6. Bố cục luận văn
3.5.1 Không gian
Có thể nói, nông thôn là không gian đặc trưng và bao trùm toàn bộ truyện trạng xứ Nghệ từ môi trường diễn xướng đến không gian nghệ thuật trong văn bản truyện trạng. Chính điều đó làm nên tính “cát cứ” và đặc sản của truyện trạng khiến cho truyện trạng khó có thể di chuyển từ vùng này sang vùng khác.
Là một loại hình sinh hoạt văn hoá đặc sắc, truyện trạng có hai loại không gian gồm không gian diễn xướng và không gian trong các văn bản truyện trạng thì cả hai loại đó đều là không gian ở nông thôn. Trong văn bản truyện trạng, không gian ở nông thôn cũng được phản ánh một cách bao quát, đa dạng và toàn diện. gần như ở mọi chốn ở làng quê, từ không gian riêng tư (buồng cưới của vợ chồng) đến không gian công cộng (chợ búa, đình làng) đều đậm chất nông thôn, mang dáng dấp, hơi thở của nông thôn. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi truyện trạng lấy nông thôn làm đề tài, nguồn chất liệu, ngọn nguồn của cảm hứng sáng tạo. Không gian nông thôn bao trùm lên toàn bộ thế giới nghệ thuật truyện trạng khi thì xuất hiện trực tiếp trong văn bản truyện trạng với những nét đặc thù của không gian nông thôn như bến đò, con đường làng, đình, chợ quê, chùa chiền, cổng chuồng bò, đồng ruộng, lên rừng, quán sá, đền làng, bờ suối, bìa rừng…; khi thì xuất hiện gián tiếp qua những nếp sinh hoạt hàng ngày của người dân. Tuy nhiên, loại không gian này không có tính xác định rõ rãng, nó là biểu tượng muôn đời của nông thôn truyền thống. Dù có đề cập những địa điểm cụ thể của nông thôn là đình, chùa, đền làng… song nó là ước lệ về một thứ không gian chung chung, vốn đã quen thuộc với người dân trong nhiều thể loại văn học dân gian khác như ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích...
Bên cạnh đó, loại không gian thứ hai cũng là không gian sinh động và giàu tính bản sắc của truyện trạng là không gian diễn xướng - “bầu sinh khí” của sinh hoạt truyện trạng. Khác hẳn với loại không gian ước lệ, bất biến trong phần văn bản truyện trạng, không gian nông thôn trong sinh hoạt truyện trạng hay nói cách khác là địa điểm sinh hoạt truyện trạng rất sống động và cụ thể, nó là muôn màu của cuộc sống nông thôn. Có thể nói đây là một “phần hồn” của truyện trạng, là điểm xuất phát làm nảy sinh truyện trạng và là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến không khí sinh hoạt truyện trạng. Loại không
gian này nó mang tính cụ thể và riêng biệt bởi nó được đóng khung trong bối cảnh đó với những con người hoạt động trong đó tại thời điểm nhất định. Thông thường, không gian này gắn liền với các địa điểm công cộng như ở luỹ tre làng, bên bếp lửa, bên ấm nước chè xanh, đầu cổng làng, đồng ruộng, bờ đê… những địa điểm này là môi trường thuận lợi để phát sinh, phát triển truyện trạng. Truyện trạng rất khó có thể diễn ra ở một không gian riêng tư, hạn hẹp, hạn chế có tính chất cá nhân bởi vì sinh hoạt truyện trạng là loại hình sinh hoạt tập thể, cần nhiều người, nhiều đối tượng tham gia thì chỉ có ở những địa điểm mang tính công cộng mới có thể đáp ứng được điều này.