Truyện trạng là một bộ phận đặc sắc của sinh hoạt văn hóa dân gian xứ

Một phần của tài liệu Một số đặc điểm của truyện trạng xứ Nghệ (Trang 63)

6. Bố cục luận văn

4.5.2Truyện trạng là một bộ phận đặc sắc của sinh hoạt văn hóa dân gian xứ

Trong đời sống cộng đồng của người Việt, nếp sinh hoạt văn hóa dân gian đóng một vai trò hết sức quan trọng, là món ăn tinh thần không thể thiếu, phản ánh nhiều mặt trong đời sống của người dân. Mỗi một vùng đất với những nét đặc thù về địa lý, tập quán sinh hoạt khác nhau sẽ có những hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian riêng. So với các vùng khác trong cả nước, xứ Nghệ là vùng đất có nhiều nét văn hóa đặc sắc, đậm chất mặn mòi, nắng lửa của miền Trung. Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu thì sinh hoạt văn hóa dân gian ở xứ Nghệ cũng vào loại giàu có, phong phú và có nhiều nét đặc thù riêng. Bên cạnh hát ví, hát phường vải, hát dân ca, kịch nói, chèo, tuồng…, thì ở xứ Nghệ còn có một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian hết sức đặc sắc là sinh hoạt truyện trạng. Tất cả các hình thức sinh hoạt trên làm nên đời sống tinh thần đa dạng và toàn vẹn của

người dân xứ Nghệ. Tuy nhiên, khác với hát ví, hát phường vải, hát dân ca, trên một phương diện nhất định, sinh hoạt truyện trạng mang tính ngẫu hứng hơn, tính chất cộng đồng cao hơn. Điều này thể hiện ở chỗ, thành phần tham gia của hát ví, hát phường vải, hát dân ca… thường là những người có năng khiếu văn nghệ và họ có một sự chủ động nhất định khi tham gia các sinh hoạt này. Chẳng hạn như, trong các sinh hoạt này, người tham gia trước khi tham gia cũng phải xác định “vai diễn” của mình. Muốn tham gia hát ví, hát phường vải, hát dân ca thì phải nắm được người đang hát với mình là ai, đang hát cái gì và hát như thế nào để từ đó mới có thể biết được mình cần phải đáp trả ra sao. Trong khi đó, truyện trạng nổ ra ngoài ý định, dường như là hết sức ngẫu nhiên, mang tính tự phát và không có một sự dàn xếp nào trước đó. Thành phần tham gia truyện trạng cũng hết sức tình cờ, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, trình độ, có năng khiếu hay không có năng khiếu. Nếu có năng khiếu văn nghệ, hài hước, có phẩm chất của những “tay trạng” dân gian thì họ tham gia diễn xướng, còn nếu không có năng khiếu thì họ trở thành những người tán thưởng, người nghe và hưởng thụ các câu chuyện trạng. Là một loại hình sinh hoạt văn hóa mang tính tự túc, truyện trạng đã ăn sâu vào máu thịt, trở thành một phần tất yếu của nhân dân xứ Nghệ hàng đời nay. Sau những giờ lao động mệt mỏi, cùng nhau quần tụ bên ấm chè xanh hay khi cùng nhau giúp đám cho nhà ai đó… người dân xứ Nghệ lại tìm đến truyện trạng bởi ở đó, họ có thể tự do trêu đùa, bông phèng và cùng nhau vui vẻ một cách hả hê nhất. Chính vì mở rộng và thu nạp đủ mọi thành phần tham gia mà truyện trạng trở thành một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian rất bình dân, hết sức phổ biến trong đời sống thường nhật của người dân xứ Nghệ. Người dân Nghệ Tĩnh cũng được đánh giá là những con người ưa vui vẻ, thích cười đùa. Và phải chăng, bản tính hay nói trạng của người Nghệ là nhân tố thúc đẩy truyện trạng phát triển một cách rầm rộ hay chính sự phát triển của truyện trạng lại góp phần hun đúc nên thói quen thích nói trạng của người Nghệ?

Một phần của tài liệu Một số đặc điểm của truyện trạng xứ Nghệ (Trang 63)