhà thì người ta cười cho Nào ngờ, chàng rể nọ chưa đủ lớn để hiểu được điều đấy, lại tư duy một cách máy móc đôi là hai, đôi củ nghĩa là ăn hai củ một lúc Một mảng khác của đề tài hôn nhân là kén rể cũng thu hút được sự quan tâm của nhân dân qua nhiều truyện như “Xem thơ kén rể”, “Chọn rể nhác”, “Chọc tức bố vợ”, “Kén rể”, “Hòn đá bạc”, “Con cú cành mai”… Trong các câu chuyện kén rể này, bố vợ bao giờ cũng muốn thử tài, là người ra điều kiện và là người cầm cân nảy mực trong việc chọn rể Vì thế, bố vợ thường là cửa ải khó khăn mà chỉ những chàng trai nào thông minh, lém lỉnh và sắc sảo mới có thể vượt qua được Trong nhiều chuyện, nhờ các “chiêu thuật” riêng mà các chàng trai đã khiến cho các ông bố vợ tương lai phải giật mình, ngạc nhiên và thán phục nên rút cuộc các chàng đều lấy được

Trang 23

vợ Nói đến hôn nhân, không thể không nói đến một khâu quan trọng là thách cưới Truyện “Ông “tới” thì tôi “lui””, “Con xin chín chục”… là những mẩu truyện trạng hài hước về tục thách cưới Không ít tình huống trong cuộc sống, những hệ lụy không tốt do tục thách cưới gây ra như phía gia đình người con gái thách cưới quá nặng, dẫn đến việc nhà chàng trai không đáp ứng được mâm cao cỗ đầy, lễ vật mà mất vợ, đôi lứa phải chia lìa Nhiều truyện trạng đã đề cập đến vấn đề này dưới góc độ hài hước và sâu sắc “Ông

“tới” thì tối “lui”” kể về việc người nọ đi hỏi vợ cho con, bố cô gái tên là Tới, ông này lại thách cưới quá nặng Biết là khó lòng đáp ứng được, ông này bèn thả giọng trạng “Ông tới thì tôi xin lui” cũng là một cách ám chỉ để phê phán điều đó

Có thể nói, truyện trạng gần như là một cuốn nhật ký ghi chép tường tận mọi ngóc ngách trong đời sống sinh hoạt của nhân dân xứ Nghệ từ việc mua bán ở chợ “Quan rẻ thối”; cuộc sống riêng của vợ chồng “Rèn”, “Buồng vợ chồng mới cưới” đến cả việc em gái chăm sóc chị gái khi đẻ “Của dì dì giữ”, ma chay “Cúng giỗ”, cưới hỏi, từ việc sinh

đẻ cho đến tang ma đến một thói quen sinh hoạt khác là bói Kiều…

Cùng là sống ở nông thôn nhưng mỗi người, mỗi một làng quê, nhóm người có một nghề khác nhau, một công việc hàng ngày khác nhau và có những câu chuyện trạng khác nhau Việc phản ánh một cách sinh động nhiều ngành nghề khác nhau đã tạo nên tính đa dạng trong đề tài của truyện trạng xứ Nghệ Theo thống kê riêng của người viết,

có khoảng 20 nghề, nhóm nghề khác nhau được truyện trạng xứ Nghệ đề cập đến là nghề thầy thuốc, nghề dạy học, nghề đi cày, nghề đi rừng (săn bắn, bứt củi), nghề thợ xẻ, nghề thợ mộc, nghề thầy bói, nghề thầy cúng, nghề kép hát, nghề lên đồng, nghề địa lý, nghề đan lát thủ công, nghề lái đò, nghề ăn trộm, nghề đi tu, nghề lính gác, nghề phó cối, nghề quỷ sứ, nghề ở rể, nghề chọi gà

Tuy nhiên, trong số các nghề trên thì có lẽ nghề dạy học vẫn là tâm điểm của nhiều truyện trạng ở xứ Nghệ Qua một loạt các truyện như: “Lời rao”, “Tệ”, “Sĩ diện”,

“Ăn vắt đỗ”, “Ngáp phải ruồi”, “Hóc búa”, “Nói phải cho có đầu có đuôi”, “Mít nác gì”,

“Tết thầy”, “Hai thầy đồ”, “Vô phép”, “Thôi chừa đến chết”, “Bảng xuân”, “Đường lên trời ở mô”, “Bài học đầu năm của một thầy đồ”, “Chúc thầy sống lâu trăm tuổi”… thì bức tranh muôn màu về cái nghề gõ đầu trẻ truyền thống của xứ Nghệ đã hiện lên rất sinh động ở nhiều cung bậc khác nhau Có lẽ đây là nghề “điển hình” nhất của xứ Nghệ đã đi vào văn chương, giai thoại và tâm thức của nhiều người Câu chuyện về con cá gỗ của thầy đồ xứ Nghệ đã trở nên rất phổ thông đối với người dân cả nước và như một nhận xét hài hước cho tính hà tiện, tiết kiệm thái quá của người Nghệ Trong số 352 truyện cười của xứ Nghệ mà chúng tôi khảo sát, có đến 35 truyện về các ông thầy đồ hoặc liên quan đến thầy đồ Tuy nhiên, trong số đó rất hiếm hoi có nhân vật thầy đồ mang yếu tố tích

Trang 24

cực, chân dung của các thầy đồ hiện lên với rất nhiều nhược điểm, thậm chí có thể nói là không có tật xấu nào của thầy đồ mà không được đề cập đến: ăn nhiều, dạy học trò thì dốt, không đứng đắn, có máu đàn bà (truyện “Lời rao”, “Đường lên trời ở mô”, “Thôi chừa đến chết”…); tham lam, tham ăn tục uống (truyện “Mít nác gì”, “Đóng oản”…); bị bệnh sĩ (truyện “Sĩ diện”); hay trách vặt (truyện “Tệ”); đạo đức giả nhưng hay lên mặt dạy đời, dạy vẹt (truyện “hiếu”); hay đố kỵ ghen tỵ lẫn nhau (truyện “hai thầy đồ”) Nhiều người sẽ đặt câu hỏi là nghề dạy học rất thịnh hành và được trọng vọng ở xứ Nghệ, đất Nghệ là đất học, nổi tiếng là hiếu học thì lẽ đương nhiên là phải kính thầy “nhất tự vi

sư, bán tự vi sư” (một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy) mà tại sao đối tượng của tiếng cười khôi hài, châm biếm, thậm chí là đả kích lại xoay quanh nhân vật thầy đồ nhiều đến thế Ngạn ngữ Nga có câu “Hãy nói cho tôi biết bạn cười cái gì, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là người như thế nào” Phải chăng tiếng cười ở đây có ý nghĩa thanh lọc, tống khứ những nét tiêu cực mà có thể ở đâu đấy, không phổ biến nhưng vẫn tồn tại trong một vài cá nhân thầy đồ Và góc độ ý nghĩa đó còn lớn hơn việc phản ánh trung thực, toàn diện bộ mặt thật của tầng lớp thầy đồ ở vùng nông thôn xứ Nghệ mà như Mác từng viết “Giai đoạn cuối cùng của một hình thái lịch sử, chính là tấn hài kịch của nó và điều

đó là cần để cho loài người rời bỏ quá khứ một cách vui vẻ” [73, tr.142] Sau nghề dạy học, có lẽ nghề thầy thuốc cũng là một nghề thú vị, “mảnh đất màu mỡ” để các truyện trạng khai thác như “Thuốc gió”, “Bài thuốc bắc kỳ lạ”, “Kinh nghiệm làm thầy thuốc”,

“Quan nhà chú dốt như bò đực ấy”, “Xắn mấn một tý là xong”… Tuy nhiên, khi khai thác mảng đề tài này, người Nghệ chủ yếu tập trung vào các yếu tố hài hước, bông đùa

mà ít có sắc thái châm biếm, đả kích Bên cạnh đó, còn có một số ca ngợi phẩm chất của người thầy thuốc, nhân dân xứ Nghệ đã “mượn vai” thầy thuốc để cho bọn quan lại, trọc phú đương thời những đòn đánh thâm hiểm như trong truyện “Quan nhà chú dốt như bò đực ấy”, “Thuốc gió”

Ở xứ Nghệ, có một nghề cũng khá “thịnh hành” và đặc biệt là nghề đi ở rể Gọi đi

ở rể là nghề nghe có vẻ buồn cười, lạ tai nhưng không biết bao nhiêu truyện trạng xứ Nghệ tập trung “cày xới”, có thể nói là “thâm canh tăng vụ” trên địa hạt này Mỗi truyện trạng khai thác một kiểu hài hước riêng với một cách nhìn riêng, thế mà bao nhiêu chuyện xảy ra vẫn chưa cạn đề tài, chủ đề mà dường như càng ngày càng được mở rộng thêm giới hạn, không hề bị nhạt, bị bớt mất tính thời sự Chân dung của những anh chàng hành nghề ở rể hiện lên vừa buồn cười, vừa tội nghiệp, có không biết bao câu chuyện cười ra nước mắt vì thói ngô nghê, ngớ ngẩn của những chàng trai “hành nghề” này Song thái độ mà người nghe, người đọc thưởng thức những câu chuyện này chỉ ở mức độ cười cợt cho vui, nếu có thì cũng chế giễu nhẹ nhàng chứ chưa ở mức độ châm biếm hay

Trang 25

đả kích bởi vì cuộc sống đã đẩy những anh chàng tuổi còn bé tý, thậm chí ở nhà còn thèm sữa mẹ đã phải đi ở rể nên tránh sao khỏi bị rơi vào những tình thế oái oăm Những truyện “Đôi củ”, “Ngồi mân trên”, “Có ai thủng bụng không”, “Liếm đĩa”… đều cười cợt những chàng rể bé ngây thơ, gần như chưa biết gì về cuộc đời, về những điều tối thiểu trong cuộc sống như cha dặn “đến nhà vợ chỉ ăn đôi củ thôi, không người ta cười cho” thì lại hiểu đôi củ là hai củ và cứ ăn hai củ một lúc… Và có lẽ sở dĩ đề tài này được viết nhiều, khai thác sâu bởi tình trạng tảo hôn ở nông thôn truyền thống xứ Nghệ là rất phổ biến

Ngoài ra, truyện trạng xứ Nghệ cũng đề cập khá sinh động và sâu sắc chân dung của những ông làm nghề thầy tu (sư sãi, tiểu, vãi) qua nhiều truyện như “Qua một chuyến đò”, “Sư tre đè sư mít”, “Sư và quan đều bị mắc cỡ”, “Thanh tịnh”, “Chuyện trong chùa”,

“Hỏi thăm sư”… Theo đó, hàng loạt các tật xấu của những vị tu hành này đã bị phơi trần

và bộc lộ như ghẹo gái, mê gái, uống rượu và ăn thịt chó… Tương tự, nghề thầy bói, thầy cúng cũng là đối tượng hài hước và châm biếm của tiếng cười Nghệ Tĩnh như qua các truyện “Ngáp phải ruồi”, “Tài đoán số” (Cười vào sự bất tài của những ông làm nghề thầy bói đã dẫn đến “bẫy hài” của cuộc sống); “Mẹo thầy cúng”, “Ông thầy cúng”… (Đả kích những kẻ trá hình nghề thầy cúng để vơ vét, bóc lột nhân dân) Ở xứ Nghệ có một nghề đặc biệt là nghề ăn trộm, nghề này tuy không thu hút nhiều truyện trạng song ý nghĩa mà các truyện đề cập đến lại khá sâu sắc như truyện “Trộm cái dây thừng”, “Mẹo

kẻ trộm”, “Lòng gan đâu” Điều đáng nói ở đây là thái độ của nhân dân đối với nghề này, khác với suy nghĩ thông thường, nghề ăn trộm chắc chắn là nghề không đàng hoàng, tử

tế, là nghề xấu nên có châm biếm, đả kích thì cũng lẽ đương nhiên Tuy vậy, ở đây lại có thái độ cười đùa, bông phèng cho vui, thậm chí một số truyện còn thể hiện cái nhìn thương hại như “Trộm cái dây thừng”, “Lòng gan đâu”, “Ngốc đi ăn trộm”; thậm chí có truyện mà qua đó, nhân dân truyền đạt nhau bài học về triết lý sống ở đời là làm nghề gì cũng cần phải có sự tâm huyết, nhanh trí, lòng dũng cảm và sự xả thân, ngay cả nghề ăn trộm Riêng có một nghề mà nhân vật chính của nó lại được truyện trạng đề cập đến với thái độ đề cao và đầy tính cảm thông là nghề thầy địa lý qua chùm truyện Cố Bờ Ao Chùm truyện này đã khẳng định khả năng và tài năng của nhân vật Cố Bờ Ao và đó cũng

là sự khác biệt giữa truyện trạng với các truyện cười về các thầy địa lý của cả nước (thái

độ của người dân là cười cợt và phê phán, kiểu “Hòn đất mà biết nói năng/Thì thầy địa lý hàm răng không còn”)

Đồng thời, truyện trạng xứ Nghệ còn khai thác các góc cười từ các nghề khác nhau như: nghề đi cày (truyện “Bò say mật”, “Nói to nói nhỏ”, “Cày xong thì bừa”); nghề thợ mộc (truyện “Bào vưa cưa ngắn”; “Thợ kéo một be, thợ đè một hũ”); nghề lên đồng

Trang 26

(truyện “Để cô tồ tồ”); nghề ca hát trên sân khấu (còn gọi là nghề hát kép trong truyện

“Nối ngôi thiên tử”); nghề lái đò (truyện “Qua một chuyến đò”); nghề lính gác “Có phải con ngủ đâu mà”; nghề phó cối (truyện “Hai ông phó cối”); nghề mua tre (truyện “Mần nghề chi biết nghề nớ”); nghề chơi gà chọi (truyện “Con gà chọi”); nghề đi rừng (truyện

“Bứt nhầm đuôi cọp”, “Một thiện xạ”, “Tôi đi đào củ mài ạ”…); nghề đi xẻ gỗ thuê (truyện “Quả trầu không”), nghề sĩ tử (truyện “Văn chương thủ khoa”)…

Có thể nói, truyện trạng đã khai thác tối đa và sinh động những mẩu truyện hài hước ở hầu hết các nghề tồn tại trong môi trường nông thôn xứ Nghệ, điều đó thể hiện con mắt quan sát tinh tường và nụ cười hóm hỉnh của nhân dân trong bức tranh phong phú, nhiều chiều về nông thôn xứ Nghệ qua sinh hoạt truyện trạng Và không chỉ dừng lại

ở đó, truyện trạng xứ Nghệ còn khai thác nhiều yếu tố, tình huống gây cười ngẫu nhiên trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân Vì vậy, đại đa số các truyện này là chỉ để mua vui, không có đối tượng gây cười cụ thể, ít có sắc thái châm biếm, đả kích Cách thức tạo ra tiếng cười ở những truyện này là sự cô đọng, lắp ghép các tình huống hài hước của cuộc sống lại với nhau Nhóm truyện này có đặc điểm là hết sức ngắn gọn; truyện không thành truyện, không có cốt truyện; thường chỉ là mẩu chuyện cực ngắn; giảm thiểu tình tiết, nhân vật; là sự phát triển từ một vài câu nói dí dỏm, hóm hỉnh, lý lẽ hay ngờ nghệch, vận dụng ngôn từ địa phương của một vài đối tượng Trong sinh hoạt truyện trạng xứ Nghệ, có hàng loạt các mẩu chuyện thuộc nhóm truyện này như: “Bẹo con”; “Nhớ trưa nay đừng nấu phần cơm tôi”, “Chức hàn”, “Con hỏi mẹ”, “Tôi đây chú ạ”, “Tao cũng ở nốt với mẹ mày”, “Vì hắn hay nói dại”, “Mần đực mần cái”, “Hỏi thăm sư”, “Con hỏi mẹ”, “Các cháu đã có roi”, “Con xin xuống ạ”, “Ông ấy ăn cả”, “Ma”;

“Giữa thì nục nận”, “Giữ dép được lâu”, “Mất buổi cày”; “Chả dấu gì bác”, “Nối ngôi thiên tử”… Nếu lược bớt đi yếu tố bản địa để lấy những nét khái quát nhất, bổ sung thành

bộ khung của truyện cười thì những mẩu truyện này có thể xếp gọn vào cung bậc thứ nhất của tiếng cười (chỉ nụ cười hài hước, thuộc loại truyện khôi hài)

Dưới lăng kính riêng của mình, truyện trạng đã phản ánh một cách sinh động đời sống sinh hoạt của tất cả các đối tượng sống ở nông thôn xứ Nghệ trong các bối cảnh khác nhau mà ở đó, mỗi người có những đặc thù riêng để tạo ra tiếng cười, có một nghề riêng… với những câu chuyện hài hước riêng Điều đó tạo nên sự phong phú của đề tài truyện trạng và sắc thái đa dạng của nụ cười xứ Nghệ Hay bản thân trong những cử chỉ, hành động, điệu bộ của người kể chuyện trạng cũng chứa đựng yếu tố cái hài Tiếng cười phát ra từ môi trường diễn xướng gắn liền với không gian ở nông thôn, không nằm trong cốt truyện của truyện trạng, nên nhiều khi chẳng có nhân vật gây cười, không có tật xấu

và đối tượng cười rõ nét

Trang 27

2.2 Truyện trạng phản ánh những xung đột đời thường trong các mối quan hệ

xã hội ở nông thôn

Có thể nói, nông thôn xứ Nghệ nói riêng và nông thôn nói chung với những nét đặc thù là điểm tựa, phông chất liệu trong các bức tranh mà truyện trạng xứ Nghệ phản ánh Theo đó, truyện trạng xứ Nghệ lấy nông thôn làm điểm tựa, lấy mâu thuẫn ở nông thôn làm trục phản ánh và lấy những xung đột đời thường trong mối quan hệ xã hội ở nông thôn làm phương tiện để “sáng chế” ra tiếng cười Tựu trung lại, mâu thuẫn trong quan hệ

xã hội ở nông thôn có thể phân thành 3 loại: mâu thuẫn trong nội bộ tầng lớp nhân dân; mâu thuẫn trong nội bộ tầng lớp quan lại và các loại thầy (gồm cả sư sãi, học trò và các loại thầy như thầy bói, thầy đồ, thầy cúng, thầy địa lý…) và mâu thuẫn giữa tầng lớp nhân dân với tầng lớp quan lại, các loại thầy

Trước hết là mâu thuẫn đời thường trong tầng lớp người dân với nhau Cùng là người lao động sống ở nông thôn nhưng mỗi người làm một nghề riêng, có một vị thế khác nhau trong gia đình và cộng đồng, thậm chí là những người bị coi là “cùng đinh” trong xã hội như seo, mõ nên xung đột trong các mối quan hệ xã hội cũng khá phong phú,

đa dạng Tuy nhiên, ở đây chúng tôi chủ yếu đề cập đến xung đột giữa các cá nhân với nhau, đại diện cho những nhóm người khác nhau trong xã hội nông thôn Chúng ta có thể

kể ra một số mối quan hệ cơ bản, điển hình như: quan hệ vợ chồng; cha mẹ - con cái; gia đình nhà chồng với nàng dâu; gia đình nhà vợ với chàng rể; giữa các chàng rể với nhau; quan hệ thông gia; quan hệ giữa những người dân lao động nói chung… Mâu thuẫn trong các mối quan hệ này đều có chung một đặc điểm là những mâu thuẫn dễ hoà giải, dễ cảm thông và hầu như không có tính chất triệt tiêu đối tượng…

Về mâu thuẫn trong mối quan hệ vợ chồng, trong kho tàng truyện trạng xứ Nghệ

có rất nhiều truyện như: “Ba điều ước”, “Râu cơm”, “Thì mời cả làng nữa à”, “Giỏi dấu dịu”, “Nói lái quen mồm”, “Rước ông Táo”, “Ăn hàng quen thói”, “Nước mắm không hâm”, “Nếu phải tay tôi thì”, “Cối rút”, “Anh chồng lười”, “Mồ hôi đen”, “Nhanh trí”,

“Rèn”, “Râu quặp”, “Xuân hoá thung”, “Gãy xương sống”, “Bắt ong nguồn”, “Anh chồng ngốc”, “Gánh bưởi qua sông”, “Mặc váy nha”, “Ghen vợ”, “Vợ đối với chó”; “Voi

ơi dậy mà ăn cháo”… Do vợ chồng là mối quan hệ nền tảng của xã hội nên nó tựa như thanh nam châm cực mạnh, là tâm điểm của mọi vấn đề nên hàng loạt các truyện trạng tập trung khai thác các góc độ mâu thuẫn trong mối quan hệ này cũng là lẽ đương nhiên Tính thời sự nóng hổi, điển hình của những mối quan hệ này tạo nên tính hấp dẫn, thú vị cho những truyện trạng Với nhóm truyện này, mặc dù “phong cách” bản địa hoá của truyện trạng (gắn với tên của một nhân vật cụ thể nào đó trong vùng) người nghe bao giờ cũng thấy thấp thoáng có bóng dáng mình trong đấy và nhận thấy “chuyện của người”

Trang 28

cũng là chuyện của mình Nụ cười ở đây hàm chứa sự độ lượng và mang ý nghĩa tự thanh lọc bản thân Tìm hiểu nhóm truyện này ta sẽ thấy, hầu hết các mâu thuẫn bắt nguồn từ một tật xấu nào đấy của người chồng hoặc người vợ như: thói tham ăn của người chồng (trong truyện “Thì mời cả làng nữa à”, “Mồ hôi đen”, “Cối rút”…); tính ngốc nghếch của những ông chồng (truyện “Gánh bưởi qua sông”, “Anh chồng ngốc”…); tính lười nhác của chồng (truyện “Gãy xương sống”, “Anh chồng lười”…); sợ vợ mà vẫn tỏ ra yêng hùng (truyện “Nước mắn không hâm”, “Nếu phải tay tôi thì”, “Râu quặp”…); tính hay ghen vợ (truyện “Ghen vợ”, “Xuân hoá thung”…); đam mê cờ bạc, rượu chè (truyện

“Rước ông táo”, “Râu cơm”…); bệnh hay ăn hàng của các bà vợ (truyện “Ăn hàng quen thói”, “Đồng môn đồng khoai”, “Múi múi xơ xơ”…); thói quen nói lái (truyện “Nói lái quen mồm”); sự ngốc nghếch của các bà vợ (truyện “Mặc váy nha”, “Bánh con lợn”)…

Tiếp theo là mâu thuẫn trong mối quan hệ ruột thịt giữa cha và con như truyện “Từ cha”, “Bẹo con”, “Mua kẹo cho con”, “Thì tao”, “Chưa chắc” Quan hệ cha con cũng là mối quan hệ hết sức cơ bản trong xã hội song nếu so với một số mối quan hệ khác thì không có nhiều truyện trạng tham gia vào tiểu đề tài này Phải chăng mối quan hệ giữa cha và con là một mối quan hệ hết sức thiêng liêng, là điều khó mà đưa ra đùa cợt được Điều đó cũng giải thích tại sao mà truyện trạng xứ Nghệ dường như không có truyện đề cập đến mâu thuẫn giữa mẹ và con Cuộc sống thường nhật làm sao mà tránh khỏi những xung đột cá nhân song nếu khai thác nhiều, chỉ nhìn vào những khiếm khuyết thì vô tình

“giải thiêng” tình phụ tử hay mẫu tử Tuy nhiên, trong số ít truyện đề cập đến mâu thuẫn giữa cha con, thì có truyện mà mẫu thuẫn trong đấy là giả, tiếng cười không xuất phát từ một tật xấu hay khuyết điểm nào cụ thể mà nhân vật vô tình bị rơi vào “cái bẫy của đời thường” (truyện “Bẹo con”, “Chưa chắc”) Đơn cử là truyện “Bẹo con”, nhà có khách, chỉ còn mỗi quả trứng rán để đãi khách nên người bố dặn con lúc ăn không được đòi song khi bữa cơm diễn ra, người con cứ nhìn chằm chằm vào đĩa trứng Bố sợ con quên lời dặn, bẹo con một cái ở đùi có ý nhắc nhở con, nào ngờ đứa con phải ứng lại khá “thật thà” ngay trước mặt khách là “Con chỉ nhìn thôi chứ con có ăn đâu mà bố bẹo con” Hầu hết những chuyện còn lại trong nhóm này thì mâu thuẫn trong mối quan hệ cha con xuất phát từ bản tính tham ăn của người cha như truyện “Từ cha”, “Thì tao”, “Mua kẹo cho con”, “Con to con nhỏ”… Tuy nhiên, khác với xung đột trong mối quan hệ vợ chồng, xung đột trong mối quan hệ cha con thường là xung đột ngầm, không hiện lên bề mặt văn bản, các nhân vật có thể chạm trán nhưng không đối đầu và thách thức nhau Điển hình là truyện “Thì tao” Người cha trong vai một kẻ tham ăn, đã ăn gần hết rá cơm lại còn muốn

ăn nữa, dành phải hỏi cho có lệ với vợ con là “còn ăn nữa không?”, mọi người trong nhà đều đói nhưng người con nhìn thấy ánh mắt đe doạ của cha nên sợ cha mà không dám nói

Trang 29

thật, thành thử người cha trong truyện trở thành người độc diễn tấn hài kịch của riêng mình, tự bộc lộ và bóc trần bản chất tham ăn của mình với độc giả và hạ màn bằng câu

“Mẹ con mày không ăn thì tao”

Bên cạnh đó, truyện trạng cũng tập trung khai thác những mâu thuẫn gia đình chồng với nàng dâu, chủ yếu là giữa mẹ chồng và nàng dâu, đây được coi là mối quan hệ thú vị, nhạy cảm và có tính “truyền thống” lịch sử lâu đời Nhiều truyện trạng xoay quanh vấn đề này như: “Răng hô”, “Trứng ngót”, “Có hiếu”, “Gà nhỏ nỏ có mề”, “Bà mẹ chồng

và hai người con dâu”, “Mới ăn khoai đó”… Qua khảo sát và tìm hiểu, chúng tôi thấy mâu thuẫn này bắt nguồn từ một tật xấu, khuyết điểm nào đó của nàng dâu mà chủ yếu là thói tham ăn, hay ăn vụng (trong truyện “Trứng ngót”, “Gà nhỏ nỏ có mề”, “Bà mẹ chồng

và hai người con dâu”…) Ngoài ra còn là do sự không ý tứ của nàng dâu như truyện

“Răng hô” kể về nàng dâu nọ bị răng hô mà ít đánh xỉa, mẹ chồng thấy khó coi nên ý tứ đưa cho nàng dâu ít tiền bảo ra chợ mua mía mà ăn Nàng dâu không hiểu điều đó nên ra chợ không mua mía mà lại mua cục đỗ ngồi ăn vì nghĩ rằng “Mẹ chồng mình dặn thế chứ

ăn cục đỗ ngon hơn mía nhiều” Mối quan hệ nhạy cảm giữa mẹ chồng và nàng dâu dẫn đến việc khó tránh khỏi những xích mích trong cuộc sống hàng ngày Khi nảy sinh ra mâu thuẫn, ắt hẳn phải có lý do từ hai phía (có thể là xuất phát từ mẹ chồng, cũng có thể

là xuất phát từ nàng dâu) Tuy nhiên, trong các câu chuyện trạng, lý do xuất phát từ mẹ chồng dường như bị “triệt tiêu” mà chủ yếu là xuất phát từ nàng dâu là chính Thế thì ở đây có phải là mẹ chồng ở xứ Nghệ luôn đúng, là chuẩn mực hay là do sự phản ánh chưa thật toàn vẹn đời sống hiện thực của truyện trạng, còn phiến diện một chiều chăng? Theo chúng tôi, sở dĩ các truyện trạng không đề cập đến những khuyết điểm, tật xấu của mẹ chồng như một nhân tố quan trọng tạo nên xung đột giữa mẹ chồng và nàng dâu là do sự ảnh hưởng của nếp sống gia trưởng, đồng thời cũng là thuần phong mỹ tục ở xứ Nghệ Nếp sống gia trưởng quy định một tôn ty trật tự chặt chẽ từ trên xuống dưới trong gia đình, cha mẹ bảo là con cái phải nghe, theo đó mà áp đặt việc con cái phải tôn trọng ý kiến của cha mẹ, cũng là tôn trọng, vâng lời cha mẹ, không hoặc hiếm có việc con cái nói điều không tốt về cha mẹ, kể cả cha mẹ chồng

Ngoài ra, những mâu thuẫn giữa gia đình vợ và chàng rể mà chủ yếu là giữa bố mẹ

vợ và chàng rể có thể nói cũng là một đề tài hấp dẫn, được khai thác rất nhiều Lý do là người dân và văn học dân gian xứ Nghệ khá chuộng hình tượng đi ở rể, vì thế mà xoay quanh việc kén rể có rất nhiều chuyện để bàn và như đã đề cập ở trước, dường như đi ở rể trong tâm thức người dân Nghệ Tĩnh cũng là một nghề Đồng thời, truyện trạng xứ Nghệ cũng phản ánh tình trạng những chàng trai tý hon, tuổi đời còn rất trẻ, chỉ là những cậu bé ngây thơ mà đã đi làm rể nên mới gặp những tình huống dở khóc dở cười Trong nhóm

Trang 30

truyện này, chúng tôi không chỉ đề cập đến mâu thuẫn trong những truyện mà quan hệ giữa bố mẹ vợ và chàng rể đã thành hiện thực mà còn đề cập đến mối quan hệ này trong thì tương lai (nghĩa là mới ở công đoạn kén rể) Theo đó, khai thác đề tài này có rất nhiều truyện như: “Ba anh chàng mê ngủ”, “”Bìm bịp kêu mở cày”, “Cái bụng cổ”, “Con xin chín chục”, “Chọc tức bố vợ”, “Chọn rể nhác”, “Chàng rể bé”, “Chàng rể thong manh”,

“Chàng rể tò mò”, “Chàng rể khờ”, “Chuyện mua nhà”, “Hòn đá bạc”, “Kén rể”, “Ba chàng rể tế bố vợ”, “Lại chuyện ba anh chàng rể”, “Ngồi mâm trên”, “Ông gia và chàng rể”… Qua tìm hiểu những truyện này có thể thấy làm rể và đi ở rể là một chu trình Trước hết là giai đoạn chọn rể, bố cô gái thường đứng ra để chọn con rể bằng những tiêu chí riêng của mình (truyện “Chọn rể nhác”, “Chọc tức bố vợ”) Trong quá trình đó, chàng rể phải đối mặt và vượt qua những đòi hỏi mà bố cô gái đưa ra như tiền thách cưới (truyện

“Con xin chín chục”), thử tài (truyện “Xem thơ kén rể”; “Kén rể”)… Đây là mảnh đất thuận lợi để truyện trạng xây dựng các xung đột giữa bố vợ và chàng rể tương lai Và giống như kết thúc bất kỳ một câu chuyện cổ tích có hậu nào khác, chàng trai trong các câu chuyện trạng bằng sự thông minh, khôn ngoan và nhanh nhẹn đã vượt qua tất cả những chướng ngại vật do bố cô gái đặt ra và lấy được vợ Dù truyện trạng không phản ánh một cách tường tận song điều mà người đọc hình dung là nhiều cuộc hôn nhân thường là do gia đình hai bên sắp đặt Chàng rể tuổi còn quá trẻ đến nỗi chưa biết được những điều cơ bản trong cuộc sống nên cứ sang trình nhà vợ hay đi ở rể, bao giờ bố mẹ

đẻ cũng phải dặn dò cẩn thận như trong truyện “Đôi củ”, “Ngồi mâm trên”, “Liếm đĩa”… Điều đó cho phép ta liên tưởng một điều logic là nạn tảo hôn ở xứ Nghệ phần lớn là do sự xếp đặt của cha mẹ Tiếp đến là giai đoạn đi ở rể Ở giai đoạn này, mâu thuẫn giữa chàng

rể và gia đình nhà vợ được bộc lộ một cách rõ nét với nhiều tình huống sinh động Điều đấy cũng là lẽ đương nhiên bởi khi đã là rể, đi ở rể, chàng rể phải tiếp xúc với nhiều nhân vật có vị thế khác nhau nên sẽ phát sinh các mâu thuẫn khác nhau Theo đó, truyện trạng không chỉ phản ánh mâu thuẫn giữa chàng rể với bố vợ như trước (truyện “Ông gia và rể”, “Chuyện mua nhà”, “Ba chàng rể mê ngủ”) mà còn cả với mẹ vợ như trong truyện

“Bìm bịp kêu mở cày”, “Ba chàng rể tế bố vợ”, “Chàng rể thong manh”…, thêm vào đó

là sự chạm trán với những chàng rể khác (truyện “Ba chàng rể tế bố vợ”, “Trời sinh ra thế”), mâu thuẫn giữa chàng rể với em gái vợ (truyện “Của gì gì giữ”), với em trai vợ (truyện “Vẫn do cách ngắt câu”) So với mâu thuẫn giữa nàng dâu với gia đình nhà chồng, chủ yếu chỉ xoay quanh những xích mích nhỏ giữa mẹ chồng và nàng dâu thì mâu thuẫn giữa chàng rể và gia đình nhà vợ phong phú và phức tạp hơn, xét về cả nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn lẫn cả sự đa dạng của quan hệ các đối tượng tạo thành mâu thuẫn Nhiều lúc mâu thuẫn không dừng lại ở những xích mích nhỏ đời thường mà đã ở

Trang 31

mức độ những xung đột lớn như trong truyện “Vẫn do cách ngắt câu” Truyện kể rằng sau khi người bố vợ mất đi, để lại một di chúc về việc để lại tài sản cho đứa con trai vừa mới sinh lúc về già (em trai vợ) song chàng rể nọ vin vào cách ngắt câu, chiếm hết tài sản bố vợ để lại Sau khi người em trai vợ lớn lên, phát đơn kiện quan và chàng rể nọ phải trao trả lại tài sản đã lấy Nguyên nhân của những mâu thuẫn giữa chàng rể và gia đình vợ có thể xuất phát từ một tật xấu, khiếm khuyết nào đấy từ phía chàng rể như trong truyện “Ba chàng rể mê ngủ”, “Chàng rể bé”…; xuất phát từ tật xấu nào đấy của bố mẹ

vợ như truyện “Bìm bịp kêu mở cày”, “Con xin chín chục”…; thậm chí có những truyện

mà mâu thuẫn ở đấy là giả, không xuất phát từ một đối tượng cười nào cụ thể, nhiều lúc

là do những tình huống ngẫu nhiên trong cuộc sống mang lại, tiêu biểu là “Chuyện mua nhà” Truyện kể về việc nhà vợ có giỗ, bố vợ mải mê nói chuyện với ông thông gia bàn

về việc mua nhà, không để ý đến việc tiếp thêm cơm cho chàng rể Chàng rể ăn hết cơm vẫn còn thèm nên đành xen vào câu chuyện “có người bán nhà cột to bằng cái rá cơm này” Bố vợ mới chợt nhớ đến việc tiếp thêm cơm cho chàng rể Bố vợ lại hỏi chàng rể về việc bán nhà lúc này thì chàng rể đáp: “Thưa cha, lúc đó đói họ nói muốn bán nhưng bây giờ no rồi, họ không muốn bán nữa”

Đồng thời, truyện trạng xứ Nghệ cũng phản ánh mâu thuẫn trong những mối quan

hệ khác như mâu thuẫn giữa những chàng rể với nhau (truyện “Ba chàng rể tế bố vợ”,

“Trời sinh ra thế”); mâu thuẫn giữa các bà vợ lớn, vợ bé (truyện “Bớt gạo đi dì mi ạ”), mâu thuẫn giữa khách và chủ nhà (truyện “Thương vợ con quá”, “Chó ăn cháo”), mâu thuẫn giữa các bên thông gia (truyện “Tôi với ông thông gia là phải lắm”); mâu thuẫn giữa những người bạn với nhau (truyện “Bây giờ mới ló đầu ra”); mâu thuẫn giữa chồng

và nhân tình của vợ (truyện “Ắt là Ngũ”, “Oại oại không biết trống hay mái”)…

Thứ hai là mâu thuẫn giữa các đối tượng trong tầng lớp quan lại và các loại thầy ở nông thôn Đa số những loại mâu thuẫn này là mâu thuẫn thật sự, không phải là tạo ra quan hệ mâu thuẫn giả để bông đùa nên tuy không khốc liệt song chân tướng, bản chất của nhân vật bị bóc trần

Ở nông thôn xứ Nghệ ngoài nông dân, tầng lớp thống trị như lý trưởng, quan huyện, chánh tổng…, còn có sư sãi, học trò và các loại thầy như thầy đồ, thầy bói, thầy cúng, thầy địa lý… nên chúng tôi xếp chung các nhân vật này với nhau và gọi là chung là quan lại và các loại thầy Do cái nhìn và thái độ của nhân dân về một số loại thầy như thầy đồ, thầy địa lý và một số loại nhân vật khác như học trò, tú tài… không thuần nhất (có truyện thì đề cao, có truyện thì châm biếm, đả kích) nên trong quá trình tìm hiểu nhóm truyện trạng xoay quanh tầng lớp này, người viết nhận thấy sự phân hoá về bản chất của các xung đột, theo đó mà xung đột ở đây có thể phân thành hai nhóm là xung đột

Trang 32

giữa xấu - xấu (xung đột giữa các đối tượng phi nghĩa nhưng mỗi nhân vật xấu theo một

kiểu nên tạo ra xung đột khác chiều trong cùng một bản chất); giữa tốt - xấu (thường thì

xung đột giữa các thầy đồ, tú tài, thầy địa lý với bọn quan lại) Một điều đáng lưu ý ở đây

là do lấy nông thôn làm toàn bộ không gian nghệ thuật, nên trong đối tượng phản ánh của truyện trạng, không xuất hiện trực tiếp các nhân vật thống trị như vua, các loại quan lớn như trong nhiều truyện về các ông trạng nguyên (Trạng Quỳnh)

Đầu tiên là nhóm truyện phản ánh những mâu thuẫn thể hiện sự xung đột khác

chiều trong cùng một bản chất là cái xấu (xấu >< xấu), tiêu biểu là các truyện: “Thanh

tịnh”, “Hai thầy đồ”, “Quan ăn trộm”, “Bói Kiều”, “Tết thầy”, “Hạ khí thông”, “Mẹo kẻ trộm”, “Tết quan” Ở những truyện này, các nhân vật đều đại diện và xưng danh cho cái xấu nhưng cái xấu của mỗi nhân vật lại phát triển theo các trục khác nhau, nói đơn giản là mỗi nhân vật xấu theo một kiểu nên có lúc va chạm nhau và tạo thành xung đột Mức độ các xung đột này tương đối đa dạng, có xung đột thì dễ hoá giải như trong truyện “Mẹo

kẻ trộm” Xung đột giữa thầy và trò ăn trộm ở đây là do thầy muốn đặt ra các khó khăn, rào cản để thử thách lòng dũng cảm và khả năng hành nghề của trò vì thế mà người đọc

sẽ nghiêng về ý nghĩa của truyện là làm việc gì cũng phải có tâm huyết và sự mưu trí, theo đó sẽ ít có thái độ phê phán nhân vật ở trong truyện Bên cạnh đó, truyện “Tết thầy” cũng đem đến cho người đọc một cái nhìn tương tự Thầy và học trò đều là những kẻ theo đạo hà tiện nhưng cái cách hà tiện của trò lại hơn cả bậc thầy của thầy, làm người đọc và

cả bản thân nhân vật thầy hà tiện trong truyện không thể ngờ tới được Thêm vào đó, truyện “Bói Kiều”, tuy mâu thuẫn ở đây không gay gắt nhưng lại mang đến cho người đọc cái cười giòn giã và có ý nghĩa xã hội sâu sắc Một kẻ không chút tài cán gì thì hành nghề thầy bói, một cậu học trò dốt nát không tự biết mình lại mê tín dị đoan, rốt cuộc hai

kẻ này gặp nhau và xảy ra xung đột Khi xung đột được kéo căng, người học trò đến thắc mắc về lời phán trước đó, ông thầy bói này lại viện cớ giải thoát là “cả tôi và anh đều dại,

ai lại đi tin lời của thằng Sở Khanh” Tuy nhiên, trong nhóm truyện này, cũng có những truyện mà xung đột khó hoá giải, nó ăn sâu vào bản chất nhân vật như trong truyện “Hai thầy đồ”, lòng ghen tỵ, nhỏ nhen của hai thầy đồ là nguyên nhân tạo ra chuỗi mâu thuẫn khó mà chấm dứt giữa hai người); truyện “Thanh tịnh” lại đem đến cho khán giả một mâu thuẫn ngầm giữa hai nhân vật phải nói là điển hình cho cái xấu trong truyện trạng xứ Nghệ Một tên quan dốt nát lại hay sính chữ Nho, muốn ăn thịt ếch thì lại học đòi gọi là

“thanh tịnh”, còn tên nhà sư kia đã xuất hành đi tu rồi mà còn hưởng thục những tuyệt thú trần tục như gái, rượu và thịt chó Qua sự nảy sinh xung đột này, ta thấy bản chất xấu xa của tên nhà sư và ông quan ngu dốt đều bị bản thân sự việc phơi bày, chúng bị rơi vào cái bẫy do chúng tạo ra “gậy ông mà đập lưng ông”

Trang 33

Tiếp theo là nhóm truyện phản ánh những mâu thuẫn mang tính chất đối kháng trong tầng lớp quan lại, các loại thầy, xung đột giữa cái xấu và cái tốt trong tầng lớp này gồm các truyện: “Chức hàn”, “Hỏi vợ cho quan phủ”, “Ai thua cuộc”, “Thuốc gió”,

“Quan nhà chú dốt như bò đực ấy”, “Khịt khịt thèm thịt với xôi”, “Quan dốt”, “Tệ”,

“Quan sắp đánh bố”, “Tết quan”, “Vô phép”, “Chuyện trong chùa”, “Ai bán râu không”,

“Bài học đầu năm của một thầy đồ”, “Đâu phải con ngủ mà”, “Phê đơn xin ly dị”… Trong các truyện này, tập trung tái hiện những xung đột gay gắt giữa các trường phái nhân vật khác nhau về bản chất, địa vị trong xã hội Mặc dù thuộc tầng lớp quan lại và các loại thầy nhưng không phải ai cũng xấu như nhau, thậm chí một bộ phận trong đó còn

là nhân danh cho lý tưởng đạo đức của nhân dân, cho những gì tiến bộ trong xã hội lúc bấy giờ, tiêu biểu là nhân vật Mân Nhụy Thông thường, đối tượng tốt là những trí thức ở nông thôn (tú tài, thầy đồ, thầy thuốc…), có truyện nhân vật tích cực là một anh lính chất phác nhưng hết sức nhanh nhẹn (truyện “Đâu phải con ngủ mà”) Qua các truyện trạng, người viết nhận thấy cái nhìn về tầng lớp tri thức nông thôn của người dân là không thuần nhất, có nhiều truyện khen ngợi thầy đồ, học trò, tú tài nhưng cũng không ít các truyện xây dựng nhân vật thầy đồ với tinh thần châm biếm, đả kích Điều đặt ra ở đây là tại sao lại như vậy? Cái không thống nhất này là yếu tố ngẫu nhiên trong việc xây dựng cốt truyện (thuộc về nghệ thuật xây dựng nhân vật bởi đã có nhân vật phản diện thì phải có nhân vật chính diện để đóng vai trò tạo cớ, đòn bẩy, một mặt để cân bằng, mặt khác để nhấn mạnh bản chất của cái xấu mà nhân vật phản diện là hình ảnh tiêu biểu) hay nó thuộc về cảm quan xây dựng nhân vật của nhân dân lao động? Vậy chung quy lại, đánh giá người dân về tầng lớp thức này như thế nào, tốt hay xấu? Theo cách tổng hợp và thống kê của tác giả, nhìn chung cảm quan của người dân về tầng lớp này là tốt, tuy nhiên vẫn có tình trạng con sâu làm rầu nồi canh và nhân dân không ngần ngại phản ánh điều

đó Còn về bọn quan lại, chánh tổng, lý trưởng, quan huyện… những kẻ thù thực sự không đội trời chung của nhân dân nên trong truyện trạng, dù với ý nghĩa là những truyện mua vui, bông đùa là chính song dưới con mắt của nhân dân những típ nhân vật này luôn

là hiện thân cho những điều phản diện Riêng kho tàng truyện trạng xứ Nghệ thì số lượng truyện kể về thầy địa lý hầu hết xoay quanh nhân vật thánh Tả Ao - một nhân vật mà truyền thuyết về ông được nhân dân dày công xây dựng với lòng cảm thông và ngưỡng

mộ nên khác với hình ảnh các ông thầy địa lý - đối tượng của tiếng cười châm biếm, đả kích trong kho tàng truyện cười Việt Nam thì hình ảnh ông thầy địa lý Tả Ao lại hiện lên với một cảm quan đẹp đẽ, luôn đứng về phía lẽ phải của nhân dân

Thứ ba là mâu thuẫn giữa nhân dân và những thế lực thống trị và các loại thầy Có thể nói, đây là thứ mâu thuẫn đã trở thành những xung đột mạnh mẽ, sâu sắc ở mức độ

Trang 34

cao nhất của bản chất xung đột, nó là sự phủ định và bài trừ lẫn nhau giữa cái thiện và cái

ác, cái tốt và cái xấu, cái chính nghĩa và phi nghĩa Những xung đột này rất tiêu biểu cho các mối quan hệ xã hội ở nông thôn xứ Nghệ nói riêng và trong xã hội truyền thống nói chung và chiếm một số lượng áp đảo trong kho tàng truyện trạng xứ Nghệ cũng như truyện cười Việt Nam Ở những truyện trạng tập trung phản ánh loại xung đột này, tầng lớp nhân dân lao động bao giờ cũng đại diện cho chính nghĩa, hiện thân cho lẽ phải (đành rằng trong truyện trạng xứ Nghệ, tật xấu của nhân dân cũng được phản ánh khá nhiều, còn các thế lực khác luôn thù địch và quay lưng lại với những chuẩn mực xã hội mà người dân đặt ra Theo đó, có thể liệt kê và chia nhỏ ở đây thành 5 quan hệ xung đột tiêu biểu cho các nhóm đối tượng được phản ánh trong truyện trạng xứ Nghệ về loại mâu thuẫn này

Đầu tiên là xung đột giữa nhân dân lao động với hệ thống bộ máy cai trị như quan lại, chánh tổng, lý trưởng… gồm các truyện tiêu biểu: “Tao đây”, “Bẩm quan ạ”, “Rồng

ỉa vào đâu”, “Gậy ông đập lưng ông”, “Nói trạng lừa quan”, “Quan đi hành hạt”, “Quan dốt”, “Quan và sư bị mắc cỡ”, “Quan ăn trộm”, “Nói trạng có sách”, “Đái mau cho làng uống”, “Có lẽ giống”, “Cái ấy của làng”, “Không ăn thì tao cho ông lý ăn”, “Băm lăm hạn nặng” Dưới con mắt của nhân dân xứ Nghệ, bộ máy cai trị trong xã hội phong kiến

mà các tên quan huyện, đặc biệt là lý trưởng hiện lên với vẻ ngu ngốc, tham lam, dốt nát

và hầu hết bị rơi vào cái bẫy do người dân bày ra, nói ngắn gọn là bị người dân chơi xỏ

mà không làm gì được Một mặt, điều này phản ánh hiện thực về bộ máy thống trị ở nông thôn xứ Nghệ trước đây toàn là một lũ ngu xuẩn và thối nát; mặt khác xây dựng các câu chuyện trạng cũng là cách để người dân “đánh gục” và hạ bệ bộ máy thống trị mà trong thực tế đời thường, nhiều khi điều này chỉ là mơ ước Trong số những câu chuyện trạng

đó, có lẽ những mẩu chuyện xoay quanh nhân vật lý trưởng là sâu sắc và có nhiều tình tiết sinh động hơn cả như các truyện “Đái mau cho làng uống”, “Có lẽ giống”, “Cái ấy của làng”, “Không ăn thì tao cho ông lý ăn”, “Băm lăm hạn nặng” Giải thích cho điều này là do truyện trạng nảy sinh và phát triển ở môi trường nông thôn, bộ máy cai trị của

xã hội phong kiến sống ở nông thôn là lý trưởng, vì thế trong đời sống thường nhật người dân tiếp xúc và va chạm với lý trưởng là chủ yếu, hình ảnh lý trưởng với ý nghĩa là đại diện cho tầng lớp thống trị ăn sâu vào tâm thức người dân nên sự hiện hữu của lý trưởng một cách thường xuyên trong các truyện trạng cũng là điều tất yếu

Tiếp đến là mâu thuẫn giữa nhân dân với thần linh, ma quỷ, tiêu biểu là truyện

“Hai ông thổ công” Dù không trực tiếp hiện hữu trong đời sống thường nhật nhưng dưới cái nhìn của nhân dân thì thần linh, ma quỷ là một dạng biến tướng của tầng lớp thống trị đương thời, thần quyền là một dạng trá hình của công quyền chuyên tìm cách để bòn rút,

Trang 35

đè đầu cưỡi cổ và uy hiếp nhân dân

Mâu thuẫn giữa nhân dân với sư sãi cũng được truyện trạng phản ánh một cách sinh động dù không có nhiều truyện tập trung xoay quanh đề tài này, tiêu biểu là truyện

“Sư tre đè sư mít” Trong truyện, một người phụ nữ nông thôn - đại diện cho nhân dân đã tạo ra một màn hài kịch, dẫn dắt hai ông sư với bản tính háu gái đã “chạm trán” nhau, và điều tất yếu đã xảy ra là sư tre đè sư mít

Truyện trạng cũng phản ánh mâu thuẫn giữa nhân dân lao động với các loại thầy sống ở nông thôn (thầy đồ, thầy cúng, thầy thuốc…) Trong số này, có lẽ những câu chuyện về thầy đồ vẫn là hấp dẫn hơn cả Dưới cái nhìn của hàng loạt truyện trạng:

“Đóng oản”, “Ăn vắt đỗ”, “Hóc búa”, “Thông minh lắm đấy”, “Mít nác gì”, “Thôi chừa đến chết”, bao nhiêu tật xấu của thầy đồ bị phơi bày và bóc trần ra cả, nào là tham ăn, hay

sĩ diện hão, có tính ăn cắp vặt, không đứng đắn… và đó là nguồn gốc tạo ra mâu thuẫn của mối quan hệ này Sau thầy đồ là đến thầy cúng, nhiều truyện trạng cũng tập trung khai thác mối quan hệ này như “Ngáp phải ruồi”, “Mẹo thầy cúng”, “Ông thầy cúng”,

“Kinh nghiệm làm thầy thuốc”

Cuối cùng là mâu thuẫn giữa nhân dân với các đối tượng giàu có sống ở nông thôn Qua các truyện trạng: “Khôn ra”, “Cho thêm ba quan nữa”, “Tên nhà giàu bị chơi khăm”, “Tôi ngu sao được”, “Giết dê lừa ông hàng xóm”, “Chọc tức bố vợ”, “Chọn rể nhác”, “Cá rô nghê”… cho thấy hầu hết các tên nhà giàu này đều tham lam, hống hách, bạo ngược và giàu bằng cách bóc lột mồ hôi nước mắt của nhân dân, tiêu biểu là truyện

“Cá rô nghê” Vì vậy mà mâu thuẫn giữa người dân và những kẻ nhà giàu này khó mà dung hoà được Tuy trong các truyện trạng, danh tính, địa vị của những kẻ nhà giàu này không rõ nhưng về bản chất nhơ nhuốc thì những kẻ làm giàu bất chính này cũng chẳng khác gì tầng lớp thống trị sống nông thôn xứ Nghệ

2.3 Truyện trạng phản ánh những khuyết điểm, thói hƣ, tật xấu phổ biến của nhiều đối tƣợng sống ở nông thôn

Đây có lẽ là nội dung “lộ thiên” mà hầu như người nghe, người đọc truyện trạng

xứ Nghệ nào cũng đều dễ nhận thấy Đa số các khuyết điểm, thói hư, tật xấu được phản ánh trong truyện trạng là rất phổ biến ở cuộc sống thường nhật mà hầu như ai cũng mắc phải, không chỉ những tên nhà giàu, lý trưởng… mà rất nhiều người dân cũng khó tránh khỏi điều này Chính vì vậy mà người thưởng thức truyện trạng nhiều khi có cảm giác tiếng cười ở đây san lấp, triệt tiêu, xoá bỏ khoảng cách giữa các đối tượng và trong sinh hoạt truyện trạng chỉ có tiếng cười là chung Mặt khác, như đã đề cập, truyện trạng lấy nông thôn làm điểm tựa cho mọi sự phản ánh nên các khuyết điểm, thói hư, tật xấu ở đây chỉ xoay quanh các nhân vật sống ở vùng nông thôn Quá trình tìm hiểu truyện trạng,

Ngày đăng: 23/03/2015, 17:46

TRÍCH ĐOẠN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w