6. Bố cục luận văn
4.1 Truyện trạng xứ Nghệ và hệ thống truyện về các ông Trạng
Về cơ bản, truyện trạng là những mẩu chuyện nói phét, nói bông phèng, có nguồn gốc từ nói trạng, khác hoàn toàn với truyện về các nhân vật tài giỏi lưu truyền trong dân gian mà nhân dân tôn xưng là trạng nguyên như: Trạng Lợn, Trạng Quỳnh, Trạng Cờ, Trạng Quét, Trạng Vật, Trạng Ngô... Mặc dù, truyện trạng xứ Nghệ và chùm truyện về các ông Trạng (còn gọi là truyện Trạng) có những nét gặp nhau như đều chứa đựng cái hài và có tác dụng gây cười, đều sử dụng nghệ thuật phóng đại… song như chúng tôi đã nói ở chương I, tiểu mục 1.1.4 thì về bản chất, hai loại truyện trạng này là hoàn toàn khác nhau.
Trên phương diện kết kết cấu, truyện trạng xứ Nghệ là những truyện cười lẻ, tồn tại một cách độc lập, trong khi truyện về các ông Trạng là loại truyện cười kết chuỗi. Theo đó, mối quan hệ giữa các truyện trạng là rất lỏng lẻo, thậm chí là không có mối liên hệ gì với nhau còn truyện về các ông Trạng tồn tại thành từng chùm, nhiều truyện xoay quanh một chủ đề, một loại nhân vật. Truyện về các ông Trạng nằm trong một hệ thống kết cấu khá chặt chẽ, hoàn chỉnh nên gần như quy định sẵn vị trí của các chi tiết trong bản thân từng truyện, giữa truyện này và truyện khác trong cùng một chủ đề về một nhân vật, trong cùng một hệ thống truyện về một nhân vật nào đó, thậm chí là trong cùng một hay nhiều chủ đề về nhiều nhân vật. Trong khi đó, hầu hết truyện trạng xứ Nghệ đều phát triển từ một vài tình tiết gây cười nhỏ lẻ nên hình thức kết cấu thường không hoàn chỉnh, nhiều truyện không có cốt truyện hoặc cốt truyện hết sức đơn giản, truyện đã kết thúc nhưng người thưởng thức vẫn có cảm giác câu chuyện vẫn còn tiếp diễn sau đấy.
Về nhân vật, trên phương diện văn bản sưu tầm, đa số truyện trạng là nhân vật không có danh tính cụ thể, nhân vật tồn tại với một “địa vị” trong xã hội rất chung chung, đại diện cho một nhóm hoặc một tầng lớp người như anh nông dân, thầy cúng, lý trưởng, thầy đồ, học trò… Còn nhân vật của truyện về các ông Trạng bao giờ cũng gắn với một tên gọi cụ thể, thậm chí là có một lai lịch rất rõ ràng như Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Trạng Cờ… Ngoài ra, trong truyện về các ông Trạng, nhân vật là trung tâm của tiếng cười và chủ động tạo ra các tình tiết cười (tiêu biểu là Trạng Quỳnh), cái hài trong truyện xuất phát từ tính hài trong một nét tính cách nào đó của nhân vật (tiêu biểu là Trạng Lợn). Trong khi, ở truyện trạng xứ Nghệ, tình tiết cười là chính, là trung tâm, nhân vật dường như bị động trong hoàn cảnh, tính chủ động trong việc tạo ra tiếng cười của nhân vật khá mờ nhạt. Ở đây, cái hài của hoàn cảnh đã lấn át cái hài trong tính cách của nhân vật. Bên cạnh đó, nhân vật trong truyện về các ông Trạng là những con người kỳ lạ, phi thường,
thậm chí là tài giỏi kiệt xuất như Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Trạng Gạt, Trạng Ăn… và đa số là những nhân vật tích cực, được nhân dân ca ngợi và tôn xưng là Trạng. Khác hẳn với các ông Trạng, nhân vật trong truyện trạng xứ Nghệ, trừ chùm truyện về các nhân vật Cố Bờ Ao, Chắt Vạn, Mân Nhụy, Phan Điện thì hầu hết đều là những con người đời thường, mang đầy đủ đặc điểm của một con người bình thường với những tật xấu phổ biến của con người.
Trên phương diện đề tài, truyện trạng xứ Nghệ khai thác một cách đa dạng, toàn diện và đủ mọi loại đề tài để tạo ra tiếng cười, không loại trừ một lĩnh vực nào cả. Và ở một mặt nhất định, đề tài của truyện về các ông Trạng so với truyện trạng xứ Nghệ sẽ khiêm tốn hơn, thường chỉ tập trung vào một số những vấn đề mấu chốt, nổi cộm trong xã hội. Chùm truyện Trạng Lợn là nhằm phê phán thói hư tật xấu như lười, tham ăn…; chùm truyện về Trạng Quỳnh dùng để châm biếm, đả kích hệ thống vua, quan của chế độ phong kiến; chùm truyện về Trạng Ăn, Trạng Vật, Trạng Cờ thì đề cao tài ăn khoẻ, tài vật, tài đánh cờ…
Mặt khác, phần lớn truyện trạng xứ Nghệ khai thác những mâu thuẫn xảy ra trong cuộc sống đời thường của người dân, gây cười bằng việc sắp xếp, tổ chức các hiện tượng trái tự nhiên, vì thế tính chất hài hước ở mức độ là những phản ứng về mặt tư duy logic là chủ yếu. Trong khi đó, truyện về các ông Trạng lại khai thác những mâu thuẫn có tính chất đối kháng. Mâu thuẫn trong loại truyện này thường là những xung đột mang tính giai cấp, hình ảnh các trạng dường như là hình ảnh đại diện cho nhân trí tuệ, sức mạnh của nhân dân, thường xuyên được đặt trong thế đối đầu với giai cấp thống trị như vua chúa, quan lại mà tiêu biểu nhất là Trạng Quỳnh. Theo đó, tiếng cười ở đây là do các phản ứng của nhân dân trước những hiện tượng đi ngược lại với những tiêu chí đạo đức, nhân cách, những chuẩn mực xã hội mà nhân dân đặt ra.
Về mức độ xung đột, truyện trạng xứ Nghệ ít kịch tính, mâu thuẫn thường dễ bị “xí xoá”, việc giải quyết tình huống đặt ra trong truyện nhiều khi không theo hướng giải quyết xung đột theo đúng bản chất của nó. Tuy nhiên, mâu thuẫn trong truyện về các ông Trạng giàu kịch tính, thường là được đẩy đến cao trào, tột cùng của xung đột và bắt buộc phải giải quyết, nhân vật nhiều lúc bị đẩy vào hoàn cảnh một mất một còn, tiêu biểu là chùm truyện về Trạng Quỳnh. Bên cạnh đó, nếu như truyện trạng xứ Nghệ tập trung phản ánh các xung đột tồn tại, nảy sinh ở cuộc sống thường ngày ở nông thôn, xung đột giữa người dân (những người bình thường, đời thường) với các thế lực phi lao động xung quanh thì truyện về các ông Trạng, tiêu biểu là chùm truyện về Trạng Quỳnh lại phản ánh những xung đột xảy ra ở môi trường cung đình, họ không phải là những người bình
thường mà là những con người phi thường, khác thường, có tài năng kiệt xuất đang đối đầu với tầng lớp thống trị đương thời, đứng đầu là bọn vua chúa.
Cuối cùng là xét trên phương diện mục đích, vai trò, ý nghĩa của tiếng cười thì truyện trạng xứ Nghệ lấy tiếng cười làm mục đích, khai thác và vận dụng mọi thứ để gây cười, tiếng cười là trên hết, là trung tâm, còn các yếu tố khác là phương tiện. Trong khi đó, truyện về các ông Trạng lại lấy tiếng cười làm phương tiện, làm thứ vũ khí tự vệ của nhân dân. Nếu như tiếng cười trong truyện trạng xứ Nghệ đa số là tiếng cười hài hước, bông phèng, mua vui và thường bùng khởi ở cuối truyện thì tiếng cười trong truyện về các ông Trạng lại mang sắc thái châm biếm, đả kích, tiếng cười dường như được báo trước, dồn qua nhiều lớp tình tiết và phát triển theo mạch vận động của cốt truyện. Trên một phương diện nhất định, theo quan điểm phân cấp về sắc thái tiếng cười của Đinh Gia Khánh trong Văn học dân gian Việt Nam (trang 369) thì tiếng cười ở chùm truyện về các ông Trạng có ý nghĩa xã hội và giá trị thẩm mỹ tích cực hơn so với tiếng cười của truyện trạng xứ Nghệ.
4.2 Truyện trạng xứ Nghệ và truyện các làng cƣời
Truyện các làng cười là những truyện cười lưu truyền ở các vùng địa phương có truyền thống là thích vui vẻ, hài hước, đơn vị hành chính ở đây làng. Làng là đơn vị hành chính thấp nhất thời phong kiến, trên làng có xã, huyện... Theo cách tập hợp và giới thiệu của Nguyễn Chí Bền trong Tổng tập văn học dân gian người Việt, Tập 8 (Truyện cười)
thì trên đất nước ta có 15 làng cười tiêu biểu là làng Can Vũ (nay thuộc xã Việt Hùng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh), làng Cua (nay thuộc xã Tân Mỹ, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), làng Dương Sơn (nay thuộc xã Liên Sơn, huyện Tân Yên, Bắc Giang), làng Đông An (nay thuộc xã Phong Quang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), làng Đông Loan (nay thuộc xã Đông Loan, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), làng Đồng Sài (nay thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh), làng Hiên Ngang - Hiên Đường (nay thuộc xã Hiên Vân, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh), làng Hoà Làng (nay thuộc xã Phúc Hoà, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang), làng Kẻ Nét - làng Yên Từ (Kẻ Nét nay thuộc xã Mẫn Xá, huyện Tiên Phong và Yên Từ, thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), làng Kẻ Xe - Kẻ Chuối (nay thuộc xã Quảng Minh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, làng Nội Hoàng (nay thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), làng Tiên Lục (nay thuộc huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), làng Trúc Ổ (nay thuộc xã Mộ Đạo, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh), làng Văn Lang (nay thuộc huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ), làng Vĩnh Hoàng (nay thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Như vậy, ngoại trừ làng cười Vĩnh Hoàng, còn 14 làng cười còn lại đều nằm ở ba tỉnh phía Bắc là Bắc Ninh, Bắc Giang và Phú Thọ.
Quá trình tìm hiểu truyện trạng xứ Nghệ, chúng tôi nhận thấy đối tượng nghiên cứu của mình có nhiều nét gần gũi với truyện ở 15 làng cười trên. Thứ nhất, truyện trạng xứ Nghệ và truyện các làng cười đều sử dụng biện pháp ngoa dụ, phóng đại như một công cụ nghệ thuật đắc lực trong việc gây cười và đều khai thác những chi tiết, sự vật, sự việc, tình tiết, tình huống xảy ra trong cuộc sống đời thường làm đối tượng để gây cười. Thứ hai, cấu trúc của truyện trạng và truyện ở các làng cười đều có sự co duỗi và không bao giờ có thể đóng trong một khung cố định, sự vận động trong không gian, thời gian, trong đời sống thực hành luôn làm mới và bến hoá những cấu trúc đã có sẵn trước đó. Thứ ba, cả truyện trạng xứ Nghệ và truyện ở các làng cười đều có nguồn gốc xuất phát từ nói phét, nói khoác, nói bông phèng…
Tuy nhiên, bên cạnh những nét gần gũi, truyện trạng xứ Nghệ và truyện các làng cười có nhiều nét khác nhau. Cái khác nhau đầu tiên và dễ nhận biết nhất là về phạm vi lưu hành. Truyện trạng lưu hành trong một vùng văn hóa khá rộng lớn, về quy mô địa lý lớn hơn nhiều so với đơn vị hành chính nhỏ nhất thời phong kiến là “làng”. Về quy mô của đơn vị hành chính, tính ở thời điểm hiện tại, xứ Nghệ bao gồm hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, trong khi “làng” là đơn vị hành chính tương đương với “xóm”, trên “xóm” là “xã”, trên “xã” là “huyện”, trên “huyện” là “tỉnh”.
Bên cạnh đó, trên phương diện đề tài, truyện trạng xứ Nghệ khai thác một cách đa dạng, đủ mọi loại đề tài và mọi ngóc ngách trong cuộc sống, từ những tật xấu rất đời thường như mê ngủ, hà tiện…, đến những xung đột mang tính giai cấp, còn truyện các làng cười lại chủ yếu tập trung vào các sản vật của địa phương như các loại củ, lá… Về việc sử dụng các thủ pháp nghệ thuật để gây cười, truyện trạng sử dụng yếu tố tục như một trong những phương tiện để gây cười, trong khi truyện các làng cười lại dường như không sử dụng yếu tố tục. Cách thức gây cười trong truyện các làng cười chủ yếu sử dụng thủ pháp phóng đại, cường điệu và mức độ phóng đại ở đây là siêu đại ngôn, trong khi ở truyện trạng dù có sử dụng yếu tố phóng đại nhưng so với truyện các làng cười thì không bằng cả về mức độ lẫn tần số sử dụng. Mỗi truyện trạng là một truyện cười lẻ nhưng theo chủ quan của người viết, truyện các làng cười có tính tập hợp và kết chuỗi dù mức độ kết chuỗi này không bằng truyện về các ông Trạng. Mỗi một làng cười chỉ có một vài đặc sản nhất định, theo đó mỗi loại đặc sản là trung tâm của một chùm truyện xoay quanh. Mặt khác, trên phương diện người kể chuyện thì trong các văn bản truyện trạng, người kể chuyện không lộ diện, người đọc có cảm giác cốt truyện, sự việc tự vận động song trong truyện ở các làng cười, người kể chuyện thường là nhân danh cho địa phương mình, tự phô bày và “quảng cáo” cho các đặc sản của làng mình. Tuy nhiên, trên một phương diện nhất định, người kể chuyện trong truyện ở các làng cười thường lộ diện
và là đầu mối dẫn dắt mọi diễn biến, tình tiết trong sự vận động của câu chuyện sẽ giống với người kể chuyện trong sinh hoạt truyện trạng. Ngoài ra, kết thúc của truyện trạng bao giờ cũng bất ngờ, đột ngột và hấp dẫn hơn truyện ở các làng cười dù tiếng cười của truyện trạng và truyện ở các làng cười đều giòn giã ở cuối truyện. Trên phương diện ngôn ngữ, truyện trạng xứ Nghệ sử dụng một khối lượng lớn từ địa phương nên dấu ấn bản địa trong truyện trạng là rất rõ trong khi dấu ấn bản địa về mặt ngôn ngữ của truyện ở các làng cười là mờ nhạt.
4.3 Truyện trạng xứ Nghệ và truyện cƣời một số vùng khác
Nếu như việc đặt truyện trạng xứ Nghệ bên cạnh truyện ở các làng cười giúp người viết nhận ra nhiều điều thú vị về những nét riêng của truyện trạng cũng như sự gặp gỡ giữa truyện trạng với truyện các làng cười thì trong luận văn này, chúng tôi thấy rất cần thiết phải đặt truyện trạng trong thế đối sánh với truyện cười ở một số vùng khác trong cả nước. Lý do là, khi đặt truyện trạng xứ Nghệ bên cạnh truyện cười ở các vùng khác thì mới có thể giúp người đọc có cái nhìn bao quát và toàn diện về vị trí truyện trạng xứ Nghệ trong làng cười Việt Nam vì nó tương xứng với nhau về mặt quy mô địa lý (vùng này so sánh với vùng kia). Trong khi đó, truyện ở các làng cười về quy mô địa lý nhỏ hơn rất nhiều so với một vùng rộng lớn (xứ Nghệ).
Theo Ngô Đức Thịnh trong Văn hoá vùng và phân vùng văn hoá thì nước ta có 7 vùng văn hoá gồm: 1). Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có xứ Đoài, xứ Bắc, xứ Đông; 2). Việt Bắc; 3). Tây Bắc và miền núi Bắc Trung Bộ; 4). Duyên hải Bắc Trung Bộ, trong đó có các tiểu vùng văn hoá xứ Thanh, xứ Nghệ và xứ Huế; 5). Duyên hải trung và nam Trung Bộ, trong đó có xứ Quảng; 6). Trường Sơn và Tây Nguyên; 7). Nam Bộ. Tuy nhiên, trong số các vùng văn hóa của cả nước thì có 3 vùng văn hoá là Việt Bắc, Tây Bắc và miền núi Bắc Trung Bộ, Trường Sơn và Tây Nguyên chủ yếu là các dân tộc thiểu số sinh sống. Vì thế, trong khả năng của mình, chúng tôi chỉ đặt truyện trạng xứ Nghệ trong thế so sánh với truyện cười của 4 vùng còn lại thông qua các tiểu vùng điển hình cho mỗi vùng đó. Với vùng văn hoá đồng bằng Bắc Bộ thì theo chúng tôi, truyện làng cười xứ Bắc có lẽ là điển hình hơn cả song trong số 15 làng cười mà chúng tôi so sánh với truyện trạng xứ Nghệ ở mục 4.2 thì chỉ trừ truyện cười Vĩnh Hoàng là ở huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị còn 14 truyện làng cười còn lại đều thuộc truyện cười xứ Bắc nên trong tiểu mục này, chúng tôi chỉ tiến hành so sánh truyện trạng xứ Nghệ với truyện cười ở vùng duyên hải trung và nam Trung Bộ thông qua truyện cười xứ Quảng; với truyện cười ở vùng Nam Bộ. Cuối cùng, trên phương diện là những tiểu vùng văn hoá cùng thuộc một vùng văn hoá, chúng tôi so sánh truyện trạng xứ Nghệ với truyện cười xứ Huế (đều thuộc truyện cười vùng duyên hải Bắc Trung Bộ).
Bên cạnh việc cùng sở hữu những đặc điểm chung của thể loại truyện cười, truyện trạng xứ Nghệ với truyện cười xứ Huế, xứ Quảng và vùng Nam Bộ còn có một số điểm tương đồng. Đó là người kể chuyện trong truyện ở các vùng này đều ẩn mình, không trở thành người phát ngôn trực tiếp trong tác phẩm và dấu ấn địa phương, màu sắc bản địa về mặt ngôn ngữ của mỗi vùng đều được thể hiện trong các truyện cười của vùng đó. Mặt khác, giữa truyện trạng xứ Nghệ với truyện cười của các vùng trên cũng có nhiều điểm khác nhau.
Về mặt đề tài, truyện trạng xứ Nghệ và truyện cười Nam Bộ phong phú hơn hẳn so