6. Bố cục luận văn
3.2 Nhân vật
Ở chương II, chúng tôi đã thống kê và tạm phân loại hệ thống nhân vật trong truyện trạng xứ Nghệ dựa trên thái độ, lập trường phản ánh của người dân. Tuy nhiên,
nếu nhìn nhận ở một góc độ khác thì có thể chia nhân vật truyện trạng thành hai nhóm gồm những “điển hình” trong cuộc sống và những cá nhân cụ thể. Hàm nghĩa của nhân vật điển hình ở đây là không nói thẳng vào một ai cả, nhưng người được nghe và được cười tự hiểu, nhân vật là vô danh, đại diện cho một loại người, nhóm người trong xã hội, chỉ tồn tại với một tên gọi chung là bác nông dân, người thợ săn, học trò, thầy đồ, quan lại, lý trưởng, thầy bói, thầy thuốc... Loại nhân vật này rất phổ biến trong nhiều loại hình tự sự dân gian nên truyện trạng có thể đi vay mượn từ các nguồn khác nhau để bổ sung vào hệ thống nhân vật của mình hoặc là loại nhân vật này của truyện trạng sẵn sàng gia nhập vào kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Trong quá trình cố định hoá bằng văn bản, số lượng loại nhân vật này của truyện trạng sẽ có xu hướng gia tăng. Minh chứng cho điều này là trong các cuốn sách sưu tầm truyện trạng ở xứ Nghệ của Ninh Viết Giao, Trần Hữu Thung, loại nhân vật này chiếm tỷ lệ áp đảo. Tuy nhiên, trong môi trường sinh hoạt truyện trạng lại tồn tại rất phổ biến loại nhân vật là các cá nhân cụ thể, người thật việc thật hoặc được cho là có thật. Loại nhân vật này có danh tính cụ thể, gắn liền với sự kiện, câu chuyện vừa mới hoặc đang xảy ra ở các địa phương, nó là loại đặc sản ít di chuyển được từ vùng này sang vùng khác. Cũng là uống rượu và say rượu nhưng vùng này có những câu chuyện cười vỡ bụng về cụ Sáu Dinh, vùng khác lại có những truyện trạng khác hấp dẫn về bà Vận Ngoạn… Và nếu như, loại nhân vật đại diện cho các lớp người trong xã hội giúp truyện trạng dễ dàng gia nhập vào kho tàng văn học dân gian Việt Nam nói chung và truyện cười nói riêng thì loại nhân vật là những cá nhân cụ thể, người thật việc thật dường như lại bảo lưu những đặc điểm rất riêng của truyện trạng khiến cho truyện trạng khó “biến tướng” để trở thành một tài sản chung. Sự kết hợp giữa hai loại nhân vật này đã tạo nên những nét hết sức đặc sắc của truyện trạng làm cho “gương mặt” của truyện trạng vừa quen vừa lạ với những loại hình tự sự khác trong kho tàng văn học dân gian cũng như các loại hình sinh hoạt văn hoá khác của nhân dân xứ Nghệ nói riêng và cả nước nói chung. Trong truyện trạng, hai loại hình nhân vật này không tách bạch nhau mà luôn có sự hỗ trợ, đan cài vào nhau. Trên phương diện văn bản, những câu chuyện về những con người cụ thể, người thật việc thật có xu hướng khái quát hoá, theo đó mà tên riêng của nhân vật dường như được giấu đi, thay thế bằng tên gọi chung của một hạng người trong xã hội như nông dân, thầy đồ… Còn trong đời sống thực hành, bên cạnh những câu chuyện thời sự về những cá nhân người thật việc thật trong xã hội, còn có xu hướng lấy những câu chuyện về những hạng người trong xã hội để gán ghép cho những cá nhân có thật để cho các truyện xoay quanh những người thật việc thật này thêm sinh động và hấp dẫn. Việc lắp ghép xem qua có vẻ như “đầu Ngô mình Sở”, mượn người để làm mới ta này không hề làm cho truyện trạng kém phần hấp dẫn mà còn
làm tăng tính độc đáo cho nhân vật của truyện trạng.
Về đặc điểm của nhân vật truyện trạng, chúng tôi nhận thấy nhân vật truyện trạng cũng có nhiều nét giống với nhân vật truyện cười là thường được tuyệt đối hoá một mặt nào đấy của tính cách, đặc điểm và được gắn luôn vào tên gọi nhân vật như anh chồng đần, anh khờ, anh mê ngủ, anh chồng sợ vợ, anh chàng tham ăn, anh chồng thong manh, chàng rể bé… Vì vậy, đặc điểm ấy xuyên suốt toàn bộ câu chuyện và trở thành động cơ duy nhất tạo ra cỗ máy cốt truyện hoạt động. Ngoài ra, nhân vật của truyện trạng hầu như bị động trong hoàn cảnh gây cười, nhân vật trở nên lạc hậu so với hoàn cảnh, không nhận thức được hoàn cảnh giống hệt những con rối hoạt hình tự động diễn trò cười trước mắt người thưởng thức mà không hề hay biết. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, nhân vật lại chủ động tạo ra tiếng cười song tiếng cười ở đây toát lên sự thông minh, hóm hỉnh, lý lẽ từ một vài câu nói, hành động của nhân vật như trong truyện “Vì hắn hay nói dại”.
Bên cạnh đó, nhân vật truyện trạng còn mang những thói hư, tật xấu bình thường, đời thường và phổ biến ở nhiều đối tượng như sợ vợ, mê ngủ, hà tiện, sĩ diện… nên rất gần gũi với người thưởng thức và cũng dễ nhận được sự cảm thông.
Và trong các văn bản được sưu tầm và công bố, nhân vật truyện trạng dường như không có danh tính cụ thể mà chung chung cho nhiều hạng người hoặc một loại người nhất định trong xã hội. Trong một số ít trường hợp, nhân vật có tên riêng song bản thân tên gọi đã chứa đựng yếu tố biểu tượng như trong các truyện “Tao đây”, “Cơ hàn”… “Tao” vừa là tên riêng, vừa là đại từ chỉ một cách xưng hô bề trên hoặc ngang bằng với người đối diện. Tương tự, “Cơ” cũng là tên riêng song lại là một từ chỉ sự cực nhọc, vất vả trong từ ghép “cơ hàn”. Trong truyện “Cơ hàn”, tên riêng “Cơ” của nhân vật đã được ghép với chức “hàn” để trở thành nghệ thuật chơi chữ “cơ hàn” nghĩa là đắng cay, khốn khổ.
3.3 Ngƣời kể chuyện
Theo Đại từ điển văn học, thuật ngữ người kể chuyện dùng để “chỉ nhân vật đóng vai trò chủ thể của lời kể chuyện, là người đứng ra kể trong tác phẩm văn học… có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau… và hoàn toàn đứng ngoài sự vận động của các sự kiện, các tình tiết” [106, tr.1239-1240]. Về mặt lý thuyết, người kể chuyện ở truyện trạng sẽ bao gồm người kể chuyện “dấu mình” (người kể chuyện không xuất hiện trực tiếp) ở trong các truyện trạng đã được cố định bằng văn bản và người dẫn dắt các truyện trạng trong sinh hoạt truyện trạng. Minh chứng cho điều này là trong các truyện trạng đã được sưu tầm, hình bóng người kể chuyện rất mờ nhạt, không bao giờ xuất hiện mà dường như người đọc có cảm giác là cốt truyện tự vận động. Còn trong sinh hoạt truyện trạng, người kể chuyện bao giờ cũng giữ vai trò chủ đạo, “lĩnh xướng”. Ở đây,
người viết muốn đề cập đến người kể chuyện ở góc độ là người diễn xướng trong sinh hoạt truyện trạng mà nhiều nhà nghiên cứu gọi là các “tay trạng dân gian”. Và truyện trạng bao giờ cũng dẫn dắt người đọc vào một tình huống cụ thể để tạo ra tiếng cười. Có hai loại tình huống trong truyện trạng là tình huống nằm trong cốt truyện truyện trạng (người chồng đang ăn vụng, gặp lúc vợ đi chợ về…) và tình huống nảy sinh trong môi trường diễn xướng (do người kể truyện trạng tạo ra).
Trên thực tế, trong sinh hoạt truyện trạng, tại bất kỳ một thời điểm cụ thể, chỉ có một người kể chuyện lộ diện là các tay trạng dân gian, vừa đóng vai trò là người liên kết, thuyết minh các truyện trạng; đồng thời là người kể lại các truyện trạng lẻ chứ không có người kể chuyện “dấu mình”. Tuy nhiên, có những buổi sinh hoạt truyện trạng lại có hơn một người kể chuyện, thường thì những buổi sinh hoạt truyện trạng ấy sẽ rôm rả hơn và người dân xứ Nghệ thường cho rằng đó là lúc những người ưa vui vẻ gặp nhau. Khi trong một buổi sinh hoạt truyện trạng, có đến vài ba tài năng nói trạng thì họ thường luân phiên một cách tình cờ và ngẫu nhiên, thay nhau làm người diễn xướng và điều khiển sinh hoạt truyện trạng trong một khoảng thời gian nhất định. Điều đặc biệt là trong nồi lẩu thập cẩm các loại truyện khác nhau, các truyện lẻ rời rạc với nhiều đề tài khác nhau, nếu để riêng chúng ra thì rời rạc, không hề có mối liên hệ gì song người diễn xướng lại đóng vai trò mắt xích, “dẫn dắt” để dính kết chúng lại với nhau khiến cho sinh hoạt truyện trạng đi từ “thể loại này sang thể loại khác, đề tài này sang đề tài khác, truyện này sang truyện khác”. Nói một cách ngắn gọn là tất cả những truyện “trên trời dưới đất” được người kể chuyện kết nối lại trong sinh hoạt truyện trạng. Thường thì sự kết nối này mang tính ngẫu nhiên, là biểu hiện cho tính ứng tác của tác phẩm văn học dân gian và phương thức kết nối các truyện trạng lẻ nói riêng và các đề tài nói chung phụ thuộc vào các yếu tố khác của môi trường diễn xướng như tài năng của người kể chuyện, thành phần tham dự, không gian, thời gian...
Có thể nói, sức cuốn hút, độ hấp dẫn của các truyện trạng cũng như buổi sinh hoạt truyện trạng phụ thuộc vào tài năng, sự uyên bác và phẩm chất hơn người của người kể chuyện. Những tay trạng dân gian này là linh hồn của sinh hoạt truyện trạng. Vũ Ngọc Khánh đã đánh giá rất cao vai trò của người kể chuyện trong truyện trạng, “những con người thông minh, tài giỏi, láu lỉnh và khôn ngoan… Khi ta bảo người này hay người kia là tay trạng, là anh chàng chỉ nói trạng, chính là ta đang công nhận sự biến hoá này, một sự pha trộn nhào nặn, thu nạp nhiều yếu tố để làm nên nội hàm truyện trạng” [47, tr.4]. Còn Trần Hữu Thung cũng khẳng định: “Trong một xóm, thế nào cũng có một người hay nói chuyện trạng. Anh ta có cách nói, cách kể riêng gây cười… Chuyện trạng phụ thuộc
vào người kể. Cùng một chuyện nhưng có người kể hay nhiều, người kể không hay mấy” [86, tr.12].
Tài năng, phẩm chất của người kể chuyện truyện trạng đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, tìm hiểu và đã có nhiều nhận xét xác đáng. Tuy nhiên, ở những tay trạng dân gian này vẫn nổi lên một số đặc điểm bẩm sinh dễ nhận biết mà khó ai có thể phủ nhận được.
Thứ nhất, họ là những người hay nói trạng, có năng khiếu văn nghệ. Có thể coi “phẩm chất” hay nói trạng, ưa pha trò để vui vẻ là tiền đề thiết yếu, tố chất không thể thiếu của những tay trạng dân gian bởi vì “Giữa nói trạng và chuyện trạng có quan hệ qua lại với nhau. Từ các nội dung nói trạng có thể chuyển thành truyện trạng và ngược lại có thể dựa vào nội dung các truyện trạng để nói trạng” [94, tr.56].
Thứ hai, người kể chuyện có khả năng hư cấu hấp dẫn. Đây là phẩm chất không thể thiếu của người kể chuyện bởi vì truyện trạng là do “chủ quan người kể hư cấu, bịa đặt và phóng đại lên. Đa số truyện trạng là bịa đặt. Bịa đặt mà vẫn thấy thực. Biết là không thể có thật mà ai cũng buồn cười, cũng chấp nhận” [86, tr.8].
Thứ ba, những người kể chuyện thường là những người rất hóm hỉnh và thông minh. Điều này được thể hiện ở chỗ họ có cái nhìn rất tinh nghịch, láu lỉnh và phản ứng rất nhanh trước các sự vật, sự việc và những tình huống của cuộc sống. Đồng thời, cũng là khả năng ứng biến một cách hài hước trong sự lắp ghép các truyện trạng lẻ, tạo thêm các tình tiết vui cười bên lề nội dung những truyện trạng được kể trong sinh hoạt truyện trạng.
Thứ tư, họ thường là những người có một phông văn hoá lớn, hiểu biết rộng về việc làng, việc nước, thuộc nhiều thơ ca, hò vè. Đây cũng được coi là một điều kiện để “hành nghề” của các những người hay nói trạng. Trong sinh hoạt truyện trạng, vốn kiến thức, phông văn hoá sâu rộng của người kể chuyện là một nét hấp dẫn đối với những thành phần tham gia khác. Điều này cũng là dễ hiểu bởi có biết nhiều thì khả năng vận dụng và ứng phó với tình huống càng linh hoạt, càng thú vị. Một nhà nghiên cứu đã đánh giá, kho kiến thức của người kể chuyện trạng tương đương với một nhà nghiên cứu văn hoá bây giờ.
Cuối cùng, người kể chuyện là người có khả năng tập hợp và thu hút được nhiều các đối tượng tham gia. Đây được coi là chỉ số kết quả về tài năng của người kể chuyện bởi vì sinh hoạt truyện trạng là sinh hoạt tập thể, cộng đồng. Trong sinh hoạt truyện trạng, đối tượng tham gia ngoài người kể chuyện còn có đông đảo và “thập cẩm” những thành phần khác, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp. Việc thu hút và tập hợp
các đối tượng tham gia được coi là “cái duyên”, là hệ quả của những thiên tính trời phú và vốn kiến thức, khả năng tích luỹ kinh nghiệm của người kể chuyện.
3.4 Thủ pháp gây cƣời
Nếu coi thủ pháp là toàn bộ biện pháp để tạo ra tiếng cười thì trong sinh hoạt truyện trạng, phải kể đến hai loại hệ thống thủ pháp gây cười. Thứ nhất là những thủ thuật gây cười của người kể chuyện như điệu bộ, cử chỉ, ngôn ngữ gây cười… những yếu tố tạo ra tiếng cười nằm ngoài nội dung văn bản truyện trạng được kể. Có thể coi đây là những thủ pháp gây cười trong môi trường diễn xướng do người kể chuyện tạo ra nhằm tăng tính hấp dẫn, “bổ sung” tiếng cười cho các nội dung mà mình kể. Nói cách khác, nó là nghệ thuật pha trò của người kể chuyện. Thủ pháp này không thể hiện một cách riêng rẽ tại thời điểm mở đầu hay kết thúc câu chuyện hoặc là xuất hiện trong giai đoạn tiếp nối giữa hai câu chuyện được kể mà nó xuất hiện một cách linh hoạt trong quá trình diễn xướng của người kể chuyện. Nó có thể len lỏi và xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào đang kể truyện trạng, có khi nó còn có tác động bổ trợ và phối hợp với những tình huống cười trong từng truyện lẻ và ở đây lộ diện rất rõ vai trò gây cười của người kể chuyện. Thứ hai là những thủ pháp gây cười nằm trong những nội dung truyện trạng được kể, mà cụ thể ở đây là những thủ pháp thuộc về phần truyện trạng có thể cố định bằng văn bản. Vì vậy, trong luận văn này, chúng tôi chỉ tìm hiểu một số thủ pháp gây cười thường gặp trong các văn bản sưu tầm truyện trạng.
Thứ nhất là khai thác các yếu tố phi lý để gây cười. Truyện trạng đặt ra các tình huống đặc biệt, ngộ nghĩnh để nhân vật bộc lộ những hành động, lời nói, cử chỉ trái tự nhiên, không hợp với lẽ thường và có một số trường hợp đáng cười như lời nói đáng cười, cử chỉ đáng cười, hoàn cảnh đáng cười… Với việc vận dụng và tạo ra các yếu tố phi lý để gây cười, thì mức độ giòn giã của tiếng cười phụ thuộc vào khả năng nhận thức của người tiếp nhận. Một câu chuyện cười sẽ không tạo ra tiếng cười nếu người nghe không nhận thức được các yếu tố đáng cười trong đấy bởi vì khi cười “người ta đã đứng cao hơn đối tượng”. Mặc dù tính chất phi lý có nhiều cấp độ, không phải lúc nào cũng là món ăn bày sẵn mà có lúc phải tư duy, ngẫm nghĩ và có độ lùi thời gian nhất định mới phát hiện ra cái đáng cười song truyện trạng thường khai thác yếu tố phi lý ở cấp độ đơn giản, dễ hiểu, dễ nhận biết trong sinh hoạt đời thường nên có khả năng gây cười ngay lập tức sau khi kể.
Thứ hai, truyện trạng thường đánh tráo khái niệm, đảo chiều suy nghĩ, tạo ra các đột biến trong tư duy của người tiếp nhận. Theo đó, truyện trạng lắp ghép các mâu thuẫn một cách bất ngờ, linh hoạt tạo nên một sự “gài bẫy biện chứng” và kết nối các sự kiện, tình tiết một cách linh hoạt, thông minh. Truyện trạng thường vận dụng các từ đồng âm,